Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Nói Về Hòa Giải

Nói Về Hòa Giải PDF Print E-mail
Tác Giả: Hương Sài-Gòn   
Chúa Nhật, 23 Tháng 5 Năm 2010 20:59

“Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt hơn ba mươi năm, sao vẫn cứ hận thù?”

“Chiến tranh đã kết thúc từ bao nhiêu năm nay rồi, đã đến lúc (hai bên) chịu hòa giải chưa?”

 

Những câu hỏi này đã được nghe nhiều lần, nhất là từ khi bang giao giữa hai nước Việt-Mỹ được cải thiện, mặc dầu vậy cho đến ngày hôm nay vẫn chưa có được câu trả lời rốt ráo.

Trả lời một cách vắn tắt thì không hài lòng, nhưng nếu chỉ có một phút để phát biểu thì xin được ngắn gọn như sau:

1. Chiến tranh Việt Nam của người Mỹ đã chấm dứt nhưng chiến tranh Việt Nam của người Việt Nam thì chưa, và vì bản chất của hai cuộc chiến hoàn toàn khác nhau cho nên phản ứng hận thù hay hòa giải của những người liên hệ cũng khác nhau.

2. Ðối với một quốc gia bị phân hóa trầm trọng bởi chiến tranh thì Hòa Giải phải là việc làm đầu tiên của kẻ thắng để bảo tồn nguyên khí và sức mạnh dân tộc. Hòa giải hay không là toàn quyền của kẻ thắng. Người thua mà đòi phải có hòa giải là không biết mình biết người…

3. Ở Việt Nam đã không có Hòa Giải chỉ vì kẻ thắng là những người cộng sản cực đoan đầy kiêu hãnh và tham vọng, đã quyết tâm áp dụng chủ nghĩa Cộng Sản với Ðấu Tranh Giai Cấp mà bản chất là Phân Biệt Kì Thị để cai trị. Hòa giải trong bối cảnh này là một ý niệm đi ngược lại với chính sách cai trị của kẻ thắng. Một cuộc Hòa Giải đúng nghĩa, là một công bằng xã hội cho người thua lẫn kẻ thắng, vì thế đã và sẽ không bao giờ xẩy ra.

4. Cho đến ngày hôm nay, 35 năm sau cuộc tàn chinh chiến, vấn đề hòa giải giữa người thua và kẻ thắng đã trở nên lỗi thời và vô nghĩa. Hận thù đã không phải là hậu quả của không có hòa giải giữa đôi bên. Hận thù đây chính là hậu quả của tất cả những gì mà đảng CS đã và đang làm cho cả một dân tộc. Câu hỏi đúng ra phải là Cộng Sản đã làm gì từ bao nhiêu năm nay? Sao vẫn cứ hận thù?

Hai cuộc “Chiến tranh Việt Nam”

Ðối với người Mỹ, Chiến Tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh trực diện giữa Mỹ và Cộng Sản Bắc Việt và là một điểm nóng của cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Một tên gọi khác chính xác hơn cho cuộc chiến này là “Chiến Tranh VN của Người Mỹ” và đúng là nó đã chấm dứt cách đây 35 năm. Người Mỹ đã hăm hở tham chiến trong những năm 1964-1969 rồi từ từ rút quân. Người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam ngày 30/4/1975 khi Saigon đang sụp đổ trước sự tấn công của quân thù. Năm 1995 quan hệ bang giao giữa hai nước dược tái lập, hận thù và hòa giải không còn là điều bận tâm giữa hai kẻ cựu thù.

Ðối với người Việt,”Chiến tranh VN Của Người Mỹ” chỉ là một phần của cuộc xung đột kéo dài giữa Người-VN-Cộng-Sản và Người-VN-Không-Cộng-Sản, đây chính là cuộc “Chiến Tranh VN của Người Việt Nam”.

Cuộc xung đột dai dẳng và đầy bạo động này đã có nguồn gốc và manh nha rất sớm từ 1930 là năm Hồ Chí Minh thành lập Ðảng Cộng Sản Việt Nam trong kế hoạch xâm lăng toàn cầu của CS Liên Xô. Mục đích tối hậu của Ðảng này là thống trị nước Việt Nam bằng một triều đại mới theo kiểu độc tài cộng sản. Muốn thế, bằng mọi cách HCM phải làm cho bằng được ba việc là 1/ đuổi được thực dân Pháp, 2/ chấm dứt vương triều nhà Nguyễn và 3/ tiêu diệt những người Việt bất đồng chính kiến. Người CSVN với tham vọng một quyền lực tuyệt đối đã là nguyên nhân của mọi biến động tang thương nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Theo thứ tự thời gian, “Cuộc Chiến VN của Người VN” có thể được chia ra làm 3 giai đoạn; 1930-1954, giai đoạn tiềm ẩn dưới thời Pháp thuộc; 1954-1975, giai đoạn công khai khi người Mỹ can thiệp, và kể từ 1975 trở di là cuộc chiến chính trị của Người Việt Tị Nạn Hải Ngoại bắt tay với Người Việt Dân Chủ Trong Nước để tranh đấu cho tự do và nhân quyền chống lại độc tài Cộng Sản.

Cộng-Sản và Không-Cộng-Sản

Sự xuất hiện của Ðảng Cộng Sản đã chia lực lượng chính trị VN ra làm hai khối, CS và Không-CS. Và chính vì khối Cộng Sản chủ trương phải tiêu diệt tất cả các người bất đồng chính kiến để sửa soạn cho việc chiếm đoạt chính quyền sau này mà hai khối đã trở thành hai kẻ tử thù.

Khối CS, còn gọi là Quốc Tế CS, rất có tổ chức và giỏi kế hoạch, các thủ lãnh của khối này được huấn luyện và chỉ đạo bởi Liên Sô và Trung Cộng, sẵn lòng giết người để đoạt mục đích. Châm ngôn của khối này là “cứu cánh biện minh cho phương tiện.”

Khối Không-CS, còn gọi là Quốc Gia Không-CS, thật ra đã hiện diện trên chính trường VN từ 1847 là năm đầu tiên người Pháp tấn công VN. Vì bản chất phức tạp, khối này về tổ chức thì không thuần nhất còn về chính trị thì ngây thơ. Mục đích đấu tranh của khối này là để giành lại chủ quyền quốc gia trong tay thực dân Pháp chứ không phải là để độc quyền cai trị đất nước.

Các thành phần của khối này bao gồm vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Ðại và nội các của ông, tất cả các nhóm vũ trang chống Pháp dưới những danh nghĩa khác nhau, và tất cả những Trí Thức Tư Sản đang cố gắng thay đổi vận mệnh dân tộc bằng giáo dục và chính trị bất bạo động. Các vị lãnh đạo của khối này thường có chủ trương hợp tác hay hòa hoãn với nhau dễ cùng chống Pháp. Một cách ngây thơ họ đã hợp tác ngay cả với kẻ đang tìm mọi cách để giết mình là những người Cộng Sản! Châm ngôn của khối này là“không thành công thì thành nhân”.

Bản chất tàn ác của chủ nghĩa CS đã tạo ra một tình trạng chiến tranh với biết bao tử vong xung đột. Người giết người và bị người giết ở mọi nơi mọi lúc. Chủ trương sắt máu của Cộng Sản không phải chỉ để tiêu diệt các dối thủ chính trị đương thời (khi chưa nắm chính quyền) mà còn được áp dụng để hành hạ và tàn sát nhân dân vô tội (sau khi đã nắm được chính quyền) nhằm triệt hạ tận gốc rễ mọi mầm mống chống đối trong tương lai. Sự viện dẫn cứu cánh là các ảo tưởng đẹp đẽ của chủ nghĩa để biện minh cho phương tiện là các hành vi cướp của giết người đã là ngón sở trường của Cộng Sản từ khi lập đảng cho đến ngày hôm nay.

Công Sản và “Hòa Giải”

Những xung đột bạo động giữa hai khối người Việt càng ngày càng gia tăng trong khoảng 1930 đến 1975. Ngày cuối tháng tư 1975, người CS đạt được muc đích, họ đã thắng trận và thống trị cả hai miền đất nước, triều đại mới của những người cộng sản đã được thành lập. Trái với những gì mà họ nói về Hòa Giải Dân Tộc, việc đầu tiên mà các thủ lãnh CS đã làm là một cuộc trả thù thâm hiểm và tàn độc.

Tất cả mọi người miền Nam đều có tội, đặc biệt là tất cả những ai đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đều phải bị trừng phạt nặng nề. Nếu họ đã chết, mồ mả của họ sẽ bị xâm phạm để linh hồn không được an nghỉ. Nếu họ vẫn còn sống sau nhiều năm tù khổ sai cải tạo thì tội chết đã xong nhưng tội sống vẫn còn. Ngoài việc phải kéo dài cuộc sống tối tăm tận đáy xã hội, họ còn phải nén lòng nhìn cảnh đám con cái vô tội bị kì thị không ngóc đầu lên được để mà thấm thía cho cái đau cái nhục của những người thua trận.

Còn đối với toàn miền Nam thì CS đã có chủ trương: san bằng xã hội bằng cách đổi tiền và đánh tư sản. Thực chất đây là một cuộc cướp đoạt tiền bạc và tài sản của toàn bộ nhân dân miền nam một cách có hệ thống. Người dân miền nam dược bần cùng hóa trong một sớm một chiều. Ðảng và nhà nước gọi đó là Xóa Bỏ Giai Cấp và Công Bằng Xã Hội. Và đây mới chỉ là bước đầu của cuộc Cách Mạng Vô Sản, một mô hình cách mạng đẫm máu kiểu Liên Xô và Trung Cộng đã giết chết hàng trăm triệu người vô tội trên toàn thế giới.

Trả Thù Chiến Tranh và bần cùng hóa xã hội là hai đòn thù của CS Hà Nội đánh người miền Nam trong những năm 1975-86 đã tạo ra một thảm cảnh chưa từng có trong lịch sử. Hàng triệu người miền Nam liều chết vượt biển bỏ nước ra đi, họ là những Thuyền Nhân mà chỉ có hơn một nửa sống sót đến được bờ bên kia. Các thủ lãnh Hà Nội đã thóa mạ họ là những kẻ phản quốc, ăn mày, đĩ điếm v.v… Còn cuộc Cách Mạng Vô Sản, tiếng là để nâng cao sản xuất thì ngược lại đã gây ra đói kém triền miên, người dân đã phải ăn thực phẩm của gia súc, lại thêm một sự kiện nữa chưa hề có trong lịch sử miền Nam.

Hậu quả của trận đòn thù này là một thảm kịch: Tổ Quốc Việt Nam xinh đẹp với Saigon là “Hòn Ngọc Viễn Ðông” đã biến thành một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế giới. Năm 1986, trước áp lực của một sụp đổ kinh tế không có cơ cứu vãn, Hà Nội bị buộc phải xét lại toàn bộ kế hoạch phát triển của mình và đã chọn cách Mở Cửa Từ Từ cho Kinh Tế Thị Trường nhưng tuyệt đối không nới lỏng gọng kìm Chuyên Chính Vô Sản.

Người Việt tỵ nạn và Hà Nội

Cùng trong khoảng thời gian này, những người tỵ nạn Việt Nam, do những cố gắng vượt bực của từng cá nhân trên vùng đất mới đã thay đổi được hiện trạng của chính mình. Họ đã sống quây quần với nhau thành những Cộng Ðồng VN-Không-CS lớn mạnh tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở Mỹ.

Từ ngày Hà Nội mở cửa, họ đã trở về quê cũ thăm gia đình và bạn bè, đem theo nhiều tỷ Mỹ kim mỗi năm. Làm như vậy, một cách trực tiếp, họ đã cải thiện sự nghèo đói của đám đông cùng khổ trong nước, trong đó có gia đình bà con của họ, nhưng với cái giá phải trả là đã làm giầu cho đám Cộng Sản tham nhũng và vô tình đã gián tiếp củng cố cho chính cái chế độ tàn ác mà họ đang muốn thay đổi này.

Hà Nội rất thích tiền bạc và tài sản của người tỵ nạn, coi đây là nguồn tài nguyên béo bở để khai thác nhưng hiển nhiên là không tin tưởng và có cảm tình gì với những người này. Hà Nội tích cực moi tiền của Việt kiều bằng mọi cách như chiêu dụ về nước làm ăn, du lịch, buôn bán, từ thiện v.v… nhưng Hà Nội cũng biết rằng Dân Chủ, Tự Do, Nhân Quyền và Tôn Giáo cũng theo đường này mà về nước vì thế tiền thì thích lấy nhưng lòng thì rất úy kị. Hà Nội, bằng mọi cách, muốn kiểm soát và thao túng những cộng đồng tỵ nạn này từ gốc rễ.

Hãy nghĩ về diều đó: có một Ðảng Cộng Sản của một tiểu quốc ở Ðông Dương đang đặt kế hoạch để kiểm soát hàng triệu công dân Mỹ trước đây từng là nạn nhân của họ, ngay trên đất Mỹ. Nghe thì khôi hài đấy nhưng đó là sự thật mà đảng CSVN đang quyết tâm thực hiện. Cái khó khăn lớn nhất của Hà Nội là không sử dụng được bạo lực trong kế hoạch này. Công an, nhà tù và đe dọa bẩn thỉu chỉ công hiệu ở trong nước. Ở ngoài nước, các thủ lãnh Hà Nội đành phải tạm thời thu lại nanh vuốt, đổi giọng kêu gọi “đối thoại” và “hòa giải”.

Và khi mà CS Hà Nội phải đổi giọng đóng kịch thì chuyện lạ xẩy ra, những kẻ phản quốc, ăn mày, đĩ điếm ba mươi năm trước nay bỗng nhiên biến thành anh chị em, những khúc ruột sa nghìn dậm và ghê hơn nữa, thành Việt kiều yêu nước. Những danh từ sáo rỗng này thật ra đã khuấy động cái ký ức cô đọng về sự tàn ác của CS trong những năm sau cuộc chiến càng khiến cho người Việt tỵ nạn khó lòng quên đi và bỏ qua mọi chuyện.

Người Việt Nam hải ngoại đã quyết tâm chống lại tham vọng thống trị của Hà Nội với cường độ mạnh mẽ bội phần hơn là Hà Nội đã tưởng. Người Việt Nam hải ngoại đang phất lá cờ vàng lịch sử khắp mọi nơi trên thế giới để phản đối các thủ lãnh Hà Nội với cái đảng CS tham nhũng và tàn ác. Nhưng còn hơn thế nữa, Người Việt Nam hải ngoại muốn đối chất cặn kẽ với Ðảng Cộng Sản (1) về việc dâng đất và biển của tổ quốc cho ngoại bang,(2) về trách nhiệm trong việc suy đồi tàn tệ của môi trường sống, văn-hóa, xã-hội và (3) về sự vi phạm trầm trọng tự do và nhân quyền của người dân trong nước.

Vết thương không lành

Hơn ba mươi năm đã trôi qua, người Việt tỵ nạn đã ổn định trên vùng đất mới. Ðời sống của họ trông bề ngoài có vẻ bình thường tốt đẹp nhưng chính họ biết rằng họ không được như vậy. Tận đáy sâu của bóng tối ký ức, những gì còn lại của một tổ-quốc-đánh-mất và sự hiện diện lì lợm của một chế độ độc- tài lỗi-thời tham-tàn vô-trách-nhiệm vẫn tiếp tục gây ám ảnh đau xót.

Với thời gian, vết thương của cuộc chiến tuy đã khép nhưng không lành, nó mở vào bên trong!

Los Angeles, Tháng Tư 2010

CHUYỆN "ĐỐI THOẠI"

Nực cười mấy gã ba lơn
Đối thoại tai cối, khải đờn tai trâu

Nhớ một thuở cùng nhau bỏ chạy
Mất cửa nhà, để lại quê hương
Bôn ba hớt hãi lên đường
Tránh giặc cướp nước, lánh phường cộng nô

Ai cũng biết rợ Hồ độc ác
Bước xuống tàu lưu lạc phương xa
Người thì vượt biển, phong ba
Kẻ băng suối hiểm, rừng già, núi cao

Kẻ chậm chân trể tàu, lỡ vận
Ở lại nhà cam phận làm tôi
Bạc tiền cộng cướp hết rồi
Đi "vùng kinh tế " sống đời ngựa trâu !

Có quỳ lạy, cộng đâu thương tiếc
Dân Miền Nam đảng giết chẳng sao (*)
Đừng mong đối thoại tào lao
Lèm bèm đảng giận tống vào ngục xa .

Ba mươi năm, đảng ta càng điếm
Dụ "Việt kiếu" để kiếm đô la
Rằng nay đảng đã bỏ qua
Quên thù, quên hận nước nhà yên vui

Đảng "hồ hỡi" gài người hải ngoại
Gạt đồng hương qua lại "giao lưu"
Tìm phường diện mã đầu ngưu
Tặng tiền hứa chức chúng bu theo liền

Bọn đón gió thấy tiền choá mắt
Phản đồng bào, chường mặt Việt gian
Theo phường cộng sản hung tàn
Tuyên truyền cho đảng chẳng màng danh nhơ
 
Đứa ra mặt trở cờ thấy rõ
Về Việt Nam nịnh bợ đảng ta
Cho rằng người Việt Quốc Gia
"Chống cộng quá khích" chỉ là ít thôi

Đứa nhận lệnh làm bồi cho đảng
Mở diễn đàn bàn luận xôn xao
Rằng nay đảng "thoáng" làm sao
Thôi thì "đối thoại" đi nào ai ơi !

Đồng bào hỡi, đừng chơi với vẹm
Cộng bây giờ chẳng kém cộng xưa
Gian mưu, độc kế có thừa
Buôn dân, bán nước chúng chừa chi đâu

Hãy bền chí cùng nhau chiến đấu
Quyết diệt trừ thảo khấu cường đồ
Loại trừ bè lũ cộng nô
Mới mong khôi phục cơ đồ Việt Nam !

Hương Sài-Gòn