Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Tuy Hòa và hố sâu giàu, nghèo

Tuy Hòa và hố sâu giàu, nghèo PDF Print E-mail
Tác Giả: Bài và ảnh Trần Tiến Dũng/Người Việt   
Thứ Hai, 21 Tháng 12 Năm 2009 22:51

Vài năm trước, thành phố Tuy Hòa của tỉnh Phú Yên chỉ thường có những buổi sáng, buổi chiều chìm vào cơn ngái ngủ của nhịp sống cư dân tỉnh lẻ.

 Cây bàng biển trước vẻ lộng lẫy của căn nhà mà chủ nhân của nó là một “giai cấp mới”, tư bản đỏ.

 Mỗi lần đến Tuy Hòa chúng tôi đều có tâm trạng háo hức muốn đến ngay bãi biển của đô thị này. Bờ biển dài với rừng dương bạt ngàn, với những bãi rau muống biển bò lan khắp bãi khắp đồi. Biển ngày đó ở ngay thành phố, thơ mộng như một cõi mơ màng trong tiếng hát của sóng biển và hàng dương.

ÐT., người nhạc sĩ trẻ đi cùng tôi đã nhiều lần đến đây để hát sô nhưng anh chưa từng ra biển. Chúng tôi mướn một chiếc xe gắn máy chạy rong rong trên những con đường mới mở rộng-đẹp. ÐT. nói, “Chắc chính quyền cho rằng du khách chỉ cần đến đây để ngắm biệt thự-vila là đủ tiền rồi về, chẳng cần phải tắm biển hay ngắm biển làm gì.”

Thành phố Tuy Hòa ngày nay chia ra làm hai khu đô thị cũ và mới rõ rệt. Ðiều đó cũng có nghĩa cái tỉnh lỵ nghèo này là một điển hình cho thấy khoảng cách lớn giữa mức sống của giai cấp tư bản đỏ và dân đen. Con đường Hùng Vương và cái vẻ lộng lẫy của các biệt thự, resort chạy dài suốt bờ biển Tuy Hòa là một thí dụ cho cách nghĩ rằng, “Sau khi đã dồn đẩy đa số những lương dân ra rìa, cả tỉnh Phú Yên này chỉ cần vài con đường như thế này thì giới tư bản đỏ sẽ làm nên bộ mặt lòe loẹt của thể chế .

 Hai cô gái trẻ

Một phần của phố nhà giàu mới ven biển thành phố Tuy Hòa. 

Lúc đưa chúng tôi đi thăm một vòng thành phố Tuy Hòa, hai cô gái trẻ hào hứng quảng cáo - tiếp thị không công cho công ty Thuận Thảo, một doanh nghiệp tư nhân nổi tiếng của Phú Yên. Tất nhiên chúng tôi hiểu khi hai cô đem công ty Thận Thảo ra khoe với khách phương xa cũng là một cách để có chuyện chứng minh quê hai cô nay đã khác xưa rồi.

Trên đường gặp xe của Thuận Thảo hai cô cũng chỉ, ra biển chỉ vào từng cụm rừng dương, cụm resort nào hai cô cũng khẳng định là của Thuận Thảo. Ðứng trên núi Nhạn hai cô cũng quơ tay chỉ khách sạn năm sao, siêu thị, nhà phố của Thuận Thảo...

Nhạc sĩ ÐT. nghe hai cô nói, gật đầu hỏi, “Nếu đổi tên tỉnh này thành tỉnh Thuận Thảo hai em thấy sao!” Hai cô gái khi nghe hỏi đều có vẻ mặt ngơ ngác. Cô L., đang làm ở ngành bưu điện tỉnh nói, “Hồi công ty Thuận Thảo cho nhân viên đi bứng hết mấy cây bàng biển của thành phố đem về trồng trong resort thì dân ở đây cũng nói là tỉnh này là tỉnh Thuận Thảo, anh mới ra mà biết được hay ghê!” Cô V, nhéo tay bạn nói lại, “Nhân viên cây xanh đi bứng cho Thuận Thảo cây già, rồi trồng cây con thay thế. Tỉnh này chỉ có bà Tổng giám đốc Thuận Thảo là muốn gì cũng được.”

 Chỉ cách phố nhà giàu vài bước chân là cảnh đời của những người nông dân mò cua bắt ốc kiếm sống.

Việc hai cô gái trẻ có bằng đại học, làm việc với mức lương chưa quá 3 triệu đồng một tháng “ngưỡng mộ” công ty Thuận Thảo cũng là lẽ tự nhiên. Và không chỉ dân cư tỉnh lẻ, người ta biết rằng chưa bao giờ đảng và nhà nước của thể chế này “tôn vinh” giới tư bản bằng lúc này. Cái mặt xấu của giới tư bản đỏ được báo chí trong nước đưa ra chỉ là những chuyện nhỏ, chuyện tầm phào, còn thực chất của việc cấu kết của giới quan chức và tư bản đỏ để lũng đoạn vơ vét đến mức nào thì chỉ có ông Trời mới biết.

 Người câu cá ngạnh ở cảng cá Tuy Hòa

Chúng tôi dừng lại ở một đoạn vùng giáp ranh giữa khu đô thị mới và xóm nhà dân cư đang sống chờ có qui hoạch - đầu tư là giải tỏa trắng. Trước mặt chúng tôi vẫn còn đó những miếng ruộng xơ xác sau cơn lũ lịch sử. Trên mặt ruộng đầy bùn, vài người đàn bà nông dân đang còng lưng mò cua bắt ốc tìm cái ăn.

Cảng cá Tuy Hòa với những chiếc thuyền con trong thời tài nguyên biển bị Trung Quốc “quản lý.” 

Trước lúc đến đây, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh kiếm ăn từng bữa của ngư dân ngay trên cầu cảng cá của Tuy Hòa. Một ngư dân đang dùng cần câu, câu từng con cá mà dân ở đây gọi là cá ngạnh (cá chốt). Anh cho biết, “Trước đây anh đi bạn cho chủ tàu cá nhưng giờ nhiều chủ sợ Trung Quốc bắt, ông nào bán tàu được thì họ bán, không bán được thì nằm ì đó chớ đi là mất trắng tay.”

Chúng tôi hỏi anh câu cá ngạnh để ăn hay để bán. Anh nói, “Thứ này coi vậy nấu chua cũng ngon lắm.” Tôi lại hỏi nếu bán thì cá này bán bao nhiêu một ký. Anh không trả lời chỉ nói, “Thứ này trước đây chỉ cho heo ăn.”

Kề bên chỗ người đàn ông thả câu là một số chiếc ghe nhỏ, Ðối với ngư dân những chiếc ghe cá nhỏ, rất nhỏ, loại ghe mà khi ra biển không ai dám đi xa bờ này lại chính là phương tiện kiếm sống của ngư dân Việt Nam lúc này và tương lai. (TTD)