Home Đời Sống Dinh Dưỡng Vàm Nao, mùa cá bông lau

Vàm Nao, mùa cá bông lau PDF Print E-mail
Tác Giả: Bài, ảnh: Phương Kiều   
Thứ Sáu, 15 Tháng 5 Năm 2009 05:12

 

Cô Thu Sương gốc Sóc Trăng, lấy chồng về Phú Tân, hằng đêm đều tham gia đánh bắt cá bông lau cùng chồng.

 

Anh Nguyễn Văn Bi luới được con cá bông lau nặng khoảng 10kg.

 

Anh Hai Lai luới được con cá bông lau nặng khoảng 9kg.

Hằng năm, từ tháng Giêng đến cuối tháng 3 Âm lịch, là mùa bủa lưới đánh bắt cá bông lau của ngư dân sống bên sông Vàm Nao. Nhưng rộ nhất là vào tháng 2 Âm lịch. Trước kia, người ta đánh bắt vào ban đêm, còn bây giờ, họ “tranh thủ” “vớt vát” cả ban ngày, những mong có được con cá bông lau nào hay con nấy, vì đây cũng là cái nghề “hên xui” theo con nước.

 Trịnh Hoài Đức, viết về con sông Vàm Nao trong “Gia Định thành thông chí”, tr. 81, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2006, như sau: “Thượng khẩu vàm này ở phía nam Tiền Giang, rộng 8 tầm, sâu 2 tầm. Chảy vào phía nam 75 dặm rưỡi đến hạ khẩu, rồi nhập vào Hậu Giang. Ở phía tây có sở thủ ngự, dọc theo bờ sông người Việt lập ruộng vườn, nhà đất, phía sau có rừng, là nơi có sóc của các tộc người Miên”. Còn nhà thơ Nguyễn Liêng Phong đã diễn tả trong “Nam kỳ phong tục diễn ca” về khúc sông nổi tiếng này như thế này:

 “Vàm Nao chữ đặt Hồi Oa

Chỗ nhằm mũi nước chảy qua quanh dòng

Sông Sau sông Trước hai dòng

Phân ra hai ngả ngoài trong vận đào

Các ngả gần chảy nhập vào

Tạc kêu là xứ Vàm Nao rõ ràng”.

 Theo dân gian truyền tụng thì thời xa xưa Vàm Nao được hình thành từ dòng nước sông Tiền quá mạnh, chảy xoi xuống, ăn thông với sông Hậu. Ngày đó, mực nước phía sông Tiền chảy qua Vàm Nao ra sông Hậu cao hơn 4 tấc.

 Ngày nay, mực nước của 2 con sông này đã cân bằng. Đến nay, Vàm Nao là khúc sông dài khoảng 6km chảy qua địa phận các huyện Phú Tân, Chợ Mới (An Giang) và huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Đến đây từ tháng Giêng tới cuối tháng 3 Âm lịch, bạn sẽ được chứng kiến cảnh “vẫy vùng sông nước” của rất nhiều ngư dân địa phương trong công việc giăng bắt những con “kình ngư” nổi tiếng là cá bông lau. Trịnh Hoài Đức diễn tả con cá này như sau: “Tra ngư (cá tra): vây và gáy có ngạnh nhọn, không có vảy, mình xanh, bụng trắng lớn 5, 6 thước ta, rất béo, thịt nó có thể phơi khô, mỡ dùng thắp đèn, trét ghe.

 Loại mình vàng, nhỏ con hơn gọi là lăng ngư (cá lăng), loại lưng xanh gọi là lô hoa ngư (cá bông lau)”, (SĐD, tr. 211). Tuy nhiên loại cá da trơn này có thân hình màu hồng bạc lấp lánh trong nắng như những đóa bông lau chập chờn trong gió sớm nên người ta đặt tên chúng như vậy...”

 Chạng vạng, ghe bủa lưới đậu đầy bến sông Vàm Nao. Mỗi ghe có khoảng 20 chiếc đèn dầu, với vỏ chụp là vỏ chai nhựa đựng nước khoáng, đặt trên miếng mốp hình chữ A dùng để thả xuống nước làm dấu phao lưới. Thường, mỗi ghe (tải trọng 1 tấn) do một cặp vợ chồng điều khiển. Mỗi ghe có 4 tay lưới, mỗi tay dài 100m. Vợ chạy máy còn chồng lo thả lưới xuống dòng sông mùa này nước trong xanh như nước biển. Sụp tối, mặt sông là cảnh tượng đẹp mê hồn, cứ tưởng là sao sa. Ba bên bốn bề, hàng ngàn ngọn đèn dầu le lói sáng trong đêm đen, là một trận đồ bát quái của ánh sáng chập chờn với vô vàn cảm hứng trong lòng người thưởng ngoạn! Ghe “ken” ghe. Lưới “chồng” lưới!

 Nước ròng. Bắt đầu thu lưới. Có tiếng la: “Dính rồi!”. Trong ánh đèn bình, con cá dài chừng 7 tấc, nặng khoảng 8kg, quẫy trong lưới. Rồi con nữa, con nữa... Có hôm, cá vô nhiều tới nỗi rách lưới. Những bữa đó, nhìn mặt sông thấy cá “ngớp” lia chia, quẫy đùng đùng. Có năm bắt được cá bông lau nặng tới 20kg. Nhưng đâu phải ghe nào cũng hên như vậy. Có ghe, tay lưới càng cuốn lên càng thêm thắt ruột: lưới cứ nhẹ bâng. Buồn cháy ruột! Ông Năm Phể, ngư dân sống bằng nghề đánh bắt cá bông lau trên khúc sông này hàng mấy chục năm qua, than thở: Chính vì vậy mà những người bủa lưới đánh bắt cá bông lau đặt cho nghề của mình là nghề “hên – xui”.

Bữa nào hên thì bắt được vài ba con cá, mỗi con nặng chừng 8 kg, kiếm tệ lắm cũng được trên nửa triệu đồng. Còn xui thì chạy ghe không về nhà! Điều đáng nói là khi bắt được cá, dù nhiều dù ít, gia đình họ chẳng bao giờ dám ăn, mà bán ngay cho thương lái lúc nào cũng có mặt tại “ụ cá” để thu mua. Giá thời điểm “rộ” cá, tháng 2 Âm lịch năm nay (2009), 60.000đ/kg tại “bãi cá” trên sông; còn giá tại chợ thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân), chị Lê Thị Nhân cho biết là 70.000 đ/kg. Giá này dao động theo lượng cá đánh bắt nhiều hay ít. Chị nói: “Cá rộ thì giá rẻ thịt ngon, mấy tay rể Đại Hàn khoái lắm, mấy chả khoái nhứt là được theo ghe bủa lưới”.

 Khoảng vài chục năm về trước người ta chỉ bủa lưới bắt cá bông lau vào ban đêm. Còn bây giờ, người dân làm nghề hạ bạc nơi đây đã bủa lưới đánh bắt cá bông lau luôn cả ban ngày. Đây cũng là điều lạ, bởi, trước đây, cá bông lau chỉ xuất hiện vào ban đêm. Bủa lưới cá bông lau ban ngày, dù ít, cũng đem lại thu nhập “sống được” cho ngư dân, là nghề “cha truyền con nối”. Giàn lưới bủa cá bông lau rẻ nhất là 3 triệu đồng. Giàn lưới 111m dài, mặt lưới 15cm, dạo lưới 100 mặt (15m), chỉ nylon...

 Ông Nguyễn Hữu Hiệp, cư ngụ tại thị trấn Phú Mỹ, cho biết xưa hơn nữa, khoảng trên nửa thế kỷ, người ta câu cá bông lau. Lưỡi câu cá bông lau bự bằng căm xe Honda. Mồi nhạy nhứt là gián. Mỗi lưỡi móc chừng 10 con, thả xuống, giựt lên, dính liền. Ngày xưa, trước khi đi đánh bắt cá bông lau, ngư dân phải làm lễ cúng Bà Cậu để công việc làm ăn được “xuôi chèo mát mái”.

 Lễ cúng là một con vịt ta chứ không dùng vịt xiêm hoặc vịt tàu - vịt “ngoại lai”, “chê”, cốt bảo vệ bản sắc văn hóa nước nhà. “Kẹt” lắm, họ cúng Bà Cậu một ít trái cây. Câu cá bông lau không hiệu quả bằng bủa lưới nên ngày nay việc này chỉ dành cho những “thợ câu tài tử” bắt những con cá nặng chừng 2kg là hết cỡ ở những khúc sông khác, với mồi câu có khi là gián, có khi là chuối xiêm chín.

 Tìm hiểu nguồn gốc cá bông lau nơi một vài ngư phủ kỳ cựu, người thì nói cá bông lau xuất phát từ cuối nguồn sông Hậu (Ninh Thới, Cầu Kè, Trà Vinh) trở ngược dòng lên cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, TP Cần Thơ) rồi “định cư” ở Vàm Nao (An Giang). Tuy nhiên, là nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian nên ông Hiệp phỏng đoán con cá lạ lùng này xuất thân từ Biển Hồ (Campuchia).

 Theo ông, ở cái biển nước ngọt khổng lồ này, người ta đã từng đánh bắt được cá bông lau nặng khoảng 20kg. Và, ông cũng như những người “biết chuyện” khẳng định trứng cá bông lau lẫn trong trứng cá tra trôi từ Biển Hồ xuống hạ lưu sông Hậu, ở Long Sơn (Tân Châu, An Giang). Người dân nơi đây dùng vợt hớt lựa trứng cá tra để nuôi còn trứng “cá lạ” (trứng cá bông lau) thì vứt bỏ. Chính vì vậy mà trứng cá bông lau trôi xuống vùng nước lợ nơi gần cửa biển (Ninh Thới) nở thành con, lớn lên rồi theo quán tính trở về nguồn...

Và, tại Vàm Nao (cũng như cù lao Tân Lộc và Ninh Thới), cứ tới mùa cá bông lau (từ tháng Giêng tới cuối tháng 3 Âm lịch), là rộn rịp cảnh quan “kỳ vĩ”, sống động của những cuộc đời gắn chặt với những con kình ngư giữa nơi trời nước bao la. Còn một điều lạ khó hiểu là tại sao con cá bông lau ở ba khúc sông này lại nặng từ 4kg trở lên chứ không nhỏ như những con cá bông lau ở các vùng sông nước khác? Có người lý giải ba khúc sông này êm ả, có nhiều cá con để con cá bông lau sống được nhờ cảnh “cá lớn nuốt cá bé”.