Ðường gian truân đi đến tự do |
Tác Giả: Phùng Vân (H.O. 19) | |||
Thứ Sáu, 19 Tháng 3 Năm 2010 22:39 | |||
Tôi quyết định đi... đạp xích lô Khoảng Tháng Giêng năm 1983, tôi trở về nhà sau gần tám năm đi tù cải tạo, xa gia đình. Nhìn dọc theo đường Phạm Thế Hiển bên kia cầu Chữ Y, hoàn toàn thay đổi, không còn nhìn ra được các chỗ quen thuộc trước đây. Nhiều nhà lấn ra phía trước. Nhiều nhà lên lầu. Những nền trống lúc ra đi tôi thấy, nay được xây lầu, nhà mới. Bước vào nhà, tôi thấy bốn năm đứa nhỏ đang ngồi học, tôi không biết đứa nào là con của tôi. Một đứa trẻ đang ngồi học, chạy thẳng ra phía sau nhà nói: “Má ơi có ông nào kiếm má kìa?” Tôi đi theo, ra sau nhà, tôi thấy bà xã tôi đang nấu cơm. Tôi gặp cậu Bảy, tự nhiên nước mắt tuôn trào, tôi khóc! Tôi không thể nào cầm được nước mắt. Tôi không ngờ còn sống để được gặp lại cha mẹ, vợ con, vì tôi cứ đinh ninh rằng tôi sẽ bỏ xác ở nơi rừng thiêng nước độc, khó hy vọng sống sót để về tới nhà. Trước 1975, tôi là giáo sư trung học. Khi cải tạo về, tôi chưa được làm người dân bình thường. Tôi còn bị quản chế, đi đâu cũng phải khai báo, phải trình diện công an hàng tuần. Mỗi sáng thứ hai đem sổ trình công an, ghi rõ từng ngày đã làm gì, tiếp xúc với ai. Nội cái việc trình diện hàng tuần như vậy cũng đủ làm cho tôi không còn sáng suốt, không còn tâm trí để tính chuyện làm ăn. Mà làm ăn cái gì mới được, khi tôi không có đồng xu dính túi. Lúc này nhà cầm quyền cấm tư nhân làm ăn. Ngay cả bán cà phê còn phải bán chui nữa mà. Mọi thứ buôn bán đều phải vô hợp tác xã hết. Người dân bình thường còn bị khó khăn trong công ăn việc làm, huống hồ gì tôi, người vừa về từ trại cải tạo. Tôi phải xoay sở, kiếm sống bằng nghề lao động chân tay. Tôi quyết định đi... đạp xích lô. Anh Ðạt, bạn tù, trước ở chung cùng trại cải tạo với tôi ở trại Tân Lập, Vĩnh Phú về trước tôi mấy tháng, có chiếc xe xích lô cho mướn. Sáng sớm, tôi lấy bộ quần áo hơi tệ một chút. Áo sơ mi cũ. Quần tây cũ nhưng lành lặn. Tôi đến nhà anh Ðạt mượn chiếc xích lô chạy thử, xem có hành nghề xích lô nổi không? Ðạp tới dốc cầu Nhị Thiên Ðường, tôi phải xuống xe, đẩy lên dốc. Nhưng chỉ là chiếc xe xích lô, không có người, nên tôi đẩy chiếc xe không lấy gì làm khó khăn. Tôi thấy vui vui, vì lần đầu tiên... đạp xích lô, dùng sức lao động của mình để kiếm sống. Tôi đạp xe qua cầu Nhị Thiên Ðường, chạy đến bến xe Chợ Lớn, khu chợ Bình Tây để kiếm khách. Vì là lần đầu chạy xích lô, tôi đâu có biết, là người ta cấm rước khách trước cổng chợ. Vừa đậu xe trước cổng, bảo vệ chợ đến lấy cái nệm trên xe để dùng cho khách ngồi. Thế là cái xe xích lô của tôi trống trơn. Tôi đạp xe không, chạy vòng vòng một hồi, đến ngã tư đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Tri Phương, gặp khách gọi. Ðó là hai vợ chồng người Hoa mập mạp leo lên xe, bảo tôi chạy từ ngã tư, từ đường Nguyễn Trãi, chạy dọc theo đường Nguyễn Tri Phương để đi lên phía đường Vĩnh Viễn. Tôi không ngờ là đường lên dốc, tôi đạp không nổi vì ông bà người Hoa này quá mập. Chắc hai vợ chồng này cũng phải gần 160 hay 170 kí lô. Sau chuyến xe chở hai người Hoa đó, tôi thấy quá mệt, đành phải đem xe về trả lại cho anh Ðạt. Tôi biết sức mình không thể làm nổi nghề này. Ðêm đó, tôi trằn trọc suốt đêm, tim tôi đập nhiều, đập liên hồi, không ngủ được. Mãi đến mấy ngày sau mới bình tĩnh trở lại, sức khỏe mới bình thường. Tôi lại đổi nghề, đi làm... thợ hồ. Anh Hai tôi nhờ tôi đi theo để sửa chữa ống cống ở Quận 11. Sáng sớm, tôi cùng anh Hai, mỗi người một chiếc xe đạp chạy qua Quận 11. Tôi xách theo một phần cơm đeo tòn ten ở ghi đông xe. Ðến nơi, tôi phụ anh Hai bốc dỡ các miếng “đan” vuông vức mỗi bề chừng tám tấc, khiêng ra khỏi miệng cống. Anh Hai tôi sửa chữa những chỗ hư hại. Sau đó hè hục khiêng đậy lại chỗ cũ. Sau một ngày làm việc ngoài trời nắng gắt, anh phát cho tôi một ngày “lương” là công tôi phụ giúp khiêng mấy tấm “đan.” Ngày hôm sau anh không nhờ tôi nữa vì tôi không làm nổi những việc nặng nhọc mà anh cần tôi giúp. Thế là lại đổi nghề, tôi đi bán... vé số dạo. Anh Nguyễn Tấn Th. đang làm nghề bán vé số. Anh đặt cái bàn bán vé số ở chợ Phạm Thế Hiển. Trước năm 1975, anh tốt nghiệp Cao Học Hành Chánh, làm ở Nha Thuế Vụ, Bộ Tài Chánh. Bây giờ anh thất nghiệp, lãnh vé số để bán, vừa bán lẻ, vừa giao cho các bạn hàng. Tôi đến nhà anh để nhận vé số về bán kiếm lời. Chỗ ngồi thì bà con đã sắp xếp hết rồi, tôi đâu còn chỗ nào chen chân vô được. Ðành phải đi bán dạo. Lúc đó, tôi nghĩ phải đi thật xa ra khỏi khu vực Quận 8 thì mới hy vọng không gặp học trò cũ của mình. Tôi nghĩ, trước đây cũng từng đi dạy học, cũng là một giáo sư trung học, mà bây giờ đi bán vé số thì cảm thấy mắc cỡ quá, coi kỳ cục quá. Sau khi anh Thời đưa sấp vé số cho tôi, tôi đâu dám mời bà con ở Quận 8. Tôi đi bộ qua đò Chánh Hưng, đi vòng qua chợ Xóm Củi cũng chưa dám bán, tôi đi dọc Kinh Tàu Hủ, bến Lê Quang Liêm, qua khỏi Bưu điện Chợ Lớn, khoảng khá xa, tôi hy vọng sẽ không còn gặp ai là người quen nữa. Tôi đi một khoảng xa đến bến xe xích lô đạp, có mấy anh tài xế đang đợi khách. Tôi nghĩ trong đầu chắc là bán được rồi đó. Tôi liền lấy trong túi quần một cọc chừng năm sấp vé số để mời khách. Tôi vừa đưa sấp vé số, vừa nói: Vừa mời xong, có một người trong nhóm tài xế nói: Tôi giựt mình, vội vàng đút thật nhanh mấy xấp vé số vào trong túi quần và em này kéo ghế mời tôi ngồi đưa ngay một điếu thuốc thơm đầu lọc, bấy giờ gọi là thuốc “có cán.” Tình nghĩa thầy trò, quí nhau lắm mới mời thuốc lá thơm. Uống vội chút cà phê, hút xong điếu thuốc. Tôi mắc cỡ, thấy ngại ngùng quá nên không dám tiếp tục đi bán nữa. Trở về nhà, tôi giao hết mấy xấp vé số cho đứa con gái út lúc đó chín tuổi, nhờ cháu đi đò qua phường Chánh Hưng bán tới xế trưa khoảng bốn, năm giờ chiều thì hết. Thế là có nghề mới: giặt bao nylon. Tôi cùng anh Hoàng Văn Ð. đi đến các tiệm mua bán vật liệu phế thải, kiếm bao nylon dơ mà mua. Ðem giặt ở chỗ máy nước công cộng, phơi khô rồi đem đến các cơ sở sản xuất ra bao ny lon mà bán. Ngồi giặt bao nylon cho hết các chất bẩn như dầu mỡ, đất cát, bụi, giặt cho thật sạch cũng rất gian nan. Kiếm chỗ sân vận động để phơi cho thật khô rồi đem đến cho các tiệm làm bao ny lon bán. Nhưng họ ép giá, đòi giá quá thấp cho nên bán xong chỉ lấy lại được vốn là mừng rồi. Giặt sạch, phơi khô, công việc cả ngày mà không có lời nên đành bỏ cuộc, không tiếp tục làm nghề này được. Chuyển sang nghề mua bán sách báo cũ. Tôi vào trong các tiệm phế liệu ở Quận 7 (cũ), mua bịch nylon, thấy họ có một số sách báo cũ, tôi lựa các sách tạm gọi là “coi được,” mua lại để ở nhà. Sắp xếp loại nào có giá trị đem ra đường Huỳnh Thúc Kháng để bán cho các gian hàng bán sách cũ. Tôi đi với đứa con gái lúc đó khoảng 13, 14 tuổi, ôm phụ giùm các cuốn sách. Ra đến nơi, mới vừa ôm các cuốn sách để giới thiệu với các quày bán sách, thì bị bảo vệ đến tịch thu sạch trơn, không cho bán, mặc dầu các sách này chẳng phải là sách cấm. Họ nói rằng buôn bán không có giấy phép nên họ tịch thâu. Tôi đau lòng, rất buồn vì thầy giáo không đi dạy được, bán sách cũ cũng không cho. Làm gì để sống đây? Tôi chỉ còn có con đường hồi hương, về quê làm ruộng hay đi kinh tế mới cuốc đất trồng khoai. Ðó cũng là chủ trương của nhà nước lúc bấy giờ. Trở lại nghề cũ: đi dạy kèm. Phụ huynh học sinh cũ thương tình mời tôi đến nhà để dạy Toán, Anh văn cho con họ. Tôi làm nghề dạy kèm tư gia. Mỗi chỗ dạy chừng hai ba học sinh. Những lúc trời mưa, trời gió cũng đi xe đạp đến dạy. Dạy đâu được vài tháng các em cũng không chịu học nữa vì cái học lúc này không hấp dẫn các em. Bác sĩ ra trường lãnh tháng lương không bằng nghề vá xe đạp ở ven đường. Tôi lại chuyển nghề. Ði bán bia, nước ngọt. Sau một thời gian dạy học không đủ sống, bà xã tôi có một người bạn dạy chung trường có cơ sở nước ngọt, cần người bỏ mối. Họ cho mượn năm kết vỏ chai để tôi lấy hàng đi bỏ mối. Tôi đến các quán bán nước ngọt, bán bia, mời chào. Quán đầu tiên là quán... bà Ba, trên đường Liên Tỉnh số năm, dưới dốc bên phải cầu Nhị Thiên Ðường. Có khi trời đang nắng, cái nắng gay gắt của buổi trưa Hè, tôi cũng phải chở nước ngọt bằng xe đạp, hai kết được ràng ở phía sau xe, hai giỏ xách để ở đàng trước chở được một kết nước ngọt, vị chi là ba kết trên xe. Về nhà phải uống thuốc mất một năm rưỡi nữa mới lành bịnh. Tôi còn nhớ, lúc đó vừa giao nước ngọt và bán thêm rượu bia, có tên là “bia lên cơn,” bia này được nấu bằng cùi thơm hay vỏ của trái thơm để vài ngày lên men, có gas uống cũng chóng mặt, cũng say. Bà con thích uống loại này vì... rẻ, còn bia hơi quá đắt, lại khan hiếm, nên không đủ cung ứng cho nhu cầu. Ngoài “bia lên cơn,” còn có rượu nhẹ 36, là loại rượu pha cồn công nghiệp, uống vô nhức đầu chịu không nổi. Lúc mới về, phó chủ tịch phường sai tôi đi đắp kinh. Sáng sớm phải đội cái nón lá lên đầu, xách theo bình nước lã để uống và phải lội xuống sình để đắp bờ đê. Trong thực tế, họ cho người dẫn chúng tôi đến con kinh nhỏ gần ụ Nam Chành, bắt chúng tôi xuống sình để vét kinh, đào đất đắp lên bờ. Người ở dưới ruộng, từ xa giữa ruộng, xắn một cục đất tạm coi là khá lớn, chuyền tay cho người thứ nhất đã rớt xuống một miếng, chuyền đến tay người thứ hai đã rớt thêm một miếng đất nữa đến khi miếng đất truyền đến người cuối cùng quăng được cục đất lên bờ thì nó chỉ còn bé tí tẹo. Sau một buổi làm việc như vậy, số đất đem lên bờ chẳng còn bao nhiêu, chỉ làm cho đường đi càng dơ bẩn hơn mà thôi. Ðối diện với nhà tôi là công an phường. Cho nên sáng ngủ thức dậy là thấy công an rồi. Công an thường xuyên theo dõi xem tôi có liên lạc với sĩ quan của chế độ cũ để tổ chức phản động chống nhà cầm quyền hay không? Ðó là hình thức tù “lỏng” mà thôi. Tôi thì lúc nào cũng lo sợ, hồi hộp không biết sẽ bị bắt lại bất cứ lúc nào vì bất cứ lý do gì. Lòng tôi không yên. Lo âu hoài. Lo hết chuyện này đến lo chuyện khác. Lo làm ăn. Lo bị đói, không đủ ăn. Toàn gia đình làm việc cật lực mới sống được, mới tồn tại được. Theo luật bù trừ, con cái tôi vì phụ giúp buôn bán nên không còn chú tâm hoàn toàn vào việc học nữa. Còn riêng cá nhân tôi lo bán bia, bán nước ngọt nên không còn thì giờ dạy con cái học hành. Hành trình qua Mỹ thật cam go. Khi được cộng sản thả ra từ trại Nam Hà, thành phố Hà Nam Ninh về đến Sài Gòn, một thời gian ngắn khoảng vài tháng, tôi nhờ anh Nguyễn Gia Ph., một cựu giáo sư dạy cùng trường Lương Văn C. về trước tôi khoảng hai năm, cho tôi mẫu đơn để tôi điền đơn gởi sang Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Bangkok, Thái Lan để xin định cư tại Hoa Kỳ. Trong thời gian này, ít ai dám làm đơn vì còn sợ cộng sản biết được có thể bắt bỏ tù trở lại vì đã ở tù rồi mà còn muốn theo kẻ thù là “Ðế Quốc Mỹ,” còn thích “bơ sữa” của kẻ thù. Như vậy là chưa... cải tạo được. Tôi quyết định làm đơn rồi “lén,” gởi... chui, nhờ người làm trong bưu điện gởi giùm. Không có ai, không có chỗ nào dám nhận đánh đơn của mình. Tôi phải tự đánh máy lấy và tự gởi, lòng tôi lo âu không biết thơ của mình có tới Thái Lan không? Ðơn tôi có bị công an kiểm duyệt và tôi có bị làm khó dễ khi nộp đơn chui như vậy hay không? Tôi gởi nhiều đơn, đơn nào cũng giống nhau cứ vài tháng lại gởi một cái đơn. Tôi cứ gởi đại nhiều lần, hy vọng thơ này lạc còn có thơ khác tới. Tôi cũng gởi cho bà Khúc Minh Thơ để bà gởi sang Bangkok can thiệp giùm tôi. Ði dạy học trở lại thì nhà nước cộng sản không cho. Tôi hoàn toàn thất nghiệp. Tôi chỉ còn hy vọng lối thoát duy nhất này, đi Mỹ để giải quyết chuyện làm ăn, chuyện học hành của con cái, nhất là tôi có thể tìm được tự do. Tôi được người cháu gọi bằng cậu, cháu ngoại bác Hai tôi ở làng Tân Tập nhận bảo trợ cho tôi từ năm 1983. Khi nộp đơn đi Mỹ, người cháu này lo giấy tờ cho tôi và được phía Mỹ chấp thuận từ năm 1984, được gọi là tờ “Loi.” Nếu có tờ giấy này, có thể dùng để xin xuất cảnh ở Việt Nam. Hành trình đi Mỹ của gia đình chúng tôi rất là gian nan. Tôi thường ra Sở Ngoại Vụ, trước dinh Ðộc Lập cũ, để nghe ngóng tin tức. Ôi thôi đủ thứ loại tin tức, thêu dệt đủ thứ về cuộc sống sung sướng, giàu sang ở Mỹ. Tôi cùng với người bạn, là anh Quang, đi nộp đơn, nhưng vì anh ấy có bảo lãnh trước nên Sở Ngoại Vụ nhận đơn để làm giấy xuất cảnh, còn tôi chỉ có tờ “Loi.” không có ai bảo lãnh cả, nên họ không cho nộp đơn, bảo phải chờ thông báo sau. Khi cho tù cải tạo nộp đơn, vì nộp trễ, tôi được lên danh sách HO 23. Lúc này có rất nhiều người khiếu nại bên phía Mỹ để xin đi sớm nêu lý do là nộp đơn quá lâu rồi, ở trong nước bị chèn ép, khó khăn, nguy hiểm. Tôi cũng có làm đơn khiếu nại. Cuối cùng tôi được “đôn” lên HO 19, đi trước khoảng một năm. Trước khi ra đi, phải khám sức khỏe. Khi đi khám bịnh phải lo đủ thứ, lo đủ nơi. Phải lo khám trước ở nhà riêng của bác sĩ, chụp phổi trước xem có bị nám không? Chi tiền cho bác sĩ để đến khi khám bịnh chính thức sẽ được dễ dàng hơn. Khi đi phỏng vấn cũng phải bỏ vô hồ sơ vài chục ngàn đồng để được dễ dàng không bị các viên chức cộng sản làm khó dễ. Tôi quá sức hồi hộp vì sợ có điều gì trở ngại không? Tôi biết hồ sơ tôi rất tốt vì từ năm 1983 khi tôi làm đơn gởi qua Bangkok, Thái Lan, cho đến lúc được phỏng vấn không có gì thay đổi cả. Tháng cuối cùng, trước khi được lên máy bay, tôi bị cảm liên miên vì quá lo lắng. Tôi thuộc “diện” phải giao nhà cho nhà nước quản lý. Tôi có khiếu nại. Họ ngâm hồ sơ không chịu giải quyết để tôi nóng lòng muốn đi Mỹ thì phải ký giao nhà cho họ. Tối hôm Chúa Nhật lên máy bay mà cả tuần cuối cùng đó, tôi thường xuyên lên Sở Nhà Ðất họ cũng không chịu trả lời, bảo tôi phải chờ. Tôi đã có giấy tờ đăng ký chuyến bay, đã có dịch vụ lo chuyên chở hành lý. Ðã hẹn ngày giờ chở gia đình tôi ra sân bay. Nhưng đến những ngày chót mà tôi cũng chưa có giấy chứng nhận không có nhà cửa. Nếu thiếu tờ giấy này tôi không thể nào lên máy bay được. Sáng Thứ Bảy, tôi đi cùng một nhân viên dịch vụ của tôi đứng đợi ở Sở Nhà Ðất. Chúng tôi phải chung tiền cho họ, vậy mà mãi đến chiều Thứ Bảy, khi sắp đóng cửa, họ mới chịu đưa giấy tờ cho tôi. Trước đó mấy ngày, hôm Thứ Năm, tôi nhận được giấy báo đình chỉ chuyến bay. Khi nhận được giấy đình chỉ chuyến bay, tôi như người mất hồn, không biết giải quyết ra sao? Vợ tôi thúc hối cứ ký giao nhà cho nhà nước để được đi sớm. Tôi lòng rối như tơ vò, tôi không thể làm như vậy được vì nhà này đâu phải là nhà của tôi đâu mà tôi ký giao, tôi chỉ đứng tên cái nền nhà giùm cho ba má tôi mà thôi. Tôi không thể ký giao nhà của ba má tôi được. Cơ sở đại lý bia thì đã bán lại cho em tôi rồi. Ðã cầm lấy tiền, đã thanh toán nợ nần xong. Trong một tháng cuối cùng tôi không lúc nào yên ổn cả. Lo bán tiệm. Lo khám sức khỏe. Lo thăm viếng bà con, anh em, bạn bè. Lòng tôi ngổn ngang trăm mối, đầu óc quay cuồng bao nỗi lo âu. Lần ra đi này lại thêm thử thách mới, lại phải thay đổi nghề nghiệp nữa, rồi sẽ sống bằng nghề gì đây, lại bắt đầu bằng nghề mới ở tuổi 51, sức khỏe tôi không phải loại tốt cho nên nếu làm nghề gì nặng nhọc đâu có làm nổi. Ở quê hương mình, tôi có thể nói tiếng Việt với nhau, làm ăn cũng có cơ sở rồi, phấn đấu gần tám năm được một cửa hàng để buôn bán, một số khách hàng quen thuộc, sinh sống tương đối thoải mái so với người xung quanh như vậy là mình có phước lớn lắm rồi. Cho nên bạn bè mới nói làm ăn rần rần như vậy, còn muốn đi Mỹ làm gì nữa. Nhưng họ đâu hiểu rằng làm ăn như vậy, nhưng có gì chắc chắn đâu. Họ có thể đóng thuế thật cao lên, mình chịu không nổi mà bỏ cuộc hoặc rủi ro có truyền đơn hay có biến động gì họ có thể bắt mình vô tù ngay. Về tinh thần làm sao mà yên ổn được. Do đó, tôi phải dứt khoát ra đi, đi bất cứ xứ sở nào, nếu được đi Mỹ thì còn quí giá nào bằng. Ngày ra đi mừng vui, lo âu lẫn lộn. Mừng vui vì thoát khỏi chế độ cộng sản, được tự do đọc báo, đọc sách với mọi tư tưởng, mọi khuynh hướng. Tôi có thể nói về bất cứ điều gì mình cho là đúng, không sợ bị bắt bớ, bỏ tù. Nhưng tôi lo lắng không biết làm gì để sống đây. Anh văn không giỏi lắm, nghề nghiệp chuyên môn không có. Tôi cũng đành phó thác cho “Thượng Ðế, Ông Trời” về tương lai của mình. Mặc dầu có lo lắng cho tương lai, sự ra đi thoát khỏi chế độ cộng sản cũng là niềm vui đối với tôi và gia đình tôi, để giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc, nhà cửa chật chội sẽ được rộng rãi thêm ra vì vắng một gia đình. Con cái sau này có nghề nghiệp theo ý muốn. Tôi không còn bị sự kềm kẹp của công an. Tôi được hít thở không khí tự do đó chính là niềm ao ước thiêng liêng, quan trọng nhất trong đời tôi. Hôm lên phi cơ ra đi, phi cơ vừa cất cánh, tôi cảm tưởng như mình vừa thoát khỏi cơn mơ. Tôi thành thật cám ơn tất cả những người thân yêu, bạn bè, thầy cũ, học trò cũ đã quan tâm nâng đỡ tinh thần tôi trong những ngày tháng khó khăn lúc tôi vừa mới ra tù. Tôi vẫn nhớ Bác Sĩ Trạm, tay cầm hai hộp sữa đến thăm lúc tôi mới về. Tôi vẫn nhớ thầy Hoàn, thầy dạy tôi hồi tôi học lớp Chín ở trung học, đến thăm tôi rất sớm. Các bạn của bà xã tôi đến ăn mừng tại nhà tôi. Con xin hết lòng tạ ơn Thượng Ðế đã quan tâm, săn sóc, nâng đỡ con, hướng dẫn gia đình con đi được đến bến bờ tự do.
|