Cửa Sổ Lịch Sử |
Tác Giả: Nguyễn Thi | ||||
Thứ Hai, 24 Tháng 5 Năm 2010 20:29 | ||||
Lịch Sử là một môn học khô khan mà không nhiều thì ít các học sinh từ Âu sang Á, từ Đông sang Tây Hoa-Kỳ đều không thích. Tác giả là dân Bắc California, đã viết nhiều bài giá trị về nhà trường và gia đình. Bà hiện là một Facilitator -giúp hướng dẫn những buổi học thảo nói về hệ thống học đường tại California.Lịch Sử là một môn học khô khan mà không nhiều thì ít các học sinh từ Âu sang Á, từ Đông sang Tây Hoa-Kỳ đều không thích. Tôi cũng vậy. Cứ nghĩ đến việc phải học thuộc lòng tên của ông vua này, tên của ông tướng kia với những chức vị nghe lạ hoắc khó đọc, rồi còn phải nhớ đến những ngày, tháng, năm, những sự việc liên quan đến các nhân vật đó là đầu óc tôi quay cuồng một cách nhức nhối. Sau hơn một năm định cư ở một thành phố nhỏ miền bắc nước Mỹ, tôi và các em tình cờ khám phá thư viện công cộng của thành phố mà chỉ cách nhà 20 phút đi bộ. Thế là từ đó chúng tôi là khách hàng thường xuyên của thư viện mỗi tuần. Mặc dù tiếng Anh chúng tôi chỉ lõm bõm và thư viện này không có sách tiếng Việt, nhưng đó là cả một thiên đường mở rộng kiến thức cho gia đình chúng tôi mà không tốn một xu nào. Bố tôi thích xem sách sửa chữa tivi và radio để hiểu biết thêm về công việc làm của hãng. Mẹ tôi thích tìm đọc các sách về nấu ăn và may quần áo. Những quyển truyện cổ tích dày khoảng 1 inch có tên Xanh, Đỏ, Tím, Vàng, Nâu ... được chúng tôi chiếu cố tận tình, vì văn viết rất dễ hiểu và đây chính là những truyện cổ tích chúng tôi đã từng biết khi ở Việt Nam như: Bạch Tuyết và 7 chú lùn, Cô bé lọ lem, Chú mèo đi hia, Cô gái đẹp và con quái vật, Cô bé quàng khăn đỏ, Cô bé bán diêm, Chú bé tí hon .... Sau khi đọc hết những truyện cổ tích, tôi bắt đầu tìm đến những sách nói về phong tục tập quán của người Việt. Những cuốn sách loại này vào giữa thập niên 70 và 80 rất hiếm nên tôi chuyển qua đọc những sách về lịch sử Á châu, hy vọng họ nói chút ít gì về Việt Nam. Đa số những sách tại thư viện đều nói về chiến tranh Việt Nam dưới cái nhìn của người Mỹ. Nhờ đọc những tài liệu này tôi mới thấy cũng cùng một chiến tranh nhưng người Việt và người Mỹ nhìn nó dưới nhiều góc độ khác nhau. Mỗi tác giả viết theo cảm giác và suy đoán dựa theo kinh nghiệm của riêng họ. Ai đúng, ai sai? Tôi thầm nghĩ không biết lịch sử Việt Nam mà học sinh phải học thuộc lòng trong giờ Việt Sử có phải do đích thực người Việt viết không? Những gì sử gia người Việt ghi chép có trung thực không, hay là họ ghi chép lại những gì mà người Trung Hoa, người Pháp, hoặc của vua chúa Việt Nam bắt họ phải viết nếu không sẽ bị mất mạng hoặc tru di tam tộc? Hãy lấy thí dụ về việc Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra 100 trứng nở ra 100 người con. Đồng ý rằng đây chỉ là một huyền thoại, nhưng tại sao có sách lại cả quyết rằng đó là 100 người con trai, mà không phải là con gái? Có phải đây là vấn đề trọng nam khinh nữ không? Chúng ta ai cũng biết Việt Nam có 4.000 năm văn hiến, nhưng sao ta rời xa quê hương đã 35 năm mà con số 4.000 vẫn chưa tăng được một năm khi chúng ta hướng dẫn con cháu về lịch sử Việt Nam? Để tránh trường hợp thắc mắc của học sinh, đa số thầy cô Việt ngữ chỉ nói trứng nở 100 người con mà không nói con trai hay con gái, cũng như con số 4.000 năm chỉ là con số tượng trưng cho một nền văn hóa lâu đời. Riêng tôi thì tôi thấy cách giải thích của nhóm Việt Học thuộc miền Bắc California là hay nhất vì họ dựa vào tài liệu khảo cổ "Ánh Sáng Mới Trên Một Quá Khứ Lãng Quên" (New Light on a Forgoten Past -1971) của giáo sư William G. Solheim II, tác phẩm "Địa Đàng Tại Phương Đông" (Eden in the East) xuất bản năm 1998 của bác sĩ Stephen Oppenheimer, cuộc nghiên cứu di truyền học DNA "Mối Liên Hệ Di Truyền Của Dân Số Tại Trung Quốc" (Genetic Relationship of Population in China -1998) của nhà bác học J. Y. Chu, và các tài liệu nghiên cứu về nguồn gốc người Việt của những soạn giả Việt Nam (Lương Kim Định, Cung Đình Thanh ...) và ngoại quốc. Qua 10 bản địa đồ, nhóm Việt Học chứng minh rằng tổ tiên người Việt cổ thuộc nền văn minh nông nghiệp đầu tiên của loài người (với các kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi, và đi biển) đã có cách nay 15 ngàn đến 20 ngàn năm. Với các bằng chứng về DNA cho thấy họ di chuyển từ vùng Đông Nam Á lên phương bắc và đem theo nền văn minh của họ cho Trung quốc, và chính họ là người đã dạy cho người Trung Hoa kỹ thuật trồng lúa nước chứ không như trong sách sử viết rằng nhờ Thái Thú Nhâm Diên (khoảng 2.000 năm về trước) của Tầu sang dạy nên dân ta mới biết cầy cấy lúa gạo mà ăn. Theo sử liệu cổ của các thời tiền-Tần (Đường, Ngu, Hạ, Thương, Châu) có cách đây 3.000 năm về trước thì người dân Hoa Bắc chưa ra khỏi vùng sông Hoàng Hà. Đó cũng là lý do tại sao nước Trung Hoa được thế giới gọi là "China" vì chữ "China" phát xuất từ đời nhà Ch in (Tần) do Tần Thủy Hoàng Đế đã sát nhập lại 7 nước (Tần, Tề, Yên, Hàn, Sở, Triệu, và Ngụy) vào thời cuối của Xuân Thu Chiến Quốc cách nay 2.500 năm. Với cách hướng dẫn thế hệ trẻ hải ngoại học hỏi về nguồn gốc Việt Nam bằng phương pháp khoa học, nhóm Việt Học đã tạo được một hứng thú mới cho cộng đồng người Việt khi tìm hiểu lịch sử con rồng cháu tiên (www.vietology.com). Thử hỏi chúng ta có mấy ai biết rằng trong Sử Việt có Nguyễn An là kiến trúc sư thiết kế xây cất Cung điện và Kinh thành Bắc Kinh ở Trung Hoa vào năm 1437. Có Nguyễn Thị Du là vị nữ Trạng Nguyên có một không hai của nước ta, vào năm 17 tuổi (1607) khi chúa Mạc mở khoa thi, bà cải nam trang đi thi và đỗ thủ khoa, còn chính thầy học của bà chỉ đỗ thứ hai. Có Trương Vĩnh Ký là nhà ngôn ngữ học quảng bác, vì ông có thể nói và viết 15 ngôn ngữ Tây phương và 11 ngôn ngữ Đông phương. Trong lịch sử cận đại, cũng có biết bao người góp công làm thăng tiến cho đời sống văn hoá của đất nước xứng đáng được nói đến. Chỉ xin nêu trường hợp ông Lê Mộng Bảo, một "nhà truyền bá âm nhạc", giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam. Nhờ tài tháo vát và quen biết rộng cũng như giao tế giỏi của ông, những nhạc phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng vì được phát hành và phổ biến một cách rộng rãi trong quần chúng từ Bắc vào Nam trong khoảng thời gian 1948 đến 1975. Còn biết bao trường hợp đáng nhắc nhở như vậy. Tại hải ngoại khi sử dụng máy điện toán có mấy ai biết rằng vào năm 1973 công ty R2E của ông Trương Trọng Thi André, người Pháp gốc Việt, đã sáng chế máy điện toán cá nhân đầu tiên Midral-N dựa trên Intel 8008 processor. Khi xem phim Witness (1985) và Top Gun (1986) có ai biết rằng những "logo" đó do anh Nguyễn Peter của ngành graphic design sáng tác khi anh ngồi trên xe buýt từ New Jersey đến hãng làm việc tại New York (www.h2n.com). Khi các giám đốc hoặc Ban Quản Trị quốc tế của hãng McKinsey có những buổi hội nghị kéo dài cả tuần, hai lần mỗi năm tại bất cứ nơi nào trên thế giới, thì anh Nguyễn Hiệp (từ năm 1996 đến giờ) phải đến đó trước cả tuần để chuẩn bị các hệ thống điện toán networking từ A đến Z cho khoảng 100 đến 1.000 tham dự viên (www.ennovation.net). Theo tôi thì lịch sử không nhất thiết là những sự kiện tốt đẹp đáng ghi nhớ, chúng ta cần cho thế hệ trẻ biết cả những lỗi lầm của thế hệ đi trước để từ đó các em có thể rút tỉa và học hỏi những kinh nghiệm sống. Tại các trường tiểu học và trung học Hoa Kỳ, học sinh được tham dự nhiều "chuyến dã ngoại" (field trips) đi thăm công viên, sở cảnh sát, sở cứu hỏa, tiệm ăn, siêu thị, thư viện, viện bảo tàng, trường đại học ..., để các em được mắt thấy, tai nghe, tay sờ mó, và tự tìm hiểu về lịch sử cũng như cuộc sống chung quanh các em. Những bài học lịch sử này sống động và có nhiều ấn tượng hơn với các em. Những em học sinh tại Hoa Kỳ ngay từ lớp 1 trở lên đã được khuyến khích viết nhật ký mỗi ngày ngay tại trong lớp. Có em viết về những việc gì em làm trong ngày hôm trước, hoặc cảm nghĩ của em khi xem một cuốn phim hay đọc một câu chuyện. Nhờ vào những dịp viếng thăm quan sát chỗ này chỗ kia, nhật ký của các em được phong phú hóa dưới ngòi bút học trò. Tôi có mấy đứa cháu đi học Việt ngữ mỗi chủ nhật trong suốt mấy năm liền. Nhưng có lẽ năm nay là năm đầu tiên tôi thấy nhà trường có chiều hướng đi sát vào thực tế. Vào dịp Tết Canh Dần các em được hưởng trọn vẹn không khí Tết bao gồm ăn, học và chơi qua các gian hàng Tết của 18 lớp. Mới đây trong ba tuần lễ gần kề ngày 30/4, nhà trường đã phân chia các lớp thay phiên nhau vào một phòng đặc biệt để xem phim tài liệu về lý do tại sao người Việt Nam bỏ nước ra đi. Sau đó các em về nhà hỏi ông bà cha mẹ và viết bài luận hoặc vẽ một bức tranh với đề tài "Tại sao người Việt sống ở Mỹ?" Nhờ như vậy các em đã hé mở được "cánh cửa lịch sử" và ý thức được nguồn cội của các em và cảm thông được sự hy sinh lớn lao của ông bà cha mẹ để các em có được một tương lai tươi sáng. Nếu mỗi ngày tất cả chúng ta cố gắng làm tròn bổn phận ông bà, cha mẹ, anh chị em, thầy cô, bác sĩ, luật sư, kỹ sư, thư ký, công nhân ..., thì "lịch sử" các em viết trong nhật ký sẽ thay đổi hẳn và ảnh hưởng không nhiều thì ít đến tương lai của chính gia đình em hoặc xa hơn của cả thế giới và sẽ không có những cảnh tang thương như cuốn nhật ký (6/12/1942 đến 8/1/1944) của cô bé Anne Frank 13 tuổi viết trong thời kỳ gia đình cô phải ẩn núp trước cuộc lùng bắt người Do Thái của Đức Quốc Xã. Nguyễn Thi
|