Home Đời Sống Dinh Dưỡng Nồi Cá Kèo Kho

Nồi Cá Kèo Kho PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Bình   
Thứ Sáu, 27 Tháng 11 Năm 2009 11:51

Có người bạn phương xa về thăm, má Năm đãi món cá kèo kho tiêu.

 Chợ Việt Nam có bán kèo tươi, không biết nguồn gốc cá từ đâu, cá đông lạnh hay cá ướp nước đá, ướp thuốc…những con cá kèo tươi xanh thịt chắc…đem về kho với thịt ba rọi, chấm rau đắng ăn cơm quên thôi.

Ông bạn xít xoa:

-Cá ở đâu mà ngon quá. Y chang cá tươi ở Việt Nam.

Chả là ông ta ở sa mạc Arizona ít hàng quán, ít người Việt nên ăn món lạ, món quê hương khen lấy khen để.

Cá kèo còn được gọi bằng một tên khác dễ thương hơn là các bống kèo. Cá có da xanh đen, và những sọc trắng dọc theo thân cá. Nó giống con cá bống nhưng không phải cá bống, cá kèo lá cá nước mặn. Cá kèo dễ ăn, làm được nhiều món từ canh chua, lẩu, kho mắm, nướng, cháo… nhưng có món kho tiêu kho tộ ăn với cơm trắng rau luộc thì rất đậm đà.

Má Năm sắp cá đã ướp gia vị vào ơ đất (người ở thành kêu bằng tay cầm), nêm nước mắm và nước màu. Để lửa riu riu. Con cá kèo kho đúng cách sẽ khô nhưng không cứng, bên ngoài mặn mà bên trong lạt, vị cay cay, mặn mà hơi ngọt.

Khi ăn có vị đắng của mật, vị béo của ruột gan cá cùng thịt ba rọi Ở miền quê Nam Kỳ, cá kèo kho tiêu ăn cơm trắng chấm rau đắng. Cá kèo kho tiêu là món ngon của người Lục Tỉnh. Bên cạnh món kho tiêu, cháo cá kèo là món ăn dân dã ở xứ Cà Mau. Người ta nói, cá kèo là một loại hải sản nhiều chất dinh dưỡng, bổ, thơm và đặc biệt tăng cường sinh lực cho người ăn.

Chế biến cháo cá kèo đơn giản: Cá kèo được rửa sạch để cạnh bếp ăn bắt một nồi cháo trắng, nấu nhừ nêm nếm vừa ăn, khi cháo vừa nhừ cho cá kèo còn tươi vào. Món cháo cá kèo phải vừa ăn vừa thổi mới thấy hết vị ngon và hấp dẫn của nó.

Cháo cá kèo chẳng khác nào một phương thuốc thần mỗi khi ăn, sẽ làm ta quên hết ưu phiền mệt mỏi, và nhất là giải nhiệt sau một ngày mệt nhọc.

Đó là chuyện ngày xưa, nhưng từ khi con cá kèo được nuôi thì ngư dân ven biển Bạc Liêu, Sóc Trăng không còn cảnh bắt cá như ngày xưa. Ngày xưa, cá kèo theo nước từ biển vào đất liền vào đầu mùa mưa. Cá kèo rất thích ở những vùng đất lầy lội, khi có tiếng động là chúng chạy vào hang ào ào như vải cát xuống nước. Cá kèo sinh ở nước mặn nhưng sống nước ngọt, hoặc nước “chè hai”. Khoảng tháng 8 âm lịch cá kèo lớn, khi nước lớn chúng tràn lên ruộng, tràn xuống kênh mương để tìm đường ra sông lớn. Đó là lúc bắt cá kèo vào vụ.

Nói chuyện ngày xưa ở Bạc Liêu, hầu như nhà nào cũng có một vài cái nò đặt tại các mặt đập. Nhiều gia đình còn đóng đáy tại các kinh rạch quanh làng và đóng đáy trên sông Bạc Liêu để bắt cá. Vào mùa cá lớn tràn ra ruộng xuống kênh mương, trên mặt kênh cá kèo nổi đầu không thấy nước, chúng lũ lượt vào đáy đến cột đáy phải xiêu vẹo, nhiều đáy cả tấn cá kèo. Vùng đất muối ven biển Bạc Liệu, Sóc Trăng nổi tiếng Nam kỳ xưa là vùng đất của cá kèo. Mùa hạn thì làm muối, đến mùa mưa dân Bạc Liêu lại thuê kênh bắt cá kèo. Trào Pháp thuộc, người ta đào kênh dùng để dẫn nước mặn vào làm muối và cho ghe xuồng chở muối đi, những người thuê các con kênh này đã cho xây dựng những cái nò. Khi nước lên tràn vào, cá trên lô đổ xuống kênh và vào nò. Cá kèo bắt được cho vô thùng sắt, ghe xuồng chở xuống chợ Bạc Liêu, hoặc đi về Sài Gòn. Cá chết thì làm khô. Khô cá kèo cũng là một đặc sản có tiếng. Cá kèo đã làm đời sống người nông thôn vùng Cà Mau, Bạc Liêu thêm phong phú.

Trong dân gian, người ta bắt các kéo bằng nhiều cách. Ngoài cáh đặt nò, người ta còn đi thụt, đi soi. Nếu đi thụt thì nên chọn ngày nước xuống, khi đó cá ở hang. Cá kèo đang lên ăn mà thấy bóng người là trốn vào hang. Hang cá kèo thường có đến 2, 3 miệng, thọc tay vào miệng này nó sẽ nhảy ra miệng kia cho nên phải dùng một tay thụt hang một tay chặn “ngách”. Đi soi vào lúc nước lên mà cá kèo lại không chịu “chạy nò” là vô kênh mương...thì dùng nơm úp cá.

Người Bạc Liêu hay nói: “Cá kèo dễ ăn”, nấu kiểu gì ăn cũng ngon và người có khó tính mấy cũng ăn được. Những bữa cơm đạm bạc của người bình dân xưa thường chỉ có cá kèo kho tiêu, cháo cá kèo, khô cá kèo nướng chấm nước mắm me. Những người lớn tuổi của Bạc Liêu có kể một cách ăn cá kèo là dùng đũa gắp cái đầu con cá kèo rồi bỏ vào miệng tuốt một cái, trên đầu đũa chỉ còn lại bộ xương cá. Cá kèo kho mắm cũng được liệt vào hàng đặc sản.

Con cá kèo ở Mỹ được nhập cảng từ Việt Nam. Có cá kèo kho đông lạnh, khô cá kèo…và mấy lúc gần đây còn có các kèo tươi.

Má Năm thích ăn cá kèo. Với má thì “Con cá kèo là giống cá có nhiều tại miền đồng bằng lục tỉnh. Nó nhiều và rẻ đến nổi….khi người ta chê nhau thì người ta nói “hạng cá kèo”. Nhưng nó là sản vật trời cho người nghèo. Như cá linh, cá kèo gắn liền với đòi sống dân dã. Ăn cá kèo để còn biết mình là người Việt Nam.”