Thần thoại Ai Cập còn ghi lại Hoàng đế Osiris, được coi là vị thần linh chủ quản thế giới bên kia, đã lấy người em ruột là Isis
Thời cổ đại Ai Cập và Hy Lạp hiện tượng loạn luân đôi khi xuất hiện trong các vương triều chỉ vì giới thống trị tin rằng họ thuộc một huyết thống cao cả, thiêng liêng nên trong hôn nhân không thể lấy người ngoại tộc chỉ có giòng máu tầm thường. Vua chúa tin rằng không có sự kén chọn sẽ làm giòng máu siêu việt ở họ không còn thuần chất nữa. Các sử gia còn giải thích rằng vì vương triều muốn độc tôn quyền cai trị nên cho phép người trong hoàng tộc lấy kẻ trong họ như dưới triều Trần ở nước ta.
Thần thoại Ai Cập còn ghi lại Hoàng đế Osiris, được coi là vị thần linh chủ quản thế giới bên kia, đã lấy người em ruột là Isis (có tài liệu cho rằng bà này chính là mẹ của hoàng đế). Đó không phải cuộc hôn nhân lầm lẫn do định mạng an bài như trường hợp Oedipus của thần thoại Hy Lạp lấy mẹ ruột là bà Hoàng hậu góa Josasta.
Nhân loại tiến bộ dần, nền luân lý được con người tuân thủ và hiện tượng loạn luân trở thành một việc ít xảy ra và thường bị kết án nghiêm khắc. Khoa học hỗ trợ cho điều cấm này vì đã có thể chứng minh những kết hợp hôn nhân giữa những người cùng huyết thống, càng gần càng có vấn đề, vì tạo ra hậu quả tai hại cho con cái về tâm lý, về sinh lý... Ngày nay xã hội diễn tiến phức tạp, khuôn thước lý trí nhiều khi bị tình dục lấn át, tâm lý con người bị dồn nén thành sai lệch, nên hiện tượng loạn luân lại được nhắc tới không phải ngoại lệ mà còn là một xu hướng.
Có người bênh vực cho hôn nhân giữa những người cùng huyết thống như anh em, họ hàng và cho rằng nếu đã công nhận hôn nhân đồng tính thì sao lại phủ nhận hôn nhân đồng huyết thống nếu các cuộc hôn nhân này trên căn bản đồng thuận. Tuy nhiên, tình mẹ-con biến thành tình vợ-chồng thì quá kỳ lạ và trở thành một bi kịch cho gia đình và cho cả xã hội văn minh. Không mấy ai quên cuốn phim Spanking The Monkey do David O. Russell đạo diễn ra đời năm 1994. Đấy là cuốn phim bi hài thuật lại một câu chuyện không biết nên cười hay nên than. Truyện kể rằng một thanh niên có tên là Raymond vì cha đi vắng nên phải bỏ việc xây dựng sự nghiệp và bạn gái để ở nhà săn sóc bà mẹ có tên là Susan Aibelli bị thương ở chân không thể đi đứng được. Thế rồi trong lúc cô đơn và buồn chán, hai mẹ con Raymond đã diễn ra cảnh ân ân ái ái. Dĩ nhiên là truyện giả tưởng nhưng không ngờ đôi khi nó biến thành thực ngoài đời. Ngay tại Canada và ở Ontario trong đầu tân thiên niên kỷ đã diễn ra một vụ án loạn luân còn gây dư luận hơn phim ảnh: Một bà mẹ đã lấy con trai làm chồng và khi bị phát giác và bị lôi ra tòa đã khăng khăng bảo rằng kẻ đầu gối tay ấp với mình là một người khác không phải là con mình.
Truyện tình ly kỳ và bà mẹ điên loạn
Nguồn tin ngày 20 tháng 01 năm 2011 cho biết tòa Thượng thẩm Ontario đã bác đơn chống án của một phụ nữ ở Kitchener về tội loạn luân vì lấy con trai của chính mình, sinh con đẻ cái và gắng che giấu việc này bằng cách bịa đặt người này là một Vương tử Phi châu. Tòa phá án Ontario đã giữ nguyên bản án can tội loạn luân và giả mạo giấy tờ của tòa dưới đã phán quyết vào 2005 đối với một phụ nữ có tên tạm gọi là B.D. Nội vụ mang tính cách bệnh hoạn bắt đầu đổ bể khi một thanh niên có tên Wafi mang một bé gái đã lạnh ngắt tới bệnh viện vào tháng 06/2001 để xin cứu chữa. Bé gái tên Wafu, 2 tuổi, được bệnh viện xác nhận là đã chết trên đường tới phòng cấp cứu. Khi nhân viên bệnh viện lấy lời khai của Wafi thì thấy anh ta lúng túng nên nghi ngờ. Từ lời khai bất nhất của Wafi, y tá không hiểu anh ta là cha đứa bé hay là anh trai của nó. Nghi ngờ này đã khiến giới hữu trách cho thử nghiệm DNA và trước kết quả xét nghiệm khiến tất cả giật mình vì nó chứng tỏ Wafi có thể vừa là cha vừa là anh của Wafu. Vụ loạn luân ló ra ánh sáng. Cảnh sát mở cuộc điều tra người mẹ của đứa trẻ bất hạnh và biết tên bà ta là B.D. Bà B.D. này có 7 người con, trong đó có Wafi, Olaseni là con lớn với người chồng trước. Bà ta có 4 con nhỏ với người chồng sau, người mà bà ta gọi là Vương tử Phi châu. Trong bốn đứa này thì Wafu chết ở tuổi lên 2 với triệu chứng bất toàn ở cơ thể của một đứa bé do loạn luân sinh ra. Câu hỏi đặt ra: bốn con nhỏ của B.D. có cha là ai? Có thực là Vương tử Phi châu hay không? Tài liệu trước tòa cho biết xét nghiệm DNA cho thấy B.D. và Wafi là cha mẹ của Wafu, và chính B.D. lại là mẹ ruột của Wafi. Cuộc điều tra cho biết B.D. đã làm chuyện tội lỗi với con trai là Wafi từ khi cậu ta mới tuổi 15 và một năm sau một đứa bé đã ra đời khi cậu bé vẫn còn tuổi vị thành niên. B.D. và Wafi lập tức bị điều tra về tội loạn luân. Bị cáo B.D. cực lực chối tội và cho rằng chồng bà không phải là Wafi, con trai mất tích mới 25 tuổi của bà. Bà ta cả quyết rằng vào năm cuối của thế kỷ trước bà ta lấy một người là vương tử có tên là Wafi R. Dz. giòng giõi Hoàng gia Nigeria hay Ethopia.
Nhưng Vương tử Wafi ở đâu?
Các nhà điều tra cho rằng Vương tử này chính là Wafi. Để Wafi có thể đóng vai vương tử, thì B.D. bắt con trai thứ là Olaseni đóng vai Wafi trong những lần ra tòa đầu tiên vào đầu thế kỷ 21. Còn sau đó biết bí mất không thể kéo dài, B.D. khai rằng Wafi đã mất tích trong một tai nạn núi lửa ở Congo từ năm 2001. Thế là kể từ ngày đó Wafi bình dân không còn nữa mà chỉ còn Vương tử Wafi hiện diện trong tổ ấm của B.D. mà thôi. Để bảo đảm vương tử có giấy tờ hợp lệ, B.D. đã giả mạo giấy tờ và chữ ký để có thể nghiễm nhiên nhận con làm “chồng” và tin rằng chắc hẳn qua mặt được luật pháp về trò loạn luân của mình. Bà ta còn táo bạo xin giấy khai sinh cho bầy con nhỏ với tên cha là vương tử giả mạo. Nhưng làm sao lấy vải thưa che mắt thánh, vì nhiều người kể cả giáo sư cũ của Wafi ở trung học cũng khai rằng Vương tử Phi châu chẳng qua chỉ là Wafi mà thôi.
Cho đến nay Tòa Thượng Thẩm Ontario quyết định không công bố tên tuổi thực của các can phạm để bảo vệ con cái của họ và chi tiết nội vụ cũng không được trình bày rõ ràng. Cuộc hôn nhân trên thuộc vào loại kỳ lạ nhất như chánh án chủ trì phiên xử cho biết. Tòa cũng tin rằng bị cáo B.D. hẳn bị bệnh hoang tưởng nên mới làm việc quái lạ như thế. Các phúc trình của các chuyên viên tâm bệnh cho rằng B.D. mắc một chứng bệnh tâm lý gây ra hoang tưởng và là một phụ nữ có mức thông minh rất thấp vì chỉ số thông minh chỉ bằng 60. Wafi mà tòa tạm gọi là Vương tử Wafi, cũng bị kết án loạn luân và tội giả mạo giấy tờ. Trong việc chống án về tội loạn luân, B.D. một mực cho rằng mình vô tội vì chồng bà ta là Vương tử Wafi chứ không phải là con của mình và phủ nhận giá trị thử nghiệm DNA. Các nhà đạo đức không khỏi không chau mày trước những hiện tượng luân lý suy đồi và tâm lý hoang loạn như vụ án ở Kitchener chỉ vì nó chẳng phải là trường hợp duy nhất.
Tài liệu hình sự cho biết có ít nhất 6 trường hợp mẹ con loạn luân được ghi lại trong Biên niên Tâm phân học (Annual of Psychoanalysis). Đó là các vụ sau: Barry và Johnson, 1958; Yorukoglu và Kemph, 1964; Wahl, 1960; Weiner, 1964; Masters, 1963. Gần nhất là vụ một phụ nữ 40 tuổi ra tòa ở Tullamore Circuit Court, Ái Nhĩ Lan, về tội loạn luân với con trai thứ hai và bỏ bê 6 con nhỏ khác. Tội lỗi diễn ra từ tháng Tư 1998 tới tháng 10/2004 tại nhà của họ ở phía tây Ireland. Bị cáo lãnh án 7 năm tù riêng về tội loạn luân. Chánh án Miriam Reynolds chủ trì phiên xử vào năm 2008 cho biết bị cáo sẽ tù chung thân nếu là nam giới nhưng pháp luật đã chiếu theo đạo luật 1908 về sự trừng phạt tội loạn luân (Punishment of Incest Act) quy định hình phạt nhẹ hơn là 7 năm. Bị cáo cũng được giám định về y học xem có điên dại hay không.
Hình phạt dành cho tội loạn luân ra sao?
Tội nhân thường lãnh án tù nhưng cũng tùy theo luật lệ các nước. Nhìn chung, các quốc gia đều coi việc loạn luân là một tội và khép án tù cho kẻ phạm tội. Tuy nhiên, nhiều quốc gia lại khoan dung với những tội loạn luân tùy theo định nghĩa loạn luân là gì ở các xứ đó. Hòa Lan và Thủy Điển cho phép một số trường hợp loạn luân có thể thành vợ thành chồng nhưng người trong cuộc phải được giới hữu trách điều tra và cố vấn trước khi lấy nhau.
|