Mùa Thốt Nốt ở... Sài Gòn |
Tác Giả: Văn Lang | |||||||||
Thứ Tư, 21 Tháng 7 Năm 2010 21:22 | |||||||||
Khoảng từ Tháng Giêng cho tới cuối Tháng Tư (Âm lịch), khi tiết trời Sài Gòn còn đang bị “hun” bởi cái nắng như đổ lửa của mùa khô, thì trên hè phố Sài Gòn mấy năm nay xuất hiện những xe đẩy hàng rong bán một loại ‘trái cây lạ’, đó là trái thốt nốt!
Sự thật, khi trái thốt nốt xuất hiện trên hè phố Sài Gòn thì nhiều người cũng chẳng biết đó là trái gì, trừ khi dừng xe hỏi thăm người bán, hoặc người bán khôn khéo tiếp thị bằng một tấm bảng nhỏ ghi “thốt nốt” treo tòn ten nơi đầu xe đấy. Ấy vậy mà khi biết đó là trái thốt nốt thì nhiều người vẫn lầm tưởng đó là... trái dừa nước! Thốt nốt phiên âm từ tiếng Khmer chỉ cây ‘Thnot’, mà nếu dịch nghĩa ra tiếng Việt lại là cây... dừa nước. Tuy nhiên cây thốt nốt của người Khmer và cây dừa nước của người Việt là hai cây khác nhau, tuy cùng là họ dừa và có cùi (cơm) khá giống nhau... Trước kia, khi có dịp tiếp xúc với một số bà con Việt kiều bị bắt buộc phải hồi hương về Việt Nam từ năm 1970 khi chính quyền Lon-Non thực hiện chính sách “cáp-duồn” và xua đuổi người Việt sinh sống tại Cambodia, tuy về nước đã lâu nhưng những người Việt kiều này vẫn nhớ không khí thanh bình, trù phú của xứ sở Chùa Tháp thời trước khi Lon-Non đảo chánh và hình ảnh cây thốt nốt chính là biểu tượng của sự thanh bình ấm no đó.
Với nhiều người, nói tới cây thốt nốt là nói tới xứ chùa tháp, hay chí ít cũng là những vùng biên giới Việt Nam-Cambodia, như là vùng Thất Sơn, An Giang chẳng hạn. Nhưng vì đã mấy lần nhìn thấy trái thốt nốt bày bán trên hè phố Sài Gòn, qua mấy mùa cũng quen mắt, để rồi một hôm tình cờ ghé thăm lăng của Tả Quân Lê Văn Duyệt nhìn lên hàng cây cao như cây dừa, lá như lá cọ, thấy những chùm trái chín màu tím như màu trái vú sữa, giật mình vì thấy những trái này quen lắm.
Hỏi thăm một bác lớn tuổi cũng đang đi viếng lăng của Tả Quân, bác cười, mà rằng, ‘Trái thốt nốt chớ trái gì !” Ôi, trời ơi! Vậy là chúng tôi đã nhìn thấy cây thốt nốt mà bao lần nghe người ta kể, lại là ngay giữa Sài Gòn, trong lăng của Tả Quân, nơi mà không ít lần chúng tôi đã viếng thăm và chụp hình, nhưng thường là chúng tôi tới thăm lăng vào đêm Giao Thừa cuối năm nên không có dịp nhìn thấy hàng cây thốt nốt trong lăng Tả quân đã có từ đời nảo, đời nào& Lật tìm những tư liệu xưa về cây thốt nốt ở Sài Gòn, chúng tôi thấy trong cuốn sách “Sài Gòn Tạp Pí Lù” của nhà sưu tầm, nghiên cứu và học giả Vương Hồng Sển, trong phần cây trồng hai bên đường, ông cho biết ở Gia Ðịnh (xưa) có đường gọi thốt nốt vì trồng loại cây này. Ông còn viết thêm “Những cây nơi đường gần chợ Bà Chiểu và cây nơi trước sân miếu Tả Quân, có từ đời nào, duy biết trồng thốt nốt chung quanh miếu là một ý kiến hay, vì Tả Quân từng nhiều phen che chở bảo hộ vua Miên và biết đất Miên rất nhiều”. Cũng nhân tìm hiểu về cây thốt nốt ở Sài Gòn, chúng tôi mới biết thốt nốt ở Sài Gòn có tới hai, ba “trào lưu” chứ không chỉ một như thời Gia Ðịnh xưa. Cùng thời với những cây thốt nốt ở khu vực Lăng Ông - Bà Chiểu là mấy cây thốt nốt ở khu vực gần bệnh viện Nhân Dân Gia Ðịnh (bệnh viện Nguyễn Văn Học cũ). Sau khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, khi quân “tình nguyện” Việt Nam rút khỏi đất nước chùa tháp, có một người lính Việt Nam đã đem một cây thốt nốt về trồng tại khu vực gần ga xe lửa Sài Gòn. Và trong những năm gần đây, có một nữ doanh nhân Việt kiều (Mỹ), đã đem một số cây thốt nốt từ Cambodia về trồng trang trí trong một quán cà-phê khá lớn của nữ chủ nhân nằm trên đường Nguyễn Ðình Chiểu, quận 3. Với những Việt kiều đã từng sinh sống ở Cambodia cũng như những người lính đã từng có mặt ở Cambodia thì nói tới cây thốt nốt là nói tới thứ nước mật thơm ngọt ngào của cây thốt nốt và loại “bia” được lên men từ loại cây này mà người Khmer gọi là ‘Tuk-Thnot-Chu.’ Tại vùng Thất Sơn, Tri Tôn, An Giang, cây thốt nốt được trồng nhiều như những cánh rừng, từ đây đường thốt nốt đã được làm ra và xuất cảng đi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ðài Loan... Thị trường trong nước thì đường thốt nốt bán ra tới Hà Nội, còn trái thốt nốt thì chẳng những theo xe đò có mặt ở Sài Gòn mà còn ra tới mấy chợ ở miền Trung. Cây thốt nốt thuộc họ dừa, về phần công dụng hữu ích thì cả cây dừa nước và cây dừa cộng lại cũng không bằng. Lá thốt nốt dùng để lợp nhà (như lá dừa nước), thân thốt nốt dùng làm cột cả trăm năm không sợ mối mọt, ngoài trái và mật thơm ngon thì lá thốt nốt còn dùng để vẽ tranh trên đó (tranh vẽ trên lá thốt nốt của An Giang được nhiều du khách ưa chuộng), hơn nữa lá thốt nốt còn để chép kinh Phật. Một số ngôi chùa Khmer tại miền Tây còn lưu giữ những bộ kinh Phật chép trên lá thốt nốt có từ hơn hai trăm năm nay vẫn không hề bị mối mọt làm hư hại. Chính vì những đặc tính đặc biệt của cây thốt nốt mà gần đây tại An Giang đã xuất hiện một xưởng chuyên làm tủ, bàn, ghế mỹ nghệ bằng gỗ từ thân cây thốt nốt, mặt hàng này được giới nhà giàu mới ở miền Tây và Sài Gòn rất ưa dùng. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, việc xuất cảng đường thốt nốt ra thị trường ngoại quốc gặp khó khăn do vậy đường thốt nốt bị rớt giá, nhiều người dân An Giang có khuynh hướng chặt bán cây thốt nốt cho mấy xưởng làm tủ bàn ghế để thu ‘tiền tươi’, mỗi thân cây như vậy bán được khoảng từ ba trăm ngàn tới bốn trăm ngàn đồng Việt Nam. Ðiều đáng nói là việc trồng cây thốt nốt từ nhỏ cho tới ngày ra trái phải mất từ 15 năm tới 20 năm mới cho vụ thu hoạch đầu, nhưng cho tới khi 100 tuổi thì cây thốt nốt vẫn cho trái và cho mật đều đều rất nhiều, chính vì vậy mà cho tới nay nhiều vị bô lão ở cả Sài Gòn và An Giang vẫn không xác định được tuổi thọ của cây thốt nốt là bao nhiêu năm. Trong khi xưởng tủ bàn ghế mỹ nghệ chỉ mua những thân cây thốt nốt có niên đại từ vài chục năm trở lên, tức là những cây đang cho thu hoạch mật và trái. Nếu như việc sản xuất tủ bàn ghế mỹ nghệ từ thân cây thốt nốt trở thành thịnh hành trên toàn quốc cũng như xuất đi thị trường ngoại quốc thì có lẽ những rừng thốt nốt ở An Giang - biểu tượng của sự thanh bình và trù phú sẽ không còn nữa. Thật buồn, nếu như những buổi chiều có dịp đi qua vùng biên giới thấy vắng bóng những cây thốt nốt xa xa trên những cánh đồng lúa xanh. Nơi những hàng cây mà những chàng trai, cô gái người Việt và người gốc Cambodia đã từng hẹn hò trong những buổi tà huy, trong tiếng chuông chiều trầm buông từ những mái chùa Khmer cong vút, tiếng xe bò (cộ) lộc cộc, lộc cộc lăn về nơi xa ngái...
|