Ông Bà Và Các Cháu |
Tác Giả: Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC M.D. | |||
Thứ Sáu, 21 Tháng 5 Năm 2010 07:55 | |||
Con người có bố có ông Ngày nay, ta ít thấy hình ảnh một “Ông tôi năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Đầu râu tóc bạc, da đã nhăn, má đã lõm, lưng đã còng, đi đâu cũng phải chống gậy. Ông tôi không phải làm việc gì nặng nhọc nữa”. Mà là hình ảnh một ông tôi bây giờ, cũng tuổi đó, tráng kiện hơn, vẫn còn đi làm, tham gia vào công việc xã hội, đồng thời, cùng với Bà tôi, rất siêng năng việc đi thăm và góp phần chăm sóc các cháu. Lập gia đình sớm, có con sớm, lại nhờ tăng tuổi thọ, nên nhiều người, ngoài bốn mươi đã hãnh diện làm ông, bà. Nhiều bà khi được con gái báo tin có bầu, đã thảng thốt kêu lên: tôi mà sắp làm bà ngoại hay sao! Và nghĩ đến việc sẽ được lên chức, làm bà cả ba, bốn chục năm nữa. Thế là sẽ có rất nhiều thời giờ vui chơi với các cháu nội ngoại, mà lòng thấy rộn ràng. Niềm vui làm Ông Bà. Xưa cũng như nay, ông bà đã có những việc làm rất cao đẹp. “Ông thường ở nhà coi sóc cho cha mẹ tôi và dạy bảo chúng tôi. Thỉnh thoảng lại kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe, chúng tôi lấy làm thích lắm. Những khi đi học về, thường thường tôi lại đem những chuyện nhà tràng nóí cho ông tôi nghe. Ông tôi lại nhân đó giảng giải cho tôi học được nhiều điều khác nữa.”- Quốc Văn Giáo Khoa Thư.- Với học giả Nguyễn Hiến Lê: “ Bà đã thay má tôi, nuôi nấng, săn sóc chúng tôi, lại thay cả ba tôi trong sự dạy dỗ chúng tôi nữa. Ngày nay anh em tôi, con cháu tôi, có ai giữ được một chút cái tính khí khái cuả bà, không chịu lụy ai, cái đức cần cù, tiết kiệm, cố chiến đấu để vượt khỏi cảnh nghèo, cái nếp sống đạm bạc, cái tinh thần thanh khiết của nhà Nho, phần lớn là do bà”. Muốn làm ông bà cũng đâu có dễ, vì còn tùy thuộc ở các con. Bao giờ chúng dự định có con, và bao nhiêu đứa. Bây giờ các cô các cậu ấy tính toán có kế hoạch lắm. Ưu tiên hàng đầu là dành dụm đủ tiền mua căn nhà lớn, nhỏ cho đôi trái tim vàng. Rồi vợ chồng còn vui chơi, du lịch Á, Âu cho thoả thích sau đó mới nghĩ đến việc có con, nuôi con. Ông bà chẳng quyết định được gì. Chỉ một ngày nào đó, con gái điện thoại, mẹ ơi con đã có bầu, thì vui mừng mà sửa soạn làm bà. Con mang bầu, đợi con ra đời thì ông bà cũng nôn nóng đợi cháu. Đây là lúc bà truyền kinh nghiệm nuôi con cho mẹ. Đành rằng mẹ có đi học lớp hướng dẫn, nhưng sao bằng kinh nghiệm bản thân của bà với năm lần mang nặng đẻ đau. Bó bụng cho khỏi sệ. Ăn cháo chân giò heo cho có nhiều sữa.... Rồi ông bà cũng sửa soạn để làm bổn phận mình. Nhiều ông bây giờ than phiền bị vợ bỏ rơi, đi chăm sóc đào, kép nhí cả mấy tháng. Nói vậy thôi chứ ông cũng thích thú chẳng kém gì bà. Được tin vui, ông đã vội vàng kiếm sách coi đặt tên, trai là gì, gái là gì. Cứ làm như con nó ít chữ thánh hiền, không tìm được tên có ý nghĩa. Lại còn tính hàng tuần chẳng quản ngại đường xa lái xe lên chơi với cháu. Ông bà xưa và nay. Do nhu cầu nhân lực, con cháu nhiều thế hệ sống chung với nhau. Tam, tứ đại đồng đường lại còn được tiếng thơm như nhà đó có phúc. Ngay cả việc dựng vợ, gả chồng cho con cái đều do ông bà sắp xếp, sao cho môn đăng hộ đối, không nghịch với lễ giáo, gia phong của dòng họ. Theo thống kê, 70% dân bản xứ hiện giờ lập gia đình với người khác quốc tịch. Bảo thủ như người Nhật ở đây cũng gần 65% lập gia đình với ngoại nhân; người Do thái, Hồi giáo, cũng lấy người không cùng tôn giáo. Thành ra chỉ trừ khi mình mất định hướng, chứ việc đòi hỏi có cháu cùng dòng giống là chuyện khó khăn, nhất là khi ta đang sống trong môi trường văn hóa dị biệt. Vả lại, cũng nên nghĩ rằng hạnh phúc của chúng là quan trọng hơn cả. Còn mọi việc nhờ ở số trời. Nhãn Hưng Yên trồng ở nước ngoài thì nó phải thích nghi với khí hậu ở đây, mong còn chút hương vị quê hương là quý rồi. Đòi hỏi nhiều quá, e rằng chẳng tổn thọ thì cũng mắc các chứng bệnh tâm thần. Nhưng trưóc hết, nên giữ hai nguyên tắc: Mình đã có thời kỳ tự lựa chọn, thì bây giờ nên để chúng cũng có cái quyền đó. Cụ thể hơn, ông, bà có thể giúp đỡ bố mẹ về tài chánh, nhà ở. Vì đa số ông bà ngày nay, nhờ chắt chiu, tằn tiện cũng như đầu tư, cuộc sống có đôi phần dư giả. Hoặc thiết yếu, nhẹ nhàng hơn, ông bà dành thì giờ săn sóc, dạy dỗ cháu, theo ý muốn của cha mẹ chúng Phân loại Ông Bà. 1- Ông bà và cháu cùng vui chơi - Đây là mối liên hệ tương đối mới, ít thấy vào thập niên 60-70, và thường thấy ở lớp ông bà dưới 65 tuổi. Đôi bên không có trách nhiệm hay theo một khuôn phép, kiểu cách gì, chỉ lâu lâu gặp nhau, viếng thăm, tự do vui chơi với nhau, rồi chia tay. Ông bà được ngày vui thoải mái mà không có vương víu gì đến việc nuôi nấng cháu. Cháu kể với bố mẹ, hôm nay con chơi với ông bà vui quá. 2- Ông bà cư xử thân tình nhưng theo nghi thức - Tới thăm cháu, cho quà, giúp đỡ, nhiều khi ở lại trông cháu, nhưng không can thiệp, góp ý về việc nuôi cháu của cha mẹ. Đây là những ông bà gương mẫu, thường trên 65 tuổi, đòi hỏi sự lễ phép, sạch sẽ, tự chế của cháu cũng như sự con cháu kính trọng mình. 3- Ông bà là nguồn kinh nghiệm, có quyền uy với con cháu. Ông bà ở nhóm này, nhất là ông, có nhiều tài năng, kinh nghiệm, muốn con phụ thuộc vào mình, còn mình thì sẵn sàng giúp đỡ, khuyên nhủ, gửi gấm để con cháu khá hơn. Quý vị này rất nguyên tắc, đòi hỏi ở con cháu một tinh thần tự lập, lòng lương thiện danh dự, và ý thức trách nhiệm. 4- Gặp nhau trong lễ nghi. Ông bà chỉ gặp các cháu trong những ngày quan trọng như tốt nghiệp ra trường, sinh nhật, để chung vui, chúc mừng rồi lại lui vào hậu trường. Ông bà đối xử rất tốt với các cháu nhưng giữ một khoảng cách, ít gặp và đặt nhẹ vấn đề quyền uy, trách nhiệm. 5- Mẫu ông bà thay thế cho cha mẹ. Ông bà hầu như thay thế cha mẹ hoặc lãnh một phần lớn trách nhiệm trong việc nuôi nấng, dậy dỗ cháu. Bố mẹ sáng trước khi đi làm, đưa cháu lại nhà ông bà, rồi chiều về đón. Nghiêm trọng hơn là khi bố mẹ vì lý do nào đó, như tâm bệnh, ghiền thuốc… không hoàn tất thỏa đáng việc nuôi con, ông bà tình nguyện lãnh trách nhiệm hay sau khi có phán quyết của toà án. Đây là một sự hy sinh lớn lao của ông bà với những gịot máu của nhà mình, không muốn để chúng phải chịu ảnh hưởng xấu hay đi làm con nuôi người ngoài. Cháu đối với ông bà. Ông bà thường kể lại nguồn gốc của gia đình, dòng họ. Những tư tưởng, khuôn phép về đạo đức, đặc tính cuả gia tộc thường được ông bà rỉ rả nói để gây dựng một căn bản tốt lành trong tâm khảm các cháu. Chỉ bằng sự có mặt thôi, ông bà cũng mang lại cho các cháu một niềm tin, một sự an tâm thế hệ, cũng như sự trường tồn của gia đình. Ông bà còn là mối trung gian, hòa giải khi các cháu có những khác biệt với cha mẹ. Cháu nhìn ở ông bà như mẫu người để cháu noi gương, bắt chước, như người thầy truyền lại cho cháu những kinh nghiệm, kiến thức thu lượm trong suốt cuộc đời. Ông bà là nơi an toàn để cháu nương tựa, khi cần. Ngang trái trong tình ông bà-cháu Cũng có trường hợp, con còn quá trẻ để có thai hoặc lập gia đình, rồi khi có cháu, lại cũng phải nhờ tới sự giúp đỡ của ông bà, cà vật chất cũng như tinh thần. Cũng có trường hợp, khi vợ chồng chúng nó nửa đường đứt gánh, nó mang cháu mình ra đi, rồi giận cá chém thớt, không cho ông bà gặp cháu, gây đau lòng cho cả già lẫn trẻ.
|