Home Đời Sống Tài Liệu Người Hoa, đồng âm tự và đầu óc dị đoan

Người Hoa, đồng âm tự và đầu óc dị đoan PDF Print E-mail
Tác Giả: Quách Xuân Sơn   
Thứ Năm, 21 Tháng 1 Năm 2010 14:58

Sinh trưởng trong một gia đình người Hoa nên ít nhiều tôi quen thuộc với những cách sử dụng ngôn ngữ giao tế

 trong mọi tầng lớp từ bình dân cho đến các thành phần trí thức trong cộng đồng người Hoa. Có lẽ nói đến mê tín dị đoan thì chủng tộc nào cũng có nhưng phải nói nặng mùi "dị đoan" nhất phải kể đến dân tộc Trung Hoa.


 
Đầu năm, người nào đến mừng tuổi mà mang tên "Phát" hay tên "Tài" thì họ rất mừng vì "Phát Tài" là điều tất cả đều mong muốn và các bạn nào có tên không được được hay thì mần ơn ở nhà dùm để khỏi bị mang tiếng oan hoặc vả tháp tùng những người khác cho chắc ăn. Nhờ vậy lúc còn đi học trung học, bọn tôi thường vẽ 2 chữ "Thần Tài" trên các tờ giấy đỏ đi gõ cửa từng nhà vào giao thừa và mồng một Tết để kiếm tiền lì xì. Do cái tên, tôi biết có môt người tự nhiên làm giàu một cách bất ngờ.
 
Chuyên này xảy ra ở Việt Nam trước năm 1975.  Số là một anh tên "Tài" sau một thời gian dài thất nghiệp mới đi học lái xe. Ra trường do một cơ duyên có một ông chủ hãng xuất nhập cảng cần tài xế (Ông tài xế cũ qua đời) nên mướn anh. Tự dưng khoảng sau năm 68 (Tết Mậu Thân), từ khi mướn anh, ông chủ ăn nên làm ra tiền vô như nước và anh này được tăng lương vùn vụt, tiền thưởng hàng năm rất hậu hĩ mà chính anh cũng có phần thắc mắc cho đến một hôm nhân lúc trà dư tửu hậu ông chủ mới nói :
 
"Nị piết không ngọ với ni hạp lắm"
 
Anh tài xế hỏi lại một cách rụt rè:
 
"Dạ thưa ông chủ, hạp là sao ạ ?"
 
Ông ta mới vỗ vai anh mà nói:
 
"Ngọ tên Phát, nị tên Tài. Hai người hợp lại là Phát Tài, Phát Tài dài dài... tốt lắm...Hi hi hi."
 
À thì ra là vậy, anh tài xế vỡ lẽ... Theo tôi biết sau này anh được cất nhắc đối đãi như anh em ruột thịt với ông chủ. Bởi vậy tôi thường nghe má tôi hay nói lúc tôi còn nhỏ:
 
"Không sợ sinh nhầm số xấu mà chỉ sợ mang tên xấu."
 
Câu này cũng có phần đúng như trường hợp trên tuy nhiên có gia đình đôi khi sinh con khó nuôi thì lại thường đặt con tên xấu để khỏi bị "bắt" đi như mọi người mê tín thường nghĩ. Do đó có những tên thằng Cu, cái Hĩm, thằng Chuột, thằng Tèo (Người Việt), thằng Heo (Tưa Kía), thằng Cứt Heo (Tưa Sái), thằng Cẩu (Chó) (Người Hoa)... Dù vậy người Tàu không bao giờ đặt tên con có chữ liên hệ đến chữ “Cu” vì chắc họ nghĩa tên đó nghe không đươc thanh, mang đầy dục tính chăng?
 
Thông thường những tên xấu ít khi xuất hiện trên giấy khai sinh hay căn cước chỉ là tên gọi ở nhà tuy nhiên theo tôi biết có một vài gia đình người Việt đã đặt tên con xấu ngay trên giấy khai sinh luôn. Có gia đình 6 người con đều mang tên đồ gia vị (Chắc ông này xuất thân đầu bếp!):Tiêu, Hành, Tỏi, Ớt, Ngò, Gừng.  Riêng người Hoa thì tên trên giấy tờ ít khi xấu. Những tên "Tô Hà," nghe không được hay lắm nhưng cũng có nghĩa "Con nít mới đẻ ra" như Tăng Tô Hà, Trần Tô Hà, Lương tô Hà..v..v..

Nói về số, người Hoa thích nhất là các số 2, 3, 6, 8 và 9. Theo tôi sở dĩ họ thích vì cách phát âm nhiều hơn, đa phần vì đồng âm nhưng nghĩa khác như số 2 đọc là "Nhị."  Tiếng Quảng gọi là "Dìa" đồng âm với chữ "DỄ" và chữ "DƯ" nên có nghĩa tốt là mọi sự DỄ dàng, tiền bạc DƯ thừa.  Số 3 đọc là "Tam" (Hán -Việt) Xám (tiếng Quảng) âm trại với chữ “Xán” nghĩa là “Sanh” như sanh sôi nẩy nở cũng tốt. Số 6, tiếng Hán Việt và tiếng Quảng cũng gọi là "Lục," đồng âm với chữ "Lộc" có nghĩa như “Phước Lộc” trời ban. Số 8 gọi là “Bát” (Hán - Việt), tiếng Quảng là "Pạt" âm trại với chữ “Phạt” có nghĩa là “Phát” - phát tài, phát đạt... Riêng số 9, tiếng Hán -Việt là "Cửu,"  người Quảng gọi là "Cẩu" có nghĩa là lâu dài: Trường, trường, cửu, cửu...  Đôi khi trong sự mua bán hàng ngày khi tính tiền, người bán thấy số tiền là $79.99 thì nói với người mua:
 
"Thôi, bà trả chẵn 80 vì đó là con số tốt.”
 
Nhưng người mua thì kỳ kèo:
 
"Bà bớt lại còn 69.99 vì cũng là số tốt, có lộc lâu dài (Lộc cửu cửu)."
 
Ở Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore hay những nơi có đông đảo người Hoa các bảng số xe có các số 888 hay 999 đắt như tôm tươi vì ý nghĩa may mắn của nó. Tuy nhiên chữ “Bát” không có nghĩa là lúc nào cũng tốt vì đối với những người hay soi mói nói chuyện người khác, chúng ta gọi nôm na là “người nhiều chuyện” thì người Hoa gọi là "Bát Ông, Bát Bà."  Sau này người Việt có lẽ theo người Hoa cũng dùng chữ "Tám" để ám chỉ những hành động như vậy.  Thí dụ:
 
"Ôi cái bà này (Ông này) tám quá (Tò mò chuyện người khác).”
 
Người viết không hiểu tại sao người Hoa lại loại trừ trường hợp này khi nhắc đến cái tốt của số 8.

Có một anh bạn hỏi tôi chữ "Thèo lèo" trong món mứt “thèo lèo, cứt chuột” cúng ông Táo có phải là do từ tiếng "Trà liệu" có nghĩa là vật liệu dùng để ăn khi uống trà của người Hoa không? Mặc dù tôi không rõ xuất xứ của tiếng này; nhưng nếu đọc "Trà liệu" theo tiếng Tiều (“Té liếu”) thì tôi thấy cũng hơi giống (Thèo lèo) biết đâu "Thèo lèo" có nguồn gốc từ tiếng Triều Châu không chừng?

Bàn về đầu óc dị đoan của người Hoa, chúng ta không thể không kể đến khoa Phong Thủy. Những cuộc đất "Ỷ Sơn hướng Thủy" được xem là những cuộc đất phát ngay cả ông Quách Đàm, người đã bỏ tiền ra xây Chợ lớn Mới khi gia tài bị sụp đổ vì việc bảo lãnh các nhà buôn mượn tiền ngân hàng sai lời không trả tiền làm ông chết theo. Ông không trách họ mà chỉ căm thù nhà nước cho lấp con kinh trước nhà làm hư phong thủy (?)  Ông Quách Đàm tin vào lời thầy địa lý năm xưa cho rằng chỗ ông ở là đầu con rồng, khúc đuôi ở biển cả và nhớ đừng cho lấp kinh tức là lấp mạch rồng sẽ gây nguy cơ cho sự nghiệp. Phố lầu chỗ ông buôn bán làm nên gia sản kết sù, giá mướn rất mắc mỏ, ông đòi mua, chủ nhà không bán, ông vẫn tiếp tục mướn mặc dù ông dư sức mua được một nơi khác lớn hơn và tốt hơn cho việc kinh doanh.
 
Bàn chuyện thiên hạ hơi nhiều, tôi cũng xin được phép nói tí tí về gia đình mình. Bà xã tôi cũng không tránh khỏi dị đoan. Cứ mỗi lần bị thất nghiệp, tôi rất ư là nhức đầu. Không phải chỉ lo vấn đề tìm việc không, tôi còn phải đối phó với sự tin tưởng một cách vô lý của bả. Khi thì phải đổi chỗ cái giường ngủ, lúc thì phải kê lại cái tủ, cái bàn cho đúng hướng phong thủy nhưng cái lo nhất của tôi là việc bà đòi mượn tiền sửa lại nhà cho sáng sủa, đẹp đẽ, dễ ăn nên làm ra. Trời đất ơi!  Thất nghiệp mất nguồn thu nhập mà còn mượn tiền ngân hàng thì lấy đâu mà trả nợ đây... Tôi đâm lỳ, cứ “lửng lơ con cá vàng” riết sau này thất nghiệp nhiều lần nữa nhất là nền kinh tế suy thoái như hiện nay, bà cũng im lặng luôn vì tình trạng chung của mọi người ở xứ này. Với tôi, tôi chỉ tin vào những gì thực tế còn chuyện đất đá cỏ cây, sông nước chỉ là chuyên trên bàn nhậu, lúc trà dư tửu hậu mà thôi chứ làm sao mà đúng được bởi mới có câu ca dao:
 
"Hòn đất mà biết nói năng. Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn."
 
Nếu mà đúng hết thì mấy thầy này chẳng hóa ra là triệu phú, tỷ phú hay ông này, bà nọ hết rồi sao, đâu đến phiên mình.

Việc tặng quà cho bè bạn, người Hoa cũng rất cẩn thận ngay cả việc tăng đồng hồ. Nếu tặng đồng hồ đeo tay thì có nghĩa tốt còn tặng đồng hồ treo tường lại mang ý nghĩa xấu do chữ "Tống chung" (Tặng đồng hồ treo tường).Chữ này cũng có nghĩa khác là "Đưa đám ma" thành ra dễ gây sự hiểu lầm từ người nhận (Người viết cũng đã từng một lần mắc phải lỗi lầm này cũng may là người nhận là chỗ thân thiết trong gia đình).
 
Trong các ngày lễ Tết, mọi thành viên trong nhà đều tuyệt đối kiêng cữ dùng câu, chữ có nghĩa xấu nhất là la rầy, tranh cãi thậm chí nếu con lỡ làm bể chén thì ba má chỉ nói:
 
"Lạc địa khai hoa, phú quý vinh hoa" (Xuống đất nở hoa, phú quý vinh hoa - mang nghĩa hay tốt).
Khi viếng thăm bè bạn trong ngày Tết, món trái cây mà người Hoa thích mang đi là quít vì quít tiếng Tàu gọi là "Cách" (Tiếng Hán - Việt: Kiết) ý nói mang sự KIẾT tường đến nhà.

Tóm lại trong cách dùng lời lẽ khi giao tế hay làm việc gì người Hoa thường chú ý đến những ý nghĩa của các chữ đồng âm đôi khi cũng vì đầu óc dị đoan do đó nếu chúng ta biết thì càng hay. Khuôn khổ bài viết rất hạn hẹp có nhiều thiếu sót và mang cái nhìn thô thiển của người viết, mong rằng sẽ được bổ túc thêm từ các bậc trưởng thượng cùng bè bạn xa gần để nội dung có tính chính xác, triệt để hơn.