Nguyễn Anh Tú và giấc mơ Mỹ Quốc |
Tác Giả: Huy Phương/Người Việt | |||
Thứ Tư, 30 Tháng 3 Năm 2011 15:40 | |||
Ở phố Bolsa này, chúng ta thường gặp những người Việt không nhà ở đây đó, họ cũng dơ bẩn nhếch nhác như những người vô gia cư bất cứ ở đâu. Có khi chúng ta dừng lại để dúi vào tay người ấy một đồng, nhưng phần lớn là chúng ta dửng dưng bước qua, chuyện nghèo khó, ăn xin đầu đường đâu có gì là lạ. Hai mươi năm về trước khi tôi đặt chân đến nước Mỹ, điều ngạc nhiên đối với tôi không phải là nước Mỹ với xa lộ đầy xe hay cao ốc tráng lệ mà câu hỏi là nước Mỹ, nơi thiên đàng mà ai cũng mơ ước được đặt chân đến, sao lại cũng có người không nhà, sống đường ngủ chợ. Rất ít người còn đứng dậy được để xây dựng lại đời sống tử tế, rồi họ sẽ chết trên đường phố trong một ngày Mùa Ðông giá lạnh nào đó, và dù cho có thể trở về quê hương, vì lòng tự ái, cũng không ai muốn về. Trong số hàng triệu người Việt tỵ nạn trên đất Mỹ, chúng ta có nhiều nhân vật lừng danh, giàu có, nhưng ở trong khu phố này có bao nhiêu đồng bào ngủ đường. Xin lại gần, để biết họ là ai. Là người, họ cũng có một mái gia đình, một tuổi thơ, một mối tình và điều gì đã xô đẩy họ đến tình cảnh ngày hôm nay? Nguyễn Anh Tú là con trai trong một gia đình có năm anh em ở ấp Cái Ðôi Vàm, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Cha mẹ anh là ông bà Nguyễn Anh Dũng có một tiệm “chạp pô” tại ấp. Từ năm 1975 kéo dài tới về sau, Cà Mau là mảnh đất có nhiều cơ hội cho người vượt biển. Tuy vậy cho mãi đến năm 1989, khi Tú 11 tuổi, nhờ có người quen đóng tàu, gia đình mới có cơ hội vượt biển ra đi. Nguyễn Anh Tú đi với cha đến Paulo Bidong ba tháng trước khi mẹ Tú, cậu và ba chị em Tú đến Indonesia. Vào thời điểm này các trại tỵ nạn ở Ðông Nam Á đã đóng cửa, gia đình chia hai nơi này phải đợi đến bảy năm sau, họ lần lượt trở về Việt Nam bằng tàu thủy, từ thành phố Sungai Petani, Mã Lai đến Cần Thơ để rồi năm 1999 mới được chính phủ Mỹ chấp nhận cho đi định cư. Tú còn nhớ rõ tên người bảo lãnh cho gia đình mình là ông Nguyễn Quang Phiệt, một người có tiếng tăm ở Burlington, North Carolina. Từ ngày rời đất Cà Mau, Tú chỉ mới là một đứa trẻ, mãi đến mười năm sau, khi được đặt chân đến Mỹ, đã trở thành một thanh niên. Mười năm, thời gian kẹt ở các đảo và lăn lóc kiếm sống khi về nước, Tú không được sống một cuộc sống bình thường, tử tế. Những năm trở về Việt Nam, gia đình Tú khi ở Cần Thơ, khi lên Saigon, khi trở lại Cà Mau, vì gia đình lúc này đã quá sa sút, nhà cửa ở Cà Mau đã bị tịch thu mười năm về trước. Nguyễn Anh Tú đi làm phụ hồ, rồi bán vé số để kiếm sống, sống gần như lang bạt. Chính trong thời gian này, gần như Tú tách ra khỏi gia đình, trừ lúc phải kết hợp lại theo hồ sơ để cùng đến Mỹ. Tuổi trẻ cũng có vài ba mối tình lăng nhăng, Tú còn nhớ đến tên bạn gái là Huỳnh, người Ðồng Nai. Nhớ đến tình cũ, Tú cười, đưa hàm răng sún: “Gái Ðồng Nai, đi một về hai!” Ít ra trong một phút, Tú nhớ lại một thoáng những ngày vui đã qua, và ánh mắt rạng rỡ, vui như một đứa trẻ thơ. Ðến Burlington, Nguyễn Anh Tú, thích sống tự do, tách ra khỏi gia đình quá sớm, theo bạn bè, không có chỗ dựa tinh thần, và cũng vì hoàn cảnh phải tự lập, cũng như những thanh niên di dân lớn tuổi khác, phải bươn chải để kiếm sống. Tại thành phố này, Tú làm nghề “đi bưng” trong nhà hàng Nhật, công nhân hãng bông vải, hãng làm thảm và cuối cùng, đi làm nail “tài tử”, vì thật ra Tú chưa qua trường thẩm mỹ một ngày nào. Sống độc thân, giang hồ, Tú lại theo bạn bè về San José, cũng chẳng có nghề nghiệp gì nhất định, phụ bán trong hàng thủy sản của chợ Hoa Việt, và cuối cùng không kiếm ra việc làm hay không muốn đi làm nữa, lên xe đò Hoàng về Westminster làm một người “ngủ đường” trên hè phố. “Hành khất” hay “hành giả”? Sang Mỹ, không gần gũi với những người thân, Nguyễn Anh Tú không đủ bản lãnh để tạo cho mình một cuộc sống bình thường, những lúc làm ra tiền không biết dành dụm, rong chơi theo bạn bè, suốt đời ở trọ, share phòng, đến nỗi chưa hề làm chủ được một chiếc xe hơi, và cũng không có nổi một cái bằng lái xe như tất cả mọi người sống trên đất Mỹ. Một thanh niên khỏe mạnh, tươi tắn trải qua một đoạn đường dài gian khổ, tiêu phí vứt bỏ gần 10 năm, mới đến được đất Mỹ, chỉ vì không có gia đình bên cạnh, không có bạn bè tốt, lười biếng, buông thả, cuối cùng trở thành kẻ không nhà. Ở Nguyễn Anh Tú, không có điều gì bất thường, hay trong vai một người ngủ đường, Tú làm ra bất thường. Mới 32 tuổi, mạnh khỏe, lẽ ra Tú phải có một đời sống bình thường, có công ăn việc làm tử tế, có một mái ấm gia đình như những người khác. Không phải là Nguyễn Anh Tú không còn nhìn rõ được con người của mình, trước và sau, trước là Nguyễn Anh Tú sạch sẽ, đàng hoàng có giấy tờ tùy thân, sau là “Ba Chằng” (tên Tú tự đặt cho mình), dơ bẩn, sống lang thang. Nhớ lại, Tú cho biết ngày trước chưa đi bụi, ở San José, Tú có tới tịnh xá Ngọc Ðức, “thỉnh” nhiều kinh sách đạo Phật về đọc. Tú cho biết vào những ngày vía Phật, Tú lên chùa, không phải để khất thực mà để dự lễ. Hỏi Tú ăn chay hay ăn mặn, Tú trả lời: - “Ðại thừa” cũng được mà “tiểu thừa” cũng xong! Hỏi Tú phải đi xin hay người ta tự động cho tiền, Tú cho biết: - Có lúc phải ngửa tay xin, nhưng cũng có lúc “thí chủ” thương tình mà cho! Hỏi Tú sống như vầy, có bao giờ thấy khổ không, Tú đáp: - Biết “tứ diệu đế” là gì rồi, thì không thấy khổ nữa! Lúc không có tiền trong túi thì ăn ngoài (đường), có tiền trong túi, Tú có thể ăn trong (tiệm), “kéo ghế” đàng hoàng. Tú cho biết các tiệm ăn ở Bolsa, dù mình là homeless dơ bẩn, rách rưới, họ cũng tiếp đãi đàng hoàng, không có chuyện kỳ thị. Khi phong lưu thì Tú cũng uống được năm bảy chai bia, nhưng không ghiền, cũng có lúc mang bụng đói một hai ngày. Trong số người không nhà ở khu Bolsa, các bạn gặp người nào quấn nhiều áo quần, chăn mền trên người nhiều nhất, đó Nguyễn Anh Tú, nhân vật trong bài báo này. Không có lẽ nhân vật này không muốn làm “hành khất” mà thích làm “hành giả”? Thông minh, mạnh khỏe, sống lang thang mà không biết buồn, không cảm thấy khổ, ung dung tự tại. Câu hỏi của tôi: “Người thanh niên này hiện nay có cha, có mẹ ở Mỹ, sao lại phải ra nằm đường?” Nguyễn Anh Tú không trả lời vào câu hỏi, mà nói: “Là thành viên trong gia đình mới hiểu được gia đình!” Vậy thì điều gì đã xô đẩy một thanh niên như Nguyễn Anh Tú phải trở thành một kẻ vô gia cư?
|