Home Đời Sống Gia Đình Lá thư bạn gái

Lá thư bạn gái PDF Print E-mail
Tác Giả: Phan Tú Khuynh   
Chúa Nhật, 08 Tháng 11 Năm 2009 21:45

Oanh Oanh mến,
Thế là cặp uyên ương Nicolas Sarkozy-Carla Bruni đã sống chung hạnh phúc với nhau gần 2 năm trời nay,

 một người thì ở địa vị quyền uy tột đỉnh của nước Pháp, còn người kia là một siêu người mẫu của thế giới thời trang mà nay lại đang nắm giữ vai trò Ðệ Nhất Phu Nhân đầy tính lễ nghi và lúc nào cũng bị dân chúng khắp nơi trên hành tinh này tò mò theo dõi từng ly, từng tí. Có lẽ, bạn cũng như tôi đều lấy làm ngạc nhiên -và thích thú nữa- khi thấy cô người mẫu Carla Bruni của ngày nào nay đường đường là một bậc “mẫu nghi” trong thiên hạ. Tuy vậy, nhiều lời đàm tiếu từ cửa miệng của những kẻ theo chủ nghĩa hoài nghi (không tin là Carla Bruni có thể làm tròn vai trò Ðệ Nhất Phu Nhân Pháp) vẫn chưa thể nào tan biến đi, xét rằng thời gian thử thách dành cho cô người mẫu trở thành Ðệ Nhất Phu Nhân kia vẫn chưa lấy gì làm dài lâu cho lắm.

Carla Bruni-Sarkozy. (Hình: Getty Images)
 Lá thư ban gái hôm nay xin mời Oanh Oanh theo dõi cảm tưởng ban đầu của báo chí truyền thông Âu Châu về việc cô người mẫu Carla Bruni bỗng dưng trở thành Ðệ Nhất Phu Nhân của nước Pháp. Dĩ nhiên, lời lẽ trong bài -với ngôn ngữ của xứ “Ăng-lê” thâm thúy, quê hương của Shakespeare- không hề thiếu những hoài nghi, thắc mắc, dù cũng còn thừa bản lãnh để không lộ vẻ mỉa mai:

Phải chăng Carla Bruni khó mà làm Ðệ Nhất Phu Nhân?

Với đôi gò má cao, làn da trắng mịn màng và cặp mắt nhìn sắc sảo, Carla Bruni vẫn bị người đời cho rằng cô người mẫu này khó có thể nào làm Ðệ Nhất Phu Nhân được.

Tuy vậy, điều mà dân chúng Pháp hiện đang phân vân tự hỏi là liệu cô người mẫu biến thành ca sĩ nhạc dân gian 40 tuổi kia có đủ cốt cách để làm người phối ngẫu thích hợp cho vị tổng thống khuynh hữu đầy nhiệt huyết, sinh động và gây nhiều tranh cãi nhất của họ từ nhiều thập niên qua hay không.

Dựa vào hoàn cảnh dẫn tới cuộc hội ngộ đầu tiên của cô người mẫu Bruni với vị tổng thống 52 cái xuân xanh kia thì sự biến đổi như thế có thể không dễ dàng gì.

Trong vòng chưa đầy ba tháng tính từ khi cô gái ưa rong chơi với bản tính tự lập và giàu tiền bạc đó, con người vẫn thích lấy các quán xá và tiệm sách tại Tả Ngạn Sông Seine, thay vì những cung điện lớn khắp nơi ở Paris, làm mái ấm này đã được người ta thuyết phục đến tham dự một dạ tiệc riêng tư mà Ông Sarkozy là khách mời danh dự.

Thoạt tiên, cô nàng không thích thú gì mấy, cứ nghĩ là vị tổng thống vừa mới ly dị đó là kẻ chả biết hài hước là gì mà lại còn có vẻ đường bệ nữa theo cái dáng vẻ thường thấy của ông mỗi khi lên truyền hình huấn thị cho quốc dân.

Ngay sau khi Ông Sarkozy được bầu làm tổng thống hồi Tháng Năm năm ngoái, cô người mẫu Bruni còn tuyên bố rằng cô ủng hộ đối thủ chính trị thuộc đảng Xã Hội của ông là Ségolène Royal nữa cơ mà.

Cô nàng còn ký tên vào một bản thỉnh nguyện thư chống lại một đạo luật, do Tổng Thống Sarkozy khởi xướng, buộc các di dân muốn được thân nhân bảo lãnh sang Pháp phải trải qua các cuộc thử nghiệm DNA nữa.

Rõ ràng là Jacques Séguéla, một giám đốc ngoại vụ dạn dày kinh nghiệm và cũng là chủ nhân bữa dạ tiệc tại nhà riêng của ông ở kinh thành Paris hồi dạo Tháng Mười Một kia, đã phải bỏ cả công ăn, việc làm để theo đuổi chuyện thuyết phục cô người mẫu Bruni hãy đến dự buổi dạ tiệc.

Ông đã phải hứa đây là một buổi tối đầy những âm nhạc -và sẽ không làm gì có chuyện bàn bạc các vấn đề chính trị ưa gây chia rẽ- với ca sĩ nhạc tình cảm Pháp Julien Clerc cũng được mời tham dự.

Cuốn album nhạc Quelqu'un m'a dit (Có người bảo tôi) đã bán ra hơn 2 triệu bản, và Carla dường như là tiết mục hoàn hảo thêm vào một buổi tối bỗng dưng trở thành một buổi dạ tiệc có âm nhạc du dương tuyệt vời.

Ca cẩm về nỗi niềm cô đơn chồng chất mà Ông Sarkozy đang trải qua tiếp theo sau cuộc ly dị bà vợ thứ hai Cécilia của ông, chủ nhân Séguéla nói: “Ðiện Elysée cứ y như là ngôi nhà xác vào buổi chiều tối. Nicolas gọi cho tôi và khẩn khoản yêu cầu tôi làm sao đưa ông ra khỏi dinh để dự một đêm nhạc. Ổng thích ca nhạc mà.”

Không tiếc lời khích lệ cô người mẫu Bruni, Ông Seguela nói: “Cô sẽ thấy Nicolas là con người gây hứng thú cho người khác nhiều hơn là cô tưởng.”

Chỉ mấy phút sau khi mặt đối mặt, với cây Tây ban cầm trên tay, Carla đã “nâng phím tơ lên mấy cung lả lơi” trao gởi về vị tổng thống hết những tâm tình “khiến người ngồi đó mà ngơ ngẩn sầu,” làm cho người ta không thể không nhớ đến hình ảnh minh tinh Marilyn Monroe đứng lên hát khúc “Happy Birthday” cho vị tổng thống hào hoa và không thiếu lẳng lơ John F. Kennedy của Mỹ hồi thế kỷ trước cùng lời thơ của Hàn Mặc Tử: “Bằng đêm hôm ấy êm như rót lời mật vào tai ngọt sững sờ!”

Mặc dù âm nhạc đã đưa cặp tình nhân tưởng đâu khó có thể hợp nhau lại với nhau, chắc là sẽ cần phải có thêm nhiều nỗ lực hơn của cả đôi bên mới mong duy trì được cuộc tình mới.

Bỏ qua đi những khác biệt về chính trị của họ, cô nàng Bruni cũng còn cao hơn vị tổng thống hơi nhỏ con tới 4 inch, và hãy nhớ rằng, trong con người của nàng, cái chất Ý vẫn nhiều hơn là chất Pháp. Và, điều này mới là quan trọng, rõ ràng là nàng vẫn khinh khỉnh với nền luân lý trưởng giả truyền thống trong các xã hội Âu Châu.

Trên danh sách dài ngoằn các nhân tình của nàng có ca sĩ nhạc rốc người Anh Sir Mick Jagger và anh chàng Eric Clapton (từng mô tả cô ca sĩ đỏm dáng kia là “cuộc tình cuối trong đời” của anh.) Rồi còn Donald Trump, tỉ phú đại gia bất động sản Mỹ nữa chi, đó là chưa nhắc tới Laurence Fabius, một thời từng là thủ tướng Pháp kia đấy.

Dạo Tháng Hai, cô người mẫu Bruni đã phát biểu một câu khá tai tiếng trên Tạp Chí Le Figaro Madame: “Tôi vẫn là kẻ chuyên thuần hóa đàn ông, một con mèo cái, và là một phụ nữ Ý. Lối sống một vợ, một chồng làm tôi chán ngấy... Tôi có chung thủy không hả? Chắc là chỉ chung thủy với chính mình thôi! Thỉnh thoảng, tôi theo chủ nghĩa một vợ, một chồng, nhưng tôi vẫn tôn thờ chế độ đa thê và đa phu.”

Ðã có lần nàng chung sống với ông chủ nhà xuất bản người Pháp, Jean-Paul Enthoven, nhưng lại yêu người con trai của ông ấy, là triết gia Raphael Enthoven, và rồi có một đứa con với người tình này, đặt tên là Aurélien, nay lên 6.

Bà vợ cũ của Raphael, Justine Lévy -nữ văn sĩ con gái của triết gia Pháp Bernard-Henri Lévy-sau đó có viết một tiểu thuyết nói lên cảm nghĩ của mình trong hoàn cảnh đau buồn kia.

Một nhân vật hoang tưởng dựa vào con người thực của cô người mẫu Bruni đã được miêu tả đầy đủ trong phim “Terminator,” đó là một cô gái “xinh đẹp và có sức lực siêu nhiên với dáng vẻ của một tay sát thủ.”

Mặc dù cuộc ly dị bà vợ (thứ nhì) của ông đã được báo chí truyền thông đưa tin rầm rộ, Ông Sarkozy là một tín đồ Công Giáo La Mã lúc nào cũng mạnh mẽ tin tưởng vào nền tảng của hôn nhân y hệt như luân lý của đại đa số “dân Pháp thầm lặng” (La France Profonde) từng bỏ phiếu bầu ông lên.

Chắc chắn là nhiều người trong số họ đã biểu lộ mối quan ngại về chuyện làm thế nào mà “Cô Carla Nuốt Sống Ðàn Ông” -đó là do một số báo chí Pháp đã mệnh danh người phụ nữ này như vậy-có thể biến cải Ðiện Elysée từ một cơ chế quốc gia tôn nghiêm trở thành một nơi dứt khoát là phải tân thời được.

Cô người mẫu đã biến đổi một phòng lớn trong điện trở thành một “phòng nhạc pop” rồi, và còn dọa sẽ đưa nét tân kỳ vào toàn bộ khu vực sinh sống của gia đình mình tại điện Elysée lịch sử, cho dẫu rằng hầu hết đồ đạc chốn này đều có xuất xứ từ thế kỷ thứ 18 dưới triều đại Vua Louis 15.

Những tấm hình Ông Sarkozy đeo dây chuyền vàng và kiếng mát đang ôm hôn người tình trẻ trong bộ đồ tắm hai mảnh trên một bãi biển ở Ai Cập vào một kỳ nghỉ Mùa Ðông đã thấy được phổ biến khắp thế giới, gợi ý rằng chẳng bao lâu nữa thì vị tổng thống Pháp cũng sẽ trở thành một chiến lợi phẩm trong nỗ lực tiếp thu của cô người mẫu Carla mà thôi.

Francois Fillon, thủ tướng Pháp, nghe nói đã tỏ ra khá lo âu về ảnh hưởng ngày một gia tăng của cô người mẫu Bruni. Và theo lời báo chí tường thuật lại thì ông có nói: “Khi quý vị nói chuyện với tổng thống thì không phải lúc nào ông cũng lắng nghe đâu. Ông hủy bỏ các buổi họp, mà đó là điều bất thường đối với ông xưa nay. Tôi không biết tình trạng này đến bao giờ mới chấm dứt.”

Ruptures (Tan Vỡ), tên quyển sách ra mắt vào hồi Mùa Thu viết về cuộc chia tay của Cécilia Sarkozy vơi vị tổng thống, tiết lộ rằng cô người mẫu Bruni còn kiểm soát cả lịch trình làm việc của vị nguyên thủ quốc gia nữa. Cô người mẫu này đã “đi xa tới mức quyết định ai sẽ được mời và ai phải bị loại ra khỏi một số buổi dạ tiệc tại Ðiện Elysée.”

Ðiều có vẻ chắc chắn là cô người mẫu Bruni cảm thấy mình là người xứng đáng thay thế cho bà vợ thứ hai của Tổng Thống Sarkozy. Cô từng nói: “Tôi không coi mình là Ðệ Nhất Phu Nhân đâu. Vai trò đó làm tôi chán. Tôi ưa thích đi đó đây trong bộ đồ trận và mang giày cao-bồi. Tôi chẳng hợp vào khuôn khổ.”

Ngược lại, một người bạn thân của cô người mẫu Bruni nói với tác giả cuốn Ruptures rằng Bruni đã quyết định dẹp qua một bên cuộc đời làm kẻ dụ dỗ đàn ông và đã nhận thức được rằng “cô sẽ phải hoàn thành xuất sắc vai trò Ðệ Nhất Phu Nhân.”

Căn cứ vào tốc độ mà cô nàng người mẫu và Ông Sarkozy xáp lại với nhau, chẳng sớm thì muộn gì nước Pháp cũng sẽ khám phá thấy khi nào thì lòng tự tin mạnh mẽ vào thành công của cô người mẫu Bruni được biện minh.

(Nguyên tác “Carla Bruni: An Unlikely First Lady?” trên trang mạng telegraph.co.uk, Phan Tú Khuynh chuyển ngữ)