Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh không phải là Đại Học Sư Phạm, cũng chẳng phải là ''khuôn vàng thước ngọc mô phạm'' Kính gởi: Thầy Phạm Bá Thắng, Hiệu Trưởng Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Nghệ An
Düsseldorf, ngày 02. 7. 2010 Kính thưa Thầy Hiệu Trưởng,
Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh không phải là Đại Học Sư Phạm, cũng chẳng phải là ''khuôn vàng thước ngọc mô phạm'', mà lại đè đầu, bắt Thầy phải ''đàn áp'' học sinh để các em ký vào Bản Cam Kết có điều 3 như sau: ''Không tham gia hoạt động tôn giáo trái phép, sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng công dân gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vi phạm quy ước địa phương.''!
Như vậy, rõ ràng là Thầy đã hiểu sai hai chữ ''thụ nhân''! Trong chế độ cũ, Giảng Đường ''Thụ Nhân'' ở Đại Học Đà Lạt không phải là nơi ''đào lỗ trồng người''! Thầy dư sức hiểu câu mỉa mai của bà con: ''Đứng như trời trồng''! Hóa ra ''bách niên chi kế thụ nhân'' theo kiểu của Thầy là biến học trò thành ''ngây'' hết hay sao? Tuyệt đại đa số các em phải ký vào Bản Cam Kết ấy là hiện tượng nói lên điều gì? Xin thưa: Vì ''háo thắng'', Thầy Phạm Bá Thắng mang danh là nhà ''mô phạm, sư phạm'' đã chiều theo ''bá thuật'' của ''bá đạo'' để rồi trở thành ''sư phạm pháp''!
Hầu làm sáng tỏ vấn đề, tôi xin nêu lên ''tội phạm'' của Thầy như sau: Đó là việc làm không đúng với ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ ''sư phạm'', ngược với chức năng cao quý của ''kỹ sư tâm hồn'', trái với Đạo làm người nói chung, với Việt Đạo nói riêng, làm nhục Quốc Thể, vi phạm Hiến Pháp, coi thường Bộ Giáo Dục, không kính trọng đồng nghiệp, qua mặt đồng bào, phủ nhận sự cộng tác của phụ huynh và thân nhân của học sinh, chà đạp nhân phẩm của đối tượng được giáo dục và nhất là xâm phạm tôn giáo của người khác! Xin Thầy đọc kỹ các tài liệu và nhận định của tôi sau đây để thấy rõ hơn hành động phản giáo dục của Thầy:
1. Ý nghĩa của hai chữ ''sư phạm''
Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn Ngữ Học – Hà Nội – Đà Nẵng) định nghĩa ''chung chung'' chữ ''sư phạm'' như thế này: ''Khoa học về giảng dạy và giáo dục trong nhà trường.'' Còn Hán-Việt Từ Điển của Cụ Đào Duy Anh, có hiệu đính của Hàn Mạn Tử, tức là Cụ Phan Bội Châu, (được Nhà Xuất Bản sao lại), định nghĩa chữ ''sư phạm'' rõ hơn như sau: ''Khuôn phép của thầy dạy.'' Cuốn Thiều Chửu do Nhà Xuất Bản Đà Nẵng in lại, ghi càng cụ thể như sau: ''2: dạy người ta học về đạo đức học vấn gọi là sư như sư phạm giáo khoa, dạy đạo làm thầy.''
2. Đạo Đức của kỹ sư tâm hồn
Xin trích dẫn phần dầu và phần cuối của bài ''Đạo Đức Người Thầy: Những vị Thánh của học trò thời xưa!'', được Trường Phổ Thông Trung Học Lào Cai, số 2, Huyện Văn Bàn, thuộc Sở Giáo Dục và Đào Tạo Tỉnh Lào Cai đăng trên mạng Vietimes như sau:
Phần đầu: ''Tại sao bất cứ một cụ già nào cũng nhắc đến người thầy của mình với một sự tôn kính đặc biệt, đôi khi là thần thánh hóa. Nhưng điều đó dường như lại đang mất dần trong tâm thức của những đứa học trò thời @ hiện nay. Tại quy luật đào thải của một quan niệm đã lỗi thời, hay tại tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường khiến học trò ngày càng hư hỏng và phẩm chất người thầy ngày càng xuống cấp. Vietimes đi tìm câu trả lời cho vấn đề này hòng lý giải một hiện tượng đang gây bức xúc trong xã hội hiện nay: học trò hỗn láo với thầy cô còn thầy cô thì bạo hành học trò.'' (Không thấy kể tội Thầy Giáo ép, mua dâm nữ sinh nhà nghèo, nạn mua bán bằng Tiến Sỹ, người ra trường phải đút lót một số tiền bằng năm năm tiền lương để khỏi bị đưa lên miền núi!)
Phần cuối: ''Những người thầy thời xưa được cả xã hội kính trọng bởi họ hội đủ tài năng và đạo đức. Không chỉ là những người truyền đạo cho học trò, những người thầy còn dạy cho học sinh của mình đạo đức, đạo sống, đạo làm người. Bản thân những người thầy chính là những tấm gương sáng, là “mô phạm” để học sinh noi theo. Người thầy ngày xưa luôn ý thức được vai trò “người dẫn đường” của mình và họ luôn tuân thủ những quy tắc đạo đức để có thể hoàn thành tốt vai trò của một nhà giáo dục. Chính vì thế, một giai đoạn dài của lịch sử dân tộc, những người thầy được tôn sùng như những vị thánh, họ có uy tín, có tiếng nói, có ảnh hưởng trong xã hội và người thầy là một hình ảnh đẹp trong tâm thức của người Việt Nam.''
Bài thơ của tôi sau đây cũng diễn tả phần nào lòng kính trọng Quý Thầy Cô ''thời trước'':
ÂM HƯỞNG THẦY CÔ
Nhớ thời áo trắng thư sinh
Đến trường học tập cho mình thành nhân
Líu lo chim hót vui sân
Lời thầy cô giảng thiết thân như là
Tiếng lòng của mẹ, của cha
Của người xây dựng Sơn Hà xưa nay
Gió vờn, lùa suối tóc bay
Mực trò làm đổ dính tay, dính bàn...
Nhà trường là khoảng không gian
Của tình yêu mến nồng nàn, thanh cao
Thầy cô trân trọng bước vào
Trò liền đứng dậy, cúi chào nghiêm trang
Bài ghi lên bảng rõ ràng
Nết người: nét chữ từng hàng chân phương
Thầy cô dạy sống khiêm nhường
Khai tâm, khải đạo tình thương cho trò
Qua sông sử dụng cầu, đò...
Không thầy cô dạy, mình mò sao ra ?
Thầy cô thay mặt mẹ cha
Là '' từ phụ-mẫu'' thật thà, trung kiên...
Thầy cô ngắm tuổi hoa niên
Nghe lòng phơi phới, bình yên, nhẹ nhàng...
Chính vì ''tôn Sư, trọng Đạo'' như thế mà người Việt đã lập nên trên bốn mươi đền thờ các Thầy Giáo ở ba miền Nam, Trung, Bắc như bàn thờ Thầy Chu Văn An! Xin Thầy vào Website Hoa Linh Thoại (bài ''Ngôi đền thờ thầy cô giáo cổ nhất Việt Nam'') để đọc thêm các đoạn khác ngoài phần sau đây:
Hè năm 1978, Ban Lãnh Đạo Hợp Tác Xã Động Lực quyết định cho chặt hai cây táu làm củi nung gạch. Biết hung tín, các cụ già của thôn Hương Lan kéo nhau ra miếu. Cụ Nguyễn Hữu Bồng (bố đẻ của ông Nguyễn Hữu Yết, thủ từ hiện nay) thét lớn: ''Không được phá nơi thờ thầy cô giáo. Nếu chúng mày định chặt cây thì hãy chặt xác tao luôn thể!'' Bấy giờ người ta mới biết đây là nơi thờ thầy giáo Vũ Thê Lang, vốn quê ở Mộ Trạch, Hải Dương cùng vợ là Nguyễn Thị Thục, quê ở Đông Ngàn, Kinh Bắc lên đây dậy học từ thời Hùng Vương thứ 18. Hai thầy cô tạ thế cùng một giờ, một ngày 2.2. năm Quí dậu (228 trước công nguyên)
Nhưng, ngày nay, hầu hết phụ huynh bên nhà không còn muốn nói với con cái những câu này: ''Không thầy, đố mầy làm nên! Muốn sang, phải bắc cầu kiều! Muốn con hay chữ, phải yêu kính thầy!* Trọng thầy, mới được làm thầy! Những phường bội bạc, sau nầy ra chi! Mồng một tết cha; mồng ba tết thầy.'' Còn các Thầy Cô từ ngoài Bắc vào Nam giảng dạy, kể lại cách bà con ngoài ấy đánh giá ngành sư phạm như sau: ''Chuột chạy cùng sào, mới vào Sư Phạm! Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, bỏ qua Sư Phạm! Sư Phạm ăn tạm củ khoai! Thầy giáo tháo giầy! ''Thưa thày!'' là ''thay thừa''! ''Thay'' là '' thế''; ''thừa'' là ''dư''; ''thế dư'' là ''thứ dê''! (*Phụ huynh đổi ''phải yêu kính thầy'' thành ''phải yêu lấy thầy!'')
3. Danh ngôn về Thầy Giáo
"Giáo dục bắt đầu bằng tình cảm và kết thúc cũng bằng tình cảm." (Makarenko) "Dạy tức là học hai lần." (G. Guibe) "Một gánh sách không bằng một người thầy giỏi." (Ngạn ngữ Trung Quốc) "Gương mẫu của thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất cho sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được. Nhân cách của người thầy là sức mạnh, ảnh hưởng vô cùng đối với học sinh; sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất cứ cuốn sách giáo khoa nào, bằng bất cứ câu chuyện châm ngôn đạo đức nào, bằng bất cứ hệ thống khen thưởng hay hình phạt nào khác." (Usinxki)
4. Làm nhục Nước Nhà là phản quốc và hại dân!
Đồng bào không được ''đẹp mặt, nở mày'' với Thế Giới vì người ngoại quốc ''nhìn'' vào thực chất tồi tệ của Nền Giáo Dục về mặt đạo đức ở VN! Thầy xúc phạm đến tự do tôn giáo được quy định trong Hiến Pháp bởi vì, theo Công Ước Quốc Tế, đó là nhân quyền bất khả xâm phạm! Thầy dùng áp lực ''của người có súng đạn'' (Ủy Ban Nhân Dân) để hăm dọa học trò là điều phản đạo đức của lương sư! Chính Thầy đã gây ra cuộc chiến ''nội tâm âm ỉ'' giữa Thầy-trò! ''Vũ khí'' của Thầy Giáo phải là phương pháp đắc nhân tâm bằng tình thương mến học trò như con. Nhưng thủ đoạn của ''Thầy bài giáo'' tác hại tâm lý hơn cả bao nhiêu lần bom nguyên tử! Bác sỹ chữa bệnh không đúng phương pháp, có thể làm thiệt một vài nhân mạng, rồi phải ngưng tay! Còn Thầy Giáo mà khai tâm, khải đạo sai thì làm hư bao nhiêu thế hệ! Tuyệt đại đa số học trò của Thầy, ngoại trừ năm em can trường, phải uốn cong ''ngòi bút'' mà ký vào Bản Cam Kết là chứng tỏ rằng các em sợ Thầy hơn sợ cọp, không dám ra mặt khinh khi việc làm của Thầy ngược lại ý nghĩa quý báu của sáu chữ ''Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc'' ghi dưới hàng chữ ''Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam''! Hai chữ ''Cộng Hòa'' (res publica) có nghĩa là ''của chung: commonwealth''! Thầy đã biến trò thành diễn viên sân khấu, hay nói cách khác là dạy cho trò đóng kịch, nói láo! Trò cho ''bút sa, gà nòi sống'' trong nỗi oán ghét suốt đời của trò! Hóa ra là Thầy đã dạy lòng căm thù! Bản Cam Kết chỉ là búa đập trên sắt nguội! Cấm sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng là không cho trò đọc, tụng ''Kinh Thường Nhật'' trong gia đình, tham dự nghi thức Bí Tích Xức Dầu Thánh cho người lâm chung, việc trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân..., Lễ Gia Tiên trong ngày cưới, Lễ Tất Niên, Lễ Giao Thừa, Lễ Giỗ, Lễ Minh Niên, Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh..., nghi thức cầu nguyện cho người qua đời, đón dâu theo tôn giáo v.v... Xin được phép hỏi: Trong tư gia của Thầy có Bàn Thờ Tổ Quốc, Bàn Thờ Ông Bà...không, thưa Thầy? Thầy có cất mũ cối, khoanh tay, cúi đầu, thắp nén hương lòng, túc trực bên linh cữu của người mà Thầy kính yêu không? Thầy có sống Đạo thờ Ông Bà, Cha Mẹ không? Thầy có hát câu ''cờ in bóng chiến thắng, mang hồn nước'' không? Hồ Chủ Tịch nói: ''Người Công Giáo kính Chúa và yêu Nước.'' (Không có chữ ''xã hội chủ nghĩa'' vì, nếu có, chẳng lẽ Cụ Nguyễn Trường Tộ, Cụ Nguyễn Du cũng tin có ''trời'' và Đồng Bào Công Giáo ở quê Thầy là người không yêu Nước?) ''Kính Chúa'' thì phải làm theo lời Ngài dạy: ''Nơi nào có hai người họp mặt cầu nguyện thì nơi ấy có Ta!'' Thầy cấm học trò sinh hoạt tôn giáo tại nhà ''riêng'' thì sao không cấm luôn việc học trò của Thầy ngồi nghe ông bà, cha mẹ, cô, chú bác, anh chị giảng giải về Việt Đạo, về đạo làm con, về mười Điều Răn mà Thầy và đồng chí của Thầy đang xúc phạm?
Xin Thầy vào ''Tuổi Trẻ online'' để thấy đất nước người ta rất tôn trọng tự do tôn giáo, không kỳ thị, không ''bươi móc'' lý lịch dù chỉ một đời thì mới cho người Việt làm Bộ Trưởng Y Tế Đức! Nếu ngày trước không được các Xơ Bác Ái nuôi nấng và còn ở VN thì có thể ông Rösler là người bán vé số, ăn xin, biết đâu chừng có khi là người hư đốn do hoàn cảnh xã hội VN hiện nay! Xin Thầy ''chịu khó'' xem phần cuối của bài phóng sự dài hai trang ở Tuổi Trẻ như sau:
''Xơ Maria ở lại khi trẻ em được đưa lên Sài Gòn. “Tôi là cô giáo, phải dạy học” - bà nói, nhưng người ta có thể cảm nhận được lần từ biệt nào cũng gây nhiều cảm xúc cho bà. Bà lại nhìn vào tấm ảnh của Philipp Roesler: “Chúng tôi biết ở nơi khác những đứa bé này sẽ có cuộc sống tốt hơn”. “Thành đạt và hạnh phúc” là điều duy nhất mà xơ Maria ước mong cho những đứa bé của xơ. “Tôi không còn muốn gì cho bản thân nữa - bà nói và cười - Hay là điều này - bà sực nhớ - Có lẽ là một điều rất nhỏ nhoi thôi: tôi có được phép giữ lại tấm hình của Philipp không?”.
Tôi xúc động khi đọc bài này trên Báo Tuổi Trẻ! Dù đang sống trong xã hội bị tha hóa trầm trọng, phóng viên nào đó vẫn còn lương tri! Quý Xơ và Quý Sư Cô (như ma soeur Maria) là hiền mẫu thứ hai, không hề đầu độc tuổi trẻ như Thầy! (Báo Tuổi Trẻ có đăng hình Xơ mang Thánh Giá thật lớn!) ''Ma Xơ'' vẫn còn ''mơ xa''! Một phần ước ''mơ xa'' ấy đã thành sự nơi ông Rösler! Quả đúng như lời Xơ nhận xét, người (mà Thầy gọi là ''thằng, sen đầm quốc tế'') đã xếp loại những ''tên'' vượt biên ''phản quốc'' vào hạng ''Siêu Thiểu Số – Superminority''! Năm ngoái, Nhà Nước ''không xã hội chủ nghĩa'' của Đức xếp học sinh và sinh viên VN vào hạng giỏi nhất Nước họ! Ở hải ngoại, nơi nào có Cộng Đồng người Việt thì nơi ấy có lời ca tụng người Việt về thành công trong học tập, nhân cách và việc đóng góp kiến thức của họ vào lợi ích chung!
Còn ở Việt Nam, mỹ từ ''thụ nhân'' bị biến nghĩa, thành ''trồng người'' theo cách man rợ mà tôi đã trình bày thì ''thầy giáo tráo trở'' cũng đồng nghĩa với ''thầy giáo giở, giở giọng đe dọa''! Chuyện ngược đời là ông Nguyễn Minh Triết, không phải nhà mô phạm, mà dám tuyên bố cho năm châu, bốn bể đều nghe: ''Chúng ta quyết tâm đưa nền giáo dục Việt Nam lên đỉnh cao của Thế Giới!'' Chủ Tịch ''ưa'', chứ làm sao ''đưa'' nổi! ''Phá nhất điểm, khai thông toàn diện'', tức là phải đào tạo nhân cách và tác phong theo tiêu chuẩn đạo đức như ông Rösler, như gần nửa triệu thí thức trẻ VN ở hải ngoại thì may ra! Có lẽ Chủ Tịch ''Minh Triết'' chưa bao giờ nghe câu sau đây của Minh Triết Hy-lạp Aristote: ''Sống trước, triết lý sau. - Primum vivere, deinde philosophari.'' và câu ''Trái với thực tế thì lý luận không có giá trị / sức thuyết phục. - Contra factum non valet argumentum.''
Hơn ba trang này là tâm tư dạt dào tình yêu Nước nồng nàn của Đồng Bào (điển hình là hai bài trên mạng) và của tôi là người xin phép đại diện cho ''nhân dân là chủ'' trong khi ''Chính Phủ là đầy tớ của nhân dân''! (Lời của Chủ Tịch Hồ Chí Minh!) Thầy, Đảng và Nhà Nước nói: ''Làm theo lời Bác''! Cớ sao chẳng bao giờ làm ''đầy tớ''? Phải chăng Nghệ An là thí điểm ''dằn mặt'' Đức Cha Hợp, Đức Cha Nhơn và Hội Đồng Giám Mục VN?
Kính mong Thầy và Nhà Nước suy ngẫm lại câu hát: ''Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng!'' và câu của Mác: ''Từ trực quan sinh động, đến tư duy trừu tượng.'' (Ông Các Mác lấy ý của Aristote mà tôi đã nêu!) Với tình ''đồng kỹ sư tâm hồn'', tôi xin tặng Thầy danh ngôn: ''Ngăn chặn một đam mê là tạo điều kiện cho đam mê ấy phát triển!''
Xin chào Thầy,
Phan văn Phước
*Dùng chữ ''ruột thịt'' sau chữ ''đồng bào'' là thừa vì chữ ''bào'' có nghĩa là ''cái nhau''!
|