Home Đời Sống Dinh Dưỡng Trà và trà dược thảo: bạn hay thù

Trà và trà dược thảo: bạn hay thù PDF Print E-mail
Tác Giả: Dược sĩ Nguyễn Ngọc Lan & Bác sĩ Thú y Nguyễn Thượng Chánh   
Thứ Tư, 24 Tháng 3 Năm 2010 04:41

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam cũng như tại hải ngoại đều tràn ngập các loại trà và trà dược thảo.

Trà (tea) thì ai cũng đều biết rồi, thí dụ như trà đen, trà xanh, trà trắng, trà oolong, v.v...

 

Trà được sản xuất từ lá của một loại thảo mộc, có tên khoa học là Camellia sinensis.

Màu sắc, hương vị, độ chát, tính bổ dưỡng và hàm lượng chất chống oxy hóa của các loại trà khác nhau tùy theo cách ủ và cách biến chế.

Bên nhà, người mình chia các loại trà ra thành 3 nhóm: trà hương, trà mạn và trà tươi:

-Trà hương đưọc ướp với hoa lài, hoa sói, sen, ngâu, cúc...

-Trà mạn là trà không ướp hương, chỉ chú trọng nhiều về sự tinh tế và phong cách thưởng thức trà, thí dụ như trà tàu và trà thiền.

-Trà tươi, dùng lá tươi vò nát và cho vô nồi nấu.

Trà dược thảo (herbal tea, tisane): được sản xuất từ các phần như hoa, trái, thân, củ, rễ của các loại thực vật khác, nhưng không phải là lá của cây trà Camellia sinensis.

Đem phơi khô, băm nhỏ chế nước sôi cho ra nước trà rồi uống.

Nói tóm lại, trên thị trường trà dược thảo nhiều vô số kể.

Cây gì, trái gì cũng có thể được biến chế thành trà dược thảo hết.

Trà dược thảo đã được con người, đặc biệt là Trung quốc và Ấn độ, sử dụng từ cả ngàn năm nay để phòng bệnh và chữa bệnh.

Tại Québec, các loại trà dược thảo (tisanes) thường thấy bán là Chamomile, Églantier, Fenouil, Framboisier, Lavande, Mélisse, Menthe poivrée, Ortie, Pissenlit, Romarin, Sureau, Thym, Anise tea, Artichoke tea, Chrysanthenum tea, Ginger root, Echinacea tea, v.v.

Bên nhà, thị trường trà dược thảo cũng hết sức là phong phú, đa dạng và rất phổ biến ở khắp mọi nơi.

Sau đây là một vài thí dụ: Trà thảo mộc Hibisc, Trà khổ qua, Trà gừng, Trà chó đẻ răng cưa (Diệp hạ châu), Trà linh chi, Trà đinh, Trà đắng, Trà hoa lài, Trà tim sen, v.v...

Quảng cáo nghe hay hết xảy: “Coi chừng mắc bệnh vì trà chữa bệnh.”

http://vietbao.vn/Doi-song-Gia-dinh/Coi-chung-mac-benh-vi-tra-chua-benh/11003959/111/

“Nếu bị bệnh mà ngại đến bệnh viện thì hãy mua thuốc dưới dạng trà về uống, đảm bảo vừa ít tốn kém vừa hiệu quả”- một chủ cửa hàng bán trà trên đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) quảng cáo. Theo ông này, trà là thuốc chữa bách bệnh; ngay cả đau bao tử, xương khớp, u xơ tử cung, tim mạch, ung thư cũng chữa được.

Tại các chợ, trên các tuyến đường và hàng loạt các siêu thị ở TP HCM, đâu đâu cũng thấy tràn lan trà chữa bệnh. Chỉ riêng một đoạn trên đường Phạm Văn Hai chưa tới 20 mét đã có đến 5 cửa hàng bán trà chữa bệnh.

Thấy khách bảo bị sỏi thận hay đi tiểu dắt, chị chủ một cửa hàng nhanh chóng cầm lên một gói: “Đây là trà chuối hột trị bệnh sỏi thận và tiểu dắt, giá 50.000/ gói 50 g, mỗi ngày uống 2-3 gói. Nếu bệnh của em mới khởi phát, uống khoảng 2 gói như thế này là lành ngay".

Tại những đại lý bán trà ở khu vực chợ Bình Tây, hàng trăm loại trà thuốc được bày bán như trà túi lọc như sen-lạc tiên, linh chi, atiso-nhân sâm, diệp hạ châu, kim tiền thảo, trà rong biển, trà hòa tan bông cúc - la hán quả và tăng sinh… Có hộp ghi công dụng, có hộp để trống trơn không ghi thành phần, cách sử dụng, hạn bảo quản.”

Uống vô biết liền hà!

Tại Canada, có ít nhất từ 3-4 chục loại trà dược thảo.

Trà dược thảo được thấy bán trong các tiệm thuốc Tây, trong các siêu thị, chợ Tàu, chợ Á Đông, và có khoảng 90% sản phẩm nhập từ...Trung Quốc.

Trong tiệm Walmart, trà xanh green tea mang nhãn hiệu được sản xuất chế biến tại California, nhưng khi nhìn kỹ lại thì thấy có ghi chú câu: “nguyên liệu nhập từ China”!

Đây là chưa kể đến những loại trà quá đặc biệt, đắt như vàng, giá cả trăm đô một hộp bán trong các cửa hàng đặc biệt tại phố Tàu. Thường chỉ có dân giàu mới dám mua, hoặc chúng ta phải bấm bụng mua trong những dịp lễ lộc đặc biệt như để biếu xén trong hôn lễ theo nghi thức Việt Nam (để vào quả cưới đem qua để biếu nhà gái).

Tại sao người ta thích uống trà?

Tác giả nghĩ rằng là tại người ta...già (theo cách suy bụng ta ra bụng người).

Uống riết...thành ghiền!

Uống trà cũng như uống café. Uống cho khỏe hơn, cho tỉnh táo hơn nhờ trà có chứa chất caffeine nhưng ở một nồng độ thấp hơn café. Ăn cơm xong, nhất là sau bữa ăn có nhiều dầu nhiều mỡ, uống một tách trà là thấy ngon, thấy dễ chịu trong cổ họng ngay.

Trà có tính lợi tiểu, cho nên uống trà vào buổi tối thường khó ngủ vì hay phải thức dậy đôi lần để đi xả xú bấp. Người ta thường hay nói giỡn chơi, đây là trà “Thái Đức”.

Uống trà có lợi hơn uống cà phê vì trà chứa ít caffeine hơn cà phê.

Bên cạnh caffeine, trà còn có chứa chất theophylline và theobromine.

Chất theophylline rất tốt cho phổi, giúp giãn nở phế quản và ngừa suyễn.

Chất theobromine có công dụng làm lợi tiểu và làm êm dịu thần kinh.

Trà cũng còn chứa thêm chất chát tannin nữa. Khác với cà phê, trà nấu lâu trong nồi thì nồng độ caffeine sẽ tăng không đáng kể, nhưng chất tannin sẽ tăng nhiều làm cho trà có vị đắng và chát hơn.

Trà và nhất là trà xanh còn có chứa các chất chống oxy hoá antioxidants như flavonoides, có tác dụng khử các gốc tự do (free radical) là những chất độc cho tế bào.

Có quảng cáo nói là trà xanh có thể giúp giảm cholesterol và làm giảm nguy cơ xuất hiện của một vài loại cancer, v.v...

Theo một số khảo cứu khoa học, thì sự kiện uống thường xuyên trà quá nóng có thể làm tăng nguy cơ bị cancer thực quản hay bao tử?

Trà có thể gây trở ngại trong việc hấp thụ chất sắt. Nếu bạn có bệnh sử về vấn đề sỏi sạn đường tiết niệu (calcul urinaire oxalo calcique), thì nên tránh bớt trà nhất là trà đen vì chúng chứa rất nhiều acide oxalique, vậy hãy cẩn thận!

Ngoài ra, uống trà và cà phê quá thường xuyên dễ làm cho răng trở nên sậm màu làm mất hết đi vẻ thẩm mỹ.

Tại sao có người ưa chuộng trà dược thảo?

Theo như các quảng cáo của các giới thuốc thiên nhiên, trà dược thảo có nhiều công dụng như làm êm diu, giúp an thần, hết lo âu phiền muộn, dễ ngủ, giúp giảm cân, làm cho ốm bớt, cho thân thể được thon thả, giúp ăn cho dễ tiêu, đề phòng đủ thứ bệnh như điều hòa kinh nguyệt, tốt cho bệnh tim, tiểu đường, cholestérol cao, cao máu, viêm gan B, giúp bồi dưỡng sức khỏe, chống đau nhức, phong thấp, cải thiện sinh lý, kéo dài tuổi thọ, vân vân...

Trà dược thảo là sản phẩm thiên nhiên có ích trong việc phòng bệnh và chữa bệnh.

Dùng trà gừng hay ăn gừng giúp ngăn chặn cảm giác nôn mửa do hoá trị (Dr A.Weil’s self healing).

Thí nghiệm cho thấy nhờ chất chống oxy hóa polyphenol nên trà dược thảo có thể ức chế phần sự xuất hiện và phát triển của các khối u cancer.

Chung S. Yang  Zhi yuan Wang. Tea and Cancer. Lab for Cancer Research ,College of Pharmacy, Rutgers Univ Piscataway, N.J.

http://jnci.oxfordjournals.org/cgi/content/abstract/85/13/1038

Theo Giáo sư BR Cassileth, thì dùng thảo dược trong trị liệu có nhiều ích lợi hơn sử dụng âu dược, vì món thuốc thiên nhiên thường là một tập hợp của nhiều loại thảo mộc với nhau trong cùng một toa thuốc. Các dược thảo sẽ tự quân bình và hoá giải tính chất tương khắc của nhau.

Barrie R. Cassileth PhD. Complementary & Alternative Cancer Medicine. Journal of Clinical Oncology

http://jco.ascopubs.org/cgi/content/full/17/suppl_1/44

Hoàng kỳ (Astragalus membranaceus) là một loại thảo mộc rất thường được Đông y sử dụng để tái lập chức năng miễn dịch sau thời gian hóa trị. Hai hoạt chất chính của hoàng kỳ là cycloartane saponins và polysaccharides.

4 Positive effects of Astragalus extract on immune system

http://www.nutralegacy.com/blog/general-healthcare/4-positive-effects-of-astragalus-extract-on-immune-system/

Có người hoài nghi, chắc gì đúng như lời quảng cáo

Herbal remedies could be deadly, says forensic pathologist Professor Roger Byard.

http://www.adelaidenow.com.au/herbal-remedies-could-be-deadly-says-forensic-pathologist-professor-roger-byard/story-e6frea6u-1225827809823

Giáo sư Roger Byard ở Úc Châu cho biết, trong Journal of Forensic Sciences về sự hiện hữu của nhiều loại độc chất, chẳng hạn như arsenic và thủy ngân trong một số trà dược thảo mà quảng cáo cho rằng rất an toàn.

Ngoài ra, một số dược thảo cũng có thể tương tác với một số âu dược để cho ra những phản ứng phụ vô cùng nguy hiểm.

Qua việc phân tích 251 loại dược thảo Á Châu bán tại Hoa Kỳ cho thấy, có đến 36 loại có chứa chất arsenic (thạch tín), 35 loại có chứa thủy ngân và 24 loại có sự hiện diện của chì.

Hơn nữa, có nhiều báo cáo khoa học nói đến việc sử dụng một vài loại dược thảo đôi khi đưa đến suy tim cardiac failure, suy thận, độc cho gan hepatotoxic, tai biến mạch máo não, yếu cơ, xáo trộn động tác và co giật...

Tuy mang danh nghĩa là thuốc thiên nhiên, nhưng nhà sản xuất lại cố tình pha trộn thêm những loại thuốc tây (prescription drugs, medicaments d’ordonnance) vào trong đó. Những chất thuốc thường được trộn thêm có thể là những steroides, hormones, các chất thuốc lợi tiểu, các thuốc kháng viêm sưng (anti inflammatoires), các thuốc trợ dương (aphrodisiaques) và thuốc làm giảm đường huyết (hypoglycémiants).

Hội chứng Cushing’s là một bệnh do sự xáo trộn hormones có thể liên hệ đến sự tiêu thụ chất âu dược steroides trộn chung trong dược thảo.

PC SPE và SPES (thuốc do Botanic Lab Hoa Kỳ sản xuất), dùng để tăng cường sức miễn dịch và trị các bệnh về tiền liệt tuyến...Cơ quan FDA đã tìm thấy 2 loại thuốc trên có chứa thuốc kháng đông Warfarin và thuốc chống lo âu sợ hãi Aprazolam (Xanax).

Nếu chẳng may, bệnh nhân uống 2 loại thuốc thiên nhiên nầy cùng một lúc với các loại thuốc an thần thì sẽ rất có hại cho sức khỏe. Thuốc được bán qua ngõ bưu điện và Internet.

Spring Herbal Sleep well Dietary Supplement, Sleepes, Eden herbal Formulation Sleep Dietary Supplement có chứa bất hợp pháp thuốc Estazolam là một loại thuốc gây nghiện. Các thuốc trên không có mã số DIN, NPN-DIN, HM... Santé Canada đã cho thu hồi (2007).

Theo sự nhận định của cơ quan Y Tế Canada, thì…sự phối hợp giữa nhiều loại thuốc thiên nhiên với nhau đều được nghi ngờ là có thể dẫn đến những phản ứng bất lợi, làm tổn thương gan và có hại cho sức khỏe.

Ngoài ra, còn có vấn đề như những nguyên liệu sử dụng là những nguyên liệu bị giả mạo hay bị biến đổi cũng được kể như là những nhân tố bất lợi.

Một vào loại dược thảo có thể tương tác với thuốc tây

Các loại thảo mộc sau đây thường được thấy dùng làm trà dược thảo:

-/ Khổ qua (Momordica charantia): Vị đắng, dùng để kích thích tiêu hóa, ngừa táo bón, ngừa bệnh sốt rét malaria, giúp giảm đường huyết, tăng tính nhạy cảm của insulin (insulin sensivity) nên thường được sử dụng để trị bệnh tiểu đường type II...

Tương tác với thuốc trị tiểu đường Chlorpropamide (Diabinese) làm đường huyết xuống quá nhanh. Lớp vỏ màu đỏ (red aril) bao quanh hạt rất độc cho trẻ em. Khổ qua có tính làm xuất huyết và co thắt tử cung cho nên người ta khuyên các phụ nữ đang mang thai nên tránh sử dụng.

-/ Kava-Kava (Piper methysticum, Tonga, Awa): Trị lo âu, an thần...

Không nên sử dụng chung với các loại thuốc barbituriques, benzodiazepines, thuốc trị suy nhược tinh thần và thuốc trị bệnh Parkinson. Kava có ảnh hưởng không tốt đối với các loại thuốc gây mê, như nó có thể làm gia tăng tác dụng của thuốc mê Halothane, rất nguy hiểm khi giải phẫu. Không nên uống rượu lúc sử dụng thuốc Kava.

-/ Echinacée (Echinacea sp, Cone flower, Hedgehog, Indian Head): Trị cảm cúm, cảm nhiễm đường hô hấp, tăng cường sức miễn dịch...

Không sử dụng Echinacée nếu đang xài các loại thuốc làm giảm sức miễn dịch (immunosuppresseur) như Cyclosporine sau khi được giải phẫu ghép bộ phận. Kỵ các loại thuốc corticostéroides (Prednisone, Decadron), các stéroides anabolisants (Winstrol), Amiodarone (Cordarone), Methotrexate (Rheumatrex) và Ketocomazol (Nizoral).

-/ Gừng (Gingembre, Ginger): Dùng trong trường hợp muốn nôn mửa, say sóng (motion sickness), ăn không ngon, mất đói...

Gừng kéo dài thời gian chảy máu. Tránh dùng gừng chung với các loại thuốc làm loãng máu như Aspirine, Coumadin. Lạm dụng gừng có thể ảnh hưởng đến các thuốc trị bệnh tim và thuốc trị tiểu đường.

-/ Valériane (Valeriana officinalis, Valerian, Herbe aux chats, Herbe de st George): Giúp an thần, giảm lo âu bức rức, giảm stress, giảm suy nhược tinh thần, động kinh, giúp tập trung tư tưởng và ngủ ngon...

Không nên sử dụng chung với các loại thuốc ngủ hay thuốc an thần (sédatifs) như barbituriques, benzodiazepines (Valium, Librium, Ativan). Cũng không nên uống chung với các thuốc thiên nhiên có tính an thần như Chamomile, Kava và Millepertuis vì tính an thần sẽ bị gia tăng gấp bội, bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái mê man. Cùng một lý do vừa nêu, không nên uống Valeriane chung với rượu vì sẽ làm tăng tác dụng của alcool. Không nên uống chung cùng lúc với thuốc trị bệnh mất ngủ vì tác dụng của thuốc nầy sẽ tăng.

-/ Chamomile (Tanacetum parthenium, Feverfew, Wild Chamomile): Trị tinh thần căng thẳng, nhức đầu, phong thấp, dị ứng, chóng mặt, đau bụng lúc hành kinh...

Một khảo cứu Nhật bản đăng trong Journal of Agricultural and Food Chemistry 2008, cho biết uống trà Chamomile rất tốt vì nó ức chế tác dụng của 2 chất Sorbitol và enzym ALR2. Chính nồng độ cao của 2 chất nầy trong máu đã dự phần trong việc gây biến chứng của bệnh diabetes type II.

Không nên uống Chamomile chung với các thuốc kháng đông (anticoagulant) vì sẽ dễ gây xuất huyết. Cũng không nên uống chung với thuốc chống đau nhức làm loãng máu thuộc nhóm anti inflammatoire non stéroidien như Tylénol, Aspirine, Ibuprofene (Advil, Motrin), Celebrex.

-/ Millepertuis (Hypericum perforatum, St John’s Wort, Goatweed, Herbe de St Jean): Trị suy nhược tinh thần nhẹ, lo âu, mệt mỏi, ăn không biết ngon, mất ngủ và đau nhức các bắp cơ, tăng sinh lực, giúp ổn định tâm tánh trong thời gian tiền kinh nguyệt...
Uống chung với các thuốc trị sida như thuốc Indinavir, sẽ làm giảm tác dụng của loại thuốc diệt siêu vi nầy. Millepertuis cũng ảnh hưởng đến tác dụng của các thuốc trị kinh phong (antiépileptique), thuốc ngừa thai, thuốc làm giảm sức miễn dịch, thuốc chống suy nhược tinh thần (Prozac, Paxil), thuốc chống kết tụ tiểu cầu, thuốc kháng đông (Coumadin), thuốc ngừa sự loại bỏ bộ phận ghép (Cyclosporine), thuốc chống siêu vi agents antirétroviraux (Invirase), thuốc trị bệnh tim Digoxine (Lanoxin) và Théophylline.

-/ Bạch quả (Ginkgo biloba, Yinhsing, Fossil tree, Kew tree, Maiden hair tree): Giúp máu lưu thông được dễ dàng, trị viêm phế quản, xơ cứng động mạch, cholesterol cao, bồi dưỡng trí nhớ, giảm triệu chứng bệnh Alzheimer, cải thiện tình trạng chóng mặt, giúp gan và túi mật hoạt động tốt...

Có thể làm xuất huyết nếu xài chung với thuốc kháng đông hoặc thuốc làm máu loãng như Aspirine, vitamin E, Plavix, Persantine và Ticlid.

Tạp chí New England Journal of Medicine có đề cập đến một ca xuất huyết trong mắt sau khi bệnh nhân đã thường xuyên uống Ginkgo biloba và Aspirin trong một thời gian dài.

Tránh xài Ginkgo biloba lúc mang thai và lúc cho con bú.

-/ Sâm (Panax ginseng): An thần, giảm stress, bồi dưỡng sinh lực, tăng sức miễn dịch, giảm đường máu, giảm cholesterol và trợ dương...

Dùng Ginseng chung với thuốc kháng đông có thể gây xuất huyết. Với thuốc trị suy nhược tinh thần Phenelzine (Nardil) sẽ gây nhức đầu, run rẩy. Với thuốc trị bệnh tim Digoxin (Lanoxin) sẽ làm khó đo lường hiệu quả và tác dụng của món thuốc nầy. Cũng không nên uống Ginseng nếu đang trị liệu bằng các thuốc tâm thần (antipsychotiques) và thuốc trị suy nhược tinh thần hay trầm cảm (antidepresseur). Nếu đang dùng thuốc trị bệnh tiểu đường (Diabeta, Diamicron) thì cũng không nên dùng Ginseng cùng một lúc vì đường lượng có thể bị kéo xuống quá nhanh...Lạm dụng Ginseng sẽ có nguy cơ làm tăng áp huyết, bồn chồn, mất ngủ, bị tiêu chảy hoặc da nổi đỏ.

-/ Hà thủ ô (Polygonum multiflorum, Radix Polygoni multiflori, Chineese knotweed, Flowery knotweed, Ho shou wu, He shou wu, Zi shou wu, Shou Wu Pian, Fo ti): Rất phổ biến ở Việt Nam và Bắc Mỹ. Theo Đông y, Hà thủ ô dùng để bồi dưỡng sức khỏe, giữ cho tóc và râu được đen lâu bạc, bổ gan thận huyết, bổ xương, trợ dương…

Theo cơ quan y tế của Anh quốc Medecine & Health Care Products Regulatory Agency cho biết, có nhiều khảo cứu nói đến tác dụng độc hại của Hà thủ ô đối với gan như làm vàng da, vàng mắt, nước tiểu xậm màu, ói mửa, đau bụng, biếng ăn và làm cho yếu sức (Batinelli et al  2004, New case of acute hepatitis following consumption of  Shou Wu Pian, Ann Inter Med140:E589.

Park GJ et al ,Acute hepatitis induced by Shou Wu Pian.

-/ Nấm linh chi (Ganoderma lucidum, reishi, ling zhi, mannontake..): Giúp tăng sức miễn dịch, giảm huyết áp, giảm cholestérol, bổ thận, bổ gan, ngừa cancer, mất ngủ...

Tương tác với các thuốc thiên nhiên có tính kháng đông hoặc làm loãng máu (panax ginseng, bạch quả, capsicum, chamomile, celery, cam thảo, gừng, củ hành, tỏi...) có thể làm dễ chảy máu hơn và làm giảm tuột huyết áp.

Sử dụng chung với các thuốc tây có tính gây loãng máu hoặc chóng kết tụ tiểu cầu (antiplaquettaire) như Aspirin, Voltaren, Ibubrofen, Advil, Motrin, Naproxen, Heparin, Warfarin (Coumadin), v.v…nấm linh chi sẽ làm gia tăng tác dụng kháng đông và làm xuất huyết nhiều hơn.

Đối với các thuốc giảm huyết áp như Catopril, Enalapril, Diltiazem, Amlodipine… nấm linh chi làm huyết áp tuột giảm nhanh hơn.

-/ Kim tảo thảo, Cúc gai, Milk Thistle (Silibum marianum, Chardon Marie): Dùng để bổ gan, ngừa xơ gan, viêm gan mãn tính, ăn mất ngon, cancer tiền liệt tuyến, tiểu đường, trầm cảm...

Trên lý thuyết có thể ức chế enzyme Cytochrome P450 2C9 substrates, làm tăng nồng độ các thuốc Amitriptyline (Elavil), Warfarin (Coumadin), Diazepam (Valium)), và cũng làm ức chế enzyme nhóm Cytochrome P450 3A4 substrates (tăng nồng độ Indavir thuốc trị sida).

Bác sĩ Đỗ Trường Sơn hiện là giáo sư ủy nhiệm chuyên khoa bệnh Tiêu hóa và Gan tại South Western Medical School, Dallas có cho biết:

http://www.songmanhonline.com/viethep/

“Thuốc bắc (herbal medications): hiện nay có nhiều báo cáo và nghiên cứu cho thấy một số thuốc bắc có thể gây ra sưng gan cấp tính và hư gan như Ma Huang (dùng trị bệnh xuyễn và giúp giảm cân), Jin Bu Huan (trị đau nhức và khó ngủ), Sassafras (trong các trà), Chapparrel Leaf, Germander, Pennyroyal, Mistletoe, Skullcap, Valerian”.

Tại sao có người chống đối trà dược thảo?

Nói chung, những người chống đối thì nại lý do là dược thảo thiếu sự chuẩn hóa standardization liều lượng và công thức.

Một sản phẩm trà dược thảo thường chứa đựng nhiều thành phần thực vật chứa tính năng trị liệu khác nhau và có thể tác động lẫn nhau.

Bởi lý do nầy, nên khó xác định được phần nào có lợi thật sự và phần nào có hại!

Ngoài ra, một số trà dược thảo không có nhãn hiệu rõ rệt, thiếu địa chỉ nhà sản xuất.

Mc Cutcheon, giáo sư môn thẩm định dược học pharmacognosis có cho biết ông ta từng kiểm tra một lô trà dược thảo nhập cảng. Kiện hàng đã nằm trong diện không có vấn đề gì rồi, nhưng ông lại phát hiện ra là không đúng như vậy: lô hàng nầy cho thấy đã bị nhiễm thuốc trừ sâu pesticides và còn bị pha trộn thêm nhiều loại thảo mộc khác có giá trị thấp hơn!

Có nhiều lô hàng dược thảo còn bị nhiễm phân hóa học, hoặc mầm bệnh...

Dược thảo Jin bu huan (trị đau nhức và mất ngủ) cho thấy có phản ứng bất lợi về tim mạch và thần kinh, và cần phải thông ống dưỡng khí đểgiúp bệnh nhân thở.

Jin bu huan sẽ làm hư hại gan nếu sử dụng trong thời gian dài.

Nhiệt độ nóng 55-67 độ C của nước trà có thể làm tăng nguy cơ cancer thực quản lên gấp 2 lần.

Một vài loại trà dượcthảo có thể hại bao tử, ruột, gan, làm xáo trộn máu huyết và thần kinh.

Những loại như burdock, thorn apple, jimson weed có thể làm khô miệng, xáo trộn thị giác, giãn nở đồng tử pupils, mất sự định hướng và có thể gây cơn điên loạn.

Ridker PM. Health hazards of unusual herbal teas. American Family physician 1989;39(5); 153-156

http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/2718896

Một số trường hợp điển hình tiền mất tật mang

-Phù toàn thân vì uống phải thảo dược trộn thuốc tây

http://baiviet.phanvien.com/2010/3/5/phu-toan-than-vi-uong-phai-thao-duoc-tron-thuoc-tay.html

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, khoa dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện  Bạch Mai Hà Nội cho biết, các triệu chứng của Thúy giống hệt với hội chứng giả Cushing do lạm dụng corticoit (thuốc kháng viêm gây tăng cân nhanh, đặc biệt thường mập nhiều ở vùng bụng, mặt tròn ra...). Ông cho rằng rất có thể loại thuốc mà Thúy sử dụng để trị mụn, tiêu độc - được quảng bá  là có nguồn gốc thảo dược - chứa corticoit và đã gây những biến chứng cho bệnh nhân. Hiện Thúy đã được chỉ định xét nghiệm xem có bị các biến chứng nguy hiểm khác như suy tuyến thượng thận hay hạ canxi trong máu không.

-Trà Đinh có những phản ứng hại gan và chết ngưòi

Những năm trước đây, phong trào uống trà Đinh đã xuất hiện sôi nổi tại Việt Nam. Mời các bạn xem bài dưới đây:

Bác sĩ Trần Văn Sáng.

http://www.datviet.com/archive/index.php/t-87216.html

“Trà Đinh hay còn gọi là trà Đắng có tên khoa học (Genus) ILEX thuộc họ (family) Aquifoliacae. Trà Đinh có những tên khác nhau tùy vùng đất nào cây được tìm ra và được xử dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Riêng ở Trung quốc và Việt Nam, cây mang tên là Ilex Cornula Lindl. Cũng loại cây này trên thế giới có các tên khác như sau : Ilex aquifolium, Chrismast Holly tại Mỹ, cây này dùng để trang trí trong ngày lễ Chúa Giáng Sinh, English Holly hay European Holly tại Châu âu, Oriental Holly (linh dược) tại Á châu. Ilex Paraguariensis hay trà Paraquay tìm thấy ở các nước như Ba Tây, Paraguay, Uruguay, người thổ dân da đỏ gọi là trà Đen (Indian black drink), ngoài ra còn một số tên nữa như Ilex Asperlla, Ilex cassene, Ilex chinesis, Mate, Maodongquing. Điều này có nghĩa là loại cây này đã được xử dụng tại hầu hết các nơi trên thế giới dưới các mục đích khác nhau.

Riêng tại Việt Nam trà Đinh được quảng cáo trong vấn đề giúp giảm cân, an thần, ngủ ngon, giúp hạ Cholesterol. Riêng cây Ilex aqiufolim hay Holly đã được xử dụng tại Châu Âu từ hơn ngàn năm trong các ngày lễ tôn giáo của các Cơ đốc nhân (Christian) bằng cách trao đổi các cành cây và hoa này trong ngày lễ, và hiện nay chúng ta vẫn còn thấy xử dụng trong ngày lễ Giáng Sinh. Cây này được dùng từ xưa để làm một loại thuốc xổ và hiện nay không còn thấy sử dụng tại Châu Âu.

Tuy nhiên điều quan trọng mà người xử dụng trà không được biết là phản ứng của nó ra sao, khi dùng lâu ngày thì có gây phản ứng độc hại gì không? Theo quan niệm thông thường của dân chúng thì chỉ là trà mà thôi thì chắc không có hại gì. Sự thật thì trà Đinh hay phần lớn các loại trà nào khi sử dụng nhiều và lâu dài đều có đưa đến những phản ứng bất lợi cho cơ thể. Trà Đinh thuộc nhóm dược thảo có chứa chất PYRROLIZIDINE ALKALOIDS, chất này cũng được tìm thấy trong số khoảng 230 loại cây cỏ khác nhau. Chất Pyrrolizidine được tìm thấy là nguyên nhân chính của một số trường hợp gây độc hại cho gan (veno-occlusive liver disaese) đưa đến sự xáo trộn cung cấp máu cho gan, làm sưng gan, vàng da, bụng có nưóc, chân phù và nặng hơn hết là chết do suy gan cấp tính (theo tài liệu của Subhuti Dharmananda. Ph.D, Giám Đốc trung tâm nghiên cứu về y học cổ truyền tại Portland, Oregon trong bài tường trình cho tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) 1988.

Ngoài ra trà Đinh còn có thể gây ra các triệu chứng ói mửa, đau bụng, tiêu chảy do phản ứng phụ của chất Saponin. Chất Saponin cũng có thể gây ra bệnh vỡ các hồng huyết cầu ( hermolysis) gây ra bệnh thiếu máu. Nghiên cứu của DeStefani và các cộng sự viên tại Paraguay cho thấy ở những người xử dụng nhiều trà Mate tea (thuộc nhóm cây Ilex) tỉ lệ ung thư bọng đái cao hơn 7 lần bình thường. Trà Đinh cũng có tác dụng làm chậm nhịp tim giống như chất Digitalis là một loại thuốc đang được xử dụng để chữa các bệnh xáo trộn nhịp tim. Trà Đinh cũng có tác dụng phụ làm hạ huyết áp theo các thí nghiệm trên thú vật và trên người, vì thế trà có thể gây phản ứng làm giảm áp xuất máu ở những người không triệu chứng cao máu. Trong nhóm trà Ilex này cũng có chứa các chất như caffein 0,56%, theobromine 0,03% và Theophyline 0,02% vì vậy trà cũng được dùng để giúp cho người uống được kích thích và làm cho tỉnh táo nhờ chất caffein (là chất chính trong cà phê); chất Theobromine giúp nở các phế quản làm cho dễ thở nhất là ở người b
ệnh suyễn. Trà Đinh có chứa chất Ilicin là chất gây ra vị đắng (theo tài liệu của Encyclopedia of herbal medicine của Andrew Chevalier).”

-Khi dược thảo biến thành độc dược

Khoa học.com.vn

http://www.khoahoc.com.vn/doisong/yhoc/suc-khoe/11716_Khi-duoc-thao-bien-thanh-doc-duoc.aspx

Cao Nam mộc hương là thành phần trong những sản phẩm được coi là chất bổ sung thực phẩm có những tính chất trị liệu khác nhau, như trị chàm hoặc béo phì. Tuy nhiên, chúng lại chứa một hoạt chất chính đáng sợ, đó là những phân tử gây đột biến gien và gây ung thư cho dạ dày, bàng quang, thận và tinh hoàn.

Đầu năm 2004, Giáo sư Jean - Louis VanherWeghem, thuộc Bệnh viện Erasme ở thủ đô Brussels, Bỉ, ngạc nhiên khi thấy Khoa Thận do ông phụ trách tiếp nhận rất đông phụ nữ mắc bệnh thận trầm trọng.

Họ đã theo một cách trị liệu để giảm béo tại cùng một phòng khám bệnh, được dùng một chế phẩm có chất nền là dược thảo theo y học cổ truyền Trung Hoa.

Một cuộc điều tra dịch tễ đã nhanh chóng xác định thành phần thủ phạm: đó là Aristolochia fangchi, một thực vật được ghi trong dược thư cổ Trung Hoa thuộc họ Nam mộc hương.
 
*Năm 1990 - 91, trên 100 phụ nữ Hoa Kỳ đã được chẩn đoán là bị thận bị xơ hóa bất phục hồi (irreversible interstitial fibrosis). Qua điều tra thì tất cả đều có mode uống loại thuốc thiên nhiên có chứa các dược thảo Trung quốc như Stephania tetranda, Magnolia officinalis và Pen fen…

St tetranda được Trung Quốc gọi là Fen Ji. Trong vài lô hàng, Fen Ji đuợc thay thế bằng Fanchi, còn được gọi là Aristolochia...

Aristolochic acid được xác định có trong thành phần sản phẩm mà các nạn nhân đã uống. Loại acid nầy có tính độc cho thận và gây ung thư.

Betz W. Epidemic of renal failure due to herbals.Sci Alt Med 1998:2:12-13

*Năm 1994 có 7 ca ngộ độc được báo cáo tại New York. Các nạn nhân đều có uống một loại trà dược thảo của Paraguay, Nam Mỹ. Sản phẩm có chức thảo mộc Ilex paraguariensis. Triệu chứng gồm có sốt nóng, đồng tử giãn nở và không còn phản ứng với ánh sáng (dilated and non reactive pupils), da và niêm mạc khô, và không nghe còn nghe được tiếng nhu động ruột (absent bowel sounds).

NMVR.Anticholinergic poisoning associated with an herbal tea, New york City 1994, Morbidity and mortality weekly report 1995 Mar 24:44(11):193,195

*Dược thảo Jin bu Huan (Trung quốc) gây nên tình trạng xáo trộn thần kinh và ảnh hưởng đến hoạt động của tim, và tổn hại gan (hepatotoxic).

Woolf GM. Acute hepatitis associated with the Chinese herbal product jin bu huan. Cedars-Sinai Medical Center, Los Angeles, California

http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/7944049

*Một phụ nữ 25 tuổi đến khám bác sĩ chuyên môn về tình trạng kinh kỳ quá nhiều (menometrorrhagia). Xét nghiệm labo cho thấy là thời gian đông máu bất bình thường (abnormal clotting time). Bệnh nhân quả quyết là cô ta không có xài các loại thuốc kháng đông Coumarin, nhưng xác nhận từ nhiều năm qua thường uống nhiều một loại trà dược thảo có tên là Seasonal Tonic.

Coumarin thiên nhiên đã được tìm thấy trong đậu tonka (tonka beans), melilot, và sweet  woodruff  là ba nguyên liệu sản phẩm Seasonal Tonic mà cô ta đã uống từ nhiều năm qua.

Hogan RP. Hemorrhagic diathesis caused by drinking an herbal tea. JAMA 1983;249:2679-2680

http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/6133016

*Bốn phụ nữ Trung quốc có biểu lộ triệu chứng ngứa ngáy do bệnh vẩy nến (psoriasis) gây ra một thời gian sau khi họ uống một loại loại trà dược thảo mua từ một du khách Ấn Độ.

Một người ngưng uống, trong khi ba ngưởi còn lại vẫn tiếp tục uống nên họ đều bị báng, nghĩa là bụng bị trương nước (ascites) và sưng gan (hepatomegaly). Hai người liền ngưng uống trà dược thảo nói trên thì triệu chứng cũng dần dần giảm đi. Người thứ ba, không nghe lời khuyên của bác sĩ và bà ta vẫn tiếp tục uống trà dược thảo nên sau đó phải bỏ mạng 8 tuần lễ sau đó vì bị suy gan liver failure, áp huyết gia tăng, xuất huyết bao tử và ruột.

Xét nghiệm tử thi và sinh thiết gan cho thấy bụng trương nước, tĩnh mạch thực quản trương to, rỉ máu và bao tử thấy có chất nhày nhuộm máu. Sản phẩm trà dược thảo cho thấy có chứa lá acorns, chà là dates, hạt, nhánh thảo mộc (?).

Phòng thí nghiệm cho biết lá có chứa một lượng chất unsaturated pyrrolizidine alkaloids. Và các lá trên nằm trong nhóm thực vật thuộc họ Compositae.

Kumana CR et al. Herbal tea induced hepatic veno occlusive disease:quantification of toxic alkaloid exposure in adults. Gut 1985;26:101-104

http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1432401/

*Uống trà dược thảo chamomile tea và peppermint tea trong một thời gian lâu dài có thể bị ngộ độc vì nước water intoxication và dẫn đến co giật do xáo trộn chất sodium trong máu.

Lipsitz DJ. Herbal teas and water intoxication in young child. J of Family Practice 1984;18(6):933-937.

http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/6726139?log$=activity

Kết luận

Ngày nay chúng ta phải nhìn nhận bên cạnh thuốc Tây, thuốc thiên nhiên và dược thảo cũng đã dự một phần không nhỏ trong việc bảo tồn sức khỏe của mọi người.

Nhưng phải cẩn thận…Không nên quá tin vào những lời quảng cáo mê hoặc!

...Thiên nhiên không phải là hoàn toàn vô hại…

Đừng bao giờ mua thuốc thiên nhiên mà nhãn hiệu không rõ rệt, và chỉ sử dụng thuốc thiên nhiên trong thời gian ngắn mà thôi (dưới 3 tháng) vì khoa học chưa biết ảnh hưởng về lâu về dài của món thuốc thiên nhiên đó ra sao cả!

Không nên quá tin vào các lời quảng cáo quá lố chẳng hạn như bảo đảm sẽ chữa khỏi bệnh, hoặc có thể ngừa được bệnh, hoặc họ nói đây là một loại thuốc nhiệm mầu đã được người Trung Hoa sử dụng từ cả ngàn năm nay rồi?

Nếu hỏi người bán đó là chất thuốc gì hay tên gì mà họ không chịu nói hoặc nói ấm a ấm ớ, thì tốt hơn hết là đừng nên mua!

Xem bài «Lang băm»
http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=25765

Mỗi khi đi khám bệnh, bạn cần phải nói rõ cho bác sĩ biết nếu bạn đang dùng loại thuốc thiên nhiên nào.

Nên hỏi ý kiến của bác sĩ và dược sĩ trường hợp bạn có ý định xài thuốc ngoại khoa.

Lời khuyên của các nhà chuyên môn rất ư là cần thiết, nếu bạn đang thường xuyên sử dụng các loại thuốc tây như: thuốc chống đông máu, thuốc làm loãng máu, thuốc làm giảm đường huyết, thuốc trị bệnh tim, hoặc lúc đang mang thai, lúc cho con bú, hay lúc bạn chuẩn bị để được giải phẫu và cuối cùng lúc bạn cảm thấy mình cần phải…sáng say chiều xỉn!

Tham khảo:

-BC Cancer Agency. Herbal Remedies

http://www.bccancer.bc.ca/PPI/UnconventionalTherapies/HerbalRemedies.htm


Dược sĩ Nguyễn Ngọc Lan & Bác sĩ Thú y Nguyễn Thượng Chánh