Home Đời Sống Dinh Dưỡng Nước và Trẻ con

Nước và Trẻ con PDF Print E-mail
Tác Giả: Oanh Thơ   
Thứ Bảy, 09 Tháng 5 Năm 2009 22:32

Con cái của bạn chắc là uống rất nhiều nước ngọt và sữa mỗi ngày. Thế nhưng đừng quên là chúng cũng cần uống nước lọc, nhất là khi Mùa Hè sắp đến với những cơn nắng cháy.

Mặc dù nước không có chất dinh dưỡng, thế nhưng nước rất cần thiết cho sức khỏe của con cái chúng ta.

Thật vậy, nước giúp cho sự tiêu hóa, giúp tránh được sự táo bón và giúp cho máu lưu thông dễ dàng hơn. Nước cũng giúp vận chuyển chất dinh dưỡng và oxygen đến các tế bào, các miếng sụn tiếp hợp và bảo vệ các bộ phận cũng như các mô trong cơ thể. Nước còn giúp điều hòa nhiệt độ và giữ cho chất sodium được quân bình.

Sau đây là những chỉ dẫn và giải thích chi tiết của các bác sĩ nhi khoa về sự cần thiết của nước đối với trẻ con, trích dẫn từ một bài báo viết trên tờ Parents của nhà báo Sandra Cordon.

1. Bạn không cần phải đếm về số nước dùng

Joel Steiberg, M.D., giáo sư nhi khoa ở University of Texas Southwestern Medical Center thuộc tiểu bang Dallas nói rằng trẻ con cũng cần một số lượng nước giống như người lớn: khoảng một quart cho mỗi 1 ngàn calories mà chúng tiêu dùng (chỉ trừ những trẻ sơ sinh thì không cần uống nhiều nước vì sữa mẹ và sữa formula cũng đủ cho các em rồi).

Phụ huynh không cần tính toán gì cả trong việc cho con uống bao nhiêu nước mà hãy để cho cơn khát của con trẻ hướng dẫn mình. Bác Sĩ Michael Farrel, M.D., giám đốc của Children's Hospital Medical Center ở Cincinnati nhắc nhở phụ huynh nhớ cho con uống nước giữa những bữa ăn. Dấu hiệu cho thấy trẻ con uống nước đủ là chúng sẽ đi tiểu vài giờ một lần.

2. Nước cần thiết khi thời tiết nóng

Andy Spooner, M.D., giám đốc nhi khoa ở University of Tennessee, nói: “Bởi vì nước giúp kiểm soát nhiệt độ của thân thể, cho nên nó là thành trì trước nhất nhằm bảo vệ những chứng bệnh do sức nóng gây ra như bị kiệt sức vì say nắng (heat exhaustion) hay bị kích ngất vì nắng (heatstroke). Tình trạng này xảy ra là do cơ thể bị mất nước (dehydration). Dĩ nhiên bất cứ thời gian nào trong năm, trẻ con cũng đều có thể bị rơi vào tình trạng thiếu nước, nhưng vào Mùa Hè thì trẻ con càng dễ bị hơn vì thời tiết nóng bức.

a. Sự kiệt sức vì say nắng (heat exhaustion) xảy ra khi cơ thể mất quá nhiều nước do đổ mồ hôi. Những triệu chứng gồm có mệt lử, bồn chồn và người ướt đẫm mồ hôi. May mắn thay, trường hợp này hiếm khi xảy ra cho trẻ con dưới 12 tuổi, nhưng sẽ xảy ra thường xuyên cho những đứa trẻ chơi ngoài trời trong một thời gian lâu và quên uống nước.

Ðể đề phòng việc trẻ bị kiệt sức vì say nắng, phụ huynh nên sửa soạn cho con cái có sẵn nước để dùng bằng cách luôn mang theo nhiều chai nước uống khi đi chơi xa, đi biển hay đi ra công viên.

Hãy khuyến khích trẻ con nghỉ chơi để uống nước, nhất là khi con bạn là một đứa trẻ năng động. Khoảng từ 30 đến 40 phút trước khi con bạn chơi thể thao hãy cho con uống một ly hay một ly rưỡi nước lạnh. Ngoài ra, khi con đang chơi thể thao cũng nhớ nhắc con uống nước. Ðừng tùy thuộc quá đáng vào những thức uống có nhiều muối và đường. Bác Sĩ Steinberg giải thích là trẻ con lành mạnh không mất nhiều muối trong mồ hôi của chúng. Nước là thức uống tốt nhất.

b. Heatstroke (bị kích ngất vì nắng) thường là một hình thức nguy hiểm của việc bị say nắng vì cơ thể không còn có thể tự động mát nữa và nhiệt độ thì tăng nhanh đến một mức độ nguy kịch. Sự thiếu nước trong cơ thể có thể gây nên heatstroke nhưng tình trạng này xảy ra chỉ vì chúng ta ở một chỗ quá nắng.

Bác Sĩ Steinberg nói rằng chúng ta tìm thấy triệu chứng heatstroke ở những trẻ em bị bỏ trong xe với cửa kính đóng kín vào một ngày rất nóng. Nhiệt độ trong xe có thể tăng lên đến 140 độ và trẻ sơ sinh, cũng như trẻ con độ 1, 2 tuổi có thể chết trong vòng một tiếng đồng hồ trở lại.

Chúng ta cần nhớ rằng đừng bao giờ bỏ trẻ con trong xe một mình. Và nếu bạn nghĩ con mình bị heatstroke thì hãy gọi 911 ngay lập tức.

3. Nước cũng giữ con bạn ở một trọng lượng khỏe mạnh

Bạn có thể nghe tin tức nói rằng 15% những đứa trẻ ở tuổi đi học tại Mỹ bị bệnh mập phì hay cân quá trọng lượng trung bình. Việc này có thể dẫn đến việc chúng bị bệnh tim hay tiểu đường khi thành người lớn sau này. Do đó, ngay từ khi con còn nhỏ, phụ huynh cần tập cho con thói quen uống nước hay nước trái cây spritzers (nước trái cây không có đường) thay vì uống hộp nước ngọt. Và bạn nên làm gương cho con noi theo bằng cách uống nước giữa những bữa ăn. Bác Sĩ Rachel Johnson, giáo sư về dinh dưỡng ở University of Vermont, Burlington nói rằng nếu trẻ con thấy cha mẹ uống nước chúng sẽ bắt chước theo. Tuy nhiên phụ huynh cũng đừng quên cho con uống sữa để có thêm calcium, giúp cho xương cứng cáp và tăng trưởng.

4. Ðừng quên chất Fluoride

Bác Sĩ Cynthia Sherwood, D.D.S., phát ngôn viên cho cơ quan Academy of General Dentistry ở Independence, Kansas nói: “Ðể có hàm răng chắc chắn, ít bị sâu răng, trẻ con cần có chất Fluoride cho đến khi chúng 14 tuổi. Một cách tổng quát, nước dùng từ nguồn cung cấp nước công cộng thường đã có chứa chất fluoride. Nhưng nếu nước của bạn đến từ một cái giếng, hay là loại chai nước không có chất fluoride, hoặc bạn có một máy lọc nước, gắn vào cái rô bi nê ở trong nhà bếp (một vài loại máy lọc nước khử chất fluoride), thì bạn nên thảo luận với nha sĩ hay bác sĩ nhi khoa xem con bạn có cần dùng fluoride mỗi ngày hay là cần dùng cả vitamins lẫn fluoride.

Fluoride thường được bào chế dưới dạng dung dịch dành cho trẻ sơ sinh và trẻ 2, 3 tuổi, hoặc dưới dạng thuốc viên để nhai, dành cho những đứa trẻ lớn hơn. (O.T.)