Vì sao những chế độ thối nát, độc đoán vẫn tồn tại? |
Tác Giả: Nguyễn Kim Phụng | |||
Thứ Bảy, 02 Tháng 1 Năm 2010 15:38 | |||
Một điều mà chúng ta đều phải công nhận, dù muốn hay không, là chính quyền Việt Nam vẫn tồn tại, chế độ đặc trị, mà các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam, dù cũ hay mới, đang áp đặt trên đất nước Việt Nam thống nhất từ sau 1975 đến nay, vẫn tồn tại dù nó có rất nhiều khuyết tật, có rất nhiều mâu thuẫn và có thể nói là đi ngược lại xu hướng của thời đại. Nguồn: Ðàn Chim Việt Online 2009
Tại sao vậy? Ðể trả lời cho câu hỏi này có cả trăm cả ngàn ý kiến khác nhau, và nghe chừng cái nào cũng có lý! Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy những nguyên nhân để “những chế độ thối nát, độc đoán vẫn tồn tại” như sau: 1- Dân trí ở những nước đó quá thấp! Nếu ở các nước dân chủ (và các nước phát triển nói chung), nhà nước đầu tư vào ngành giáo dục rất nhiều, cộng vào đó là hệ thống thông tin đa chiều, khá độc lập. Qua sự hiểu biết độc lập của mình, dựa trên những thông tin tự kiếm được, từng người dân trên cơ sở những quyền được hiến pháp và pháp luật bảo vệ, có thể đưa ý kiến của mình ra công luận và dùng quyền của mình để đấu tranh bảo vệ nó bằng nhiều hình thức, có thể bằng hình thức đăng đàn diễn thuyết, bằng hình thức viết báo hay trả lời phỏng vấn truyền hình, thậm chí có thể thành lập các tổ chức, đoàn thể, kể cả các đảng phái chính trị.Còn ở nước ta (và những nước lạc hậu khác như các nước Châu Phi, vùng Trung Cận Ðông (trừ Israel ), Bắc Triều Tiên, rồi Nepal v.v...), dân trí nói chung vẫn còn ngang tầm thời “phong kiến, trung cổ.” Trừ một vài thành phố lớn, nơi thông tin được cập nhật qua các kênh khác nhau, phần lớn người dân vẫn có tư tưởng, ý thức và cách suy nghĩ “sau lũy tre làng.” Với họ, ý kiến đúng là ý kiến của ông xã trưởng, người vẫn “ký” các giấy tờ cho họ, vẫn cấp cho họ những giấy giới thiệu này kia, vẫn “cho phép” lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái. Sau nữa là lời nói hay chỉ thị của ông trưởng họ, dù những người này, có học hay vô học, biết suy xét hay chỉ giống kẻ mù, những người tự thấy mình là “phận con, phận cháu” vẫn cứ phải nghe theo vì sợ mang tiếng, sợ thiên hạ đàm tiếu! Chả thế mà cho đến nay, năm 2010 rồi, ở Việt Nam, phép vua vẫn thua lệ làng! Giả sử chúng ta có đưa vào những nước này luật pháp, dựa trên cơ sở nền tảng dân chủ, đa số dân chúng cũng đâu có hiểu, áp dụng và thi hành và vì thế đâu có dám đứng lên đấu tranh để “đòi” thực thi cái “hiến pháp và luật pháp” đã được ban bố đó! Chúng ta hãy tận dụng các kỹ nghệ mới nhất của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ngành tin học, để dân VN dần dần được mở mang đầu óc, tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ và nhờ vậy dân trí lên cao dần, đó chính là chuẩn bị tạo ra “những viên gạch xây nền móng” cho nền dân chủ sắp tới ở VN. 2- Nhà nước đang cầm quyền của chính đảng độc đoán: (nó có thể mang tên đảng cộng sản, đảng cấp tiến hay gì gì khác nữa), củng cố quyền lực của mình qua cách “mua chuộc một số ít phần tử quan trọng trong xã hội.” Ai cũng biết rằng quốc nạn “hối lộ” ở Việt Nam và ở nhiều nước chậm phát triển khác, cực kỳ trầm trọng. Vậy mà chẳng có “liệu pháp” gì để chống và trừ diệt nó cả! Tại sao chúng ta nói “con người” mà không nói người?! Vì trong đa số chúng ta, phần “con” vẫn nhiều hơn phần “người”! Bạn nuôi một con chó, một con mèo, một con lợn mà cho chúng ăn đầy đủ thì chẳng có con nào bỏ bạn đi và sẽ trung thành với bạn cả đời! Chúng cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện rằng “các ông chủ” nuôi chúng cho một mục đích nhất định, có thể để “làm thịt” trong một dịp lễ hội nào đó (ứng với người thì đi lính đánh nhau chẳng hạn, có thể chết mà chẳng biết chết vì cái gì, chỉ chết vì cái bánh vẽ mà thôi!). Ðó, các thể chế độc đoán, đặc trị (mà các nước Cộng Sản thuộc nhóm này) đã sử dụng phương pháp này. Các nhà cầm quyền đã “mua” tất cả những kẻ nắm vai trò chủ chốt, từ các ông bộ trưởng, thứ trưởng đến các ông giám đốc các công ty quan trọng, các nhà ngoại giao (những người này thường là những người có trình độ, được đào tạo hẳn hoi chứ không phải dạng “vô học” như nhiều người vẫn lầm tưởng đâu!), đến những kẻ thuộc hàng “đạo đức và học thức đều đáng nghi ngờ” được sử dụng trong hàng ngũ “cảnh sát.” Ðặc điểm chung của họ là “ngậm miệng ăn tiền!” Ðừng có nói rằng họ không biết “chủ nghĩa Cộng Sản là quái thai, là đi ngược với xu hướng phát triển của nhân loại,” nhưng họ muốn có cuộc sống “sung túc và xa hoa” cho bản thân và cho gia đình họ, nên họ vẫn tâng bốc và bảo vệ chế độ, nhờ đó bảo vệ quyền lợi riêng của chính mình! Bạn phải biết rằng những ông giáo sư, những ông tiến sĩ trong các trường “đảng”, chẳng hạn trường “Nguyễn Ái quốc” cũ - hay là học viện “HCM”, khi giảng giải về Chủ nghĩa Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế hay về “luận thuyết kinh tế của chủ nghĩa xã hội”, đã phải khó khăn lắm lắm, phải cố gắng “hết mình” như thế nào mới tìm được ra những lời ngụy biện để có thể rêu rao “rằng chủ nghĩa Xã Hội hay chủ nghĩa Cộng Sản là đúng đắn, là con đường phát triển “duy nhất của loài người”! Họ biết là mình nói láo, biết là mình nói dối nhưng vì “cái nhà, vì miếng đất, vì ghế ngồi,” đôi lúc vì “sợ vợ - ông nói phét ít thôi, cái chính là mua được nhà được đất, được làm ông này bà kia, có tiền cho con đi Anh, Pháp Mỹ du học!” rồi những người làm “cảnh sát Cộng sản, từ trung ương đến địa phương,” những kẻ “mất dạy cũng hạng nhất, từ cờ bạc rượu chè trai gái đến dạng bán thầy phản bạn!” nên họ vẫn phải “cố sống, cố chết” bám vào cái thây ma đang càng ngày càng mục rữa! Cố sống cố chết bám lấy cái ghế đang ngồi “nhờ nó mới có nhiều kẻ đem phong bao đến!” Những con người này, trông rất đạo mạo, nói có vẻ rất hay, rất “tình người” song rất “đạo đức giả.” Ðiều đáng buồn là họ chính là “ông bà, bố mẹ, con cái, trưởng tộc” của không ít người trong chúng ta đấy! Mà bạn có dám đứng lên “chống lại chính ông, bà, bố, mẹ, vợ, chồng” của mình hay không, có dám kết án họ hay không, hay bạn đành phải đóng vai trò của một kẻ biết mình hèn những đành phải chịu? Chỉ khi nào trong bạn, phần “người - homo sapien sapiens” nhiều hơn phần “con”, bạn mới dám suy nghĩ và xé toạc cái vẫn “vây kín” mình từ xưa tới nay, mới dám hy sinh những gì mà đa số vẫn cho là “đáng giá, là cao quí.” Ðó, các nước có thể chế đặc trị (các nước Cộng sản) đã áp dụng triệt để điều này, họ đã dùng 1/10, hay 1/100 những người “cúc cung tận tụy” để chèn ép và tước quyền của số người còn lại kia! Nhờ thế chế độ dù thối nát đến đâu vẫn “cứ còn tồn tại” - thật đáng buồn cho dân tộc Việt Nam! 3 - Do thời điểm chưa đến, chưa chín mùi! Thời điểm phải là chín mùi và được thế giới (đặc biệt là các nước lớn, mạnh) ủng hộ mới có thể thành công. Thời điểm “dân chủ” đến với các dân tộc Ðông Âu và Nga năm 1989 và 1991. Các dân tộc ở những nước này đã chuẩn bị sẵn sàng cho cơ hội, khi “mùa Xuân” đến, họ đã trỗi dậy như những mầm cây khi tuyết tan hết, không gì cản được, dù xương máu bỏ ra rất ít! Những chuẩn bị cho việc “đón nền dân chủ” này được thai nghén từ năm 1956 tại Hungaria, năm 1968 tại Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Tiệp Khắc (mùa Xuân Praha) hay tại Ba Lan từ khi có phong trào công đoàn đoàn kết (1980-1982). Khi các dân tộc này đứng lên, cả thế giới (trừ Trung Quốc, Việt Nam và những nước Cộng Sản trung cổ kiểu Bắc Triều Tiên, Cuba) đã đồng lòng ủng hộ và vì thế họ đã thành công. Ở Việt Nam, đúng là cũng đã từng có mầm mống, đó là khi ông Trần Xuân Bách dám nói ra mong muốn có ở Việt Nam một thể chế “đa nguyên, đa đảng” vào những năm 80 thế kỷ trước, thế nhưng đã bị “dập tắt từ trong trứng,” vả lại ông Trần Xuân Bách cũng không có tầm cỡ như Gorbachev (của Nga) hay Havel (của Séc), để có thể nhận được sự ủng hộ đông đảo. Thêm vào đó, tôi (tự nhận) thấy rằng, thời điểm chưa đến với Việt Nam vì những người “muốn cầm cờ và phất cờ” hiện nay cũng chưa xứng với tầm cỡ. Những người như thế phảt có lòng vị tha, lòng yêu dân tộc, yêu nhân loại chứ không vì hận thù cá nhân (kiểu lý luận: tôi người Nam, các anh Bắc kỳ vào xâm chiếm nên tôi phải “đòi lại những gì đã mất,” hay tôi người Bắc, ngần ấy năm theo kháng chiến, hết đánh Pháp, đuổi Nhật đến đánh Mỹ, đánh Tàu, những gì tôi có tôi phải bảo vệ đến cùng!) Thời điểm chín mùi của cách mạng dân chủ tại Việt nam sẽ đến khi “đa số người dân Việt Nam, biết mình là ai, quyền lợi của mình đến đâu và biết rằng tất cả các cuộc chiến tranh chém giết đều là vô nghĩa, mong muốn ở Việt Nam có hòa bình, mong muốn có một chính quyền ôn hòa, đa nguyên đa đảng và dân chủ.” Thêm vào đó nữa, một điều không thể bỏ qua là nhân tố “thế giới“ hiện nay. Các nước dân chủ lớn và mạnh (Mỹ, khối EU), do cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, tạm thời gác lại vấn đề “dân chủ” vì nhiều lý do. Trước hết do quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Họ nợ Trung Quốc khá nhiều, nay “há miệng mắc qua,” các vấn đề “dân chủ, quyền con người” đành phải gạt sang một bên, không còn làm căng như trước nữa. Chính thế, họ không còn “to tiếng, nhiệt tình” ủng hộ (cả về chính trị lẫn kinh tế) các phong trào dân chủ ở những vùng “không nằm trong các mối ưu tiên hàng đầu - Việt Nam nằm trong số đó! Có lẽ thời điểm Cách Mạng Dân Chủ cho Việt Nam phải từ 5 đến 10 năm nữa theo thiển ý của tôi. Tất nhiên không vì thế mà những người mong muốn có “dân chủ” ở Việt Nam nản chí, chúng ta hãy làm những người gieo hạt, vì có gieo hạt mới hy vọng có “mùa gặt” sau này! 4 - Lý tưởng, mục đích sống của (đa số) người đã bị thay đổi! Mới trước đây độ 30, 40 năm, con người còn hay nói chuyện và tranh luận với nhau về mục đích và ý nghĩa của cuộc sống. Nào là sống để cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, cho sự tiến bộ của loài người, nào là sống để làm những việc từ thiện vv... Từ khi các phương tiện truyền thông kỷ nguyên thông tin lên ngôi (TV, Internet), suy nghĩ, lối sống và mục đích sống của đại đa số đã chịu chi phối nghiêm trọng. Những người nắm trong tay các phương tiện truyền thông này, biết rõ quyền lực của chúng, đã sử dụng chúng cho mục đích của mình. Ở các nước đặc trị, độc tài, chúng được dùng để khuếch trương thanh thế cho chính đảng cầm quyền, tuy biết đa số thông tin là dối trá nhưng quảng đại quần chúng vẫn ít nhiều bị tác động. Chả thế mà dân Việt Nam ta, trong đó có rất nhiều người có học đàng hoàng, vẫn mở miệng câu “nhờ ơn Bác và nhà nước... tôi mới được thế này, thế kia vv...”, cũng may là từ “ơn đảng“ đã dần dần bị bỏ đi. Ở các nước phương Tây (và ngay tại các nước có chế độ đặc trị, hay CS hiện nay), đáng tiếc là do lối sống “quá thực dụng,” phong cách sống theo nền “văn minh tiêu dùng” nên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đi theo hướng này. Các giá trị vật chất được tôn thờ và ngày càng được đẩy cao hơn lên, các giá trị tinh thần càng ngày càng ít được nhắc đến! Ngay ở nước Mỹ, đại đa số, khi được hỏi về mục đích sống cũng chỉ mong muốn “làm ra tiền nhanh nhất hoặc kiếm được quyền chức, địa vị cao nhất” chứ mấy người trả lời rằng họ “phấn đấu cho sự công bằng xã hội, đấu tranh cho nền dân chủ trên toàn thế giới này.” Chính vì sống với mục đích “tôn thờ vật chất” nên chỉ cái gì có lợi cho bản thân trước mắt họ mới làm, chứ chuyện - “đấu tranh cho nền dân chủ” thì quá xa vời “hơi đâu mà ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng!” Yếu điểm “vật chất” của đại đa số đã được các chính quyền đặc trị sử dụng một cách triệt để. Họ đã dùng những “món lợi” để mua chuộc (như đã nêu ở trong điểm 2 phần 1) và cũng dùng chúng làm vũ khí để dọa dẫm, đè nén (nếu anh chống lại tôi, anh sẽ mất hết, mất cả gia đình, mất cả tài sản). Như vậy với hai yếu tố, bên trong thì đa số dân chúng vì sợ hãi nên chỉ lo làm kinh tế, không nghĩ gì đến làm chính trị, bên ngoài thì dân chúng cũng vì hám lợi,” cái gì có lợi mới làm, nên cũng không hoặc không tích cực ủng hộ cho phong trào “đấu tranh cho dân chủ, cho quyền con người và công bằng xã hội.” 5 - Yếu tố “Ðịa lợi”! Tôi xin nhắc lại câu của người xưa ‑ muốn làm thành công một sự nghiệp phải cần hội tụ đủ các điều “thiên thời, địa lợi, nhân hòa.” Về thiên thời và nhân hòa đã được nói trong điểm 1 và 3 (phần 1), về địa lợi tôi cũng đã nói sơ qua ở điểm 3 (phần 1). Xin phân tích kỹ hơn ở đây. Ai cũng biết rằng các nước Ðông Âu và Ðông Ðức cũ nằm sát Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết (Liên Xô) và đã từng chịu sự kiểm soát, điều khiển của nó. Nếu nước Nga Xô Viết còn nằm chình ình ở đó, nếu ông Gorbachev không cương quyết tiến hành “cải tổ, đổi mới” và có đầu óc dân chủ “không can thiệp vào nội bộ của các nước Ðông Aạu, không ngăn cản việc thống nhất nước Ðức,” thì các nước này không thể thiết lập được chế độ dân chủ sau năm 1989 đâu! Thật đáng tiếc, Việt Nam chúng ta lại nằm sát với Trung Quốc, một đất nước “Cộng Sản nông dân kiểu Mao ít”, một nhà nước đặc trị từ 1949 đến nay mà đảng cầm quyền thuộc loại cực kỳ cứng rắn, cực kỳ tàn bạo, cực kỳ nham hiểm. Chưa nước nào dám “bắt” quân đội (lực lượng vũ trang dùng để bảo vệ tổ quốc, chống ngoại xâm chứ không phải để làm “phương tiện” cho các nhà chính trị tranh giành quyền lực, ghế ngồi) vậy mà ban lãnh đạo Trung Quốc đã dùng quân đội để đàn áp những người biểu tình tay không, dùng xe tăng “để cán chết” chính “ông bà, bố mẹ, vợ con, anh em ruột thịt” (vụ Thiên An Môn). Trung Quốc, mặc dù về bản chất hiện trạng đâu có phải là Chủ nghĩa Xã hội hay Chủ nghĩa Cộng sản, chỉ thuộc dạng ‑ mác ngoài thì vậy nhưng trong ruột thì không lại rất sợ bị cô lập. Bằng mọi cách và mọi giá, họ phải duy trì chí ít ra thì những nước mà “cái mác ngoài Xã hội Chủ nghĩa” vẫn giống họ (Bắc Triều Tiên, Cu Ba, Việt Nam), để khi cần thiết vẫn có thể trương ra cái thương hiệu “chả gì chúng tôi vẫn còn mấy nước theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa.” Vì thế, ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc luôn tìm cách lúc thì mua chuộc, lúc thì dọa dẫm lãnh đạo đảng Cộng Sản của các nước kia. Mà với những người này, vốn bất tài, vô liêm sỉ, tham quyền cố vị lại công thêm sự sợ hãi vì sẽ bị đưa ra tòa truy tố vì tội trạng của mình một khi chính quyền thay đổi, cũng cố bám vào “cái gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc đưa ra như những kẻ sắp chết đuối vớ được phao cứu mạng vậy! Ðây cũng là lời giải thích cho việc tại sao thể chế “Cộng Sản nguyên thủy tại Bắc Triều,” một nước đến thế kỷ 21 rồi dân năm nào cũng chết đói và cứ mỗi lần “sắp chết” thì ban lãnh đạo của họ lại dùng chiêu “phóng thử tên lửa vượt đại châu có khả năng mang đầu đạn hạt nhân” nhằm tống tiền và “xin đểu” viện trợ không hoàn lại của các nước phát triển (chủ yếu là Nhật, Nam Hàn, Mỹ và EU!). Cũng là lời giải thích một phần cho việc tại sao lãnh đạo VN, vốn khá “phát xít, quân phiệt” với dân mình, nhưng lại “nhũn như con chi chi” khi đứng trước các “đồng chí Trung Quốc,” mặc dù biết là “thằng anh đểu cáng kia” nó đang chơi mình đấy, nó đang cướp đất, cướp tài nguyên của nước mình đấy và vì “sự nhũn” mà trong tương lai họ sẽ được dân Việt Nam phong danh hiệu “họ hàng con cháu ruột thịt của Lê Chiêu Thống!” Bản thân Trung Quốc cũng rất sợ có một thể chế dân chủ được thiết lập tại Việt Nam. Khi đó, một đất nước Việt Nam dân chủ sẽ phát triển nhanh, sẽ hội nhập vào cộng đồng đông đảo trên thế giới, sẽ có Mỹ, EU,... sẵn lòng và tích cực bảo vệ, sẽ không dễ dàng chịu để cho “thằng anh” chèn ép nữa đâu. Vì thế, Trung Quốc một mặt tìm cách ‑ mua chuộc và dọa dẫm các đồng chí lãnh đạo, một mặt tự mình hoặc giúp đỡ các đồng chí ấy đàn áp, triệt tiêu phong trào dân chủ ở Việt Nam. Tôi cam đoan, nếu ngày mai ở Trung Quốc thiết lập được chế độ dân chủ (hoặc người lãnh đạo cao nhất của họ xử sự như ông Gorbachev) thì chỉ sau vài ngày Việt Nam sẽ có chính quyền mới, được thành lập trên cơ sở “tự do, dân chủ mang tính đa nguyên đa đảng” ngay... Thay lời kết: Vốn là người học tự nhiên, đâu phải dân xã hội, văn chương để biến “lời thành lời, biến không thành có,” dù mong muốn ở nước nhà có nền Dân Chủ sớm ngày nào, hay ngày ấy, nhưng là người quen làm toán, tôi tự đặt ra các giả thiết cho bài toán dân chủ ở Việt Nam như đã trình bày bên trên. Như tôi đã nói, nó chỉ là chuyện “tầm phào,” tùy mọi người tự hiểu. Thú thực, tôi cũng bị ảnh hưởng khá sâu sắc của cuộc Cách Mạng Nhung của Cộng Hòa Séc, không thích cảnh “máu chảy, đầu rơi,” không muốn nước ta có thêm nhiều nghĩa địa như Trường Sơn nữa. Ðôi lúc tự nghĩ, Ông Gandhi qua đấu tranh hòa bình đã giành được độc lập cho Ấn Ðộ từ tay thực dân Anh, tại sao chúng ta lại không thể làm được điều đó nhỉ? Prague, Tháng Mười Hai, 2009
|