Phật hay Chúa cũng phải đăng ký |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng | |||
Thứ Bảy, 20 Tháng 2 Năm 2010 16:54 | |||
Hiến Pháp Mỹ giống như một bản hợp đồng hơn là một tuyên ngôn chính trị. Người ngoại quốc coi bản hiến pháp nước Mỹ có thể ngạc nhiên khi đọc Tu chính án số một. Tu chính án này viết, “Quốc Hội không được phép soạn một đạo luật nào để thiết lập một tôn giáo (chính thức) hoặc ngăn cấm việc hành đạo của tôn giáo; hay ngăn cấm quyền tự do ngôn luận, hay tự do báo chí; hoặc cản trở tự do ngôn luận hoặc tự do báo chí; hay quyền của các công dân được hội họp một cách ôn hòa, và quyền khiếu nại chính phủ để giải quyết những bất công.” Tại sao các nhà lập pháp Mỹ lại phải soạn thêm tu chính án này (cùng 9 điều khác), gửi cho 13 tiểu bang để xin phê chuẩn? Hiến Pháp Mỹ giống như một bản hợp đồng hơn là một tuyên ngôn chính trị. Các nhà lập hiến Mỹ chỉ chú trọng tới các phương thức hợp tác, giống như khi làm ăn chung, cho nên họ viết rành rõ về việc phân chia quyền hành và trách nhiệm giữa các ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp, và giữa các tiểu bang với nhau. Sau khi bản Hiếp Pháp được 9 trong số 13 tiểu bang chấp thuận, năm 1788, chắc hẳn các đại biểu Quốc Hội bắt đầu lo lắng. Lo là trong tương lai có người nắm quyền lại vi phạm các quyền căn bản của các công dân; họ có thể dùng luật pháp, theo đúng hình thức dân chủ mà tước đoạt tự do của nhiều người. Như chúng ta biết, vào thế kỷ 20, chính quyền Ðức Quốc Xã được bầu lên theo đúng thể thức dân chủ, nhưng vẫn đưa ra những luật lệ tước đọa tự do của rất nhiều người! Một mối lo của những nhà lập quốc Mỹ là nếu những người chiếm đa số trong dân chúng và nhiều phiếu trong Quốc Hội làm ra những luật lệ giảm bớt hay tước bỏ quyền tự do của những người thiểu số. Thí dụ, nếu các đại biểu của đa số dân theo một tôn giáo làm luật không cho phép các người theo đạo khác thực hành tín ngưỡng của họ thì sao? Quốc gia cần phải bảo đảm cho công dân một số quyền tự do căn bản, không ai được xâm phạm! Và phải ghi vào hiến pháp những điều bảo đảm đó mới được. Cho nên các nhà lập pháp Mỹ, ngay từ khóa họp Quốc Hội đầu tiên, đã soạn thêm 10 tu chính án, cấm các Quốc Hội sau này không được vi phạm một số quyền căn bản của các công dân, gọi chung 10 tu chính án đó là Luật Dân Quyền (The Bill of Rights). Ra tuyên ngôn nói rằng mọi công dân có quyền tự do tôn giáo, tốt lắm nhưng không đủ. Phải ghi rõ trong Hiến Pháp là Quốc Hội không được phép thiết lập một quốc giáo, cũng như không được làm ra luật lệ nào có thể làm cho người dân không sử dụng được quyền tự do tôn giáo của họ. Lo xa như vậy rất có lý. Chỉ cần nhìn vào sinh hoạt tín ngưỡng ở nước Việt Nam ta cũng thấy. Tuy trong Hiến Pháp ghi đủ thứ thứ quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, vân vân, đảng Cộng Sản và tay sai của họ là nhà nước và Quốc Hội đã làm ra những luật lệ khiến cho người dân không thể thi hành được các quyền tự do hiến định của họ. Nếu Việt Nam có một điều ghi trong hiến pháp giống như Tu chính án số một của Mỹ thì người mình sẽ không đến nỗi bị cấm đoán, trong nhiều trường hợp đã bị mất, không được thi hành những quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận! Hôm nay hãy lấy một ví dụ về tự do tín ngưỡng. Theo một bản tin của đài Á Châu Tự Do, bảy ngày trước Tết Canh Dần 2010, một buổi tối, chính quyền cộng sản trong tỉnh Cần Thơ đã tổ chức khám xét nhà riêng của một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, phá hủy nơi thờ phượng của một người tu tập tại gia. Họ đã lấy mất nhiều máy móc sao chép kinh kệ của ông Ðặng Văn Nghĩa ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, tịch thâu những bức chân dung Huỳnh Giáo Chủ và những tấm vải điều mà các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thường trưng trên bàn thờ thay cho hình tượng. Phóng viên đài Á Châu Tự Do đã phỏng vấn một người chỉ huy công an quận Ô Môn, ông này cho biết chính quyền cộng sản có những hành động đó vì ông Ðặng Văn Nghĩa và các đồng đạo của ông đã thờ Phật “tự phát” ở trong nhà mà không “đăng ký” với Ban Trị Sự Giáo Hội mà nhà nước cộng sản công nhận. Viên công an cộng sản nói, “Bây giờ ảnh muốn tu thì ảnh phải tuân thủ theo pháp luật. Bây giờ (công an sẽ) hướng dẫn cho ảnh làm thủ tục để hợp thức hóa chuyện tu hành của gia đình ảnh.” Ðây chính là một hiện tượng có thể cũng diễn ra ở nước Mỹ nếu không có Tu chính án số một. Một chính quyền Mỹ trong hai thế kỷ vừa qua có thể cũng chế tạo ra những thủ tục, luật lệ với mục đích hạn chế và ngăn cản quyền tự do tôn giáo của những người dân không “vừa ý” họ. Tại nước Mỹ vào thời lập quốc cũng có nhiều “ông đạo” tự mình đi giảng Kinh Thánh, quy tụ các tín hữu, đặt ra các giới luật, sáng lập ra các nhà thờ mới. Có những vị đã lập ra các giáo hội còn tồn tại đến ngày nay. Nếu ở nước Mỹ thời đó có một chính quyền nằm trong tay những đại biểu Quốc Hội cùng một một giáo hội lớn, họ có thể nghĩ rằng nên ngăn cấm các “ông đạo tự phát” đó, hoàn toàn vì thiện chí! Họ nêu lý do cần bảo vệ đạo đức, bảo đảm việc học hỏi Kinh Thánh theo đúng quy củ của các giáo hội đã có từ trước. Có thể người ta sẽ làm ra những luật lệ để ngăn cấm các hoạt động tôn giáo “không chính thống”! Nhưng nhờ có Tu chính án số một nên nước Mỹ không rơi vào cảnh đó. Không người Mỹ nào đi truyền giảng Kinh Thánh, hay bất cứ một tôn giáo nào khác, mà phải xin phép các ông ba công an cả! Ở nước ta, chính quyền đã huy động cả một lực lượng đông đảo đi cản trở ông Ðặng Văn Nghĩa ở quận Ô Môn, không cho ông và các đồng đạo tu hành theo lời dạy của Ðức Thầy. Lực luợng này gồm công an khu vực, công an phường, công an quận và công an thành phố, ngoài ra còn Nội vụ quận, Sở Nội Vụ của thành phố, rồi Y Tế của quận, Y tế của thành phố và cả đại diện Ban Tôn Giáo Chính Phủ nữa! Muốn cho “có ấn tượng,” công an không thèm chờ chủ nhà mở cửa mà phá cửa, bẻ khóa, xông vào nhà giống như Tây đi bắt rượu lậu vậy! Họ bắt buộc ông Nghĩa phải ngưng sinh hoạt tự do, phải xin đăng ký với một Ban Trị Sự, mà ban trị sự đó cũng đã phải đăng ký với nhà nước, được nhà nước công nhận rồi thì mới được tu. Nếu không thì không ai được theo Phật, không ai được theo Thầy cả! Ông công an lên lớp nhà báo Á Châu Tự Do rằng, “anh vào coi trên trang web của chính phủ Việt Nam, có đăng tải công khai trên Internet đó. Bây giờ tất cả có hết trơn trên đó rồi, Pháp lệnh về Tôn giáo, Nghị định hướng dẫn để thực hiện về tôn giáo tại Việt Nam. Trên đó có hết.” Ông công an này làm như việc tu hành cũng giống như việc lái xe, cứ vào trong trang web của chính phủ là biết hết luật! Nhưng nếu tất cả những thứ luật lệ đó lại trái ngược với việc thi hành quyền tự do tín ngưỡng thì sao? Chưa bao giờ ở nước Việt Nam lại có cảnh muốn thờ phượng thì phải vào “hệ thống được đăng ký” như vậy. Nếu thời các vua quan phong kiến ở Ấn Ðộ và La Mã mà chính quyền cũng làm như chế độ cộng sản bây giờ, thì chắc trong lịch sử không có Phật giáo hay Thiên Chúa giáo, mà ở nước ta cũng không có Phật Giáo Hòa Hảo. Ðức Phật Thích Ca, cũng như Chúa Giê Su, đều là những người hành đạo “tự phát” ở ngoài dòng chính và “không đăng ký” cả. Ðức Phật Thầy Tây An ở nước ta vào thế kỷ 19, và Ðức Thầy Huỳnh Giáo Chủ vào thế kỷ 20, vì muốn cho Phật Giáo nhập thế đi sát với thực trạng xã hội Việt Nam vào thời đại của các ngài, đều xướng xuất những cách tu học mới mẻ “không được đăng ký!” Nếu các quan chức Pháp thời thuộc địa cũng kìm kẹp nhân dân Việt Nam như các quan cộng sản bây giờ thì chính Huỳnh Giáo Chủ cũng không được phép giảng đạo! Và chúng ta không được thấy hàng triệu người Việt Nam trong ba bốn thế hệ biết sống trong nền nếp đức hạnh, nhờ các lời giảng dạy của Ðức Thầy! Ðài Á Châu Tự Do đã tường thuật cuộc phỏng vấn ông Ðặng Văn Nghĩa với một câu hỏi đặt làm tựa đề: “Giữ đức hạnh nên trở thành bất hợp pháp?” Sau khi xông vào nhà, họ bảo là điều tra dân số, kiểm tra hộ khẩu. Kiểm xong, chính quyền bảo chúng tôi phải dắt đi từng phòng để kiểm tra tiếp. Tôi nói rằng người đã kiểm tra hết rồi, không còn sót người nào nữa nhưng chính quyền một mực bảo chúng tôi phải dắt đi từng phòng. Tôi mới nói mấy anh mượn cớ điều tra dân số để rồi mấy anh lục xét nhà tôi, mà nếu mấy anh lục xét nhà thì phải có quyết định. Mấy ảnh nói bây giờ làm trước quyết định sau. Sau khi kiểm soát các phòng thì họ thấy trong phòng chúng tôi ở hàng ngày, nơi chúng tôi thường băng, dĩa, để tài liệu tu học, họ lấy hết băng dĩa và những dụng cụ làm băng dĩa của chúng tôi. Chính quyền kêu chúng tôi phải ghi nhận để chính quyền chở về cơ quan thì chúng tôi không ghi. Lúc bấy giờ số lượng nhân viên chính quyền quá đông, tụi tôi mới xúm nhau, mười mấy anh em chúng tôi gom lại niệm Phật. Xong xuôi thì chính quyền chở đồ đi hết. Trân Văn: Rồi họ có tạm giam, tạm giữ ai không? Ông Ðặng Văn Nghĩa: Dạ có giữ anh Nguyễn Văn Mẫn. Anh này là Việt kiều Mỹ, bởi vì anh về chỗ chúng tôi để phát quà. Phát hiện anh là một Việt kiều cho nên họ tạm giữ và sáng hôm sau, sau khi làm việc xong xuôi thì họ thả ra. Trân Văn: Thưa anh, những người tổ chức và tham gia cuộc khám xét đó làm việc tại đâu? Ông Ðặng Văn Nghĩa: Theo những gì tôi thấy thì có khoảng 70 người vào nhà tôi làm việc. Còn đứng ở ngoài hàng rào thì rất đông. Trong các đồ đạc mà họ lấy thì có 3 máy sang dĩa, 2 máy DVD, 1 cái laptop để tôi học và 2 cái computer, 2 cái máy in. Trên dưới khoảng 10.000 đĩa. Trong đó có những đĩa đã sao chép và đĩa trắng. Có mấy điều làm chúng tôi rất bức xúc là những khung trần điều của Ðức Huỳnh Giáo Chủ, làm ra để cho tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thờ. Chúng tôi vừa làm xong 93 bức thì Công an thành phố Cần Thơ chở đi luôn. 40 bức chân dung Ðức Huỳnh Giáo Chủ cũng bị chở đi luôn. Tôi có hỏi rằng mấy anh làm như vậy có quá đáng hay không, chỗ này là chỗ chúng tôi tu học mà mấy anh lấy đồ như thế này? Mấy anh làm thinh và mấy anh làm tới. Vì vậy mà tôi cũng mười mấy anh em đồng đạo mới xúm nhau ngồi niệm Phật. Tự tu học để giữ đức hạnh Trân Văn: Tôi có nói chuyện với một số viên chức chính quyền, họ bảo rằng, họ làm tất cả những điều đó là bởi vì các anh không đăng ký. Là một người tập tu, anh nghĩ thế nào về chuyện muốn tu phải đăng ký? Ông Ðặng Văn Nghĩa: Nói về đường lối của Ðức Huỳnh Giáo Chủ thì là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo phải giữ 8 điều răn cấm. Mấy anh bảo tôi là phải vô trong Ban Trị Sự. Tôi không vô Ban Trị Sự thì mấy anh cho rằng, tôi là một tín đồ “lậu,” bởi vì Ban Trị Sự không chứng nhận tôi là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Tôi có nói rằng, dù Ban Trị Sự không chứng nhận tôi là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thì tôi cũng vẫn là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Vả lại trong giấy chứng minh nhân dân của chúng tôi, chính quyền đã công nhận tôi là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Tôi tu là tu theo giáo lý của Ðức Thầy. Tụi tôi không đăng ký với Ban Trị Sự. Trân Văn: Hồi nãy anh có nhắc đến chuyện giữ 8 điều răn của Ðức Huỳnh Giáo Chủ. Trong 8 điều răn đó có cấm chuyện tham gia vào những tổ chức như Ban Trị Sự? Có điều nào cấm chuyện đó không? Ông Ðặng Văn Nghĩa: Thưa không. Chỉ cấm uống rượu, cờ bạc, á phiện, chơi bời đàng điếm thôi. Trân Văn: Vậy tại sao vừa rồi anh đề cập về chuyện để giữ 8 điều răn đó thì anh không tham gia nhóm được chính quyền công nhận? Nhóm được chính quyền công nhận có vướng vào những điều cấm đó không? Họ có làm sai những điều đã bị nghiêm cấm không? Ông Ðặng Văn Nghĩa: Dạ. Người nào lãnh đạo tôn giáo thì phải giữ 8 điều răn cấm nhưng ở đây thì đối với đức hạnh... Sở dĩ mà tôi không theo Ban Trị Sự là vì có những điểm tôi không phục. Trân Văn: Song tổ chức đó khác với anh ở chỗ là họ được nhà nước công nhận... Ông Ðặng Văn Nghĩa: Dạ... Tôi không theo Ban Trị Sự là vì họ chưa giữ tròn 8 điều răn cấm của Ðức Huỳnh Giáo Chủ. (Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All righ) Như đã trình bày nhiều lần trong mục này, tôn giáo chỉ có tự do khi xã hội được tự do. Khi những người nắm quyền ngăn cấm các quyền tự do căn bản, thì bất cứ người theo tôn giáo nào cũng có thể bị ngăn cấm hoặc bị cản trở không được thi hành đạo lý mà họ thờ phượng. Những chuyện xảy ra ở Tam Tòa, Ðồng Chiêm, Thái Hà, ở Tu viện Bát Nhã, hay ở Quận Ô Môn, đều bắt nguồn từ những lý do giống nhau. Ðó là: Các công dân Việt Nam chưa có tự do hội họp, không có tự do cư trú, không được tự do phát biểu. Chính vì thế cho nên họ lúc nào cũng có thể bị cản trở và bị ngăn cấm trong việc thờ phượng theo tôn giáo của họ. Cứ sử dụng các luật lệ về đăng ký, về hộ khẩu của cộng sản thì có thể Phật cũng bị cấm, Chúa cũng bị cấm! Chính phủ Gorges W. Bush cũng như chính phủ Barack Obama đều chưa nhìn rõ vào các lý do căn bản đó, cho nên vẫn coi là quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam có tiến triển tốt trong mấy năm qua. Phải biết rằng nếu người dân trên căn bản không có tự do, thì tôn giáo không thể tự do! Hãy đặt câu hỏi cho các đại biểu Quốc Hội Mỹ: Nếu nước Mỹ không có Tu chính án số một, thì người Mỹ có tự do hay không? Nếu một chính quyền Mỹ làm ra các luật lệ cản trở việc hành đạo của một tôn giáo nhỏ nào đó, thì quý vị có chấp nhận hay không?
|