BỘ LUẬT HÌNH SỰ TỐ TỤNG SẮC LUẬT số 027-TT/SLU ngày 20 tháng chạp năm 1972 ban hành Bô Luật Hình Sự Tố Tụng TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HÒA Chiếu Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa ngày mùng 1 tháng tư năm 1967; Chiếu sắc lệnh số 394-TT/SL ngày mùng 1 tháng chín năm 1969 và các văn kiện kế tiếp ấn định thành phần Chính phủ; Chiếu luật số 005/72 ngày 28 tháng sáu năm 1972 ủy quyền cho Tổng thống quyết định và ban hành bằng sắc luật các biện pháp cần thiết trong các lãnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, tài chánh; Sau khi Hội đồng Tổng trưởng đã thảo luận; SẮC LUẬT: Điều duy nhất – Nay ban hành Bộ luật hình sự tố tụng gồm thiên mở đầu, quyển I, quyển II, quyển III, quyển IV, quyển V, các điều khỏan tổng quát và các điều khoản chuyển tiếp, đính kèm. Sắc luật này được đăng vào Công báo Việt Nam Cộng Hòa. Saigòn, ngày 20 tháng chạp năm 1972 NGUYỄN VĂN THIỆU
BỘ LUẬT HÌNH SỰ TỐ TỤNG THIÊN MỞ ĐẦUCông tố quyền và dân tố quyềnĐiều thứ nhất – Công tố quyền liên quan đến việc áp dụng hình phạt được phát động và hành sử do các thẩm phán hay các viên chức được luật pháp ủy nhiệm. Công tố quyền cũng có thể được phát động do đương sự bị thiệt hại, theo những điều kiện ấn định trong bộ luật này. Điều thứ 2 – Dân tố quyền để đòi bồi thường thiệt hại nhân một trọng tội, khinh tội hay tội vi cảnh, được dành cho những người đã bị trực tiếp thiệt hại. Sự khước từ dân tố quyền không làm ngưng hẳn hay đình chỉ việc hành sử công tố quyền, ngoại trừ những trừơng hợp dự liệu nơi điều 6 khỏan 3. Điều thứ 3 – Dân tố quyền có thể được hành sử đồng thời với công tố quyền trứơc cùng một cơ quan tài phán. Dân tố quyền sẽ được chấp nhận trong mọi trường hợp có thiệt hại về vật chất, thể chất hay tinh thần. Ngoại trừ trường hợp công sản bị thiệt hại, tòa hình cũng có thẩm quyền xét xử theo các quy tắc của tư luật để tuyên định trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra do các loại xe cộ mà pháp nhân công pháp phải chịu trách nhiệm thay người thuộc viên phạm pháp bất kể trường hợp trong hay ngoài công vụ. Điều luật này không hồi tố đối với những vụ án đã được toà hộ hay toà hành chánh thu lý. Điều thứ 4 - Dân tố quyền cũng có thể được hành sử riêng biệt với công tố quyền. Tuy nhiên, trong trường hợp công tố quyền đã được phát động, toà hộ sẽ đình hoãn xét xử về quyền lợi dân sự cho đến khi có phán quyết nhất định về công tố quyền. Điều thứ 5 - Khi đã khởi tố trước toà hộ có thẩm quyền, nguyên cáo không thể hành sử dân tố quyền trước toà hình được nữa, ngoại trừ trường hợp toà hình đã thụ lý do sự truy tố của công tố viên trước khi toà hộ tuyên xử về nội dung. Điều thứ 6 - Công tố quyền bị tiêu diệt do sự mệnh của một bị can, thời tiêu, đại xá, huỷ bãi luật hình hay uy lực quyết tụng. Tuy nhiên, nếu một phán quyết hay phúc quyết đã tuyên bố công tố quyền tiêu diệt mà về sau có một cuộc truy tố khác kết thúc bằng một án văn xử phạt do đó có bằng cớ rằng phán quyết hay phúc quyết tuyên bố công tố quyền tiêu diệt đã ngộ phán, công tố quyền sẽ có thể được tái phát động. Trong trường hợp đó, thời tiêu phải được coi như bị đình chỉ kể từ ngày phán quyết hay phúc quyết tuyên bố công tố quyền tiêu diệt trở thành nhất định cho tới ngày có toà án xử phạt về tội giả mạo hay xử dụng giấy tờ giả mạo. Công tố quyền còn có thể bị tiêu diệt do sự điều đình, khi luật pháp minh định như vậy. Trong trường hợp việc truy tố chỉ được phát động do đơn khởi tố của nguyên cáo, công tố quyền cũng sẽ bị tiêu diệt khi có sự bãi nại của nguyên cáo. Điều thứ 7 - Về trọng tội, công tố quyền bị thời tiêu sau hạn mười (10) năm trọn kể từ ngày phạm pháp. Nếu trong thời hạn ấy, có thực hiện một hành vi thẩm vấn hay truy tố nào, thời hiệu sẽ khởi lưu từ hành vi cuối cùng. Thể thức tình trên cũng được áp dụng đối với những người không liên lụy trong hành vi thẩm vấn hay truy tố ấy. Điều thứ 8 - Về khinh tội, công tố quyền bị thời tiêu sau hạn ba (3) năm trọn, thời hiệu sẽ được tính như đã dự liệu nơi điều 7. Điều thứ 9 - Về tội vi cảnh, công tố quyền bị thời tiêu sau hạn một (1) năm trọn, thời hiệu sẽ được tính như đã dự liệu nơi điều 7. Điều thứ 10 - Không thể phát động dân tố quyền sau khi công tố quyền bị thời tiêu. Nếu đã có phán quyết nhất định về công tố quyền và hình phạt được tuyên xử, dân tố quyền được phát động trong thời hạn dự liệu nới các điều trên bị tiêu diệt sau hạn ba mươi (30) năm kể từ ngày phạm pháp. Về mọi phương diện khác, dân tố quyền do quy tắc dân luật chi phối. QUYỂN NHẤT
Hành sử công tố quyền và tham vấn THIÊN THỨ NHỨTCác viên chức hành sử công tố quyền và đảm nhiệm thẩm vấnĐiều thứ 11 - Thủ tục điều tra và thẩm vấn phải được giữ kín, trừ trường hợp luật pháp định khác và miễn là không phương hại đến quyền bào chữa. Những người tham dự thủ tục nói trên phải giữ bí mật chức nghiệp, bằng không sẽ bị truy bố và trừng phạt về tội vi phạm bí mật chức nghiệp như dự liệu trong Bộ hình luật. CHƯƠNG THỨ NHỨTCảnh sát Tư pháp TIẾT IĐiều khoản tổng quátĐiều thứ 12 - Cảnh sát tư pháp do các sĩ quan, viên chức và nhân viên chỉ định trong tiết này đảm nhận dưới sự điều khiển của biện lý. Trong quản hạt mỗi toà thượng thẩm, cảnh sát tư pháp đặt dưới quyền giám sát và kiểm soát của chưởng lý và phòng luận tội. Điều thứ 13 - Cảnh sát tư pháp có nhiệm vụ vi chứng các vụ phạm pháp, thu thập bằng cớ và truy tầm thủ phạm theo sự phân định trong tiết này, khi chưa mở cuộc thẩm vấn. Khi đả mở cuộc thẩm vấn, cảnh sát tư pháp thi hành những uỷ thác và tuân hành những triệu dụng của cơ quan thẩm vấn. Điều thứ 14 - Cảnh sát tư pháp gồm có: 1) Sĩ quan cảnh sát tư pháp hay hình cảnh lại; 2) Nhân viên cảnh sát tư pháp; 3) Viên chức và nhân viên được luật pháp giao phó một số nhiệm vụ cảnh sát tư pháp. TIẾT IISĩ quan cảnh sát tư pháp hay hình cảnh lại.Điều thứ 15 - Các viên chức kể sau đây có tư cách hình cảnh lại: 1) Biện lý, phó biện lý và dự thẩm; 2) Quận trưởng hành chánh tại các tỉnh; 3) Chỉ huy trưởng cảnh sát từ cấp quận trở lên, chỉ huy phó từ cấp tỉnh trở lên, trưởng cuộc cảnh sát xã; 4) Viên chức hành chánh cảnh sát có tư cách hình cảnh lại do sắc lệnh của Thủ tướng ban cấp. 5) Sĩ quan hay tiểu đội trưởng quân cảnh điều tra tư pháp được bổ nhiệm bằng nghị định liên bộ tư pháp và quốc phòng chiếu đề nghị của chị huy trường quân cảnh. Ngoại trừ biện lý, phó biện lý và dự thẩm, trước khi nhậm chức, hình cảnh lại phải đến toà án viên chức ấy trực thuộc để tuyên thệ trong một phiên xử công khai: "Tôi thề sẽ tận tâm làm tròn nhiệm vụ sĩ quan cảnh sát tư pháp và bao giờ cũng xử sự một cách xứng đáng và chính trực". Điều thứ 16 - Hình cảnh lại hành xử quyền hạn ấn định nơi điều 13, tiếp nhận đơn khiếu nại và khiếu tố, mở các cuộc điều tra sơ vấn trong những điều dự liệu nới điều 68 đến 70. Trong trường hợp trọng tội và khinh tội quả tang, hình cảnh lại hành sử quyền hạn dự liệu nơi điều 46 đến 60. Các viên chức ấy có quyền trực tiếp triệu dụng công lực trong khi thi hành nhiệm vụ. Điều thứ 17 - Hình cảnh lại có thẩm quyền trong địa hạt của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp và nếu được biện lý cho phép, hình cảnh lại có thể hoạt động trong toàn địa hạt toà án mà viên chức ấy trực thuộc. Khi xảy ra trọng tội hay khinh tội quả tang, hình cảnh lại có thể di chuyển trong địa hạt các toà án kế cận để tiếp tục cuộc truy tầm, nghe cung, khám xét và sai áp, nhưng trước khi hành sử, phải trình báo cho biện lý sở tại. Trong trường hợp khẩn cấp nhân một cuộc điều tra phạm pháp quả tang, hình cảnh lại có quyền thi hành trên toàn lãnh thổ quốc gia những tác vũ do biện lý triệu dụng. Các viên chức ấy phải được hình cảnh lại địa phương hỗ trợ và trước khi hành sự phải trình báo cho biện lý sở tại. Điều thứ 18 - hình cảnh lại phải cấp thời báo cáo biện lý những trọng tội, khinh tội, tội vi cảnh mà các viên chức phải chuyển thằng đến biện lý bản chánh biên bản đã lập và tất cả văn kiện tài liệu liên hệ cùng tài vật bị sai áp. Biên bản phải ghi rõ tư cách hình ảnh lại của viên chức lập biên bản. TIẾT III
Nhân viên cảnh sát tư phápĐiều thứ 19 - Nhân viên cảnh sát tư pháp gồm có: 1) Nhân viên cảnh sát hành dịch, ngoại trừ những viên chức có tư cách hình cảnh lại; 2) Xã trưởng, phó xã trưởng an ninh. Điều thứ 20 - Nhân viên cảnh sát tư pháp có nhiệm vụ: 1) Giúp đõ hình cảnh lại thi hành nhiệm vụ; 2) Báo cáo với các cấp chỉ huy trực tiếp những vi phạm luật hình mỗi khi được biết. 3) Tuân hành chỉ thị các cấp chỉ huy để nhận xét tội phạm, thâu thập tài liệu, truy tầm thủ phạm. Điều thứ 21 - nhân viên cảnh sát tư pháp không có quyền quyết định về việc giam giữ. TIẾT IVCác viên chức được giao phó một số nhiệm vụ cảnh sát tư phápĐiều thứ 22 - Cũng được giao phó một số nhiệm vụ cảnh sát tư pháp các viên chức dưới đây: 1) Nhân viên thuế vụ hữu thệ có quyền lập biên bản kiểm chứng những vi phạm luật lệ thuế vụ; 2) Nhân viên quan thuế hữu thệ có quyền lập biên bản kiểm chứng những vi phạm luật lệ quan thuế; 3) Nhân viên thuỷ lâm hữu thệ có quyền lập biên bản kiểm chứng những vi phạm luật lệ thủy lâm và thể lệ săn bắn; 4) Các nhân viên sở kiểm soát kinh tế và sở trừng trị mạo hoá hữu thệ có quyền lập biên bản kiểm chứng những vi phạm luật lệ về kinh tế, về mạo hóa và biến tạo các thứ sản phẩm. Các công chức và nhân viên các công sở được những đạo luật chuyên biệt giao phó một số trách vụ hình cảnh sẽ hành sử những quyền đó trong điều kiện và phạm vi qui định do những đạo luật ấy. Điều thứ 23 - Biện lý, dự thẩm và hình cảnh lại có thể triệu dụng sự hỗ trợ của các viên chức kể ở điều trên. Trong giới hạn thẩm quyền của họ, các viên chức này có nhiệm vụ, theo chỉ thị của biện lý, dự thẩm và hình cảnh lại: 1) Giúp đỡ hình cảnh lại thi hành nhiệm vụ; 2) Lập biên bản vi chứng các trọng tội, khinh tội và tội vi cảnh; 3) Lập biên bản tiếp nhận lời khai của những người có thể cung cấp chứng tích, bằng cớ và tài liệu. CHƯƠNG THỨ IICông tố viện TIẾT IĐiều khoản tổng quátĐiều thứ 24 - Công tố viện hành sử công tố quyền và theo dõi sự áp dụng luật pháp để bảo vệ trật tự công cộng. Mọi sự câu lưu phải đặt dưới quyền kiểm soát của công tố viện. Điều thứ 25 - Công tố viện có đại diện tại mỗi phiên tòa, tham dự các cuộc tranh luận, có quyền phát biểu ý kiến và đặt câu hỏi. Mọi phán quyết đều được tuyên xử với sự hiện diện của công tố viên, nếu không sẽ vô hiệu. Công việc thi hành án văn hình sự do công tố viện đón đọc và kiểm soát. Để giúp công tố viện thi hành nghiêm chỉnh nhiệm vụ này, các hồ sơ hình sự có phúc quyết, án văn hay án lệnh nhất định, cũng như tang vật và các phiếu tư pháp lý lịch được giao cho Phòng Lục sự công tố viện lưu giữ. Điều thứ 26 - Trong các kết luận trang, công tố viện phải chấp hành huấn lệnh của thượng cấp theo những điều kiện dự liệu nơi điều 29, 30 và 36. Tuy nhiên, khẩu biện trước phiên tòa, công tố viện được tự do phát biểu những nhận xét mà mình thấy có lợi ích cho công lý. TIẾT IIPhần vụ của chưởng lý tòa thượng thẩmĐiều thứ 27 - Chưởng lý đại diện công tố viện trước tòa thượng thẩm và trước những tòa đại hình nhóm họp trong quản hạt tòa thượng thẩm, và có thể do phó chưởng lý hay thẩm lý thay mặt. Điều thứ 28 - Chưởng lý có nhiệm vụ trông nom việc áp dụng luật hình trong quản hạt tòa thượng thẩm. Để đáp ứng nhu cầu trên, hàng tháng biện lý phải gởi đến chưởng lý và chánh nhứt bảng kê khai (lập thành ba bổn) các vụ phạm pháp trong địa hạt tòa sở tại. Trong khi thi hành nhiệm vụ, chưởng lý có quyền triệu dụng công lực. Điều thứ 29 - Khi được biết những vụ vi phạm hình luật, Tổng trưởng tư pháp có thể cáo tri chưởng lý, truyền trưởng lý khởi tố hay ra lệnh khởi tố, hoặc chuyển đến tòa án có thẩm quyền những thỉnh trạng mà Tổng trưởng tư pháp xét thích đáng. Điều thứ 30 - Chưởng lý có quyền điều khiển tất cả thẩm phán công tố thuộc quản hạt tòa thượng thẩm. Đối với các thẩm phán ấy, chưởng lý cũng có những đặc quyền dự liệu nơi điều trên dành cho Tổng trưởng tư pháp. Điều thứ 31 - Chưởng lý giám sát và kiểm soát hoạt động của sĩ quan và nhân viên cảnh sát tư pháp, cùng các công chức dân chính và quân nhân thi hành nhiệm vụ hình cảnh lại. Chưởng lý có quyền ra lệnh cho các viên chức ấy thâu thập tài liệu hữu ích cho sự điều hành công lý. TIẾT IIIPhần vụ của Biện LýĐiều thứ 32 - Biện lý đại diện công tố viện trước tòa sơ thẩm và lâm thời, trước toà đại hình trong trường hợp dự liệu nơi điều 236 khoản 2. Trước tòa tiểu hình, biện lý có thể do phó biện lý thay mặt. Điều thứ 33 - Biện lý thâu nhận đơn khiếu tố, đơn tố cáo và tùy nghi quyết định. Bất cứ nhà trức trách, công lại hay viên chức nào trong khi thừa hành nhiệm vụ, được biết một vụ phạm pháp về trọng tội hay khinh tội, phải cấp thời báo cáo biện lý và chuyển tới vị thẩm phán này tất cả tài liệu, biên bản và văn kiện liên hệ. Điều thứ 34 - Biện lý có thể tự mình thực hiện hay truyền thực hiện những hành vi cần thiết để truy tầm và truy tố những vi phạm luật hình. Để thi hành nhiệm vụ này, biện lý có quyền trực tiếp triệu dụng công lực, điều động các sĩ quan và nhân viên cảnh sát tư pháp thuộc địa hạt tòa sở tại. Biện lý có tất cả quyền hạn của một hình cảnh lại. Trong trường hợp phạm pháp quả tang, biện lý hành sử những quyền dự định ở điều 61. Điều thứ 35 - Khi một vụ phạm pháp xảy ra, biện lý các tòa án sau đây đều có thẩm quyền: tòa án nơi tội phạm phát sinh, tòa án nơi cư ngụ của một trong những người bị tình nghi phạm pháp, tòa án nơi bắt được một trong những người bị tình nghi, dù người này có bị bắt vì lý do khác. Điều thứ 36 - Biện lý có quyền điều khiển sĩ quan công tố tại các tòa vi cảnh trong quản hạt. Biện lý có thể cáo tri các tội vi cảnh tự mình được biết cho chỉ thị truy tố và làm thời ra lệnh mở cuộc điều tra. TIẾT IVCông tố viện tại tòa án vi cảnhĐiều thứ 37 - Tại tòa án vi cảnh, nhiệm vụ công tố được giao cho chỉ huy trưởng cảnh sát sở tại. Nếu trong quản hạt tòa án có nhiều Bộ chỉ huy cảnh sát, chưởng lý sẽ chỉ định một chỉ huy trưởng cảnh sát đảm nhiệm chức vụ công tố. Nếu chỉ huy trưởng cảnh sát sở tại khống khuyết hay bị ngăn trở, chưởng lý sẽ chỉ định một sĩ quan cảnh sát tư pháp thuộc quản hạt tạm thời thay thế. Trong trường hợp không đặt hay chưa đặt tòa án vi cảnh, các vụ vi cảnh sẽ do tòa sơ thẩm xét xử tại một phiên tòa riêng hay cùng chung với phiên tòa tiểu hình. Nhiệm vụ công tố sẽ giao biện lý tòa sơ thẩm. Vị này có thể do phó biện lý thay mặt. THIÊN THỨ IIĐiều tra CHƯƠNG THỨ NHỨTQuyền hạn của nghi can trong giai đoạn điều tra sơ vấnĐiều thứ 38 - Trong giai đoạn điều tra sơ vấn, nghi can bị bắt giữ hoặc bị điều tra phải được cho biết ngay là phạm tội gì và có quyền được luật sư dự kiến. Điều thứ 39 - Trong hạn 48 giờ, cơ quan bắt giữ phải thông báo việc bắt giữ cho một trong những thân nhân kể sau đây: người phối ngẫu, con cháu, cha mẹ, ông bà, anh chị em, theo lời chỉ dẫn của nghi can. Nếu một trong những người kể ở đoạn trên tự động đến tìm hỏi, cơ quan liên hệ phải cho họ biết lý do bắt giữ. Điều thứ 40 - Trong cuộc chấp cung đầu tiên, nếu nghi can yêu cầu được một hay nhiều luật sư dự kiến, cơ quan điều tra phải báo thị bằng mọi cách, kể cả bằng điện thoại, cho luật sư biết trước hai (2) giờ để đến dự kiến; quá hạn này cuộc điều tra bắt đầu, dầu có luật sư hay không. Trong trường hợp một luật sư đến dự kiến theo sự yêu cầu của thân nhân nghi can, cuộc chấp cung sẽ thi hành trước sự hiện diện của luật sư, trừ phi trước luật sư và điều tra viên, nghi can từ chối sự dự kiến; sự từ chối này phải được ghi vào biên bản hỏi cung. Trong các phiên điều tra kế tiếp, cơ quan điều tra cũng báo trước cho luật sư như trên, trước khi khởi sự ghi cung. Việc báo thị cho luật sư đến dự kiến phải được ghi vào biên bản hỏi cung. Điều thứ 41 - Khi đến dự kiến lần đầu, luật sư phải nạp cho cơ quan điều tra, để kèm theo biên bản, văn thư nhiệm cách hợp lệ. Một luật sư có thể đến dư kiến bất luận ở giai đoạn nào của cuộc điều tra, mặc dầu không dự kiến lần đầu, miễn có xuất trình văn thư nhiệm cách hợp lệ, và không bị nghi can từ chối. Luật sư không được chặn ngang sự hỏi cung, ngắt lời, nhắc nhở, trả lời thế cho các nghi can hay nhân chứng; mỗi lần muốn nói, luật sư phải được sự thỏa thuận của điều tra viên; nếu điều tra viên từ khước, sự từ khước ấy phải được điều tra viên ghi vào biên bản. Điều thứ 42 - Trong trường hợp bị can bi bắt quả tang và được hỏi ngay tại chỗ, sự dự kiến của luật sư không bắt buộc. Điều thứ 43 - Trừ trường hợp phạm pháp quả tang, điều tra viên không được hỏi nghi can trước bảy (7) giờ và sau mười chín (19) giờ. Tuy nhiên, có thể tiếp tục hỏi cung nếu đã khởi sự trước mười chín (19) giờ. Điều thứ 44 - Vi phạm các điều 38 và 39 sẽ bị phạt vạ từ 601$ đến 10.000$ và phạt giam từ 6 ngày đến 1 tháng hoặc một trong hai hình phạt này. Vi phạm các điều khoản khác ghi trên trong chương này sẽ bị phạt vạ từ 601$ đến 10.000$. Điều thứ 45 - Luật sư được phép nhiệm cách cho bị can tại biện lý cuộc bằng cách nạp thư biện hộ hợp lệ. Sau khi nạo thư biện hộ, luật sư được quyền tiếp xúc với bị can, tham khảo hồ sơ và dự kiến cuộc chấp cung tại biện lý cuộc. Luật sư không được chận ngang sự hỏi cung, ngắt lời, nhắc nhở, trả lời thế cho bị can hay nhân chứng. Mỗi lần muốn nói, luật sư phải được sự thỏa thuẫn của biện lý. Nếu biện lý từ khước, sự từ khước này phải được ghi vào biên bản. Trong mọi trường hợp, cuộc thẩm vấn tại biện lý cuộc không thể kéo dài quá 2 ngày. CHƯƠNG THỨ IIĐiều tra sơ vấn trong trường hợp phạm pháp quả tangĐiều thứ 46 - Trọng tội hay khinh tội quả tang là trọng tội hay khinh tội đang xảy ra hay vừa xảy ra. Cũng được coi là trọng tội hay khinh tội quả tang, nếu liền sau khi xảy ra vụ phạm pháp, người bị tình nghi bị công chúng tri hô và đuổi theo, hay bị bắt trong người còn mang tang vật, hoặc trong người còn mang vết tích, khiến có thể suy đoán người ấy đã tham dự vụ phạm pháp. Trọng tội hay khinh tội xảy ra trong một nhà phố mà chủ nhà triệu thỉnh biện lý hay hình cảnh lại đến vi chứng cũng được đồng hóa với trường hợp phạm pháp quả tang. Điều thứ 47 - Cũng được coi như phạm pháp quả tang: a) Những trọng tội và khinh tội vi phạm bằng báo chí. b) Những vi phạm về an ninh quốc gia mặc dầu đã xảy ra lâu rồi, nếu có lời thú nhận của người bị tình nghi hoặc có những bằng cớ hiển nhiên, chứng tỏ rằng người ấy đã thật sự phạm pháp. Điều thứ 48 - Khi biết có một trọng tội quả tang, hình cảnh lại phải lập tức phúc trình biện lý và cấp thời thân hành đến nơi xảy ra vụ phạm pháp, thực hiện ngay các hành vi kiểm chứng cần thiết. Hình cảnh lại cũng phải bảo lưu các vết tích có thể biến mất, và tất cả những gì có thể dùng để phát huy sự thật, sai áp dụng cụ và khí giới đã được dùng hay có thể dùng để phạm pháp cùng tất cả tang vật khác. Nếu những người bị tình nghi có mặt tại chỗ, hình cảnh lại phải đưa tang vật đã sai áp cho họ nhìn nhận. Điều thứ 49 - Cấm không được thay đổi tình trạng nơi xảy ra vụ phạm pháp hay mang ra khỏi nơi này bất cứ một việc gì, trước khi có cuộc điều tra tư pháp sơ khởi, ngoại trừ trường hợp cần bảo vệ an ninh hay vệ sinh công cộng hoặc để cứu cấp các nạn nhân. Vi phạm khoản trên sẽ bị phạt vạ từ sáu trăm lẻ một đồng (601$) đến năm ngàn (5.000$) đồng; nếu có dụng ý cản trở việc điều hành công lý, sẽ bị phạt giam từ ba (3) tháng đến ba (3) năm và phạt vạ từ một ngàn (1.000$) đến mười ngàn (10.000$) đồng. Điều thứ 50 - Để chứng minh một trọng tội đã xảy ra, nếu cần sai áp giấy tờ, tài liệu hay vật dụng do người bị tình nghi lưu giữ, hoặc tài liệu hay vật dụng liên quan đến vụ phạm pháp mà người ấy có thể chứa chấp, hình cảnh lại lập tức tới nơi cư ngụ của người đó để khám xét và lập biên bản. Riêng hình cảnh lại và những người kể nơi điều 51 và 54 mới có quyền xem xét các giấy tờ và tài liệu trước khi sai áp. Tuy nhiên, trong trường hợp khám xét và sai áp tại nhà hay văn phòng những người phải giữ bí mật nghề nghiệp, hình cảnh lại phải thi hành mọi biện pháp đặc biệt do luật lệ hiện hành quy định để tôn trọng bí mật nghề nghiệp và quyền biện hộ. Vật dụng và tài liệu bị sai áp phải được liệt kê và niêm phong ngay. Nếu không thể lập ngay bản kê khai tại chỗ, thì phải để vào nơi có khóa và niêm phong tạm cho đến khi liệt kê và niêm phong chánh thức, trước sự hiện diện của những người có mặt trong khi khám xét, như dự liệu nơi điều 51. Sau khi được biện lý chấp thuận, hình cảnh lại chỉ sai áp vật dụng và tài liệu cần thiết để phát huy sự thật. Điều thứ 51 - Không kể những biện pháp cần thực hiện để tôn trọng bí mật nghề nghiệp và quyền biện hộ, các tác vụ dự liệu nơi điều trên phải được thi hành trước sự hiện diện của gia chủ nơi khám xét. Nếu không thể được, hình cảnh lại phải yêu cầu gia chủ cử người đại diện; bằng không, hình cảnh lại sẽ chọn hai người chứng ngoài thuộc viên của mình. Biên bản được thiết lập như dự liệu nơi điều 59 có chữ ký của những người hiện diện kể trong điều này. Nếu có người từ chối không chịu kí, phải ghi vào biên bản. Điều thứ 52 - Trừ trường hợp cần thiết cho cụôc điều tra thì không kể, người nào tiết lộ bất cứ bằng phương cách gì tài liệu bị sai áp trong một cuộc khám xét cho người, theo luật, không được quyền biết đến mà không có sự ưng thuận của bị can hay người thụ quyền hoặc tác giả hay người tiếp nhận tài liệu đó sẽ bị phạt vạ từ sáu trăm lẻ một đồng (601$00) đến mười ngàn (10.000$00) đồng và phạt giam tù hai (2) tháng đến hai (2) năm. Điều thứ 53 - Ngoại trừ trường hợp có tiếng kêu cứu từ trong nhà, hay những biệt lệ do luật định, không được khám xét nhà tư nhân trước sáu (6) giờ sáng và sau tám (8) giờ tối. Tuy nhiên, việc khám xét và sai áp có thể thực hiện bất cứ lúc nào để vi chứng những vi phạm luật lệ ngăn cấm hành nghề mãi dâm trong khách sạn, nhà hay phòng cho thuê có đồ đạc, ký túc xá, quán giải lao, câu lạc bộ, vũ trường, hi viện và những nơi công chúng được ra vào thong thả, nếu được biết có những người hành nghề mãi dâm thường lui tới. Những thể thức dự liệu nơi điều 50, 51 và nơi điều này phải được áp dụng, nếu không, cuộc khám xét sẽ vô hiệu, và hình cảnh lại có thể bị chế tài về mặt kỉ luật, không kể những hành vi phạm luật hình. Điều thứ 54 - Nếu cần vi chứng lập tức, hình cảnh lại có quyền yêu cầu chuyên viên giúp đõ. Những người này phải viết lời tuyên thệ lấy danh dự và lương tâm để nhận xét và cho ý kiến. Điều thứ 55 - Hình cảnh lại có quyền ngăn cấm bất cứ người nào rời khỏi nơi xảy ra vụ phạm pháp cho đến khi kết thúc công việc, nhưng phải tuyên báo trước. Trong cuộc truy tầm thủ phạm, nếu hình cảnh lại xét cần kiểm soát căn cước một người nào, người ấy phải tuân lệnh. Vi phạm hai khoản trên sẽ bị phạt giam không quá mười (10) ngày và phạt tiền không quá sáu trăm (600$) đồng bạc. Điều thứ 56 - Hình cảnh lại có quyền mời để lấy cung tất cả những người có thể cung cấp tài liệu về vụ phạm pháp. Những người được mời phải đến để cung khai, nếu bất tuân, hình cảnh lại sẽ trình biện lý xin triệu dung công lực buộc trình diện. Hình cảnh lại lấy cung phải lập biên bản. Người khai có quyền đọc lại lời cung của mình yêu cầu ghi thêm các nhận xét và ký tên vào biên bản. Nếu họ không biết đọc, hình cảnh lại phải đọc cho họ nghe trước khi kí biên bản. Nếu họ từ chối kí tên, thì phải ghi vào biên bản. Nhân viên cảnh sát tư pháp nói nơi điều 19 cũng có thể, trong phạm vi những chỉ thị nhận được, lấy cung như trên, lập biên bản chuyển đến hình cảnh lại mà họ phụ tá. Điều thứ 57 - Vì nhu cầu cuộc điều tra, hình cảnh lại có thể giữ lại một hay nhiều trong số những người nói ở điều 55 và 56 nhưng không thể giữ quá hai mươi bốn (24) giờ. Nếu có chứng tích hệ trọng và phù hợp để buộc tội người nào, hình cảnh lại phải dẫn người ấy trình biện lý trong vòng hai mươi bốn (24) giờ. Trong trường hợp đặc biệt, biện lý hay dự thẩm có thể với quyết định có viện dẫn lý do, cho phép triển hạn thời gian tạm giữ, mỗi lần hai mươi bốn (24) giờ, nhưng không thể quá bảy (7) ngày, mà khỏi buộc dẫn trình người bị điều tra. Riêng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, thời gian tạm giữ có thể triển hạn quá bảy (7) ngày. Thời gian hình cảnh lại được quyền tạm giữ nói trên khởi lưu kể từ lúc đương sự bị thật sự mất tự do. Vi phạm điều luật này, hình cảnh lại sẽ bị truy tố về tội giam cầm trái phép, chưa kể chế tài về kỷ luật cùng bồi thường thiệt hại cho đương sự. Điều thứ 58 - Hình cảnh lại phải ghi vào biên bản hỏi cung người bị tạm giữ các điểm sau đây: có hay không có sự hiện diện của luật sư, ngày giờ chấp cung, ngày giờ ngưng chấp cung, ngày giờ và lý do tạm giữ, ngày giờ phóng thích hoặc dẫn trình biện lý. Những điều ghi chú ấy phải được đương sự ký nhận, nếu họ từ chối, cần nêu rõ trong biên bản. Nơi tiếp nhận người bị tạm giữ phải có một quyển sổ riêng chép lại những ghi chú nói trên. Nếu xét cần, biện lý, hoặc tự mình hoặc theo đơn xin của người bị tạm giữ hay gia đình hay luật sư, có thể chỉ định một y sĩ khám sức khỏe người bị tạm giữ. Nếu thời hạn hai mươi bốn (24) giờ được triển hạn, hình cảnh lại phải cho người bị tạm giữ được khám sức khỏe, nếu có lời yêu cầu của người này, của gia đình hay luật sư. Điều thứ 59 - Hình cảnh lại phải lập ngay biên bản trong khi điều tra và ký trên mỗi trang. Điều thứ 60 - Các điều 48 đến 59 cũng áp dụng cho khinh tội quả tang nếu luật dự liệu phạt giam. Điều thứ 61 - Khi biện lý đến nơi xảy ra vụ phạm pháp, nhiệm vụ của hình cảnh lại chấm dứt. Kể từ lúc đó, biện lý tự đảm nhiệm cuộc điều tra. Biện lý cũng có thể ra lệnh cho các hình cảnh lại tiếp tục công việc điều tra. Điều thứ 62 - Nếu cần, biện lý và dự thẩm có quyền thân hành sang địa hạt tòa án lân cận để tiếp tục cuộc điều tra nhưng phải báo trước cho biện lý tòa án ấy. Biên bản phải ghi rõ lý do sự di chuyển. Điều thứ 63 - Trong trường hợp trọng tội quả tang và nếu dự thẩm chưa thụ lý, biện lý có quyền xuất trát dẫn giải đối với mọi người bị tình nghi có tham dự vào vụ phạm pháp. Biện lý lấy cung tức khắc người bị dẫn trình. Nếu người này tự ý đến trình diện cùng với luật sư, biện lý chỉ có thể hỏi cung với sự hiện diện của luật sư. Điều thứ 64 - Trong trường hợp khinh tội quả tang, nếu hình luật có dự liệu phạt giam và nếu dự thẩm chưa thụ lý, biện lý có quyền hạ trát tống giam bị can sau khi xét hỏi lý lịch và lấy cung về tội phạm. Biện lý sẽ đưa nội vụ ra tòa án theo thủ tục dự liệu nơi quyển hai Bộ luật này, trừ những trường hợp có luật riêng biệt định khác. Điều thứ 65 - Nếu dự thẩm có mặt nơi xảy ra vụ phạm pháp, biện lý cùng các hình cảnh lại đương nhiên chấm dứt nhiệm vụ, và kể từ lúc đó, dự thẩm tự đảm nhiệm cuộc điều tra Dự thẩm cũng có thể ra lệnh cho các hình cảnh, lại tiếp tục công việc điều tra. Sau khi cuộc điều tra kết thúc, dự thẩm chuyển hồ sơ đến biện lý để tuỳ nghi. Nếu biện lý và dự thẩm cùng một lúc đến nơi xảy ra vụ phạm pháp, biện lý có thể ra khởi tố lệnh trạng yêu cầu dự thẩm mở cuộc thẩm vấn. Điều thứ 66 - Trong trường hợp phạm pháp quả tang nếu là một trọng tội hay một khinh tội có thể bị phạt giam, mọi công dân có quyền bắt thủ phạm dẫn ngay đến hình cảnh lại gần nhứt. Điều thứ 67 - Khi phát giác một tử thi, dầu là trường hợp bất đắc kì tử hay không, nếu nguyên nhân sự chết chưa được biết rõ hoặc khả nghi, hình cảnh lại phải trình ngay biện lý và cấp thời đến tại chỗ để nhận xét. Nếu cần, biện lý thân hành đến nơi và nhờ chuyên viên xác định trường hợp sự chết. Tuy nhiên, biện lý có thể lựa chọn và uỷ nhiệm một hình cảnh lại thi hành công tác này. Chuyên viên được triệu dụng phải ký tên tuyên thệ sẽ phát biểu ý kiến theo danh dự và lương tâm. Biện lý cũng có thể ra khởi tố lệnh trạng yêu cầu dự thẩm mở cuộc thẩm vấn để tìm nguyên nhân sự chết. CHƯƠNG THỨ IIIĐiều tra sơ vấn ngoài trường hợp phạm pháp quả tangĐiều thứ 68 - Sĩ quan và nhân viên cảnh sát tư pháp kể nơi điều 19 thừa lệnh biện lý hoặc đương nhiên mở cuộc điều tra sơ vấn. Chưởng lý có quyền kiểm soát các cuộc điều tra. Điều thứ 69 - Các cuộc khám xét người hay nhà và sai áp tang vật phải có sự ưng thuận minh thị của đương sự. Biên bản phải ghi rõ sự ưng thuận này. Các thể thức dự liệu nơi điều 50 và 53 khoản 1 phải đựơc áp dụng. Điều thứ 70 - Nếu vì nhu cầu cuộc điều tra cần tạm giữ một người quá hai mươi bốn (24) giờ, hình cảnh lại phải tôn trọng những thời hạn và thể thức dự liệu nơi điều 57 và 58. Trong trường hợp đặc biệt, biện lý có thể, với quyết định có viện dẫn lý do, cho phép triển hạn thời gian tạm giữ mà khỏi buộc dẫn trình bị điều tra như đã dự liệu tại điều 57.
|