6 phụ nữ gốc Việt được TNS Lou Correa vinh danh |
Tác Giả: Ngọc Lan/Người Việt | |||||||||||||
Thứ Bảy, 10 Tháng 3 Năm 2012 06:27 | |||||||||||||
'Công việc thầm lặng, không ngờ được biết đến' WESTMINSTER (NV) - Ngạc nhiên. Bất ngờ. Hạnh phúc. Và hãnh diện. Ðó là cảm giác chung của 6 người phụ nữ Mỹ gốc Việt ở địa hạt 43 được Thượng Nghị Sĩ Lou Correa vinh danh qua giải thưởng “Women Making A Difference Award” hôm 9 tháng 3. Ðây là 6 người phụ nữ gốc Việt đã làm việc âm thầm nhưng rất năng nổ trong cộng đồng Việt Nam suốt nhiều năm qua. Ðó là cựu Thiếu Tá Biệt Ðội Thiên Nga VNCH Nguyễn Thanh Thủy; cô Trần Thị Liên, Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Thủy Quân Lục Chiến; cô Nghiêm Thị Thanh Hà, thiện nguyện viên liên tục nhiều năm cho các tổ chức cựu chiến binh; cô Nguyễn Tiến Quỳnh Giao thuộc Hội Ái Hữu Binh Chủng Truyền Tin; cô Cao Thị Ðiệp, Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử Miền Quảng Ðức Tây Nam Hoa Kỳ, Ban Ðại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ; và cô Vi Nguyễn, điều hợp viên của Cộng Ðồng Người Việt tại Orange County phụ trách cao niên. Nhân dịp này, phóng viên Người Việt đã có dịp chuyện trò, nghe tâm tình, chia sẻ của những người phụ nữ này. *** Bà Nguyễn Thanh Thủy, cựu thiếu tá Biệt Ðội Thiên Nga VNCH:
“Tôi không hề biết gì về giải thưởng này cũng như ai đã giới thiệu mình, cho đến khi văn phòng TNS Lou Correa gọi điện thoại đến báo tin. Thật là bất ngờ! Tôi cảm thấy vui vì không bao giờ nghĩ tới điều này. Bởi chuyện mình đi làm thiện nguyện, làm việc cộng đồng thì đã làm từ nhiều năm nay nhưng không muốn ai biết. Còn chuyện từng ở tù 13 năm vì là đội trưởng biệt đội Thiên Nga thì cũng là chuyện quá lâu rồi.” Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy từng là biệt đội trưởng của đội tình báo Thiên Nga, trực thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Sau 13 năm bị tù đày dưới chế độ cộng sản, bà đến định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1992 theo chương trình H.O. Từ đó, bà đã tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện trong cộng đồng Việt Nam và Hội Cứu Trợ Quả Phụ Thương Phế Binh VNCH suốt nhiều năm qua. Bà hiện đang là người phụ trách chương trình “quả phụ” của hội, giúp đỡ cho rất nhiều gia đình thương binh và quả phụ của các chiến binh VNCH trước đây đã tử trận hay mất tích trong chiến trận suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam trước năm 1975. Ngoài việc thường xuyên có mặt trong các buổi lễ hội, sinh hoạt hội đoàn và cộng đồng tại Quận Cam, cựu Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy còn tham gia trong hội Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ.
“Rất ngạc nhiên, rất hạnh phúc vì nghĩ là mình có xứng đáng gì đâu để nhận được vinh dự này!” Sang Mỹ từ năm 1975, cùng hai người em gái, sau 3 năm làm việc trong vai trò của một cố vấn tìm việc làm cho những người Á Châu mới định cư tại Minnesota, bà Liên dọn về California và xin vào làm ở Sở Xã Hội Orange County từ đó đến nay. “Thời gian đầu ở đây có rất ít người Việt Nam, mà đa số lại là những người từng có bằng cấp, địa vị ở Việt Nam nên việc tìm đến Sở Xã Hội để xin trợ cấp khiến họ rất ngại ngùng, trong khi mình thấy người Việt Nam đến thì mừng lắm. Qua mấy mươi năm làm công việc này, tôi thấy rõ ràng người Việt Nam hội nhập rất mau lẹ với đời sống, nên thấy vui lắm! Ước muốn hiện giờ của tôi là có nhiều sức khỏe để tiếp tục giúp đỡ cho cộng đồng và thương phế binh, bởi đời tôi còn dài có bao lâu đâu để có thể làm được những việc như vậy. Nên cứ làm được gì thì cứ dấn thân làm, dù mình lúc nào cũng chỉ là người đứng phía sau lưng.”
“Thấy hãnh diện và ngạc nhiên! Ðúng hơn là ngạc nhiên, không biết tại sao mình lại được như vậy, cứ nghĩ mình vô danh tiểu tốt ai ngờ cũng có người biết đến mình để nêu danh!” Bà Thanh Hà đến với công việc làm thiện nguyện rất ngẫu nhiên, “Xưa nay thấy số mình được nhiều người giúp đỡ mà mình đâu có bao giờ có dịp trả ơn lại cho những người đó. Thôi thì mình đi giúp đỡ người khác vậy. Trước đây cứ nghĩ là khi nào về hưu thì mới đi làm những công việc thiện nguyện như thế này, chứ đâu ngờ là điều đó lại đến từ lúc nào, và mình làm luôn cho tới bây giờ.” Bà Thanh Hà bắt đầu làm công việc thiện nguyện từ năm 94-95, từ khi có chương trình trợ giúp pháp lý cho người tị nạn (LAVAS). Sau đó bà lại làm việc cho Hội Hiến Tủy Á Châu A3M. Thời gian sau, bà Thanh Hà là thành viên của Hội H.O., tiền thân của ROV Disabled Veteran and Widows Relief Association - Hội Cứu Trợ Quả phụ và Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa, với vai trò thủ quỹ.
“Rất ngạc nhiên, mừng và hãnh diện về điều mà Thượng Nghị Sĩ Lou Corrrea đã cho tôi và cũng hãnh diện là vì được các anh chị trong văn phòng chú tâm tới mình để họ để cử đề nghị mình. Nhưng tôi cũng nghĩ là cái này không cho riêng tôi mà là cho tất cả những người đàn bà Việt Nam mà tôi chỉ là một thành phần nhỏ trong đó thôi. Danh dự này thực ra là của hết mọi người phụ nữ đó.” Khi định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1975, bà Quỳnh Giao đã tham gia ngay vào hầu hết những sinh hoạt thiện nguyện và xã hội trong cộng đồng Việt Nam, nhất là các hoạt động liên quan đến cựu chiến binh. Sau khi Trung Tá Nguyễn Văn Tiến, chồng bà qua đời, bà Quỳnh Giao thay chồng tiếp tục tham gia vào công việc tổ chức và điều hành Hội Ái Hữu Truyền Tin. Cho đến bây giờ, bà vẫn là một thành viên tích cực của hội. Nói về ước mơ của mình, bà Quỳnh Giao cho biết, “Tôi ước mơ đất nước hòa bình để mình được về sống lại thời Cộng Hòa, để các con các cháu biết được đời sống yên ổn của chế độ. Không còn cảnh đất nước xào xáo như hiện tại. Tôi không ham giàu vì tôi già rồi ăn chỉ chừng đó, mặc chỉ chừng đó, ở chỉ chừng đó, thì ước mơ của tôi chỉ là muốn thấy đất nước của mình hoàn toàn là của người Việt Nam mình mà thôi.
“Thực ra thì nói mình không vui thì đó là nói dối. Mừng nhưng trước tiên là hơi bất ngờ. Không ngờ là mình lại được bên văn phòng ông Lou Correa vinh danh. Ðiều thứ hai thực lòng mà nói tôi nghĩ là còn rất nhiều người khác làm được nhiều việc hơn tôi, xứng đáng hơn. Sang Mỹ từ năm 1990, theo diện HO1. Khi sang đây, thấy các con đi học và bắt đầu nói tiếng Mỹ thì việc đầu tiên tôi nghĩ là làm sao giữ được ngôn ngữ cho các con trong gia đình. Lúc đó cũng có một cái duyên là ở chùa Bát Nhã có cộng tác làm việc cho một đài phát thanh chương trình Phật Giáo Hương Sen. Tôi làm cho đài đó. Trong thời gian này người phụ trách chương trình có yêu cầu thành lập một gia đình Phật Tử tại chùa Bát Nhã, và trong đó có một lớp Việt ngữ để giữ gìn ngôn ngữ trước hết là cho con mình, sau là cho thế hệ trẻ gốc Việt ở đây. Thế là năm 1991, hai vợ chồng tôi bắt đầu thành lập gia đình Phật tử có trung tâm Việt Ngữ ngay chùa Bát Nhã. Tôi làm công việc này như một đam mê, một sở thích. Tôi yêu các em nhỏ, hôm nào phải vắng mặt thì rất là nhớ. Nó làm như một cái nghiệp vậy, như Nguyễn Du nói: Bắt phong trần phải phong trần Cho thanh cao mới được phần thanh cao Có lẽ trong tiền kiếp mình làm công việc này chưa có tròn cho nên kiếp này có những dung rủi, có những cái duyên để cho mình làm, mà làm một cách đam mê chứ không phải làm cho hết chuyện.” Bà Ngọc Ðiệp hiện là Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử Miền Quảng Ðức Tây Nam Hoa Kỳ, Liên đoàn trưởng trung tâm trưởng Trung Tâm Việt ngữ Gia Ðình Phật Tử Liên Hoa, Thành viên Hội Ðồng Ðiều Hành Ban Ðại Diện Các Trung tâm Việt ngữ Nam California. Ngoài giờ làm công tác xã hội, việc yêu thích nhất của bà Ðiệp là trồng hoa, lên Internet đọc sách, nói chuyện với bạn bè.
“Thấy rất vui và rất hãnh diện bởi niềm vui đó tôi không chỉ cho riêng tôi thôi mà còn cho những người làm việc như tôi, những chương trình mà tôi đang tham gia thực hiện.” Vi Nguyễn là người phụ nữ Mỹ gốc Việt nhỏ tuổi nhất trong số những người được Thượng Nghị Sĩ Lou Correa vinh danh lần này. Sanh ra ở Mã Lai, sau đó sang Úc sinh sống cho tới lúc 14, 15 tuổi Vi Nguyễn mới sang Mỹ, ở tiểu bang Washington, trước khi chuyển về làm việc giúp đỡ cộng đồng Việt Nam ở Nam California. Nói về lý do vì sao muốn làm việc chung với cộng đồng Việt Nam, giúp đỡ cho cộng đồng Việt Nam, Vi Nguyễn cho biết: “Hồi xưa thì không có nghĩ tới cộng đồng, chỉ nghĩ đến chuyện giúp ba mẹ thôi. Lúc đi học đại học mới học về các vấn đề của người Mỹ gốc Việt nên mới muốn giúp làm trong cộng đồng. Sau 3 năm làm việc, Vi cảm thấy vui dù biết là còn rất nhiều việc cần phải làm với cộng đồng. Vi cũng lo là vì trong lúc làm việc thấy có nhiều người cần giúp mà kinh tế Mỹ đang xuống quá, thành ra Vi cảm thấy là nhiều người lớn tuổi không có ai giúp đỡ, lại có thêm nhiều người bên Việt Nam mới qua, họ thấy là bên này sống còn khổ hơn bên Việt Nam nữa, thì thấy cũng buồn một chút.” Chia sẻ thêm về buồn vui trong công việc, cô gái trẻ này nói: “Nhiều người không có hiểu, cứ nghĩ rằng nộp đơn xin là được nhưng mà hệ thống không có phải như vậy. Với những người có thái độ như vậy thì mình lịch sự xin lỗi họ, giải thích cho họ hiểu các chương trình đó là như thế nào và giải thích cho họ hiểu, hoặc là giới thiệu họ đến chỗ khác để giúp.” “Qua 3 năm làm với cộng đồng Việt thì mình hiểu nhiều thêm. Hồi lúc mới vô thì không có biết nói tiếng Việt nhiều. Nhờ vô đó làm mới rành thêm tiếng Việt một chút, hiểu thêm về lịch sử cộng đồng người Việt, hiểu thêm về lịch sử chiến tranh VN, hiểu tại sao họ phải từ bỏ tất cả, tại sao họ phải sang đây,... mình hiểu thêm nhiều thứ.” Cô Vi Nguyễn là một điều hợp viên phục vụ cho cộng đồng cao niên Việt Nam tại Quận Cam. Là người ủng hộ cho công bằng xã hội đối với những cao niên, cô đảm trách việc hướng dẫn dịch vụ phục vụ tại nhà cho cao niên, trong đó đa số là những người cô độc sống một mình trong nhà. Hai lần mỗi tháng, Vi Nguyễn cùng các thành viên trong VNCOC-Cộng đồng Người Việt Quận Cam, phối hợp chở thực phẩm, vật dụng cá nhân cho các vị cao niên này. Từ công việc đáng quý này, cô đã được quý vị cao niên quý mến và gần gũi như người thân thuộc.
|