Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời 'Chợ quê' ở Sài Gòn

'Chợ quê' ở Sài Gòn PDF Print E-mail
Tác Giả: Tạ Phong Tần   
Thứ Sáu, 02 Tháng 7 Năm 2010 21:45

Kêu là “chợ” cho nó có vẻ “hoành tráng” một chút, chớ thật ra chỉ là một đoạn đường chiều dài vài chục mét có bày bán những món hàng “quê sệt.”

 Ðó là con đường một chiều nhỏ xíu mang tên vị nữ tướng Lê Chân nằm bên hông chợ Tân Ðịnh (Sài Gòn), bề ngang rộng chưa đầy ba mét, mặt đường trải nhựa xấu xí, sần sùi, có vẻ như nhiều năm chưa được tôn tạo. Nếu không có cái bảng tên đường màu xanh biển chữ trắng cắm ở đầu đường, người ta sẽ nhầm lẫn đây là hẻm vì so với những cái hẻm được kêu là “hẻm xe hơi” ở Sài Gòn, đường Lê Chân thật là “khiêm tốn và nhỏ bé,” xe hơi đi không lọt.

 Hai người thợ may trên lề đường Sài Gòn ăn sáng bên chiếc máy may. Hình minh họa. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP /Getty Images )

Từ đường Hai Bà Trưng đi vào đường Lê Chân, qua khỏi những sạp bán trái cây, bông hoa vài chục mét là đến đoạn “chợ quê.” Muốn thoải mái coi ngó hàng hóa, tôi phải đi bộ, nếu đi xe máy vào đây mà dừng lại mua bán thì bị vướng víu, choán đường đi lại của người khác, sẽ bị “thiên hạ” kêu la ầm ĩ ngay lập tức.

 Ở đây có những người đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ, trẻ em đứng, ngồi (chồm hổm) bày sản phẩm của họ trên miếng ni-lông cũ mèm hai bên vệ đường chào mời khách.

Ðó có thể là loại tép moi mới kéo từ dưới ao lên, chỉ lớn hơn que tăm một chút, những con tép còn tươi trong màu xam xám đang nhảy choi choi trong thúng. Những thau nhựa cũ mèm đựng cua đồng hay vài chục con cá rô, cá lóc, cá sặc... Những bó hoa cúc vàng, vạn thọ, mồng gà... được nhổ lên nguyên cả gốc bày nằm sắp lớp trên miếng ni-lông.

Những bó rau nhút, rau ngót, rau đắng biển, rau muống, rau cù nèo, rau đay, rau càng cua, rau thuốc dòi màu tím đỏ...; những bao ni-lông được vành miệng rộng ra chứa rau dền cơm, mồng tơi bán theo “đơn vị” “mớ,” “rổ” chớ không bán bó hay ký lô.

Chen lẫn vào các “sạp” rau xanh còn có những nải chuối cau, chuối sáp Bến Tre đã được luộc chín vàng hươm , chuối xiêm đen còn xanh, được cắt rời chớ không để nguyên buồng dài. Những mớ gừng, nghệ củ nào củ nấy sần sùi, nhỏ bằng ngón tay út, được người bán rao lên là “Gừng, nghệ Việt Nam đây, ăn ngon hơn của Trung Quốc,” khác với gừng, nghệ Trung Quốc vẫn thấy bày bán ở các sạp rau “sang trọng” hay siêu thị, vỏ bóng lưỡng và củ nào củ nấy lớn bằng nắm tay.

Hàng quán trên lề đường Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng)

 Một phụ nữ khoảng chừng năm mươi tuổi, người ốm, da ngăm đen, bày “gian hàng” của chị là cái ghế gỗ nhỏ cao hơn mặt đất khoảng một tấc.

Trên mặt ghế xếp hàng mấy chục chai thủy tinh lớn hơn ngón tay trỏ một chút, chứa một thứ nước trong màu xanh lá cây đặc sệt, ngoài dán nhãn tự in “Dầu Phong.”

 Tôi mở nắp chai, đưa vào mũi ngửi, một mùi thơm nồng quen thuộc của tinh dầu bay ra, gợi nhớ hình ảnh chợ dưới quê tôi hồi chục năm về trước.

Tôi giả bộ hỏi: “Dầu gì vậy chị?” Người phụ nữ trả lời: “Dầu phong, có ghi cách xài trên nhãn đó em.” Tôi nói: “Hồi trước thấy ở quê người ta nấu dầu bán tại chỗ, thơm lắm. Sao chị không nấu bán?”

Chị trả lời: “Dầu này chị lấy của ông lang nấu sẵn từ Núi Bà Tây Ninh đem về để cạo gió, giác hơi cho khách.” Vừa nói, chị vừa chỉ cái giỏ nhựa đựng một lô một lốc ống giác, đèn cồn để sau lưng chị: “Sẵn có khách hỏi mua dầu thì chị bán kiếm thêm, tám ngàn đồng một chai, có ngày bán được chục chai, có ngày không bán được chai nào. Chị cạo gió giác hơi ở đây hơn chục năm rồi, em đến khu này hỏi chị Tư cạo gió ai cũng biết.”

Tôi mua hai chai dầu phong. Chị Tư cạo gió vui vẻ, niềm nở bán hàng, nhưng cái cách chị bán hàng cũng giống y như bà bán dầu phong quê tôi hơn chục năm về trước. Nghĩa là để khách tự chọn lấy, tự trả tiền và tự làm cách nào đem về được thì làm “mình ên,” chị không cho vào bọc ni-lông hay gói ghém gì hết.

Hồi đó, tôi thích mỗi sáng đi chợ chồm hổm gần nhà để ngồi cạnh bà bán dầu phong, vừa ngửi mùi dầu thơm một cách thích thú vừa xem bà bán hàng. Bà ngồi đốt bếp lửa than ngay lối vào chợ, trên bếp đặt cái thau nhôm đường kính lớn hơn gang tay một chút, trong thau có rất nhiều loại củ rễ được xắt nhỏ cùng với một thứ nước trong màu xanh lá cây hơi sệt lúc nào cũng sôi sủi tăm, bay mùi tinh dầu thơm nồng rất dễ chịu.

Thỉnh thoảng, bà cất tiếng rao: “Dầu phong đây, dầu phong đây. Dầu phong ngheo bà con ơi! Chuyên trị bệnh phong, ho gió, no hơi, tức ngực, đau bụng, phỏng. Cạo gió, xoa bóp trặc tay trặc chưn, cầm máu. Con nít lỗ tai có mủ, kiến cắn, ong chích xức vô hết liền ngheo!” Vừa bán hàng, bà vừa cắt nhỏ những loại củ rễ (chỉ có bà biết là củ gì) thảy thêm vào thau nhôm nấu dầu, chế thêm chút nước, quạt cho than hồng lên, làm cho nước dầu phong trong thau nhôm lại sôi lên sùng sục.

Cạnh bếp than, bà bày thêm khoảng chục chai thủy tinh bằng ngón tay cái, loại chai Peniciline đã hết thuốc, được tận dụng lại bằng cách khui nắp nhôm ra, rửa sạch, phơi khô. Bà dùng những vỏ chai này rót dầu phong đầy gần đến miệng để bán. Cạnh bà còn có một rổ chai không, khi bán hết chai đã rót dầu sẵn thì bà cho những chai này “lên hàng.”

Thời đó, muốn mua được chai dầu gió xanh Con Ó phòng khi trái gió trở trời đâu có dễ, có tiền cũng không có mà mua. Dầu Con Ó có được đều có nguồn gốc từ gia đình những người có thân nhân “vượt biên” bán ra với giá rất mắc.

Với những gia đình nghèo như nhà tôi thì “dầu phong” là cứu cánh duy nhất, đau cái gì cũng dầu phong vừa uống vừa xoa. Thật đúng với câu “Ðau Nam chữa Bắc mà thuyên mới tài.” Không “thuyên” thì chết ngủm từ đời tám hoánh, có mấy ai thống kê mà biết người chết vì không có thuốc uống, chỉ xoa dầu phong đâu. Giống như kiểu nói: Có thấy cái bia mộ nào ghi là “chết vì uống rượu” đâu?

Ngồi cạnh chị Tư cạo gió là bà cụ vẻ mặt phúc hậu, khoảng hơn bảy mươi tuổi, ngồi sau đôi quang gánh bằng mây. Cụ bày bán tấm lót nồi, bợ nồi may bằng vải vụn ở một đầu quang gánh. Ðầu kia cụ bày rế nồi, rổ, thúng, mủng loại nhỏ được đan đơn sơ bằng tre, trúc. Phía trên đòn gánh, cụ cột một chùm mấy chục trái mướp khô (còn nguyên trái) chỉ còn xơ đầy gân chằng chịt màu vàng sậm.

Hồi nhỏ, tôi biết người ta dùng xơ mướp, bọt biển làm đồ rửa chén, nhưng rửa chén thì người ta chỉ cắt ra một miếng nhỏ bằng bàn tay, không để nguyên trái mướp dài xọc cỡ 3-4 tấc như thế này. Tôi chỉ vào chùm xơ mướp hỏi: “Bà ơi, trái mướp này để làm gì vậy bà?”

Bà cụ giương đôi mắt nhìn tôi rồi xòe hai bàn tay đưa lên. Chị Tư cạo gió nói: “Bả bị điếc, không nghe nói gì đâu. Xơ mướp khô đó để tắm, 10 ngàn đồng một trái.” Nếu so với loại bông tắm tròn cầm tay bằng ni-lông với trái mướp khô này thì giá tiền tương đương nhau. Tôi chưa dùng xơ mướp khô tắm lần nào, ở nhà tôi vẫn xài cái “khăn tắm” dài khoảng một mét bằng sợi ni-lông nham nhám của Thái mua ở chợ giá 20 ngàn đồng, nhưng tôi vẫn mua giùm cụ một trái mướp đem về xài cho biết. Nhận từ tay tôi tờ giấy bạc 10 ngàn đồng, nét mặt cụ ánh lên vẻ mừng rỡ và biết ơn.

Khi mà Sài Gòn đang tràn ngập hàng ngoại nhập sang trọng, đắt tiền, muôn hình muôn vẻ, đi “chợ” mua những món hàng quê mùa này, âu cũng là một cách làm vơi đi nỗi nhớ và ấm lòng những người xa xứ!

11 giờ trưa, “chợ quê” vẫn nhộn nhịp người mua kẻ bán. Có lẽ khách đi “chợ” này đều quen mặt người bán và biết giá hàng, nên người bán nói giá bao nhiêu mua bấy nhiêu, không thấy ai kỳ kèo trả giá. Tôi mua thêm ba bó rau đắng biển giá năm ngàn đồng. Rau này đem về xào mỡ tỏi hay nấu canh tép, ăn vừa ngon vừa mát, “tối ngủ khỏi đội nón” à nghen!