Home Đời Sống Tài Liệu Đông Hải với Hoàng Sa Trường Sa theo Ngoại Sử và Văn Học Sử Trung Quốc

Đông Hải với Hoàng Sa Trường Sa theo Ngoại Sử và Văn Học Sử Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Luật Sư Nguyễn Hữu Thống   
Thứ Ba, 02 Tháng 2 Năm 2010 21:22

   Trúc rừng Nam Sơn không ghi hết tội  -     Nước biển Đông Hải chưa rửa sạch mùi
(Bình Ngô Đại Cáo)

Để có một ý niệm tổng quát chúng ta có thể phân chia lịch sử Trung Quốc như sau:

Thời Đế Quốc Thứ Nhất (First Empire) khoảng 440 năm với các đời Tần-Hán từ năm 221 Trước Công Nguyên đến năm 220 Tây Lịch.

Thời Đại Phân Hóa Thứ Nhất (First Partition) khoảng 370 năm với các đời Tam Quốc (220-265), Lưỡng Tấn (265-420) và Nam Bắc Triều (420-589).

Thời Đế Quốc Thứ Hai (Second Empire) khoảng 320 năm với các đời Tùy và Đường (589-907).

Thời Đại Phân Hóa Thứ Hai (Second Partition) khoảng 370 năm với các đời Ngũ Đại và Lưỡng Tống (907-1280).
Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 20 có nhà Nguyên Mông (1280-1368) và Mãn Thanh  (từ 1644 đến 1911).

Giữa hai đời Hung Nô thống trị có nhà Minh xen vào (từ 1368 đến 1644).

Sau Cách Mạng Tam Dân (1911) là thời Trung Hoa Dân Quốc. Và kể từ 1955 dưới thời Cộng Hòa Nhân Dân, Mao Trạch Đông phục hồi Chủ Nghĩa Bá Quyền tiếp nối Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế và Minh Thành Tổ.

Trở lại vấn đề Hoàng Sa Trường Sa theo ngoại sử và văn học sử Trung Quốc chúng ta ghi nhận những sự kiện lịch sử sau đây:

Cuối năm 1946, khi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, viện cớ giải giới quân đội Nhật Bản, Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm thuộc Nhóm An Vĩnh Hoàng Sa và đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, năm 1950, khi triệt thoái về Đài Loan, quân đội Trung Hoa Dân Quốc đã rút khỏi các hải đảo này.

Đến tháng 4-1956, thừa dịp Hải Quân Pháp rút khỏi biển Đông Hải, Trung Quốc xâm chiếm 7 đảo Hoàng Sa trong Nhóm An Vĩnh (Amphitrite Group).

18 năm sau, tháng 1-1974, khi quân lực Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam theo Hiệp Định Paris 1973, Trung Quốc huy động toàn lực để xâm chiếm 6 đảo Hoàng Sa trong Nhóm Lưỡi Liềm (Crescent Group).

Đây là những hành vi xâm lăng võ trang vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (Điều 2) đồng thời vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa mặc dầu mọi cam kết minh thị của các quốc gia tham dự và ký kết Hiệp Định Geneva 1954 và Hòa Ước Paris 1973.

Ngay sau đó, để lấp liếm tội trạng và biện minh cho các hành động xâm lược, các báo chí và học giả Trung Quốc như Tề Tân đã nêu lên một số tài liệu ngoại sử và văn học sử để che dấu chính sách Đại Hán. Thay vì xuất trình các bằng chứng lịch sử và viện dẫn các điều khoản pháp lý, Trung Quốc chỉ nêu lý do duy nhất là Biển Đông Nam Á hay Biển Nam Hải là Biển Lịch Sử của Trung Quốc. Đối với họ đây là một vấn đề bất khả tranh nghị.  Điều đáng lưu ý là những lý lẽ và tài liệu này chỉ được đưa ra sau cuộc xâm lăng võ trang năm 1974.

Đối với các tài liệu trích từ văn học sử hay ngoại sử chúng ta phải cảnh giác về thái độ và lập trường của một số nhà văn, nhà thơ. Nhiều khi họ thường diễn giải những sự kiện lịch sử bằng cách thi vị hóa và lý tưởng hóa những sự thật lịch sử.

Tự hào về những thành tích bành trướng thời Đại Hán, các tiểu thuyết gia như La Quán Trung trong Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa thường gán cho đồng minh của nhà Lưu, những ý tưởng và âm mưu hoàn toàn trái ngược với ý nghĩa cao cả của cuộc liên minh chống kẻ thù chung. Trong đời Tam Quốc với Ngụy, Thục và Ngô, sách lược căn bản của Gia Cát Lượng và Lưu Bị là “Bắc Cự Tào Tháo, Đông Hòa Tôn Quyền”. Theo chính sử Khổng Minh và Chu Công Cẩn (Chu Du) là những bạn đồng minh và tri kỷ:

Đồng hao đồng tuổi liên Tôn Sách,
Một kiếp tri âm kết Khổng Minh.

 (Tố Như, Chu Lang Mộ)

Vậy mà, tác giả Tam Quốc Chí cố tình gán cho Chu Du những âm mưu đen tối chỉ muốn bách hại Gia Cát Lượng dầu chưa đạt được chiến thắng Xích Bích.

Cũng trong tinh thần này, theo chính sử, Tôn Quyền muốn gả em gái Tôn Quận Chúa cho Lưu Bị để thắt chặt tình thân hữu giữa hai nhà Tôn Lưu. Vậy mà La Quán Trung đã thêu dệt nên truyện  Tôn Trọng Mưu dùng Quận Chúa làm mỹ nhân kế để quản thúc Lưu Huyền Đức. Nhằm đề cao nhà Hán, một số văn nghệ sĩ Trung Hoa thường gọi người hào kiệt là “Hảo Hán”.

Cũng vì nhớ tiếc thời Đế Quốc Tần Hán, các văn nghệ sĩ vẫn quan niệm Trung Hoa là một quốc gia thống nhất với lãnh thổ  bao la. Kể cả trong thời Đại Phân Hóa từ các đời Tam Quốc, Lưỡng Tấn và Nam Bắc Triều. Bài Vu Thành Phú của Bảo Chiếu là một dẫn chứng điển hình trong phương pháp lấy văn chương thay lịch sử.

VU THÀNH PHÚ CỦA BẢO CHIẾU ĐỜI NAM BẮC TRIỀU

Đây là thời đại loạn của lịch sử Trung Quốc với các đời Tam Quốc (3 nước), Lưỡng Tấn (16 nước) và Nam Bắc Triều (7 nước). Ước mơ được thấy quê hương thống nhất, nhà thơ Bảo Chiếu mường tượng lãnh thổ Trung Quốc bao la:

“Về phía Nam: rong ruổi đến miền Thương Ngô, Trướng Hải;
Về phía Bắc: chạy thẳng đến miền biên tái Nhạn Môn Quan”

(Nam trì Thương Ngô Trướng Hải; Bắc tẩu tử tái Nhạn Môn)

 “Trì” có nghĩa là phi ngựa thật mau hay phóng xe như bay từ miền Quảng Tây (Thương Ngô) và Quảng Đông (Trướng Hải) đến biên thùy Thanh Hải, Thiểm Tây, Tây Vực hay Gobi.

Ngày nay, một số học giả Trung Quốc như Tề Tân đã khiên cưỡng viện dẫn câu phú này để giải thích rằng lãnh thổ Trung Hoa thời xưa bao gồm cả miền Trướng Hải hay biển Nam Hải  nơi toạ lạc các hải đảo Hoàng Sa Trường Sa.
Đây là phương pháp dẫn chứng tài tử, dùng văn chương thơ phú, ca dao ngạn ngữ làm tài liệu lịch sử để đòi chủ quyền lãnh thổ.

Chẳng khác nào dân gian Việt Nam thường hát câu: “Dã tràng xe cát Biển Đông, Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”,  hay câu “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn” để đòi cho Việt Nam chủ quyền lãnh thổ toàn vùng Biển Đông Hải chạy từ Việt Nam qua Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Nam Dương.

Đời Tây Hán, Nam Hải hay Trướng Hải là vùng biển ven bờ Nam Hoa cách huyện Hải Phong hay Kim Huyện (Quảng Đông) 50 dậm về phía nam (khoảng 25 km ). Các nhà thám hiểm đại dương người Ả Rập, Ba Tư, Ấn Độ,  Hòa Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp v…v… khi đến vùng tiếp giáp Trung Hoa, muốn cho tiện họ gọi đó là Biển Nam Hoa. (Ngoại nhân xưng Nam Trung Quốc Hải).

Theo chính sử Trung Quốc,  năm 214 Trước CN Tần Thủy Hoàng thôn tính các nước Bách Việt để chia thành 3 quận: Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng Quận (Bắc Việt). Như vậy, từ nguyên thủy Nam Hải là Biển Nam của Trung Quốc (Southern Sea) cũng như Biển Đông của Việt Nam, Biển Tây của Phi Luật Tân hay Biển Bắc của Mã Lai, Nam Dương.

Như đã trình bày trong phần chính sử, theo Tân Tự Điển Thực Dụng Hán Anh do các học giả Trung Hoa biên soạn tại Hongkong năm 1971 “Nam Hải là vùng biển kéo dài từ Eo Biển Đài Loan đến Quảng Đông”.

Như vậy Nam Hải không có nghĩa là biển của nước Trung Hoa về phía Nam. Cũng như Biển Ả Rập, Biển Ấn Độ (Ấn Độ Dương) hay Biển Nhật Bản không thuộc chủ quyền riêng biệt của Saudi Arabia, Ấn Độ hay Nhật Bản.

Từ thế kỷ 15 khi phong trào thám hiểm và doanh thương quốc tế phát triển mạnh trên đại dương, các tàu xuyên dương chạy từ Đại Tây Dương qua Mũi Hảo Vọng đến Ấn Độ Dương. Trước hết phải qua Biển Ả Rập (Arabian Sea) là vùng biển chung của các nước Saudi Arabia, Ba Tư, Đại Hồi, Ấn Độ, Oman và Yemen.

Cũng theo ý nghĩa này,  Ấn Độ Dương là vùng biển chung của  một số quốc gia  tại Đông Phi và tại Nam Á như Ấn Độ, Đại Hồi, Tích Lan, Bangladesh, Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam Dương… 

Về phía bắc Thái Bình Dương, Biển Nhật Bản cũng là vùng biển chung cho 4 nước: Nhật Bản, Nam Hàn, Bắc Hàn và Nga.

Về phía nam, Biển Nam Hải cũng là vùng biển chung cho một số các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Trung Hoa, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, Nam Dương v…v…

Theo cuốn Tự Điển Từ Hải xuất bản năm 1948, “Nam Hải thuộc chủ quyền chung của 5 quốc gia là Trung Hoa, Việt Nam, Mã Lai, Phi Luật Tân và Đài Loan”.

Nói tóm lại, nếu Biển Ả Rập, Ấn Độ Dương hay Biển Nhật Bản không thuộc chủ quyền chuyên độc của Ả Rập, Ấn Độ hay Nhật Bản, thì Biển Nam Hoa  (South China Sea) cũng không thuộc chủ quyền riêng biệt của Trung Hoa. Nó lả vùng biển tiếp giáp Hoa Nam. Danh xưng chính xác của nó là Biển Đông Nam Á (Southeast Asian Sea).

Đây chỉ là một tập quán trong ngôn ngữ hàng hải của các nhà thám hiểm và doanh thương quốc tế.  Khi tầu ghé đến nước nào,  muốn cho tiện,  họ gọi đó là biển của nước ấy như Biển Ả Rập, Biển Ấn Độ, Biển Trung Hoa hay Biển Nhật Bản. Đây không phải là sự bất thông sử sách của các nhà địa lý học Âu Mỹ. Ngay cả người Trung Hoa, với mặc cảm tự tôn sẵn có về thiên quốc hay thiên triều, cũng không  dám ghi trong chính sử  để độc chiếm danh nghĩa và chủ quyền lãnh thổ của họ tại vùng biển này. Họ muốn bắt chước Đế Quốc La Mã gọi Địa Trung Hải là “Biển của Chúng Tôi” (Mare Nostrum/Notre Mer).

Năm 111 Trước CN, Hán Vũ Đế thôn tính Nam Việt do Triệu Vũ Đế thành lập (năm 207 Trước C.N.). Từ đó Nam Việt được đổi tên thành Giao Chỉ Bộ, và vùng biển Việt Nam có tên là Giao Chỉ Dương chạy từ bờ biển Bắc Việt đến Thanh Hóa, Nghệ An (Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam), Đời nhà Tống (từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 13) trong cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp, học giả Chu Khứ Phi cũng gọi Biển Nam Hải là Giao Chỉ Dương.

Đời nhà Minh (thế kỷ thứ 15), về những chuyến công du của Trịnh Hòa, Mã Hoan viết Doanh Nhai Thắng Lãm, và Phi Tín viết Tinh Tra Thắng Lãm nhắc đến Thất Châu Dương tại vùng biển Hoàng Sa, và Côn Lôn Dương tiếp giáp Trường Sa.

Đặc biệt dưới  đời nhà Thanh, nho sĩ Trần Luân Quýnh viết cuốn Hải Quốc Văn Kiến Lục (xuất bản năm 1744), nói về các hải đảo và vùng biển từ Trung Hoa đến các nước Đông Nam Á, đã minh thị xác nhận Việt Hải và Việt Dương là hai danh xưng của Biển Việt Nam:

“Tại Đông Nam Châu Á, đảo Nam Áo nhỏ mà bằng phẳng, vùng có bãi cát thu hút dòng nước tứ phía thuyền không đến được, nếu lại gần thì bị cuốn hút không thể quay ra được. Cách Nam Áo 7 canh đường chỗ nổi chỗ chìm đều có ngấn cát dài tới 200 dậm. Phía nam ngấn cát nối tiếp đến Việt Hải là Vạn Lý Trường Sa [Hoàng Sa]. Và phía nam bãi cát ấy lại mọc đá ngầm đến Bãi Thất Châu [Thất Châu Dương] gọi là Thiên Lý Thạch Đường. Thuyền Tây Dương đi Trung Quốc về phía đông Côn Lôn Dương và Thất Châu Dương ở ngoài Vạn Lý Trường Sa đến Phúc Kiến và Chiết Giang. Thuyền Nhật Bản đi Nam Dương phía ngoài Vạn Lý Trường Sa mênh mông không lấy gì làm chuẩn đích đều từ Việt Dương trong khoảng các đảo ấy mà đến Thất Châu Dương” (Đại Nam Nhất Thống Chí trích dẫn, Hà Nội, 1970).

Trước đó, đời nhà Minh bản đồ Mao Khôn cũng ghi Giao Chỉ Dương là vùng Biển Việt Nam. 

Về phương diện chính sử, trong 22 thế kỷ từ các đời Tần Hán đến Thế Chiến II, không thấy tài liệu nào,  hay nói rõ hơn, không có câu nào trong sử sách Trung Hoa ghi Hoàng Sa-Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.

Từ khi thôn tính Nam Việt cho đến khi mất ngôi, nhà Tây Hán không có một chút thế lực nào tại vùng biển phía Nam đảo Hải Nam. Trong thời gian này dân Lê (hay Ly) thường nổi dậy chống đối. Rốt cuộc nhà Hán không giữ nổi hai quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ. Dưới đời Hán Nguyên Đế (48-33 Trước C.N), theo trình tấu của Giả Quyên Chi, vua Hán đã truyền rút quân khỏi Châu Nhai và Đạm Nhĩ  (Hải Nam). Mãi tới các đời Lương Tùy trong thế kỷ thứ 6 mới đem quân trở lại.

Câu phú của Bảo Chiếu nói về đại lục Trung Hoa chạy từ Nhạn Môn Quan  phía bắc đến miền Trướng Hải phía nam chỉ là mơ ước của nhà thi sĩ. Đây là giai đoạn Đại Phân Hóa 170 năm thời Nam Bắc Triều với 7 nước Ngụy, Tề, Chu tại miền bắc và Tống, Tề, Lương, Trần tại miền nam [Tranh thủ thời cơ này, tại Giao Châu, Lý Bôn, Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử đã lần lượt nổi dậy chống nhà Lương để dựng nước Vạn Xuân tự chủ và thiết lập nhà Tiền Lý trong 60 năm, từ năm 544 đến 602].

Như vậy, phương pháp của Tề Tân lấy văn chương thơ phú làm tài liệu lịch sử là một sáng kiến kỳ dị trái với khoa học khách quan và sự thật lịch sử.

Mãi đến tháng 3-1974, sau khi Trung Quốc tiến chiếm Hoàng Sa, Tề Tân mới tìm cách biện hộ cho hành động xâm lược này bằng cách viện dẫn những tài liệu về ngoại sử và văn học sử để bao biện bằng những luận điệu chủ quan và những quyết đoán hồ đồ, vô căn cứ. (a posteriori gratuitous affirmations). Đặc biệt nhất và kỳ dị nhất là câu phú của Bảo Chiếu đời Nam Bắc Triều.

Luận cứ Tề Tân được phổ biến trên báo Thất Thập Niên Đại Nguyệt San tháng 3-1974  với bài “Nam Hải Chư Đảo Đích Chủ Quyền Dữ Tây Sa Quần Đảo Chi Chiến” . Ngoài bài phú của Bảo Chiếu,  tác giả còn trích dẫn một số tác phẩm về ngoại sử và văn học sử  trong 22 thế kỷ, từ đời nhà Hán đến đời nhà Thanh.

(Trích trong cuốn “Đông Hải với Hoàng Sa Trường Sa theo Chính Sử, Ngoại Sử và Văn Học Sử Trung Quốc” sẽ được xuất bản vào Mùa Xuân tới đây)