Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Câu chuyện lì xì

Câu chuyện lì xì PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phan / Người Việt   
Thứ Hai, 22 Tháng 2 Năm 2010 16:03

   Một trong những phong tục ngày Tết của nhân dân Việt Nam là tục mừng tuổi.

Trong Việt Nam Phong Tục, cụ Phan Kế Bính viết về tục lệ này như sau “Cúng gia tiên xong thì con cháu ra mừng tuổi ông bà, cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu mỗi đứa vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi.”

Phong tục đó của dân tộc Việt không biết tự lúc nào đã trở thành tục lì xì và ngày nay nó đã trở thành một hủ tục.

Ðối với trẻ em, tục này nay trở thành một cơ hội “kiếm tiền”. Tờ báo điện tử VnExpress kể lại một thí dụ “Mở phong bao lì xì của dì Hảo, Tèo bĩu môi trước mặt khách ‘Cô này keo quá, lì xì gì mà có hai chục nghìn, chả bằng một tẹo tiền của bác Thắng ban sáng’. Câu nhận xét đó của đứa trẻ đã khiến cả khách lẫn bố mẹ cậu ngượng đỏ mặt. Chỉ sau khi khách ra về, dù là ngày mồng 1, lẽ ra không để trong nhà có tiếng khóc và kiêng không đánh trẻ, bố Tèo, vì quá tức giận, vẫn phải phát mông cậu con mấy cái cho chừa cái tật ‘làm bố mẹ xấu mặt’. Còn Tèo, khi bị bố phạt đòn, cậu học sinh lớp Hai vẫn không hiểu vì sao. Miệng cứ liên tục kêu oan rằng ‘tiền của cô nhà quê thua tiền của bác Thắng.’”

Tờ báo còn đưa ra nhiều thí dụ khác để chứng minh một thái độ thủ lợi thật đáng sợ trong những trẻ em còn rất nhỏ. Nó cho chúng ta cái cảm tưởng là xã hội ở Việt Nam ngày nay không còn tình nghĩa nữa mà chỉ có tiền là trên hết.

Tờ Thanh Niên thì viết “Tết đến, đối tượng được lì xì nhiều nhất là trẻ em. Người lớn khi lì xì cho trẻ em là thể hiện sự quan tâm đến trẻ, mong muốn mang đến cho trẻ niềm vui, sự may mắn, điều tốt lành nhiều hơn là giá trị vật chất của tiền. Tiền được nhận lì xì với trẻ em đã thành phản xạ có điều kiện. Mỗi khi có khách đến nhà chúc Tết là bọn trẻ lại chờ đợi ‘tiết mục’ lì xì. Trẻ con có thể háo hức đến bỏ ăn bỏ chơi để ngồi chờ lì xì, có thể làm đủ trò để khách đừng lơ đãng mà ‘quên’ lì xì. Có người chiết tự vui ‘lì xì’ có nghĩa là trẻ con cứ lì ra cho đến khi khách phải xì tiền mừng tuổi ra mới thôi.”

Ðiều đáng buồn là ngay cả thanh niên cũng coi đồng tiền lì xì vô cùng quan trọng. Tờ báo điện tử Vnmedia giải thích là đối với nhiều thanh niên “nó có thể được coi là ‘nguồn thu nhập’ đáng kể mà nhiều bạn rất trông mong”. Một sinh viên Ðại học Hàng Hải ở Hải Phòng cho rằng “Phải chăng người lớn đã vô hình chung tạo nên ‘lòng tham’ cho trẻ?” Sinh viên này còn nói đến chuyện ra Tết khi trở lại lớp học sẽ có cuộc đua xem ai được nhiều tiền lì xì hơn và “thêm vào đó là những ganh tỵ hay tủi thân âm thầm”.

Tờ Dân Trí thì lại nghĩ là cha mẹ nên “quản lý” tiền lì xì của con trẻ bởi theo tờ báo “ở các thành phố... chuyện trẻ em nhận được cỡ một vài triệu tiền lì xì ngày Tết là chuyện bình thường. Ðó là còn chưa kể những con nhà quan chức, khi chúng ‘gặt hái’ vụ Tết tiền lì xì từ các thuộc cấp của bố, mẹ” một con số “bộn bạc”. Tờ báo nói là số tiền này đã số được các em đem đi chơi game, cờ bạc hay tiêu hoang phí. Tác giả bài báo kể lại là cậu con trai nhà hàng xóm, được bố mẹ cho hai trăm ngàn đồng vậy mà chạy đi chơi bầu, cua, cá, cọp chỉ thoáng một cái hết trơn, khi bố mẹ hỏi thì thản nhiên bảo đánh bạc hết tiền rồi. Tờ báo khuyên bố mẹ nên dạy cho con tính để dành, mua cho con một con heo đất để bỏ ống rồi khi nào cần hãy đem ra sử dụng cho hữu ích! Một chuyện thật hiển nhiên mà một tờ báo còn cần thấy phải mang ra dạy giỗ cha mẹ. Thật lạ lắm thay.

Ðối với trẻ em đã vậy, đối với người lớn, phong tục của tổ tiên đã trở thành một cơ hội để hối lộ. Cũng tờ Thanh Niên viết “Theo đúng phong tục thì những người ngang tuổi không lì xì cho nhau, người dưới không lì xì cho người trên mà chỉ có người lớn tuổi, người bề trên lì xì cho người dưới. Tuy nhiên, cái bao lì xì đỏ rực niềm tin đang bị mất dần ý nghĩa tốt đẹp của nó, phong tục lì xì đang bị biến tướng thành một cách để đưa hối lộ. Ngày Tết có khi nhân viên phải lo ‘mừng tuổi’ sếp, sếp nhỏ lo ‘mừng tuổi’ sếp to, sếp to lo ‘mừng tuổi’ sếp to hơn nữa. Quê ta vạn tuế, mọi người cứ lo ‘mừng tuổi’ loanh quanh như vậy mà quên mất rằng lẽ ra sếp phải lì xì cho nhân viên, sếp to phải lì xì cho sếp bé. Hoặc có người đến nhà sếp, đưa lì xì cho con sếp mà mắt liếc sếp không biết sếp có chứng giám cho ‘tấm lòng thành’ của mình không, có hiểu được ý đồ mình định gửi gắm, cài cắm không.”

Tờ báo mỉa mai nói nay nhiều người bắt đầu thích gọi lì xì là lầy xì, ý muốn nói là nhìn từ góc nhìn của người “bị” phải lì xì thì phong tục nay trở thành “lầy lội”, lầy xì. Tình cảnh đến nỗi mà nhiều người khi phải đi chúc Tết cảm thấy ngần ngại khi thấy nhà quá đông con, bởi “lì xì ít thì không ổn mà lì xì nhiều thì không biết bao nhiêu cho xuể. Rồi trước Tết, sau Tết nhiều người cứ bị trắng trợn đòi tiền lì xì, không lì xì không được mà lì xì thì ấm ức, lì xì xong mặt cứ lầm lì xì ra khói.”

Nhưng nếu nói đến chuyện lì xì trở thành một hình thức hối lộ thì phải kể đến những điều được ghi trong website Vitinfo.com.vn, trong đó tờ báo kể là “Việc học hành của con các sếp thời nay không dừng lại ở các trường quốc tế trong nước mà tiền ra đến tận nước ngoài, thế nên phong bao lì xì có khi đựng trong cả chiếc thẻ visa debit trị giá khủng còn nguyên tem, nguyên mật khẩu, rút tiền theo hình thức liên ngân hàng, có thể tiêu được ở hàng trăm quốc gia trên toàn cầu.” Ấy là chưa kể “phong bao lì xì năm mới chứa đựng vỏn vẹn chỉ có... giấy tờ sở hữu một biệt thự hay một khu đất đến hàng ngàn mét vuông”!

Thế là một phong tục mừng tuổi, tức chúc mừng tuổi thọ cho ông bà cha mẹ đã trở thành một hủ tục kinh hồn.

Trong khi đó, hôm nọ, khi sang ăn Tết ở California, chúng tôi chứng kiến cảnh một cậu bé bị bắt phải ăn mặc đẹp đi sang chúc Tết nhà ông bà. Cậu ta không thích bộ đồ mới, đòi thay bộ khác, khi bà mẹ bảo phải mặc bộ đồ này thì mới có tiền lì xì. Cậu bé thản nhiên bảo, “Con không thích money. Vậy con thay quần áo khác được không?”