Khi dừng chân lại trước một người phụ nữ, một nghĩa nào đó cũng có thể hiểu rằng người đàn ông đã bị chinh phục.
Mũi tên tình ái đã xuyên thấu trái tim chàng, và đã khiến chàng gục ngã trước người yêu. Trong trường hợp ấy, người phụ nữ hầu như có toàn quyền quyết định hạnh phúc của mình và của người đang yêu mình. Nhưng vẫn có những điều mà người phụ nữ cần phải hiểu thêm để duy trì và phát triển tình yêu ấy. Và câu hỏi được đặt ra là: “Người đàn ông muốn gì trong hôn nhân?”
|
Muốn gì trong hôn nhân: Những ham muốn của đàn ông thường được biểu lộ một cách rõ ràng và dựa vào lý trí. Nó ngược lại với những ham muốn thầm kín của phụ nữ thường âm ỷ trong lòng và quyện lẫn với những xúc động của tình cảm. Theo tâm lý gia Dale Carnegie, trong đời sống tình cảm và hôn nhân, người đàn ông có ít nhất 6 điều ham muốn sau: 1. Thích ăn ngon. 2. Thích được âu yếm, vỗ về và mơn trớn. 3. Thích được khen thưởng. 4. Thích chinh phục. 5. Thích được hơn vợ. 6. Thích vợ mình đẹp. Ăn ngon, được âu yếm chiều chuộng, và khen thưởng là những ước muốn tự nhiên của con người. Ðàn ông cũng như đàn bà, nam cũng như nữ ai cũng thích những điều này. Tuy nhiên, liên qua đến đời sống hôn nhân gia đình, những ước muốn này phù hợp với bản tính tự nhiên của nam giới trong vai trò người tình. Thích chinh phục, được hơn vợ, và có vợ đẹp là những ham muốn biểu lộ nam tính, trong vai trò làm chồng. Người đàn ông nào trong bất cứ nền văn hóa nào cũng có những ham muốn tương tự để chứng tỏ khả năng làm chồng này. Bản năng tự nhiên: Như vừa trình bày trên, bản năng tự nhiên của người đàn ông trong đời sống hôn nhân được biểu lộ qua 3 ham muốn: Thích ăn ngon, thích được chiều chuộng, và thích được khen thưởng. - Ăn ngon: Ăn ngon thì ai cũng thích, nhưng điều này được thể hiện rõ ràng nhất đối với nam giới. “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”. Ham ăn, ăn nhiều, và thích ăn ngon. Nếu 2 hoặc 3 người phụ nữ họp lại với nhau là có tiếng xì xèo, to nhỏ, thì nếu 2 hoặc 3 người đàn ông tụ lại với nhau là nghe tiếng đũa bát khua vang. Do đó, ăn nhậu luôn gắn liền với sinh hoạt xã hội của nam giới. Những câu truyện lớn nhỏ hầu như được bàn định trên bàn ăn, hoặc sau những bữa nhậu. Có lẽ vì đặc tính này mà người phụ nữ phù hợp trong vai trò nội trợ, và khả năng “công, dung, ngôn, hạnh” của nàng chính là để giữ gìn hạnh phúc của gia đình. Công trong đời sống hôn nhân ngoài tài may vá, dĩ nhiên, còn là tài nấu nướng đem lại cho chồng con những bữa ăn ngon miệng và bổ dưỡng. Phụ nữ nào chỉ “gạo chợ, nước sông”, chồng muốn ăn gì ra chợ mà mua, hoặc mua cho mà ăn là người dễ mất chồng nhất, vì ăn quà rất dễ đưa đến “ăn vụng”. - Chiều chuộng, âu yếm: Bề ngoài nếu nhìn thoáng, ta sẽ thấy đàn ông phần đông mang bộ mặt nghiêm nghị, đôi khi có những nét bướng bỉnh và lỳ lợm. Ðó là phong cách lộ diện của nam tính. Nhưng trong tâm hồn, thì cũng như đàn bà, họ cũng chỉ là những đứa trẻ con rất muốn được yêu thương và chiều chuộng. Mà chiều chuộng là nghề của phụ nữ. Các nàng được thiên phú cho một trái tim nhậy cảm, chịu đựng và sự săn sóc tỷ mỷ rất thích hợp và cần thiết để xoa dịu, hóa giải những tính tình lỳ lợm, bướng bỉnh, và cao ngạo của người chồng, người yêu, và sau này là con cái. Ðây là điểm yếu và điểm mạnh khác nhau giữa đàn ông và đàn bà. Nước mắt và nụ cười của phụ nữ là khí giới cực mạnh để khắc phục khối óc và bắp thịt của người đàn ông. Napoleon đã có kinh nghiệm này, theo ông, ngoài chiến trường người đàn ông có thể xông pha tên đạn chiến thắng kẻ thù, nhưng khi ở nhà thì lại không chiến thắng nổi một người đàn bà. Hay theo Ralph Waldo Emerson, thì: “Sức mạnh của người đàn bà là cái hấp lực khó cưỡng của sự yếu đuối.” Thích được yêu đương, vỗ về, người đàn ông cũng thích được thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình nữa. Theo Freud thì đây cũng là một thế yếu của phái nam, vì nhu cầu này nếu không được thỏa mãn có thể đem đến những xáo trộn cả về tâm lý lẫn thể lý. Câu nói trong văn chương bình dân của Việt Nam: “Ðêm bẩy, ngày ba, vào ra không kể”, chính là một kinh nghiệm sống trực tiếp liên quan đến hạnh phúc hôn nhân, gia đình. Rất nhiều cặp vợ chồng đã bỏ nhau cũng vì không hiểu, hoặc không muốn áp dụng nguyên tắc yêu thương, chiều chuộng này. - Thích được khen: Theo tâm lý xã hội, cái làm cho người chồng bị mặc cảm nhất, gây bối rối nhất là bị vợ chê mình trước mặt đám đông, hoặc trước mặt bạn bè. Việt Nam cũng có câu: “Miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”. Thực tế đã chứng minh quan niệm này vì có nhiều người không màng hy sinh tất cả, kể cả mạng sống, danh dự hầu mua cho mình một địa vị trong xã hội. Nếu ngoài xã hội tiếng khen quan trọng như vậy, thì trong gia đình, nó cũng đóng một vai trò hết sức cần thiết. Vẫn theo Dale, tất cả những gì người đàn ông làm trong gia đình là chỉ có một mục đích để đem lại hạnh phúc cho vợ con. Bù lại, họ rất mong muốn được vợ con đón nhận và khen thưởng. Theo Pascal thì lời khen tặng của vợ là chiếc thang cho chồng bước lên cao. Ngược lại, những lời cằn nhằn, chê bai là những hố sâu chôn vùi nghị lực và sự cố gắng của chồng. Xét về mặt tâm lý, những lời nói nhẹ nhàng, khéo léo còn là cách thức sửa sai những khuyết điểm cho chồng nữa: “Không lúc nào đàn ông yếu cho bằng lúc họ được đàn bà khen là mạnh” (Anon). Tóm lại, những lời khen và những cử chỉ đón nhận của vợ rất cần thiết cho người chồng. Nó tăng cường sức sống, phấn chấn nghị lực, và củng cố niềm tin của chồng. Người chồng sẽ hy sinh hơn, xả thân hơn, và tha thiết với trách nhiệm làm chồng hơn nếu những hy sinh của họ được vợ đón nhận và khen thưởng đúng nơi, đúng lúc. Bản năng nam giới: Tiếp đến là ba điều phản ảnh bản năng nam giới của chồng đó là: Thích chinh phục, thích được hơn vợ, và thích vợ mình đẹp. - Thích chinh phục: Ðây là bản năng của giống đực, của nam giới. Trong thế giới loài vật, bản năng này được diễn tả bằng những cuộc hỗn chiến một mất, một còn. Chỉ sau khi chiến thắng mới được trở thành thủ lãnh, và dĩ nhiên có quyền trên mọi con cái trong đàn của mình. Bản năng chinh phục này cũng không bị loại bỏ trong sinh hoạt của người đàn ông trong lãnh vực tình cảm, đặc biệt, khi cần phải chinh phục trái tim của một người đẹp. Câu nói “tình địch” là câu nói diễn tả tranh chấp ăn thua giữa một chàng và một nàng, hoặc giữa nhiều chàng và một nàng. Trong tình trường, đôi khi khả năng chinh phục này đòi hỏi sự lỳ lợm, và gan dạ. Câu nói: “đẹp trai không bằng chai mặt”, hoặc những hình thức “khổ nhục kế” là những cách thức thường được các chàng áp dụng hầu làm rung động trái tim người đẹp. Tuy nhiên, phụ nữ cũng cần phải lưu ý trước những hình thức chinh phục như vậy. Lỳ lợm, bị nhục nhã, và đau đớn là phần của những kẻ theo và chinh phục mình. Trong nhiều trường hợp, người phụ nữ không cần phải đáp lại bằng những xót xa hay bằng cử chỉ hoặc thái độ thương hại. Vì đã có nhiều cuộc tình đổ vỡ vì người phụ nữ tỏ ra thương hại người kia, nhưng thực chất đó chỉ là một trò chơi ái tình nhằm chứng tỏ khả năng chinh phục của phái nam. Người đàn ông trong những trường hợp này không hề yêu thương những phụ nữ mà họ đã chinh phục được. Ngoài ra, một hình thức chinh phục nữa cũng cần phải đề cập tới trong liên hệ vợ chồng, đó là sự chinh phục về sinh lý. Ðây là một nhu cầu thuộc bản năng và lòng ham muốn. Người chồng và người đàn ông nào tỏ ra thua yếu trong lãnh vực này thường rất mặc cảm và thiếu tự tin. “Trong nền văn minh hiện đại, đàn ông sợ mình không đủ tư cách là đàn ông” (Theodor Reik). Và trong những thiếu thốn ấy cũng bao gồm sự thiếu khả năng về sinh lý. Những hội chứng suy nhược, rối loạn, và mất khả năng sinh lý đang là một đề tài nóng bỏng liên quan đến hạnh phúc gia đình của nhiều cặp vợ chồng hiện nay. - Thích hơn vợ: Ðây là tâm lý hiển nhiên và rõ ràng trong ham muốn chinh phục. Hành động chinh phục của người đàn ông tự nó nói lên tính chất hơn thua, mặc dù cả hai không ai nhận mình là thua. Quan niệm cho rằng “người chồng thành công luôn luôn phía sau lưng có người vợ đẩy tới” tuy trong thực tế rất đúng, nhưng ít người đàn ông nào muốn nhận sự thật này. Tuy quan niệm chồng chúa vợ tôi đang từ từ bị loại bỏ bởi sự tiến bộ về quan niệm sống và những đổi mới về mặt xã hội. Nhưng trong thực hành ít có người đàn ông nào lại chấp nhận thua vợ mình. Do đó, hiện tượng độc thân, đồng tính hiện nay phải chăng là một đáp ứng trước sự thành công của nữ giới về nhiều mặt. Nhiều phụ nữ thà ở vậy hơn phải sống với một người chồng kém hơn mình về học thức, hiểu biết, nghề nghiệp và địa vị xã hội. Một cách tương tự, trong nhiều trường hợp, người đàn ông dù có muốn, nhưng vẫn không dám tiến tới vì biết mình là ai và như thế nào. Truyện kể một hôm nữ hoàng Victoria và chồng bà có những tranh chấp và đưa đến giận hờn. Ðêm hôm đó, hoàng tế ôm mền qua phòng bên ngủ. Nửa đêm bỗng có tiếng gõ cửa: - Ai? Tiếng nói từ trong phòng vọng ra. - Nữ hoàng Victoria. Một sự yên lặng nặng nề bao trùm. Không có một động tĩnh nào. Tức bực hay vì tự ái, một lần nữa nữ hoàng qua gõ cửa: - Ai? Tiếng nói lại từ trong phòng vọng ra. - Nữ hoàng Victoria. Cũng một không gian yên lặng. Và phải đợi đến lần gõ cửa thứ ba: - Ai? Ai gõ cửa? - Em! Victoria của anh. Và lần này có tiếng chân bước nhẹ, và cửa phòng rộng mở... Tóm lại, dù là nữ hoàng hay bất cứ một phụ nữ nào, thì “chiến thắng giá trị nhất trong tình trường và hôn nhân vẫn là luôn tỏ ra mình thua kém chồng”. - Thích vợ đẹp: Ðàn bà, phái nữ được gọi là “phái đẹp”, là những “bông hoa”. Dĩ nhiên, nét đẹp ở đây gồm cả thể xác lẫn tinh thần. Một nét đẹp toàn diện. “Không có đàn bà xấu, mà chỉ có đàn bà lười” (Helen Rubenstein). Vợ đẹp cũng là một hãnh diện của chồng, cho khả năng chinh phục của chồng. Ca dao Việt Nam cũng có câu: “Gái tham tài, trai tham sắc”. Thanh sắc. Ðây là hai khí giới từng hạ sát nhiều anh hùng và danh nhân thế giới. Tiếng nói, giọng nói, lời nói êm ái sẽ làm thỏa mãn nhu cầu được yêu, được chiều chuộng, và được hơn vợ đối với phần đông đàn ông, con trai: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Nhưng cái sắc mới là điều cần được lưu ý. Nó là sự thu hút tự nhiên cần thiết để tạo nên ấn tưởng chinh phục của người đàn ông. Từ đó khiến chàng say đắm, và tìm mọi cách để chiếm đoạt nàng. Như vậy, nếu có người vợ nào thấy chồng mình tỏ ra chán ngán, hoặc lơ là, thì cần phải nhìn lại không những cái đẹp tâm linh của mình, mà còn cái đẹp trời ban cho nữa. Hãy tự hỏi mình, tại sao??? Kết luận: Những điều vừa trình bày trên đã tổng quát nói lên những ham muốn của người đàn ông trong đời sống hôn nhân. Nó cũng có thể coi là một sự ham muốn “ích kỷ” của phái nam, nhưng lại là một sự ham muốn cần thiết hầu tăng thêm những hấp dẫn và mới lạ trong cuộc tình. Biết được những điều này sẽ giúp phụ nữ, những người vợ biết hòa nhập để đem lại hạnh phúc cho chồng, và cho mình. Trong hôn nhân không có thứ hạnh phúc “riêng lẻ”, hạnh phúc của tôi hay hạnh phúc của anh, mà là hạnh phúc của chúng ta. “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Một chiến thắng của tình yêu, ngọt nào và êm ái
|