Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Giá trị lịch sử của các “Tù Khúc”

Giá trị lịch sử của các “Tù Khúc” PDF Print E-mail
Tác Giả: Tạ Quang Hoàng   
Thứ Sáu, 19 Tháng 3 Năm 2010 14:14

“Tù Ca” là những khúc nhạc được anh em tù nhân cải tạo sáng tác trong ngục tù cộng sản

vì nhu cầu tinh thần của những người bị cộng sản giam giữ không định thời hạn sau 30 tháng 4 năm 1975. Tuy chỉ xuất hiện trong khoảng một thời gian ngắn, nhưng nó đã để lại một dấu ấn văn hóa, rất riêng, và sẽ không bao giờ có chuyện ‘tái bản’ lại. Chính vì cái bản sắc “rất riêng” và “không bao giờ có chuyện tái bản lại” này, những “Tù Ca” sẽ là những tài liệu vô cùng quý giá để sau này giúp lịch sử phán xét chế độ Cộng Sản Hà Nội.

Người viết tuy không hiểu nhiều về nhạc lý, song trong những năm tháng lưu đày khổ sai trên đất Bắc, cùng chia sẻ những đắng cay, tủi hận của những người “tù không tội”, nên khi có những tù khúc được sáng tác và phổ biến rộng rãi tại trại Nam-Hà (đặc biệt là tại Phân Trại A, nơi tôi bị giam giữ) vào dịp Tết Canh Thân đầu năm 1980, tôi đã không tránh khỏi bị thu hút.

Lúc đầu các tù khúc được lưu hành qua phương cách rỉ tai và thu hẹp trong từng nhóm nhỏ bạn tù thâm giao, nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, việc ca hát các tù khúc hầu như công khai sau khi cổng trại giam được khóa lại. Buồng giam nào vào buổi tối hay dịp nghỉ cuối tuần, cũng có thể nghe được những lời ca tiếng nhạc của những tù khúc quen thuộc, và hầu như mỗi bạn tù, cho dù không mấy hiểu biết về nhạc lý, cũng cảm thấy hứng khởi và rồi tham dự vào một cách tự nguyện. Chỉ vì những lời ca đó, được chuyển đạt qua những âm điệu đó, mỗi anh em bạn tù chúng tôi đều cảm thấy nỗi lòng mình như được giải tỏa, được xoa dịu, và rồi tự mình cũng nhẩm ca theo, và có khi toàn thân như bị co cứng lại và nổi da gà.

Có thể sắp xếp các “Tù Ca” theo 4 chủ đề sau:
Tình cảm: thương nhớ người thân, người yêu.
Tù đày: nói lên bản chất dã man, tàn độc của cộng sản trong cách “trả thù” những người đã từng phục vụ trong chính quyền cũ.
Tôn giáo/Ðức tin: cầu xin sự che chở của các Ðấng Thiêng liêng và Ðộng viên tinh thần (hào hùng, bi tráng).

Về chủ đề “Tình cảm”, tuy có thể dẫn tới một sự ngộ nhận là tại sao trong hoàn cảnh tù đày, hằng ngày đối diện với sự đói khát, lao động khổ sai, tinh thần căng thẳng... mà vẫn còn có thể viết và soạn ra được những vần thơ ý nhạc tràn đầy tình cảm dành cho những người thân yêu trong gia đình, cho người yêu? - Nhưng đây chính là một đặc tính làm rõ lên sự khác biệt giữa người Quốc Gia và người Cộng Sản không có tính người. Dù đang ở vào một giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời, những người “Tù cải tạo” vẫn không bao giờ để mất bản chất nhân bản của con người Quốc gia (yêu Gia Ðình, yêu Dân Tộc, và yêu Tổ Quốc).

Chính nhờ nuôi dưỡng được tình yêu thương dành cho những người thân này, các anh em bạn tù đã có thêm sức mạnh để khắc chế những tư tưởng tiêu cực của bản thân, vượt qua những khổ ải, những buồn tủi trong cuộc sống tù ngục, hầu tiếp tục tồn tại, đứng vững, chờ đợi ngày trở về với gia đình, với những người yêu thương, cho dù ngày ấy xa vời vợi và rất mơ hồ.

Anh em bạn tù hiểu rất rõ rằng, những khổ cực họ đang trải qua trong các trại tù khổ sai của cộng sản, chỉ bản thân họ gánh chịu, và không thấm vào đâu so với những khó khăn, những hù dọa, những căng thẳng, mà những người thân yêu còn ở quê nhà ngày ngày phải đối diện, đối phó với bọn cộng sản địa phương, với cuộc sống “đổi đời”, để có thể thay thế họ nuôi dưỡng con cái, cha mẹ, và còn phải chắt chiu để khi có dịp lại đi “thăm nuôi” chồng, con. Cũng cần phải hiểu thêm rằng tất cả những điều đó người vợ, người thân, đã phải thay chồng, cha, anh chị, để gánh vác một mình - và với một số chị em, còn là lần đầu tiên bước chân vào đời - trong một bối cảnh xã hội đầy hận thù của người cộng sản đối với gia đình Dân-Quân-Cán-Chính từng phục vụ cho chính phủ VNCH của những năm tiếp sau Tháng Tư 1975.

Về chủ đề thứ tư trong cách phân loại trên tôi muốn làm sáng tỏ thêm khi đối chiếu với nội dung những tù khúc lưu hành tại Trại Nam-Hà hồi năm 1980 và những năm tiếp theo sau đó. Có những tù khúc tại Trại Nam-Hà, chẳng những nói lên tính kiên cường, bất khuất của anh em bạn tù, chấp nhận mọi hình thức trả thù, kể cả chịu chết, chứ không chấp nhận khuất phục, đầu hàng kẻ thù. Và hơn thế nữa, dù đang ở vào thời điểm đen bạc nhất của cuộc đời, vẫn giữ được tấm lòng sắt son với lý tưởng Quốc Gia, và niềm tin tuyệt đối vào một tương lai tươi sáng của một nước Việt Nam có Tự Do, Dân Chủ, Hạnh Phúc, với Tình Yêu Thương.

Có nhiều anh em đề nghị: Các anh em bạn tù đã có một thời tham dự sinh hoạt “Tù Ca” trong các trại tù cộng sản (sáng tác, phổ biến, ca hát...) hãy tập hợp lại - ở một nơi nào đó, vào một thời điểm nào đó - để cùng nhau đàn hát cho nhau nghe những bản tù khúc cũ, rồi in, thu CD, DVD nếu có điều kiện, hầu lưu giữ lại cho các thế hệ về sau. Ðây là một đề nghị rất có ý nghĩa, và cần được tiến hành càng sớm càng tốt trước khi “Thế hệ HO” trở về với cát bụi.