Một buổi sáng cuối tuần thật bận rộn.
| Hàng rong, một cảnh đời quen thuộc đang bị mất dần đi tại Gòn, nhưng bây giờ được nhìn thấy tại San Jose. |
Sáng Thứ Bảy đi ngang khu phố Việt Nam, góc đường King Rd và đuờng Burdette Dr có thể nhìn thấy một sinh hoạt rất Việt trên đoạn đường ngắn này. Ở đó có bến xe đò của người Việt, người đưa kẻ đón, vận chuyển hàng hóa…cảnh chia tay, dặn dò làm gợi nhớ một hoạt cảnh của bến xe đường Petrus Ký, ngã bảy Sài Gòn dạo trước. Vui lắm, và rất thân thương gần gủi.
Lúc 7 giờ sáng nhiều người già đi lại trên các vỉa hè, người thì tập thể dục, người đến quán café, người đi lấy báo, cũng có những người đi luợm những lon nhôm…tiếng nhạc Việt văng vẳng từ quán đưa ra, bên ngoài những chiêc xe ngừng vội vả để người thân bước xuống bến xe, các văn phòng còn đang đóng cửa đã có khách đợi ở bên ngoài. Ở bên kia là khu phố Lion, có nhiều nhóm người đứng đó tán gẫu, đọc báo…
Một buổi sáng cuối tuần thật bận rộn.
Và nếu để ý người ta có thể thấy một vài người cao niên đẩy những chiếc xe và trên đó có một vài chậu hoa, rau, quả….đang bày ra để bán cho khách qua đường. Giờ này có lẽ là giờ của những vị cao niên.
Ở góc nọ, gần bến xe, có một chiếc xe nhỏ, một cụ bà đang chuẩn bị những chiếc bao nylon để gói hàng cho khách. Hàng của bà cụ bày bán là dăm quả mướp hương, vài bịch hồng dòn, năm ba chậu rau chua, ngò ôm, ớt hiểm…Bà cụ vui tánh. Vừa làm bà cụ cho biết quê cụ ở Vũng Tàu, cụ đang sống với con cái tại San Jose. Cụ nói “Bác ạ, bán cho vui, ở nhà làm gì. Cây trái, rau quả ở nhà trồng.” Cụ có những khách hàng quen mặt, và rau quả của cụ chắc chắn là mới hái trong vườn.
“Nhà trồng đó bác ạ. Tươi lắm. Bán để dành tiền giúp chùa ở quê nhà.”
Một người khách bước qua cất tiếng chào, hỏi thăm nhau sức khoẻ. Người nọ ghé qua mua một trái mướp hương, người kia mua túi hồng dòn…Cụ cho biết cụ “buôn bán” nơi đây đã hơn 10 năm.
“Mấy năm trước chúng tôi có đến hơn 10 người, bày bán ở bên kia đường gần tiệm phở, nhưng sau nầy bị cảnh sát ngăn cấm vì sợ nguy hiểm.” Rồi cụ than thở “Qua chỗ này người quen họ tìm mãi mới thấy.” Còn những nguời bạn hàng của cụ đi đâu. Cụ cho biết có người đã qua đời và cũng có người con cái không cho đi bán.
“Đâu có được bao nhiêu. Mổi tuần bán 2 ngày cuối tuần cũng kiếm dăm ba chục. Con cái la rầy hoài nhưng ở nhà làm được việc gì đâu. Thêm buồn. Ra đây vừa vui, vừa có tiền giúp chùa.”
Bà cụ, có thể, là một trong nhiều người cao niên không biết làm gì cho hết thì giờ trống vắng. Bà cụ cho biết bà còn có phước nên có con cháu ở chung nhà. Còn có nhiều vị cao niên khác đang sống cô đơn trong các nhà dưỡng lão.
Bà cụ cho biết năm nay cụ được 74 tuổi. Khi được hỏi cụ sẽ bán buôn như vầy sẽ được bao lâu nữa. Cụ cười “Cũng còn sức thì đi cho vui thôi. Vài năm nữa các cháu lớn rồi sẽ về VN sinh sống.”
“Người già ở đây buồn lắm. Bên nhà còn có con cháu, láng giềng chạy qua lại …bên này con cái có việc của chúng nó, ai chăm sóc cho mình.” Cụ tâm sự. Đây cũng có thể là suy nghĩ của một số người cao niên.
Ôi, Thấm Thía, Tuổi Già Ở Mỹ!
Nói đến tuổi già ở Mỹ, nhà văn, nhà báo Andrew Lâm có viết như vầy “Người Việt có một câu nói: Mỹ là thiên đường giới trẻ, địa ngục giới già. Nay tôi đã vào cái tuổi giữa 70, câu nói này thật là thấm thía. Mỹ có tất cả những sản phẩm dành cho thanh thiếu nhi: đồ chơi, phim ảnh, máy chơi điện tử thính thị, khu giải trí có chủ đề (theme parks). Còn đối với người già, thì chỉ có sự cô lập và nỗi cô đơn. Căn bản nếp sống của người Việt dựa vào gia đình, cộng đồng, và khi ta mất những cái đó, ta mất đi một phần lớn cái tôi.” (There's a Vietnamese saying: America is paradise for the young, but hell for the old, and how true it seems now that I'm in my mid-70s. America has all these products that cater to children: toys, movies, video games, theme parks. For the old there's only isolation and loneliness. -Aging in a Foreign Land-Andrew Lâm-NAM Media)
Đời sống ở Mỹ vất vả, con cái còn phải đi làm. Thấy không lo nổi cho cha mẹ thì cho vào Viện Dưỡng Lão đã có người lo là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, họ có biết đâu khi các cụ vào đấy, là cảm thấy mình bị bỏ rơi, các cụ buồn tủi, thiếu sự thương yêu của người thân, vì ở viện dưỡng lão Mỹ rất khổ. - Thức ăn uống không đúng khẩu vị.
- Ngôn ngữ bất đồng với y tá Mỹ.
- Không ai trò chuyện cả ngày chỉ nhìn qua cửa sổ với 4 bức tường.
Đó là tâm sự (tâm trạng) của một số người cao niên Việt trên đất Mỹ. Một bài viết đăng trên Việt Báo vào năm 2001 có kể lại tâm sự: “Người Việt ở Mỹ lúc tuổi già, những người nào đã hội nhập quen xã hội Mỹ và biết hiểu ít nhiều tiếng Mỹ thì còn tạm được, tinh thần không bị buồn khổ. Còn một số các cụ sang sau tiếng tăm không biết mấy, mọi việc đều phải lệ thuộc người thân hoặc con cháu, thì rất là khổ.
Mặc dù đã 70 tuổi nhưng tôi may mắn lái xe được nên chưa phải phiền con cháu. Có lần đi khám bệnh ở phòng mạch, tôi thấy 2 cụ. Một cụ bà có con gái đưa đi để mẹ ngồi chờ vào khám xong gọi con tới đón vui vẻ đi về. Trái lại, một cụ khác thì không biết con gái hay con dâu, ngay lúc mới đưa tới nói năng đã nhấm nhẳng, nét mặt không vui như bắt buộc miễn cưỡng phải đưa đi.”(Người Việt tuổi già ở Mỹ-Kim Hương-Việt Báo 2001)
Đây là một thực tế. Bài báo viết tiếp “Tôi có hỏi cụ là cụ có bao nhiêu người con, cụ nói: “Có 3 người ở Mỹ, 2 người ở VN” . Theo cụ cho biết, tại Mỹ, 2 người con cụ đều khá, công việc làm tốt, nhà cửa đều sang đẹp. Còn người ở VN thì quá nghèo lại đông con. Tôi hỏi cụ thích ở Mỹ hay ở VN. Cụ cho biết ở VN dù có nghèo nhưng thoải mái con cháu quây quần săn sóc, có họ hàng bà con bạn bè. Sở dĩ cụ cố chịu buồn khổ ở Mỹ vì cụ có tiền già tháng tháng còn có thể gởi về chút đỉnh giúp đỡ con cháu và họ hàng nghèo. Nếu không vì khoản tiền già ấy thì cụ về VN lâu rồi. (Người Việt tuổi già ở Mỹ-Kim Hương-Việt Báo 2001)
Theo câu chuyện kể qua lại giữa cụ bà 74 tuổi gặp ở đường King vào một sáng thứ Bảy thì may mắn hơn. Cụ nói con cái ở VN của cụ cũng có việc làm. Về già cụ sẽ trở về VN để sống. Nhiều người khi còn sống ở Việt Nam không bao giờ nghĩ đến việc sinh sống tại một nơi nào khác ngoài quê hương. Họ sống và chết nơi mà ông bà cha mẹ đã sống và đã chết. Họ có thân nhân, giòng họ, gia đình.
Nhưng khi đến Mỹ, nhất là đối với tuổi già, lối sống cũ không còn nữa. Người ta bị buộc phải sống theo tập quán của nơi ở mới. Ở ngoại quốc, càng già càng mất mát nhiều như: Bạn bè, thân nhân, trí nhớ, bất đồng ngôn ngữ. Người thân quen thì ở cách xa nhau làm sao đến thăm được? Những người sống cách biệt trong các nhà dưỡng lão, thì, những ngày hạnh phúc nhất là những ngày con cháu đến thăm. Nhưng chúng cũng có đời sống riêng, thỉnh thoảng chỉ đến chơi được một lúc rồi về, người ta sẽ làm gì cho hết những khoảng thì giờ trống trải sau đó?
Một bà tâm sự “Thật tội nghiệp khi người ta sống dai như vậy trong sự cô đơn!”
Ở xứ Mỹ này, tuổi già đúng là tuổi lỡ thời; không được người ta kính nể hay cho một chút gì quan trọng. Ở quê nhà, các ông già bà lão thì được nể vì nhất, vì họ là những người chia xẻ túi khôn cùng kinh nghiệm cho những người đi sau. Điều đó không có ở đây. Không ai muốn nghe tiếng nói của người già. Họ cảm thấy bị cô lập ngoài vòng ranh giới của con cháu Mỹ hóa của họ. Chúng cười vang về nhiều thứ mà người già không hoàn toàn hiểu được.
Có phải vậy không? Thế giới hôm nay tại Mỹ có phải là thế giới của người giả?
Rồi cũng đến một lúc nào đó con người mạnh khoẻ hôm nay sẽ bước đến tuổi già. Họ sẽ nghĩ gì, có giống như những người già hôm nay-Những con người của thế hệ thứ nhất của cuộc đời tị nạn.
Buổi sáng thứ Bảy, một buổi sáng như bao nhiêu buổi sáng khác trong ngày. Bạn thử bước ra khu phố Việt để cảm nhận mạch sống, tâm tình của người Việt tại những khu phố đông người Việt. Có thể không cảnh nào giống cảnh nào. Bạn không cảm nhận giống người bên cạnh. Như một ông bạn khi nghe chuyện đã bật cười “Lo bò trắng răng.”
|