Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Viết cho ngày Vu Lan

Viết cho ngày Vu Lan PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngọc Lan/Người Việt   
Thứ Sáu, 04 Tháng 9 Năm 2009 04:28


Một mùa Vu Lan nữa lại về, mùa để nói nhau nghe về bông hồng đỏ và bông hồng trắng, mùa để những đứa con dành chút lòng nhớ mẹ, người đã cho mình một hình hài để tồn tại trên đời.

 

Mấy ngày trước, đọc bài viết của một cô bạn kể về mẹ của mình. Trong đó, cô nói về lá thư cô viết cho mẹ khi bà nằm bệnh viện. Khi ấy cô lên 10, ba có vợ khác, cô thay má làm mẹ cho hai đứa em đứa lên 5, đứa lên 2. Cô kể, “Nhớ má, tôi lấy màu của má, tỉ tê viết thơ cho má. Dán phong bì đàng hoàng, vẽ một cái tem nữa, rồi đem qua nhà chú Hà, ‘Chú, con nhờ chú đem vô bịnh viện đưa cho má.’ Vậy thôi. Con nít mà, đâu có nghĩ tới nữa.” Hết bệnh, mẹ cô về nhà, đem bức thư lồng kiếng treo ngay chỗ bà ngồi may quần áo, ai đến thăm, bà cũng chỉ vào bức thư mà khoe.

“Má yêu quí,

Bao giờ má về hả má? Má dô mấy chai máu hả má. Má có ăn cơm không? Má đừng lo ở nhà nhé. Con Mưa nó biết úp chén rồi đó má ạ. Chúng con vẫn khỏe mạnh như thường. Con tặng má bức tranh tựa đề ‘Ði chợ về’...”

Lá thư chỉ vỏn vẹn vài dòng, nhiều chữ chẳng đúng chính tả nhưng tình cảm ngây ngô của đứa con biết nghĩ tới mẹ đã là một liều thuốc kỳ diệu giúp bà vượt qua bệnh tật, sống đến hôm nay. Cô viết, “Lúc má tái khám, bác sĩ ngạc nhiên vì má có triệu chứng bình phục. Má là người duy nhất sống sót sau 3 năm bị ung thư máu trong khu điều trị đó. Bác sĩ hỏi tại sao, má đưa cái lá thư của tôi ra, nói, ‘Ba đứa tụi nó con nhỏ bé như thế này. Tui phải sống để mà nuôi tụi nó chứ.’”

Năm tháng vùn vụt qua tự lúc nào, cô lấy chồng xa xứ, rồi sanh con đẻ cái, vui buồn cùng những đứa con của chính mình. Một ngày cô trở về thăm mẹ, bà đưa cô một cuốn sổ dày cui, trong đó bà gom và dán hết tranh vẽ của cô từ nhỏ tới lớn vào, có cả lá thư đã úa vàng.

Một quyển sổ, một trời mẹ thương con.

Ðọc bài cô, tôi khóc. Tự hỏi một câu dư thừa, những đứa con có bao giờ cất giữ trọn vẹn những thứ cha mẹ đã cho như cách những bà mẹ vẫn chắt chiu những kỷ niệm của con mình?

Những người mẹ có thể có rất nhiều câu chuyện để kể về con, từ lúc con vừa nên vóc nên hình trong bụng mẹ, đến khi oa oa tiếng khóc đầu tiên. Mẹ có thể ngồi kể hàng giờ những ngộ nghĩnh yêu thương, những bi bô tập nói, những thành công và cả những thất bại mà đôi khi con chẳng nhớ trong cuộc đời.

Ngược lại, con nhớ đến mẹ hình như là hiếm lắm. Và dường như con lại chỉ nhớ nhiều hơn khi một ngày thấy áo mình cài hoa trắng. Những đứa con vẫn tự mình bào chữa, “Nước mắt có bao giờ chảy ngược.”

Cách đây mấy ngày, ngồi trò chuyện với một chị đang chăm sóc cho người mẹ bị bệnh mất trí nhớ suốt 4 năm qua. Chị ngồi kể chuyện thao thao, người mẹ lặng lẽ ngồi bên, cứ cười hiền lành, chẳng biết đứa con đang nói gì mình. Chỉ vào chị, tôi hỏi người mẹ, “Bác có biết ai đây không?” - “Nó là con tui chứ ai.” - “Bác có thương chị không?” - “Hỏi gì lạ vậy. Thương chứ sao không. Nó là con mình, mình phải thương.” Tôi nghe mà thấy lòng rưng rưng. Bà quên hết mọi điều, nhưng tình thương với đứa con duy nhất làm sao trôi đi mất trong trí nhớ đang dần rơi rụng của người mẹ mang bệnh alzheimer.

Tôi lại nhớ ngày tôi dự đám tang mẹ của một người bạn. Tôi theo vào xem cảnh người ta đưa quan tài vào hỏa thiêu. Thực sự tôi đã không hề thấy sợ, mà chỉ là một cảm xúc gì đó không thể diễn tả được khi nắp lò thiêu mở ra và chiếc quan tài rơi xuống... Tôi nhìn trân trối vào gương mặt của bạn tôi - một người vừa mất mẹ. Tôi không diễn tả được cảm xúc của mình khi ấy bởi tôi không rơi vào hoàn cảnh của bạn, nhưng điều đó ám ảnh tôi.

Bao lâu nữa... ngày đó sẽ là của mình? Những rong ruổi mưu sinh đã khiến mình lắm lúc quên hẳn một điều: sẽ có ngày hoa hồng hóa trắng...

Tạm gác những hẹn hò, những cuộc vui, “chiều nay con về ăn cơm với má!”