Biểu tình:Từ góc nhìn luật lệ và văn hóa |
Tác Giả: Kami | |||
Thứ Hai, 01 Tháng 3 Năm 2010 13:21 | |||
”... nhân dân VN không phải là một loại người riêng rẽ khác biệt với nhân loại. Đặc thù nổi bật của VN được quốc tế ghi nhận và cần phải làm nhạt đi chính là ở chỗ “Mỗi công dân VN là một người tù dự khuyết”...”(cảm nghĩ từ bài viết của nhà báo Xuân Bình cho Bé Phim) Có phải đó là hào khí? Hẳn là chưa ai quên những cuộc xuống đường rầm rộ được nhà nước tổ chức chu đáo cho các trường vào những thập kỷ trước, đặc biệt là trong những dịp “Chào mừng Đại hội (nào đó) thành công”? Từ sáng sớm, lũ học trò đói mét mặt đã được cẩn thận chăm sóc những khăn quàng đỏ cùng những lá cờ sao vàng nho nhỏ cầm tay, xếp hàng hai đi từ trường ra địa điểm tập họp theo đội hình diễu binh, với đội trống danh dự của trường dẫn đầu cùng ban giám hiệu, các giáo viên đi kèm từng lớp, lớp trưởng và lớp phó được phát sẵn mẩu giấy viết tay các khẩu hiệu và cách hô vuốt để cùng hét cho đồng nhịp: “Hồ chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” - “sống mãi, sống mãi, sống mãi!”. Rồi “Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm” - “muôn năm, muôn năm, muôn năm!”. Chẳng cần biết ý nghĩa của sự trọng thể hay trọng thị thế nào, lũ học trò bé con thời đó thích lắm, bởi vì, để đảm bảo sự đồng nhịp, học trò không cần học văn học toán mà được nghỉ lớp để dành hết thì giờ cho sự nghiệp học tính tuân phục và tập dượt nhiều ngày trước ngày chính thức xuống đường. Một cuộc biểu tinh ở Việt nam (hình minh họa) Với sự trợ lực hữu hiệu và tận tình của công an chìm nổi các loại, gần như mọi thứ đều ăn khớp theo mô thức tổ chức rập khuôn cả nước (và có thể rập cả khuôn Liên Xô-TQ?). Nhưng đã lắm người tự hỏi: Có phải đó là hào khí của một cuộc biểu thị tình cảm? Không ai chắc! Điều nắm chắc trong tay chỉ là: “Thép” đã tôi thế đó! Và người ta rùng mình theo ước mơ của đảng: sống mãi với muôn năm, vạn tuế, vạn vạn tuế! Gần hơn nữa, có lẽ càng ít ai quên các cuộc biểu tình trước cổng những đại sứ quán để chống các chính phủ Tây phương, đặc biệt là lần chống Mỹ đưa quân đội vào nước bạn Iraq để loại bỏ nhà cầm quyền độc tài bầu bạn Saddam Hussein? Từ cả tuần trước đó, hệ thống loa phường đã cạnh tranh tối đa với báo chí, đồng loạt mở hết công suất để tuyên truyền liên tục cho mục tiêu, chỉ tiêu, và cách thức biểu tình. Đến đúng ngày, đích thân dân quân và các tổ dân phố đã dồn sức huy động mọi giai cấp nhân dân vào cuộc, tiêu chí là phải có đủ mặt đại diện các thành phần công nhân, nông dân, thanh niên xung phong, sinh viên học sinh, phụ nữ, bô lão, thiếu nhi, cựu chiến binh… và tất nhiên là không thể loại trừ bộ đội, cán bộ công chức (thời đó rất hiếm tư chức), xích lô, xe ôm (thời đó cũng hiếm taxi), cả đầu gấu, hình sự, du côn… Tất cả đều được sắp hàng hai đi bên lề phải, tay cầm cờ xí, miệng hô khẩu hiệu theo những mẫu viết sẵn và phát trước. Lộ trình diễu hành đã được công an vạch sẵn, lại còn được cảnh sát giao thông hụ còi môtô mở lối. Đó đây lại có những băng-rôn cách khoảng đều đặn, xen kẽ tiếng ta lẫn một vài thứ tiếng khó đọc (và khó nghe): “Pítsờ Pho Irắc”, “Giăngki Gô Hôm”, “GioócBút dơkinlờ”, “Rút quân ngay, đồ khốn!”… Đến khi những đoàn người từ nhiều ngả đường đã tập họp đúng giờ tại địa điểm mít tinh thì lập tức nơi đó biến thành một hiện trường đấu tố khiếm diện bọn đế quốc, phản động, thù địch nước ngoài. Nếu địa điểm là cổng một đại sứ quán cần chống nào đó thì sẽ có cán bộ đứng phát cà chua thối cho nhân dân (không có trứng, hoặc cà chua tươi, vì lý do kinh tế bấy giờ). Xong xuôi, một tiếng còi hiệu vang lên để đồng bào bày tỏ sự căm tức cực điểm bằng cách đồng loạt ném cà chua vào cổng sứ quán. Máy ảnh của các phóng viên chỉ đợi ngần đó để nháy, cộng thêm cảnh tượng nhân dân cùng hát bài Như có bác Hồ… Thế là nguyên dàn báo, đài và loa phường hôm sau đã có đầy đủ tin tức hình ảnh, âm thanh cuộc biểu tình cao điểm của lòng căm hận bọn đế quốc đã thành công tốt đẹp vượt chỉ tiêu v.v. Dù vậy, vẫn lắm người hỏi nhau: Có phải đó là hào khí? Có phải đó là biểu tình? Và lắm người, kể cả người nước ngoài, lắc đầu thay cho lời đáp. Vậy thì Biểu Tình là gì? Theo Đại từ điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý – nxb VH-TT): “Biểu tình, đgt.: Tụ họp với nhau lại hoặc diễu hành trên đường phố để biểu thị ý chí, nguyện vọng hoặc biểu dương lực lượng, thường nhằm mục đích gây sức ép gì đó”. Theo Encyclopedia Americana: “biểu tình là hành động ôn hoà của một nhóm người, nhằm mục đích bày tỏ đến cộng đồng một quan điểm hay cách nhìn của họ về một vấn đề nào đó trong xã hội”. Theo Wikipedia: “biểu tình là một hình thức hành động bất bạo động thường diễn ra trong lịch sử được thực hiện bởi một nhóm người. Thuật ngữ này chỉ đến sự trưng bày một cách công khai những ý kiến chung của nhóm người này… Các biểu tình có thể có mục đích bày tỏ quan điểm hoặc ủng hộ hoặc phản đối một vấn đề công cộng, nhất là về một vụ bất công xã hội... Các biểu tình thường có liên quan đến vấn đề chính trị, kinh tế, và xã hội, thường nhằm mục đích gây sức ép cho một thay đổi nhất định. Theo Kinh tế gia Nguyễn Trần Bạt: Biểu tình chính là quyền thể hiện những bức bách, mâu thuẫn và tình cảm của sinh hoạt xã hội. Theo một độc giả ở Arizona: Biểu tình là công cụ duy nhất của người dân thể hiện tiếng nói và nguyện vọng của mình với chính quyền. Theo Đại biểu QH Dương Trung Quốc: Biểu tình là cái hàn thử biểu giúp ta đo được độ nóng của cuộc sống. Theo Luật gia Phan Thanh Hải: Biểu tình là sự thống nhất biểu đạt một ý chí tình cảm nào đó của (một số) đông người. Theo một độc giả BBC: Người dân biểu tình là cách cuối cùng để nói lên nguyện vọng của mình khi cuộc sống bị bóc lột và không còn lối thoát. Còn theo giáo án môn chính trị ở cấp trung học phổ thông VN: “Quyền biểu tình là quyền được tự do biểu lộ tình cảm đối với Đảng và Nhà nước”. Cũng chính là nguyên nhân của những cái lắc đầu kèm theo tiếng thở dài nêu trên. Quyền biểu tình được thể hiện thế nào? Về mặt hình thức: Tiến sĩ Gene Sharp sơ kết cả thảy 198 phương thức phản đối và thuyết phục ôn hoà bất bạo động, có thể liệt kê một vài hình thái tập họp số đông thường thấy, bao gồm: gửi kháng thư, giương biểu ngữ, thắp nến cầu nguyện, đêm không ngủ, diễn kịch, diễu hành, tuần hành bằng xe, tọa kháng, để tang chính trị, đình công, đình công ủng hộ công nhân bạn đình công, đình công luân phiên, tổng đình công, tuyệt thực, tống táng giả… Và cả những phương cách phản đối không cần tụ tập ở một nơi: bãi khoá, bãi thị, lãn công, làm nghẽn mạch điện thoại cơ quan, không tụ tập theo lệnh của nhà nước, tẩy chay báo chí trong luồng, tẩy chay các dịch vụ quốc doanh, tẩy chay bầu cử, tổ chức “tuần im lặng”, tổ chức “tuần cáo bệnh”, tổ chức “tuần áo trắng”, đồng loạt rút tiền ra khỏi các ngân hàng, thống nhất động tác chào nhau, chuyền tay cập nhật sổ đen các công an ác ôn, đồng loạt rời bỏ khu vực công, tuân hành miễn cưỡng trước khi từ chối mọi chỉ thị, từ chối các loại lệ phí bất chính, trì hoãn hay cản trở hệ thống chỉ huy và thông tin của nhà nước, bất cộng tác… Tức là, biểu tình không nhất thiết phải đi đôi với tụ họp một nơi, mà là sự đồng loạt bày tỏ ý nguyện thống nhất của số đông, dù là ở khắp nơi. Về mặt đích nhắm: Tại Philippines, nhân dịp kỷ niệm 20 năm cuộc lật đổ cựu Tổng thống độc tài Marcos, người dân Phi đã xuống đường biểu tình đòi bà Gloria Arroyo phải từ chức vì những khuyết điểm điều hành guồng máy nhà nước. Ngược lại, tại Đài Loan, người dân đã nhiều lần xuống đường nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ cho Tổng thống Trần Thuỷ Biển, người chủ trương không thống nhất với Trung Hoa lục địa. Tức là Nhân dân không chỉ biểu tình phản đối. Họ tự biểu tình ủng hộ nữa. Còn về mặt ý nghĩa, hãy thử liệt kê một vài trường hợp tiêu biểu: Tu Chính Án số Một trong bản Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền biểu tình ôn hoà của người dân thông qua quyền tự do ngôn luận và quyền tự do hội họp. Tu Chính Án số Một cũng nghiêm cấm Quốc Hội Mỹ soạn thảo bất cứ điều luật nào có tiềm năng xâm phạm đến các quyền tự do vừa kể. Tại Thái Lan, bản Hiến pháp thứ 16, được thông qua năm 1997, có các quy định cơ bản về các quyền về tự do hội họp, tự do ngôn luận, tất cả có liên hệ đến quyền tự do biểu tình. Bất cứ hạn chế nào đối với các quyền đó cũng không được trái với quyền cơ bản mà người dân Thái Lan được hưởng là tự do tụ họp, tổ chức biểu tình, tham gia biểu tình. Luật chỉ cấm họ không được mang theo vũ khí. Tại Việt Nam ta, khẩu hiệu giăng đầy cả nước là: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Đọc lại các bản Hiến Pháp xứ nhà, ta có những gì? Hiến Pháp VN 1946: không có từ biểu tình. Hiến Pháp VN 1956: Điều 25 - Công dân nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó. Hiến Pháp VN 1980: Điều 67 - Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó. Hiến Pháp VN 1992: Điều 69 - Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam ta vẫn chưa có luật biểu tình. Đại biểu QH Dương Trung Quốc đã từng nêu một câu hỏi không lời đáp: “Vì sao trong Hiến pháp đã nêu rõ quyền biểu tình của người dân mà chúng ta chưa có luật biểu tình cho dân được thể hiện cái quyền đó theo khuôn khổ của pháp luật?”. Mà đã gọi là “Quyền” thì không phải đi xin, bởi lẽ: Theo nguyên tắc pháp quyền, Nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép, đối lại, người dân được làm tất cả những gì luật pháp không ngăn cấm. Như vậy, mọi hình thức đấu tranh ôn hoà và không gây hại trực tiếp đến các cá nhân khác đều được coi là hợp pháp, và sinh hoạt biểu tình không nhất thiết phải chờ đến khi có luật biểu tình mới được hoạt động. Cho đến nay cụm từ “theo qui định của luật pháp” vẫn được chính quyền giải thích một cách gian trá, theo sự cho phép hay cấm đoán tùy tiện của chính quyền. Đó chính là biểu hiện rõ nhất của một thể chế công an trị. Phản ứng của chính quyền đối với Biểu Tình? Người ta còn nhớ, vào trước thời điểm 30/04/1975, mọi cuộc tổ chức và kêu gọi biểu tình (ở Sài Gòn) đều được (Hà Nội) ca ngợi là các hoạt động tiến bộ và thường được khuyến khích ngầm để trở thành những phong trào rộng lớn. Còn sau 1975? Có lẽ ấn tượng còn đọng lại là cuộc biểu tình tự phát của khoảng 2000 SVHS ở Sài Gòn ngày 4-7-1989 để phản đối tờ Sài Gòn Giải Phóng đưa tin vu khống rằng SVHS đập phá nhà hàng Kỳ Hoà II (của ai đó). Theo gương của Bắc Kinh đối phó với vụ Thiên An Môn một tháng trước đó, công an thành phố đã hỗ trợ cho đại gia Kỳ Hoà II xua chó cắn sinh viên. Đối sách của nhà nước có phần đổi khác ít nhiều ở các vụ biểu tình của người dân Thái Bình (1999), vụ biểu tình Tây Nguyên (2004), và gần đây là các vụ biểu tình tại Sài Gòn của người dân oan các tỉnh miền Nam, hay của thanh niên sinh viên phản đối lời tuyên bố ngạo mạn của Bắc Kinh nhằm thành lập huyện Tam Sa bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa. Đó là đối sách cô lập - phân tán - giải tán - bắt nguội – khép án vu vơ. Trường hợp điển hình: nhà Dân báo Điếu Cày bị kết án… thiếu thuế! Ngay cả những người làm đơn xin phép biểu tình như các công dân Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa và Vũ Cao Quận, để “Yêu cầu Chính phủ có biện pháp kiềm chế lạm phát”, cũng đã bị nhà nước giam giữ bằng nhiều tội danh vớ vẩn. Nhiều người khác bị ghép vào tội danh hình sự ghi ở Điều 5 Nghị định 38/CP: “Tập trung đông người trái với quy định của pháp luật…” và “các hành vi khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng, cuộc sống bình thường của nhân dân…”. Trên thực tế, nghị định này quy định về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm trật tự công cộng. Tức là, phạm vi điều chỉnh của nghị định này không phải về việc biểu tình. Cũng trên thực tế, thanh niên sinh viên mặc áo đỏ hát quốc ca, ôn hoà hô khẩu hiệu phản đối hành vi xâm lăng của Trung Quốc, hay, tập họp để yêu cầu chính phủ có biện pháp kiềm chế lạm phát, thì đã phạm tội gì? Hoặc giả, nông dân mặc áo trắng đi bộ 30 cây số về thủ đô đội đơn kêu oan, hay, giáo dân chỉ cầu nguyện và hát thánh ca, thì đã phạm tội gì? Ngược lại, phải hỏi cho ra lẽ rằng nhà nước ra tay vũ lực ngăn chận họ thì phạm tội gì? Còn nếu nhà nước vẫn muốn kết tội tự động bày tỏ lòng yêu nước, thương dân, mến đạo của họ thì phải đưa ra toà xét xử minh bạch. Không nhất thiết phải hỏi rằng: Khi chúng ta chưa có Luật biểu tình thì việc biểu tình có vi phạm pháp luật hay không? Nhà nước VN đã tỏ rõ cho cả người VN ở trong và ngoài nước lẫn dư luận quốc tế thấy rằng Hà Nội đã trắng trợn vi phạm hiến pháp và luật pháp của chính họ. Nhà văn Trần Mạnh Hảo đã phân tích rất rõ điều này trong bài viết “Nhà Nước Việt Nam Liên Tục Vi Phạm Hiến Pháp”. Về phía Bộ Công An, bản tin trên báo Công An TP HCM ngày 15-12-2007 đã hăm dọa: “Trong những ngày gần đây, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện âm mưu, ý đồ và kế hoạch của các thế lực thù địch, phản động, trong đó có tổ chức phản động khủng bố ‘Việt Tân’, trang web ‘Tập hợp Thanh niên Dân chủ’, diễn đàn X-cafe và một số trang blog trên Yahoo 360o… lợi dụng mạng internet để kích động thanh niên, sinh viên, học sinh xuống đường tuần hành, biểu tình phản đối Trung Quốc. Việc lợi dụng kích động tuần hành, biểu tình gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố là vi phạm pháp luật Việt Nam”. Qua đó, nhà cầm quyền Hà Nội đã dồn sức trên mặt truyền thông để đe nẹt nhân dân bằng những bài báo gán ghép hành động biểu tình với tội danh khủng bố, trong lúc chính họ đã vừa cất công giới thiệu các tổ chức kêu đòi dân chủ đó, vừa phải nhổ-liếm các quyết định bắt khẩn-thả khống những người mà họ cực lực tuyên truyền rầm rộ là khủng bố bằng hàng chục bài báo. Một điều đáng ngẫm cho dàn lãnh đạo nước ta, ngày nào mà họ còn chưa hết niềm tự hào VN được làm thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, là Luật chống khủng bố của Thái Lan vừa được thông qua, tương tự như rất nhiều nước khác, đã cấm chính quyền không được coi các cuộc biểu tình là hoạt động khủng bố. Không một ai có thể chấp nhận người phát ngôn một chính quyền đang là thành viên HĐBALHQ lại nhận định về các cuộc biểu tình của sinh viên thanh niên phản đối vụ Tam Sa rằng “đó là việc làm tự phát, chưa được phép của các cơ quan chức năng VN”. Trên thực tế, chính các kiểu vu khống trên mặt báo vừa dẫn đã là những hành động vi hiến và phạm luật. Ngay cả nhận định đó của Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Lê Dũng cũng đầy tính hàm hồ cố hữu của một nhà nước công an trị. Lại càng khó lòng chấp nhận văn bản của một số trường đại học cao đẳng ở Hà Nội cấm sinh viên tụ tập biểu tình đông người trước đại sứ quán Trung Quốc. Đó là các công văn hoàn toàn không có giá trị pháp lý, ngược lại, chỉ là loại văn kiện vi hiến, vi luật, lột tả lề thói công an trị thấm nhuần vào tận đầu óc ban giám hiệu (đầy học hàm học vị) các cơ sở giáo dục cấp cao của ta. Ngay cả toà án cũng như cơ quan nhà nước cũng không thể tự mình cho phép quyền sáng chế ra luật cấm, tội phạm và hình phạt. Lại càng không thể đưa cả sự độc quyền toàn trị đó vào hiến pháp. Phản ứng của người dân về những đối sách vi hiến và vi luật đó, ngược hẳn sự chờ đợi của giới cầm quyền, lại là một thái độ vô cùng tích cực: Không sợ đi tù – Sẵn sàng đi tù cho những người bị bắt vì cầu nguyện - Đòi đi tù thay cho những người bị áp án vô lối, ngay trước cổng toà án… Đó chính là hình thái đấu tranh cao điểm của nhân dân. Trong lịch sử loài người, đó cũng là biểu hiện sinh động nhất về mức độ “uy tín” cuối đời của những nhà độc tài. Còn ở mặt tư duy, không ít người đã định nghĩa cực kỳ chính xác: “Phản động là hành động phản lại hay đi ngược lại quyền lợi của Tổ quốc và Dân tộc”. Trong tình thế hiện nay, rõ ràng là đảng và nhà nước CSVN mới đích thị đi ngược lại quyền lợi của Tổ quốc và Dân tộc, thông qua hành vi dâng đất-biển-đảo cho ngoại bang trong lúc đàn áp các cuộc biểu tình phản đối của nhân dân trong nước. Công cụ của Phát Triển & Tiến Bộ Bản chất cốt lõi của các cuộc biểu tình chính là những tiếng chuông cảnh báo cho nhà nước biết rõ lòng dân, hầu quan tâm và hành xử trách nhiệm giải quyết một vấn đề nào đó khiến nhân dân bức xúc, không chỉ trong lãnh vực chính trị, mà ngay cả kinh tế, xã hội… Ở cấp độ thấp hơn, các cuộc biểu tình giúp cho giới chủ nhân xí nghiệp biết rõ ý nguyện của công nhân, giới điều hành đô thị biết cư dân muốn gì… nói chung là những người “hữu trách” hiểu được nguyện vọng của tập thể để điều chỉnh dự kiến, cải thiện kế hoạch và đổi mới công việc của họ sao cho hợp lý, vẹn tình. Như vậy, ở một chừng mực nhất định, biểu tình không tự nó là giải pháp, nhưng đích thị là phương cách góp phần vào tiến trình hoàn thiện, cải tiến, canh tân mọi góc cạnh sinh hoạt của xã hội đúng theo khát vọng của nhân dân, và làm thăng tiến mọi cá nhân lẫn tập thể trong xã hội đó. Vậy, hà cớ gì lại tồn tại những mức độ chấp nhận biểu tình khác nhau giữa các chính phủ, thậm chí trong cùng một khu vực, trong cùng một Hiệp Hội các quốc gia láng giềng? Tại sao bên cạnh những chính quyền điều hành quốc gia bằng các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền theo luật quốc tế và nhân dân họ được thoải mái biểu tình, lại còn đó một vài nhà cầm quyền cố dùng những luật lệ trí trá, lấy cớ là vì an ninh xã hội hoặc ổn định chính trị v.v… để đàn áp tiếng nói và bắt bớ nhân dân? Tất cả tùy thuộc vào tính chất của thể chế chính trị, kể cả những thứ trá hình mị dân mà từ thời thượng gọi là bản sắc. Nước Mỹ chỉ mới vượt ngưỡng 200 tuổi mà đã khẳng định vị trí hàng đầu nhân loại là nhờ giới lãnh đạo của họ liên tục chủ trương và thực sự tôn trọng nhân quyền và dân quyền của công dân Mỹ; cùng lúc, người dân Mỹ cũng biết rõ và tận dụng tối đa quyền phê phán, quyền biểu tình và quyền lựa chọn lãnh đạo của họ. Ngược lại, ở các chính quyền độc tài núp bóng “bản sắc dân tộc”, họ chủ trương cướp chính quyền (bằng vũ lực) nên chú tâm vào việc giữ rịt quyền (bằng bạo lực) và chăm chút lợi riêng hơn hẳn bất cứ một điều nào khác, kể cả sự tụt hậu của cả dân tộc, hay đất nước bị mất đất mất đảo về tay ngoại bang. Họ coi thường nhân dân (lập luận dân trí thấp). Họ đứng trên pháp luật và cùng lúc nhân danh pháp luật (lập luận giữ yên trật tự xã hội). Họ tham nhũng, phát động và phát huy tập quán hối lộ (lập luận “bôi trơn” cho được việc) và thẳng tay đàn áp những ai tố cáo tham nhũng. Họ bóp nghẹt mọi tiếng nói của quần chúng nhân dân (lập luận “ổn định chính trị”). Họ tạo ra cơ chế xin-cho, đồng thời, xiển dương ý niệm cha-con / bác-cháu để trị dân theo kiểu ban ơn cho gì được nấy như lũ trẻ nít chập chững trong nhà (lập luận “noi theo tư tưởng” nọ kia, cộng thêm phong trào treo chữ Nhẫn). Họ chống biểu tình tới nơi tới chốn… Lãnh đạo Việt Nam ta thuộc chủng loại này, cho nên, mặc dù cứ huênh hoang tự hào đã gần 5000 tuổi, Việt Nam vẫn bị xếp hạng phải mất hơn 150 năm nữa mới bằng được Singapore non choẹt mới vài chục tuổi, nếu nó đứng yên. Người ta rút ra được điều gì từ những góc nhìn này? Một là: Càng cảm thấy bất an, người ta càng củng cố hoá nền công an trị. Đại biểu QH Dương Trung Quốc uốn lưỡi cách khác: “Ở các nước càng văn minh, càng phát triển thì quyền biểu tình càng được nhà nước bảo hộ”. Hai là: Khi công dân không tôn trọng pháp luật, họ bị chế tài. Còn khi nhà nước không tôn trọng pháp luật sẽ dẫn đến tình trạng công dân nước đó mất tin tưởng và khởi sự Bất Tuân Phục nhà nước. Ba là: Kỹ thuật “tìm cho dân một kẻ thù” không còn là thứ vũ khí củng cố chế độ của các nhà độc tài. Đặc biệt là ở Việt Nam, khi đảng và nhà nước khiếp nhược trước kẻ thù ngoại xâm, đồng thời, dung dưỡng kẻ thù nội xâm là chính cơ chế quan liêu hành dân cùng hệ thống tham nhũng huyết mạch của đảng. Bốn là: Tình trạng ổn định chính trị của một quốc gia không phải là được phản ánh bằng sự thiếu vắng các cuộc biểu tình, ngược lại, sự đè nén ngăn chận biểu tình mới đích thị là mầm mống của bất ổn định bùng nổ. Năm là: Chính chế độ dân chủ về chính trị và sự công bằng hài hoà của xã hội mới mang lại ổn định đích thực và bền vững cho đất nước. Thước đo trình độ Dân Chủ của quốc gia Tập quán “Nói Lấy Được” của đảng và nhà nước Việt Nam không còn chút hiệu quả nào trong thế giới truyền tin chớp nhoáng ngày nay. Bức ảnh bịt miệng công dân trước toà đã truyền khắp năm châu trong vòng vài phút. Nội dung thẩm vấn bức cung những người bị giam giữ vô cớ không còn nằm yên trong bốn bức tường nhà lao VN. Bản án dành cho nhà báo chống tham nhũng Nguyễn Việt Chiến đã trở thành nguyên liệu cho hàng trăm bản tin quốc tế về tình hình tham nhũng tại VN trong vòng 24 tiếng. Gần nhất là vụ tàn phá Phố Ông Đồ mấy ngày đón Xuân Kỷ Sửu này chỉ trong phút chốc đã bay ra khắp thế giới với đầy đủ hình ảnh, video, tên tuổi của các quan chức công an chỉ tay xỉa xói giành địa bàn. Dưới mắt nhìn thế giới, cách đối phó với những cuộc biểu tình ôn hoà chính là một trong các thước đo về trình độ dân chủ của một chế độ. Bất kể trình độ tuyên truyền của chế độ đó rộng hẹp thế nào. Bất kể những ngụy luận của chế độ đó nhiều ít ra sao: Ngụy luận 1: “Nước mình dân trí còn thấp...” chính là biểu hiện rõ nét nhất về trình độ “quan trí” cực thấp và “quan đức” cực tồi của giai cấp thống trị đã tự cho phép mình coi dân như rác. Ngụy luận 2: “Các cuộc biểu tình đó làm phức tạp thêm tình hình” phản ánh nhược tính cực khiếp của lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN đối với quan thầy TQ, một khi họ trước sau vẫn giữ cung cách ngoại giao chư hầu khấu tấu với TQ. Trên thực tế, nhà nước không phải chịu trách nhiệm ngoại giao về các loại sinh hoạt dân sự như là biểu tình, một khi nó không chủ trương kích động chiến tranh giữa hai nước (ví dụ điển hình đến mức cực đoan là những chiếc giày ném vào TT Geoge W. Bush vừa qua, chẳng hạn). Ngụy luận 3: “Gây mâu thuẫn với đường lối ngoại giao đối thoại hoà bình hiện hành của Nhà nước” tự nó đã mâu thuẫn, khi các cuộc biểu tình đều tuyệt đối tôn trọng tính ôn hoà bất bạo động và chỉ chờ đợi từ chính quyền một giải pháp hoà bình, công bằng và danh dự. Ngụy luận 4: “Không nghe theo âm mưu kích động của các thế lực thù địch, phản động” chỉ là lề thói suy nghĩ kém cõi của công an nhìn đâu cũng thấy địch, tự vẽ ra hình ảnh địch để được giải ngân hoạt động, hoặc tùy tiện chụp mũ cho bất kỳ ai khác là thù địch. Điều đó không thể và không nên trở thành lề thói tư duy của lãnh đạo đất nước. Đặc biệt là ở cấp lãnh đạo chính phủ, lẽ ra Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không nên bày tỏ tinh thần bất an và tâm lý bất ổn của đảng và nhà nước ta bằng loại “phát biểu chỉ đạo” tại Hội nghị Công an toàn quốc hôm 22-12-2008 là: Phải chủ động “không để xảy ra biểu tình, bạo loạn, khủng bố” trong năm 2009. Ngụy luận 5: “VN có đặc thù riêng” không thuyết phục cho các lệnh ngăn chận biểu tình, bởi nhân dân VN không phải là một loại người riêng rẽ khác biệt với nhân loại. Đặc thù nổi bật của VN được quốc tế ghi nhận và cần phải làm nhạt đi chính là ở chỗ “Mỗi công dân VN là một người tù dự khuyết”. Ngụy luận 6: “Đảng có công giành độc lập và vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của mình” là một ý niệm trí trá. Đảng không một mình giành độc lập cho VN. Nhân dân VN đã làm việc đó. Còn tình trạng tụt hậu hàng trăm năm so với làng giềng chính là bởi khả năng yếu kém bên cạnh tập quán tư túi của đảng và nhà nước VN (ví dụ điển hình và gần nhất là dân ta không ai làm cho Nhật cắt bỏ viện trợ ODA). Ngụy luận 7:nhân danh nghị định 38 /CP, rằng “Tập trung đông người trái với quy định của pháp luật…” và “các hành vi khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng, cuộc sống bình thường của nhân dân…” chính là cách tốt nhất để xoá hiến pháp bằng …nghị định, đặc biệt là dùng nó để từ khước hay ghép sẵn tội cho những người đang xin phép biểu tình. Không một nghị định, sắc lệnh, thông tư, chỉ thị hoặc công văn nào có hiệu lực một khi nó vi phạm hiến pháp nước đó hay vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền. Ngụy luận 8: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” chính là một phiên bản khác của ý niệm “làm chủ một cái rỗng không”, hay, hãy tự hào về cái “không có gì”. Ngụy luận 9: “Làm xấu hình ảnh đất nước, bôi nhọ quê hương trong mắt bạn bè quốc tế”. Hình ảnh đất nước không thể nào xấu hơn được nữa, sau những sự kiện sứ thần quốc gia làm nhục quốc thể xưa giờ, gần nhất là trong các vụ buôn lậu sừng tê ở Nam Phi; tham nhũng thị thực visa ở Tiệp; thứ trưởng chơi cá độ bằng nhiều triệu USD tiền viện trợ; đại biểu QH tuyên bố ở Âu Châu rằng dân ta không cần tự do ngôn luận; tổng giám đốc hãng bia ăn cắp kính mát ở Thái; giám đốc bệnh viện ăn cắp rượu ở Singapore; phi công và tiếp viên VNA chuyển vận ngoại tệ và hàng ăn cắp ở Úc, Đức, Nhật v.v… Biểu tình chống tham nhũng, chống ăn cắp… mới chính là cách làm photoshop cho hình ảnh đất nước đa dạng hơn. Ngụy luận 10: “chưa được sự cho phép” biểu lộ toàn bộ nếp tư duy ơn huệ, ban phát, đặc lợi, xin-cho… và cách hành xử đối với dân theo kiểu gia trưởng, cha chú, ân nhân, “trên”… đã nhiều năm lưu cữu trong đầu lãnh đạo xứ ta: Cho gì mới được nấy, kể cả miếng ăn, kể cả hiểu biết. Nó chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp của một Việt Nam lụn bại. Thước đo dân chủ của một quốc gia đôi khi tỷ lệ nghịch với tổng số ngụy luận của chính quyền ở đó. Riêng ở VN, vụ việc cấm đoán biểu tình phản đối những tuyên bố thiếu thiện chí của Bắc Kinh trước đại sứ quán và tổng lãnh sự quán TQ còn là thước đo mức độ khiếp nhược đớn hèn của nhà nước VN. Rõ ràng đảng và nhà nước ta cố tình ru nhân dân “…ngủ trong giường chiếu hẹp, giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Biểu Tình là một phần của nếp sống văn minh Tại Thái Lan, nếu một công dân muốn tổ chức biểu tình và có thông báo với cảnh sát nhưng sau đó bị cấm không được biểu tình thì người đó có thể: một là kiện ra tòa sơ thẩm bình thường, hai là kiện lên tòa án hành chính, ba là nếu việc cấm cản không cho tổ chức biểu tình bị coi là vi hiến thì người ta có thể đặt vấn đề với các dân biểu QH, đồng thời, yêu cầu các tổ chức phi chính phủ đưa vấn đề ra trước tòa án Hiến pháp của Vương quốc Thái Lan. Ở Mỹ, tin tức hàng ngày cho thấy dân Mỹ biểu tình thường xuyên, có khi mục tiêu là đòi hỏi cho cả quyền được đối xử tử tế của loài vật (nông trại bò phải rộng thoáng, chuồng gà phải đủ chỗ cho gà xoay trở, lò mổ không được kéo dài nỗi đau đớn cho con vật khi giết thịt v.v…). Có lẽ cũng chưa có nơi nào trên thế giới có cuộc tụ hội tự ý của gần hai triệu người trong cơn giá lạnh giữa mùa Đông (trong đó có hơn 200 ngàn người ngủ lều giữ chỗ qua đêm), chỉ để chứng kiến tại chỗ lễ nhậm chức của một tân tổng thống như trường hợp ông Barack Obama tuần trước. Ở Pháp, các cuộc đình công ôn hoà và thường xuyên đã làm thay đổi sinh hoạt và cả bộ mặt quốc gia, lâu dần đã được mặc nhiên xếp loại thành một nếp sống có tên là “văn hoá biểu tình”. Đó là một nếp sống không chỉ thể hiện trình độ văn minh (đi tìm giải pháp bằng cách nêu vấn đề, tạo sức ép, và tranh luận tìm đáp án tối hảo), nó còn là một sinh hoạt lưỡng lợi: Người dân gióng tiếng cảnh báo về những bức xúc tập thể của họ. Chính quyền hoặc các giới hữu trách liên hệ động não tìm giải pháp tốt nhất trong điều kiện và khả năng cho phép, thường là một cuộc họp tranh luận phương thức dàn xếp sao cho sự việc đạt được kết quả tốt hơn, khiến nhân dân hài lòng và chính phủ được thêm uy tín. Kết quả sau cùng là đất nước phát triển liên tục trong một nền văn hoá hoà đồng (quyền lực cân bằng, được kiểm, không áp đảo, không tranh thắng, chỉ mưu cầu sự hài hoà và tiến bộ của xã hội). Biểu Tình vừa là quyền, vừa là một sinh hoạt bình thường của Công Dân Rõ ràng, biểu tình chỉ có nghĩa là nhiều người bày tỏ công khai một quan tâm chung. Do đó mà có cả biểu tình phản đối và biểu tình ủng hộ một vấn đề (và theo định nghĩa đó thì nhiều người kéo nhau xuống đường mừng chiến thắng bóng đá là đang biểu thị tình cảm vui mừng, biểu lộ niềm tự hào dân tộc, tức là đang biểu tình). Rõ ràng, biểu tình không đồng nghĩa với bạo động, hay làm mất trật tự xã hội. Ngược lại, nó còn làm tăng thêm sự an bình khi xã hội sinh hoạt hài hoà không bức xúc. Riêng ở Việt Nam ta, trong các cuộc biểu tình gần đây thì hình ảnh bạo động và sử dụng vũ lực hoàn toàn thuộc về phía công an. Chẳng đâu xa, và chẳng cần đến biểu tình, hãy coi lại hình ảnh Phố Ông Đồ mấy ngày trước khắc rõ. Rõ ràng, biểu tình không làm mất ổn định chính trị. Ngược lại, gióng tiếng về các nỗi bất công để chính phủ có giải pháp mới chính là cách tốt nhất để giữ ổn định chính trị. Nhìn từ một góc khác, ổn định chính trị không có nghĩa là buộc nhân dân câm miệng mặc cho chính quyền tham nhũng, cửa quyền, tư túi, hành dân, tạo ra oan ức đầy trời… để dung dưỡng những mầm mống của nổi loạn nay mai. Rõ ràng, biểu tình không chỉ là quyền (về mặt luật lệ), mà còn là một sinh hoạt ở đẳng cấp văn minh của một dân tộc (về mặt văn hoá), tương ứng với chuẩn mực sinh hoạt của nhân loại. Rõ ràng, biểu tình là chuyện bình thường; không biểu tình mới là chuyện bất bình thường. Rõ ràng, cấm biểu tình càng là chuyện bất thường đối với thế giới ngày nay, bởi đó chính là sự mặc nhiên công nhận rằng chính quyền đích thị là nguồn gốc của bất công nên không dám, không muốn, không để cho người dân nêu ra sự thật đó. Rõ ràng, chấp nhận lệnh cấm biểu tình cũng chính là chấp nhận tự bịt miệng mình; chấp nhận xoá bỏ khát vọng sống cho ra người của chính mình; chấp nhận mọi áp bức vây bủa và bóp nghẹt sinh hoạt hàng ngày; chấp nhận cúi đầu và đồng loã với cái ác; chấp nhận cho một nhúm người tự tung tự tác khiến đất nước chìm đắm trong đói nghèo, tụt hậu; chấp nhận cho cả thế giới khinh rẻ giống nòi; và chấp nhận khoanh tay đứng nhìn “vận nước nổi trôi” trong tay lãnh đạo và ngoại bang. Chúng ta có chấp nhận vậy không? Tuổi trẻ Việt Nam có chấp nhận vậy không? Như câu đối Tết năm nay của TS Hà Sĩ Phu: Lúc cháy nhà, ngàn tay chỉ sẽ ra mặt Chuột! Phải chăng đã đến lúc toàn dân ta cùng gióng cao tiếng nói của mình? Bằng ý chí bất khuất và niềm tự hào dân tộc? Bằng niềm tin đổi mới cho đất nước cất cánh? Bằng khát khao một bước tiến cho đồng bào? Bằng bước chân rộn rã xuống đường? Bằng nghị lực và những bó hoa rợp trời ngợi ca tổ quốc?
|