Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Ðội học sinh giỏi Academic Decathlon: Thầy trò đi thi, thiếu sự hỗ trợ

Ðội học sinh giỏi Academic Decathlon: Thầy trò đi thi, thiếu sự hỗ trợ PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngọc Lan, Linh Nguyễn / Người Việt   
Thứ Ba, 28 Tháng 2 Năm 2012 06:16

Ðiều đặc biệt, nếu đội tuyển của trường Valencia, thuộc học khu Placentia-Yorba Linda, có duy nhất một học sinh gốc Việt, thì hơn 90% các em trong đội tuyển của trường trung học La Quinta thuộc học khu Garden Grove, và trung học Westminster, là học sinh Việt Nam.

WESTMINSTER (NV) - “Bình thường thấy chỉ là mấy đứa mình với nhau, chơi giỡn với nhau thôi, chứ đâu có nghĩ mình là đội được xếp hạng 12 trong toàn tiểu bang California đâu. Thành ra khi nhìn thấy rõ ràng đó là tên của đội mình được xếp hạng trên giấy thì thấy lạ lắm!” Khuê Trần nói bằng nụ cười và ánh mắt vừa ngạc nhiên lẫn tự hào.

Các em trong đội Academic Decathlon thuộc trường Westminster High sẽ
tham dự kỳ thi California Academic Decathlon tại Sacramento vào tháng
3, 2012. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Khuê Trần, đang học lớp 12, là một trong tám thành viên của đội tuyển Academic Decathlon thuộc trường trung học Westminster, ở thành phố Huntington Beach.

Năm nay, ba trường thắng giải để đại diện cho 75 trường trung học ở Orange County tham dự kỳ thi Academic Decathlon cấp tiểu bang California tại thủ đô Sacramento, là Valencia, La Quinta, và Westminster High.

Ðiều đặc biệt, nếu đội tuyển của trường Valencia, thuộc học khu Placentia-Yorba Linda, có duy nhất một học sinh gốc Việt, thì hơn 90% các em trong đội tuyển của trường trung học La Quinta thuộc học khu Garden Grove, và trung học Westminster, là học sinh Việt Nam.

Tuy nhiên, niềm tự hào và hãnh diện này dường như không được cộng đồng người Việt tại đây quan tâm và đầu tư đúng mức từ nhiều năm qua.

***

Hơn 3 giờ 30 chiều Thứ Ba, từ ngoài “nông trại” của trường trung học Westminster, nhóm học sinh trong đội tham dự kỳ thi Academic Decathlon lại ùa vào lớp học khi bạn bè đã ra về. Trong lúc học trò còn xôn xao tiếng cười nói, chọc ghẹo lẫn nhau, thầy giáo Eric Brothwell, huấn luyện viên của đội, mang vào một khay thức ăn trông như “chả giò Mexico” nóng hôi hổi.

Nghe tiếng “mời ăn” của thầy, cả nhóm học trò ùa lại bóc lấy, ăn một cách ngon lành, hồn nhiên. Rồi ngay sau đó, mỗi em một góc, giở xấp tài liệu ôn tập ra và bắt đầu học môn Science, với sự có mặt của thầy Brothwell, sẵn sàng trả lời các thắc mắc cho các em.

Ðó là hình ảnh một buổi ôn tập của đội tuyển học sinh Academic Decathlon trường trung học Wesmtinster, chuẩn bị tham dự kỳ thi cấp tiểu bang vào giữa tháng 3 tới đây. Ðội thắng giải lần này sẽ được tham dự kỳ thi cấp toàn quốc.

Ðội tuyển của trường trung học Westminster có 8 học sinh, trong khi đội của trường La Quinta có 9 học sinh. Ða số các em là học sinh lớp 12, tuy nhiên cũng có những em đang học lớp 10, lớp 11. Các em được chia ra làm ba nhóm: Nhóm “Honors” (ba học sinh), có điểm trung bình GPA từ 3.75 đến 4.00; nhóm “Scholastic” (ba học sinh), có điểm trung bình GPA từ 3.00 đến 3.74; và nhóm “Varsity” (hai hoặc ba học sinh), có điểm trung bình GPA từ dưới 3.00.

 Học cực lắm!

 Khác với những kỳ thi học sinh giỏi thường thấy ở Việt Nam là học sinh chỉ thi một môn, cuộc thi Academic Decathlon bắt buộc học sinh phải thi cả 10 môn, gồm có toán, kinh tế, vật lý, văn chương, lịch sử, nghệ thuật, speech, viết luận văn...

Chính từ điều này mà ngay hôm dự thi vòng SuperQuiz cấp địa hạt, em Stephanie Lê đã nói với phóng viên Người Việt rằng, “Em sợ lắm, vì có tới 10 môn lận nên sợ không có thắng.”

Ðể có thể luyện 10 môn học, không giới hạn đâu là đâu, các em được tuyển chọn đi thi phải học một cách cật lực ngay từ tháng 6 năm 2011.

“Thứ Bảy cũng học, Chủ Nhật cũng học, Winter break cũng học,” như em Aileen Phạm, thành viên nhỏ nhất trong nhóm, đang học lớp 10, “bẽn lẽn” tiết lộ.

Kimberky Phan, học sinh duy nhất của đội Westminster có kinh nghiệm tham dự kỳ thi từ năm ngoái, nói bằng giọng khào khào, nhỏ nhẹ, “Cứ sau giờ học mỗi ngày, trong khi các bạn khác về thì tụi em ở lại học đến khoảng 5 giờ rưỡi. Riêng Thứ Hai, Thứ Tư, Thứ Sáu thì sau khi ở đây về, tụi em lại đến nhà một bạn trong nhóm để học tiếp đến tối.”

Stephanie Lê, đang học 12, thuộc nhóm “Scholastic”, cho biết, “Học khó lắm cô ơi vì vừa phải làm bài ở lớp, vừa học cái này nên khó lắm. Nhưng vì em thấy học cái này có ích cho em nên em học, em thích.”

Mỗi ngày Stephanie đi ngủ lúc 1, 2 giờ sáng, và chỉ có khoảng 5 đến 6 tiếng để ngủ mỗi ngày.

Thầy Eric Brothwell, hướng dẫn các em môn Science, cho biết:

“Các em học mỗi ngày sau giờ học chính thức, thường đến khoảng 5 giờ chiều. Cả ngày Thứ Bảy các em cũng học, bắt đầu từ Mùa Hè và chuyện này chỉ chấm dứt khi chúng tôi thi xong.”

Ðưa mắt nhìn đám học trò ngồi trước máy vi tính, chăm chú bên xấp tài liệu hướng dẫn, thầy Brothwell nói tiếp, “Không bao giờ các em nghỉ ngơi, các em học một cách không tưởng tượng được. Tôi cũng không biết làm sao các em có thời gian làm bài tập trong lớp được nữa.”

“À, mà chắc các em không biết 'school work' là cái gì đâu. Ðứa nào trong lớp cũng bị ‘fail’ hết đó!” Nghe thầy trêu như vậy, cả đám học trò cười ran.

“Dồn sức học cho mười môn thi này thì những bài homework trong trường thế nào?” Tôi nêu thắc mắc với Kimberly.

Cô bé cười lắc đầu, “Bỏ qua hết cô ơi. Nhưng mà cuối cùng cũng xong thôi.”

Ðể dành hết thời gian cho chuyện học, những môn giải trí khác như chơi football, tập thổi kèn saxophone, học võ... của các em đều được “cất” hết sang một bên, chờ thi xong rồi mới tính.

Với các em trong đội tuyển của trường La Quinta cũng thế.

Thầy Robert Ha, người huấn luyện của đội La Quinta, cho biết ngay từ Mùa Hè các em được nhận các câu hỏi để ôn luyện và “Bắt đầu từ cuối năm 2011, mỗi tuần các em gặp nhau 2 lần để thực tập cho cuộc thi.”

 Thi học sinh giỏi theo kiểu “con nhà nghèo”

Hiệu Trưởng Denise L. Halstead (bìa trái, hàng cuối), thầy Robert Ha (bìa phải),
thầy giáo huấn luyện, cùng các học sinh trong đội Academic Decathlon thuộc
trường La Quinta sẽ tham dự kỳ thi California Academic Decathlon tại
Sacramento vào tháng 3, 2012. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Chỉ vào tên những trường từng đoạt giải vô địch Academic Decathlon cấp tiểu bang hay toàn quốc, thầy Huy Phạm, dạy môn Sinh-Hóa của trường trung học Westminster, nhận xét, “Toàn là trường nhà giàu không à chị!”

“Tại sao trường nhà giàu mới đoạt giải?”

“Vì giàu nên trường và phụ huynh mới có nhiều tiền mua nhiều tài liệu hướng dẫn ôn tập cho các em.” Thầy Huy trả lời.

Với 10 môn thi không giới hạn như vậy, nhiều công ty chuyên về giáo dục đã soạn ra những “cẩm nang ôn tập,” như một hình thức đề thi mẫu để học sinh luyện tập. Dĩ nhiên, những tài liệu này được bán với giá “rất là đắt” như lời thầy Eric Brothwell thừa nhận.

Thầy Huy kể, từ nhiều năm qua, một cô giáo người Mỹ, từng là người huấn luyện đội Academic Decathlon của trường trung học Westminster, nay đã về hưu, “mỗi năm bỏ ra hai, ba ngàn đô la để mua tài liệu này cho các em ôn tập”.

Tuy nhiên, một bộ tài liệu thì không thể đủ cho các em thực tập. Vì thế, dựa vào “đề mẫu” đó, các thầy cô giáo tự soạn thêm bài cho học trò mình.

Trước mặt mỗi em là một xấp tài liệu dày khoảng 60 trang hướng dẫn ôn tập môn Science với đầy những nét “high light” mà mỗi em tự đọc và tự đánh dấu xem cái nào là quan trọng với mình.

Từ tài liệu này, theo yêu cầu của thầy Brothwell, trong buổi ôn tập ngày hôm đó, mỗi em sẽ đọc và soạn ra 8 câu hỏi, mỗi câu có 5 lựa chọn đúng-sai. Sau đó thầy gom lại, làm thành một “đề thi mới” để các em rèn luyện tiếp.

Ðiều lạ lùng nhất là khi quan sát, tìm hiểu viết bài, phóng viên Người Việt mới biết rằng, thời gian thầy cô bỏ ra để huấn luyện các em sau mỗi giờ học là hoàn toàn thiện nguyện, “không có lương”.

Em Khuê Trần nói bằng sự thán phục và biết ơn, “Thầy cô giúp tụi em nhiều lắm đó. Như môn tiếng Anh, cô giáo bỏ giờ ăn trưa ra để giúp mình trong suốt cả tuần lễ trước khi đi thi.”

Khuê kể, “hồi trước em sợ nhất là thi môn 'speech' vì ngồi nói trước bao nhiêu người nên em run quá là run. Nhờ có cô giúp mình mấy tháng qua nên em đỡ lắm. Giờ đây đó lại là môn em thích nhất.”

Từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, cứ sau giờ học là các em lại ở lại trường để được thầy cô của những bộ môn khác nhau giúp các em ôn tập để đi thi. Ngày Thứ Bảy cũng vậy. Chỉ có ngày Chủ Nhật là các em tự học với nhau.

Không chỉ vậy, tiền bỏ ra mua thức ăn bồi bổ cho các em sau mỗi buổi học để các em có sức, tiền bỏ ra mua tài liệu đề thi cho các em tham khảo, và một phần tiền chi phí để các em có mặt tại thủ đô Sacramento tham dự cuộc thi cũng đều là tiền túi các thầy cô giáo bỏ ra.

“Không biết sao đối với các môn 'academic' như thế này thì khó tìm được sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân, trong khi các học sinh đi thi thể thao thì lại rất dễ dàng.” Thầy Huy nói tiếp. “Năm ngoái có một mạnh thường quân tặng các em $3,000 để đi thi. Năm nay có vẻ khó khăn hơn.”

Không tìm được sự đóng góp từ cộng đồng, các thầy cô giáo lại tiếp tục làm người móc tiền ra cho các em. Tùy theo lòng hảo tâm của mỗi thầy cô, mà người bỏ ra một trăm, người nhiều trăm, hùn lại cho các em có thêm chi phí mua vé máy bay và thuê khách sạn ở trong suốt kỳ thi, từ ngày 15 đến 18 tháng 3.

“Một vài thầy cô lại cho các em thêm tiền để tiêu lặt vặt trong chuyến đi,” thầy Bảo Khang, một thầy giáo trẻ dạy môn Science của trường cho biết thêm.

Hạnh phúc được làm “học trò nghèo chiến thắng”

Học miệt mài, cật lực và trong hoàn cảnh thiếu thốn nhiều phương tiện như vậy, nên khi giành được tấm vé đại diện cho Orange County tham dự thi cấp tiểu bang, các em học sinh gốc Việt đã không thể nào giấu được niềm tự hào và vui sướng của mình.

Trong khi em Wendy Fung, học lớp 10, học sinh duy nhất không phải gốc Việt trong đội tuyển trường La Quinta “quá đỗi ngạc nhiên” về kết quả mà đội em đạt được, thì Kimberly Vũ, và Bảo Minh Hoàng, cùng học lớp 12, cứ cho rằng “đó như một giấc mơ, không thể tin được”.

Ðội Academic Decathlon của trường trung học La Quinta đứng đầu bảng thứ 2 trong kỳ thi Orange County Academic Decathlon (OCAD) vừa qua.

“Tụi em sẽ phải chăm chỉ hơn nữa để học mọi thứ,” em Bảo Minh nói.

Với trường trung học Westminster, do thành tích 5 lần đạt hạng cao nhất trong kỳ thi OCAD nên dường như áp lực lên các thành viên trong đội có vẻ nặng nề hơn. Tuy nhiên, dù đứng thứ hai trong bảng 1, sau trường Valencia, nhưng các em vẫn đang cố gắng hết sức để làm nên điều kỳ diệu nào đó trong lần thi sắp tới.

Dennis Ðặng, học lớp 11, thành viên đội tuyển của trường trung học Westminster, tâm sự, “Ngày nào cũng học, ngày nào tụi em cũng thấy nhau nên vui lắm cô, vì đội của mình như một gia đình thứ hai vậy đó.”

Là thành viên duy nhất không phải gốc Việt trong nhóm, Sarah Ibrahim, đang học lớp 12, thỏ thẻ, “Toàn đội là các bạn gốc Việt không à, nhưng em chẳng thấy có vấn đề gì liên quan đến chuyện đó, không có bị tác động gì bởi chuyện đó hết.”

Ðược cùng cả đội lên Sacramento tham dự kỳ thi cấp tiểu bang, Sarah cảm thấy rất vui vì “Chúng em được đi cùng với nhau.”

Theo Sarah, mỗi tuần em bỏ ra khoảng 40 tiếng cho việc học thi này, bao gồm cả tự học ở nhà, học nhóm với nhau và học sau giờ tan lớp.

“Những khi em cảm thấy không vui, mệt mỏi, em nói với các bạn trong đội, thế là các bạn giúp em để em thấy đỡ hơn, nên chưa bao giờ em muốn bỏ cuộc hết.” Sarah bày tỏ.

Khuê Trần, cô bé đã “tin chắc rằng đội mình sẽ lên tới Sacramento” ngay sau hôm thi vòng SuperQuiz OCAD, tâm sự, “Hồi trước thấy chuyện mình lên Sacramento thi còn là giấc mơ. Nhưng giờ thấy mỗi ngày mỗi gần đến ngày lên đường, thấy được chỗ mình đứng là ở đâu, thì lại thấy lạ lắm!”

Thầy Eric Brothwell, thầy giáo huấn luyện, và em Lily Phạm, một thành
viên trong đội Westminster High, đang cùng xem xét một vấn đề của
môn Science. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Bình thường thấy chỉ là mấy đứa mình với nhau, chơi giỡn với nhau thôi, chứ đâu có nghĩ mình là đội được xếp hạng 12 trong toàn tiểu bang California đâu. Thành ra khi nhìn thấy rõ ràng đó là tên của đội mình được xếp hạng trên giấy thì thấy lạ lắm!” Khuê cười một cách hạnh phúc, trước khi quay trở lại với bài học dở dang của mình.

***

Tôi rời cổng trường khi nắng chiều bắt đầu nhạt.

Bức hình các em học sinh da trắng ở Los Angeles thắng giải America Academic Decathlon năm trước rạng rỡ nụ cười khi được chụp hình chung với tổng thống cứ ám ảnh trong đầu.

Có lẽ các thầy cô giáo của trường trung học La Quinta hay trung học Westminster, đều cũng như tôi, ao ước, giá như đó là những gương mặt học trò mình, hầu hết là Việt Nam, thì sẽ tự hào và hãnh diện biết bao nhiêu!

Tôi nhớ đến khay bánh người thầy tự tay làm cho học trò mình. Tôi nhớ đến hình ảnh các em tự soạn đề ôn tập cho mình. Tôi nhớ đến chuyện thầy Bảo Khang đôn đáo chạy đi tìm người tài trợ cho các em.

Và chợt nghĩ, phải chăng chuyện giáo dục học hành của thế hệ Việt lớn lên tại đây là chuyện riêng của mỗi nhà, chứ không phải là chuyện cộng đồng cần quan tâm, hỗ trợ, từ mấy mươi năm qua.