Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Viện Dưỡng Lão Mekong Việt Nam tại Melbourne, Australia

Viện Dưỡng Lão Mekong Việt Nam tại Melbourne, Australia PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Khắp Nơi   
Thứ Hai, 27 Tháng 2 Năm 2012 07:21

 Cư Xá Cao Niên Đông Dương Mekong đã được khánh thành bởi Dân Biểu Liên Bang Lindsay Tunner, người góp công lao lớn nhất giúp hoàn tất viện dưỡng lão đầu tiên của người Việt Nam tại Melbourne, Tỉểu bang Victoria.

                                                          VIỆN DƯỠNG LÃO MEKONG

               Sau gần 20 năm sống nơi quê hương thứ hai, cộng đồng người Việt đã thấm mệt, cần phải có một trung tâm săn sóc những người lớn tuổi. Với nhu cầu đó, hội Người Tỵ Nạn Cao Niên Đông Duơng - Indochinese Elderly Refugee Association Victoria Incoprated (IERA) đã đề ra chương trình xây cất Nhà Duỡng Lão vào năm 1994.

        Lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất Nhà Dưỡng Lão Mekong đã được tổ chức vào ngày 11 11 1994 duới sự chủ tọa của Dr. Trang Thomas, Nữ Giáo Sư Úc gốc Việt của Trường Đại Học Royal Melbourne Institute of Technology (RMIT).

        Sau hơn một năm trời đầy những khó khăn, việc xây cất đã hoàn thành.

        Cư Xá Cao Niên Đông Dương Mekong đã được khánh thành bởi Dân Biểu Liên Bang Lindsay Tunner, người góp công lao lớn nhất giúp hoàn tất viện dưỡng lão đầu tiên của người Việt Nam tại Melbourne, Tỉểu bang Victoria.

        Cư xá tọa lạc trên một khu đất rộng 3,300 m2, tại số 6-10 Trott Place, Keilor East VIC 3033, với chi phí xây cất là $1,800,000 được tài trợ bởi Bộ Y Tế và Dịch Vụ Gia Đình Liên Bang và sự đóng góp của hội viên của hội. Vào thòi gian đó, cư xá có đủ tiện nghi ăn ở để chăm sóc cho 32 người già ở cấp dộ thấp (low care - còn có thể tự chăm sóc bản thân được).

        Chương trình xây cất đợt 2 đã hoàn tất vào năm 2009 để chăm sóc cho 65 người già ở hai cấp độ cao và thấp (high care and low care – không thể tự chăm sóc bản thân) với chi phí xây cất lên đến hơn 4 triệu đồng.

        LỊCH SỬ THÀNH LẬP HỘI CAO NIÊN TỴ NẠN ĐÔNG DƯƠNG

        Hội Cao Niên Tỵ Nạn Đông Dương – Indochinese Elderly Refugee Association Victoria incoprated (IERA) được thành lập vào tháng Ba năm 1981 tại Richmond. Hội trưởng đầu tiên là ông Đinh Xuân Thịnh.

        Mục đích của hội là tạo tinh thần đoàn kết tương thân tương trợ giữa người cao niên của ba xứ Việt Miên Lào trong Tiểu Bang Victoria, về cả mặt tâm lý, văn hóa vật chất cũng như tinh thần.

        Tới năm 2002, ông Trần Văn Quản - một trong những người góp nhiều công lao nhất vào việc củng cố và xây dựng cư xá Cao Niên Mekong - được bầu vào chức hội trưởng để tiếp tục điều hành hội cao niên và cư xá Mekong.

        Hội IERA đang điều hành 6 chi hội và 3 dịch vụ chánh:

        Các Chi Hội gồm có:

            Chi Hội Richmond: 106 Elizabeth St, Richmond Vic 3121

        2 Chi Hội Collingwood: 31 Hamsworth St, Collingwood Vic 3066

        3 Chi Hội Kensington: 94 Ormond St, Kensington Vic 3031

        4 Chi Hội Footscray: 130 Buckley St, Footscray Vic 3011

        5 Chi Hội St Albans: Errington Community Centre, Princess St; St Albans Vic 3021

        6 Chi Hội Preston: 59 A Robery Ave, Preston Vic 3074

        Các dịch Vụ gồm có:

            Dịch Vụ CPP ( Community Partners Program) tức Chương trình Phối hợp Cộng đồng
            Chương Trình PAG (Planned Activity Program) Sinh Hoạt Nhóm Theo Kế Hoạch
            Dịch Nhà Hưu Dưỡng ( Residential Care)

Viện Dưỡng Lão Mekong hoàn thành năm 2009,
        với một căn có lầu và 3 căn nhà trệt.

        
        CHỦ TỊCH ĐƯƠNG NHIỆM: ÔNG TRẦN VĂN QUẢN.

        Ông Trần Văn Quản xuất thân Khóa 5 Thủ Đức. Ra trường vào cuối năm 1954, Thiếu uý Quản đã . . . không may mắn “bị” giữ lại trường, làm Huấn luyện viên về quân cụ, cơ khí cho những khoá đàn em (kể từ khóa 7, các tân sĩ quan chỉ được gắn lon Chuẩn Úy mà thôi).

        Năm 1958, ông được gởi đi thụ huấn khoá huấn luyện Tiếp vận cao cấp tại Hoa Kỳ rồi lại trở về tiếp tục công tác huấn luyện. Năm 1963, để có thêm kinh nghiệm chỉ huy cũng như nghề nghiệp, Trung uý Quản được chỉ định ra phục vụ tại Đại đội 2 Quân Cụ của Sư doàn 2 thuộc Quân Khu II.

        Tới năm 1966, sau vụ biến động Miền Trung, ông được thuyên chuyển trở lại Trường Quân cụ, tiếp tục công tác giảng dậy. Do xuất sắc hoàn thành công tác ở Sư đoàn cũng như trong nhiệm vụ giảng dậy, ông được thăng cấp Trung Tá và được ân thưởng Đệ Ngũ Đẵng Bảo Quốc Huân Chương vào năm 1972.

        Cuối năm 1972, Trung Tá Quản một lần nữa được điều động ra đơn vị tác chiến, giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tiếp vận Sư đoàn 18, dưới quyền chỉ huy của Tướng Lâm Quang Thơ. Khoảng 3 tháng sau, Tướng Đảo được cử thay thế cho Tướng Thơ.

        Đêm 29 04 1975, tiểu đoàn tiếp vận của Trung Tá Quản vẫn còn được lệnh trực căn cứ của Sư đoàn tại Long Bình, ông vẫn còn ký giấy tiếp tế xăng nhớt dạn dược cho các tiểu đoàn còn đang chiến đấu. Tới 10 giờ sáng ngày 30 04 1975, ông nghe trên radio Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, các đơn vị trưởng ở lại tại chổ chờ . . . bên kia tới bàn giao. Trung Tá Quản không chịu bàn giao, ra lệnh giải tán đơn vị Tiếp vận, cho các quân nhân dưới quyền tự do trở về nhà. Khi người lính cuối cùng rời căn cứ, ông mới lên xe theo Xa lộ Biên Hoà để về nhả riêng.

        Ông Quản đã bị Việt Cộng bắt đi tù “cải tạo” cho tới 1981 mới được trở về đoàn tụ với gia đình. Ông và gia đình đã tổ chức vuợt biên ngay sau đó. Buồn thay, suốt mười lần cố gắng, lần nào gia đình ông cũng hứng chịu thất bại. Cuối cùng, tiền bạc cũng hết, nhà cửa cũng không còn, vận mạng thì hoàn toàn den tối. Gia đình ông đã bán hết những gì có thể bán để cho một mình ông thử thời vận lần cuối cùng. May mắn thay, lần thứ mười một này, ông đã may mắn đến được bến bờ Tự Do tại trại tỵ nạn Bidong. Vì căm hận Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà, ông đã không xin định cư tại Mỹ mà xin định cư tại Úc.

        Vì là chuyên viên cơ khí quân đội, ông đã xin thi lấy bằng Motor Mechanic và làm việc với các hãng xe hơi của Úc cho tới khi về hưu. Có thì giờ rảnh, ông lại xin đi học khoá Civil Celebrant tại Victoria University. Khi Monash University mở khoá Diploma of Civil Celebrant, ông lại xin đi học và tốt nghiệp vào năm 1997.

        Ông Quản đã tham gia sinh hoạt với cộng đồng người Việt Tỵ Nạn và anh em quân nhân ở Victoria ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân tới Melbourne. Ông là chủ tịch đầu tiên của Hội RSL South Vietnamese Veterans Sub Branch vào năm 1987 và giữ chức vụ này suốt 10 năm trời. Tới năm 1997, ông có thêm chức vụ Ký Hôn Thú cho các cô dâu chú rể.

        Ông gia nhập Hội Tỵ Nạn Cao Niên Đông Dương vào năm 1999, đến năm 2000 được bầu vào chức vụ Trưởng ban Kế Hoạch. Ngày 10 07 2002, ông được bầu làm chủ tịch hội (thay thế cho cựu chủ tịch Trần Hữu Phước đã từ nhiệm vì lý do sức khỏe) và giữ chức vụ này cho tới nay.

        Nhân dịp Quốc Khánh Úc 26 01 2012 vừa qua, ông Trần Văn Quản đã được trao tặng huy chương AOM (Australian Order Medal).

        LỊCH SỬ THÀNH LẬP VIỆN DƯỠNG LÃO MEKONG.

        Cộng đồng người Việt Tự Do tại Victoria cũng như trên toàn xứ Úc, thành phần chính là những quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975, vì bị tù đầy, bị trả thù, đa số các quân nhân này đã tìm đủ mọi cách dời khỏi Việt Nam đi tìm tự do ở các quốc gia đệ tam. Vào thời điểm đó, cộng đồng Việt Nam được coi là rất trẻ, đang sức trai, đã dồn nỗ lực vào việc ổn định cuộc sống, chăm lo gia đình. Ba mươi sáu năm đã trôi qua, đa số chúng ta nay đã tới hoặc gần tới tuổi hồi hưu, cần có người chăm sóc lúc tuổi già.

        Đến tuổi già, bất cứ ai trong chúng ta cũng có con cháu để nhờ cậy. Nhưng con cháu cũng còn bận đi học, đi làm, bận chăm xóc gia đình riêng, nên đã không giúp gì được nhiều cho các bậc cha mẹ lớn tuổi. Nhìn thấu được hoàn cảnh của những người bạn già, vào năm 1992, hội Cao Niên Tỵ Nạn Đông Dương (lúc đó viết tắt là ICERA, tới năm 2004 mới đổi là IERA) đã đứng ra vận động để xây dựng một cư xá dành riêng cho những người bệnh và cao niên.

        Tuy nhiên, khi đi vận động xin danh sách những người sẽ sống ở Cư Xá để xin trợ cấp xây cất của chính phủ, hội ICERA đã gập rất nhiều trở ngại, như sau:

        Vào thời điểm 1992, rất ít người tỵ nạn ở tuổi già,

        Những người ở tuổi già từ chối không vào Cư Xá Cao Niên.

        Đối với người Âu châu, khi họ tới tuổi già, vào sống ở những Cư Xá Cao Niên hay Nhà Dưỡng Lão là một chuyện rất bình thuờng. Người Âu châu cũng đặt căn bản vào một gia đình đoàn tụ có già có trẻ, nhưng họ còn đặt gia đình trên một căn bản nữa là tự lập, không làm vướng bân người khác.

        Nguời Việt Nam chúng ta, đặt gia đình trên căn bản đoàn tụ. Khi còn trẻ, chúng ta sống vói cha mẹ. Khi cha mẹ đến tuổi già, chúng ta có nhiệm vụ chăm sóc trở lại cho cha mẹ. Các bậc cha mẹ rất hãnh diện khi về già, vẫn sống quây quần với con cháu. Bất cứ một bậc cao niên nào không có hoặc không được ở chung với con cháu, đó là một điều bất hạnh không thể chấp nhận được.

        Có một số con cái có cha mẹ già, lại có ý định khác hẳn:Khi cha mẹ già yếu quá, không tự lo được và con cái cũng không thể nào lo cho cha mẹ được, họ tìm cách gởi cha mẹ về Việt Nam nhờ bà con coi sóc dùm. Họ cho rằng, dù sao ở với bà con, vẫn có tình gia đình hơn. Cha mẹ họ nói năng dễ dàng hơn vì đều dùng tiếng Việt với nhau cả. Nếu họ hàng không có thì giờ coi sóc, mướn một hoặc hai người ở dưới quê lên, chăm sóc còn kỹ lưỡng hơn, lại rẻ tiền hơn.

        Qua biết bao nhiêu cố gắng, hội Tỵ Nạn Cao Niên Đông Dương mới có một danh sách là 32 người, dùng tiền riêng của hội để mua đất và xin chính phủ tài trợ xây một cư xá, đặt tên là

        “Cư Xá Cao Niên Mekong – Mekong Hostel”

        Cư xá tọa lạc tại số 6 – 12 Trott Place, East Keilor VIC 3033, để chăm sóc người già ở cấp độ thấp (low care).

        Mười năm hoạt động trôi qua thật nhanh.

        Do việc săn sóc tận tình cho những cư xá viên (resident),

        Do việc điều hành trung tâm thật là chu đáo, sạch sẽ,

        Do số người già tăng lên nhanh chóng,

        Do nói tiếng Việt, rất dễ thông cảm với cư dân.

        Tiêng lành đồn xa, vào năm 2005, số người nộp đon xin vào ở tại trung tâm đã gấp ba gấp bốn số người mà cư xá có thể chăm sóc, cư xá Mekong phải đuợc mở rộng để thỏa mãn đòi hỏi trong cộng đồng.

        Lý do quan trọng nhất của việc mở rộng trung tâm là: Do số người già ở tại cư xá trở nên già yếu hơn, phải được chăm sóc ở mức độ cao (high care), nhưng cư xá Mekong không có giấy phép chăm sóc ở mức độ cao, nên đành phải chuyển họ đi tới Viện Dưỡng Lão nói tiếng Anh để được chăm sóc đúng mức. Do ở Mekong đã quen, lại không thông thạo Anh ngữ, nên các cư dân đã không chịu dời đi. Vì thế, ban điều hành của IERA phải xin xây thêm phòng ốc và đồ trang bị để có đủ chỗ cho nhiều cư dân hơn và chăm sóc họ ở mức độ cao.

        IERA đã tổ chức nhiều buổi gây quỹ để mua thêm đất và tiếp xúc với chính quyền Liên bang để xin trợ cấp xây thêm trụ sở và chuyển mức độ chăm sóc Cuối năm 2009, công việc xây cất đã hoàn tất, cư xá được đổi tên là

        “Viện Dưỡng Lão Mekong – Mekong Vietnamese Aged care”

        Viện dưỡng lão gổm một căn nhà lầu và ba căn nhà trệt, chi phí xây cất lên tới hơn bốn triệu đồng, có đủ dụng cụ và phòng ốc để chăm sóc cho 55 cư dân ở mức độ cao (high care) và 10 cư dân ở mức độ thấp (low care)

        Ghi chú:

        Khi đến thăm Mekong Vietnamese Aged Care, tôi đã được Bác sĩ Lâm Hữu Minh, giám đốc Viện dưỡng lão đưa đi một vòng chung quanh viện, giới thiệu với các nhân viên và cư dân của viện. Bs Minh đã giải thích về mức độ chăm sóc cho cư dân như sau:

              BS Minh và các nhân viên đang giúp các cư dân trong giờ tập thể thao.

                High care có nghĩa là chăm sóc toàn bộ. Cư trú Viên được nhân viên giúp: Tắm rửa, mặc áo quần, giặt giũ, nấu ăn và giúp ăn uống nếu cần. Nhân viên Viện Dưỡng Lão cũng giúp họ uống thuốc hay làm vệ sinh cá nhân. Cư trú viên được tham gia các sinh hoạt và được chăm sóc 24 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, họ còn được hưởng các dịch vụ khác như: Vật lý trị liệu, Dinh dưỡng, Nha khoa, Nhản khoa, Túc khoa v. v.

        Low care có nghĩa là chăm sóc bán phần, dành cho những cư dân vẫn có thể đi đứng, tự lo công việc vệ sinh cá nhân. Nhân viên sẽ phụ giúp cư dân mặc áo quần, ăn uống, vệ sinh cá nhân, thuốc men, tắm rửa hoặc dìu đi.
        Viện Dưỡng Lão cũng có dịch vụ chăm sóc cho người già bị bệnh đãng trí (Dementia).

        Viện Dưỡng Lão có phòng điều trị của Bác Sĩ, Y Tá, phòng giặt ủi và một phòng lớn dành cho những sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo, thể dục thể thao, chiếu phim, hớt tóc . . . Cuối cùng là nhà bếp, nơi cung cấp ba bữa ăn chính cho các cư viên.

        Bốn dẫy nhà riêng biệt được nối với nhau bằng những hành lang, là chỗ ở của các cư viên. Mỗi dẫy nhà có mười phòng riêng biệt xây đối diện nhau. Mỗi hai phòng có một phòng tắm chung và mỗi bốn phòng lại có một và một phòng ăn riêng.

        Vì viện dưỡng lão hoàn toàn do nguời Việt Nam điểu khiển, và cư dân cũng là nguời Việt Nam, nên các món ăn đểu là món ăn Việt cho tất cả bốn bữa ăn trong ngày: Xôi, cháo gà, thịt kho, cơm sườn, canh chua, canh khổ qua, rau luộc, mì, hủ tíu . . .

        Nếu muốn coi phim giải trí, Mekong có cả một rừng phim Hồng Kông, Đài Loan và Đại Hàn, băng nhạc Asia . . .

        Đặc biệt hơn tất cả các viện dưỡng lão khác, Mekong có một góc phòng dành riêng cho những cư dân mà khi còn ở nhà đã chăm sóc cho cháu, nay mặc dù đã vào viện dưỡng lão rồi, con cháu không còn ở bên cạnh nữa, nhưng họ vẫn nhớ và vẫn muốn chăm sóc cho các cháu.

        Góc phòng này có giường ngủ dành cho các cháu, có búp bê đặt trên giường, có xe đầy và đồ chơi . . . để giúp các cư dân . . . trông cháu cho đỡ nhớ.

        Mekong hiện đã có đủ số 65 cư dân. Để chăm sóc cho những bậc cao niên này, viện dưỡng lão có 80 nhân viên túc trực hoạt động 24 giờ một ngày và đầy đủ cho 365 ngày trong năm.

        Mỗi cư xá viên đều có phòng riêng, trong đó có TV tủ lạnh bàn ghế và giường ngủ. Nếu hai vợ chồng cùng ở trong VDL, họ sẽ được sắp xếp để cùng ở một phòng.

        Khăn trải giường và bao gối được thay mỗi ngày.

        Thời khóa biểu hàng ngày của cư xá như sau:

        Sáng:

        Thức dậy, thể dục thể thao, ăn sáng, đi tản bộ (ai không đi được thì ngồi xe). Sau đó, tùy theo ngày, sẽ có giờ khám bệnh, tôn giáo hoặc sinh hoạt cộng đồng.

        Tới giờ tự do, ai muốn nghe nhạc, xem phim tập, đọc sách . . . cứ tự tiện làm theo ý mình.

        Trưa:

        Giờ cơm trưa vào lúc 12 giờ. Những ai tự ăn được sẽ có mâm cơm đem tới tận phòng ăn của khu mình ở. Ai không tự ăn được thì nhân viên điều dưỡng sẽ tới tận nơi đẩy xe ra phòng ăn để được xúc hoặc múc cho ăn.

        Ăn xong, rửa miệng thay khăn là tới giờ nghỉ trưa.

        Chiều:

        Các cư xá viên được thay phiên nhau đưa đi tắm, rồi tới giờ sinh hoạt chung, uống trà ăn bánh, đọc tin tức . . .

        Tối:

        Bữa cơm tối cũng được dọn ra giống như bữa ăn trưa, nhưng nhiều đồ ăn hơn và có ăn tráng miệng nữa. Sau đó là giờ tôn giáo, các cư xá viên được đưa tới nơi thờ phương theo tôn giáo của mình để đọc kinh hoặc nghe giảng.

        Theo cách sống như vậy, chúng ta phải nói rằng, những cư trú viên tại Mekong Vietnamese Aged Care đều là những bậc . . . Tiên Hạ Giới.

        Thực vậy, họ đuợc săn sóc 24 tiếng một ngày, suốt 365 ngày một năm. Ăn uống, tắm giặt đầy đủ cả. TV nhạc, phim truyện xem đã đời, cuối tuần muốn về nhà chơn với con cháu, lại được làm tóc, đánh móng tay . . . Suớng quá!

        Viện dưỡng lão hoạt động nhờ vào trợ cấp của chính phủ và tiền chi phí do các cư dân trả. Mỗi cư viên khi được chấp nhận vào cư xá, sẽ đóng góp phần mình bằng số tiền trợ cấp tuổi già do Centrelink cung cấp (85% của tiền trợ cấp hưu dưỡng - pension). Những chi phí khác sẽ do chính phủ đài thọ.

        Bảng tổng kết tài chánh năm 2011 ghi con số thâu của Mekong Vietnamese Aged Care là $4, 800,000
        VIỆN DƯỠNG LÃO DÀNH CHO NHỮNG AI?

        Viện Dưỡng Lão (VDL) dành cho bất cứ người cao niên Đông Dương nào (người Úc, gốc Việt, Miên, Lào) ở bất cứ Tiểu Bang nào trong nước Úc, không phân biệt phải là hội viên của Hội hay không, miễn là từ 55 tuổi trở lên, không tự lo cho cuộc sống cá nhân của mình được, vì lý do sức khỏe, tài chánh hoặc gia đình, hoặc vì bất cứ lý do nào khác.

        Muốn nộp đơn xin cư ngụ, người cao niên gọi điện thoại xin đơn và nộp trở lại cho VDL để được xếp vào danh sách chờ đợi, khi tới phiên, sẽ được VDL tiếp xúc và lo việc di chuyển nếu cư dân mới không thể tự đến được.

        Việc thâu nhận người vào trung tâm được giao cho một ban thẩm định của trung tâm, với sự giúp đỡ của Trung tâm thẩm định chăm sóc người già (gọi tắt là ACAS – Aged Care Assessment Service, của chính phủ Liên Bang).

        Các bậc con cháu có cha mẹ lớn tuổi, nếu muốn đưa cha mẹ mình vào cư xá, hãy nên làm những việc sau đây:

        * Một mình tới thăm cư xá trước (gọi điện thoại trước để hẹn ngày giờ), để có một cái nhìn rõ ràng về cư xá và cuộc sống tại đây.

        * Hỏi thăm những bạn bè có cha mẹ đang ở trong cư xá để biết rõ hơn quan niệm của họ về cư xá và cuộc sống trong cư xá.

        * Sau đó, nếu thấy được, hãy về đưa cha mẹ ông bà tới thăm cư xá, để chính bậc lớn tuổi này có nhận xét riêng về cư xá và tự quyết định lấy về việc gia nhập cư xá.

        *Khi đã quyết định gia nhập cư xá, hãy xin đơn nộp ngay và chịu khó chờ đợi. Lý do là, không phải cứ nộp đơn là cha mẹ mình được nhận vào ở ngay lập tức. Đơn của quý vị chắc chắn sẽ được cứu xét ngay, không phải do một người quyết định, mà cả một hội đồng quyết định. Hội đồng sẽ tùy theo tình trạng sức khỏe và cũng như cư trú của đương đơn mà thời gian nhập cư xá được quyết định sớm hay trễ. Những bậc lớn tuổi đang bị bệnh hoặc không có nơi ở, sẽ được ưu tiên cứu xét trước, dù là đơn của họ tới sau.

        Ông Trần Văn Quản cũng cho biết thêm, vì nhu cầu gia tăng, hội IERA đã được chính phủ bán cho một miếng đất nữa ở Cainley để xây thêm một Viện dưỡng lão nữa, với 80 giường cho cư dân cần chăm sóc toàn phần (high care). Chi phí xây cất có thể lên đến 8 triệu đồng. Chính phủ Liên bang sẽ chỉ trợ cấp khoảng 80% thôi, còn 20% còn lại, hội sẽ phải tự lo lấy.

        Thưa các qúy vị hảo tâm trên toàn cõi nước Úc và trên thế giói,

        Nếu quý vị muốn làm cộng việc từ thiện, đây là một dịp may hiếm có để quý vị tỏ lòng cám on nước Úc, cám ơn thế hệ Tỵ Nạn Thứ Nhất đã bỏ hết cả số tuổi thanh xuân còn lại, sức lực còn lại để nuôi dậy quý vị nên người như ngày hôm nay và xây dựng một nước Úc phú cường như ngày hôm nay. Mekong Vietnamese Aged Care sẽ là nơi ở cần thiết cho bậc cha mẹ của chúng ta hôm nay và cũng có thể là nơi ở của chúng ta trong những năm sắp tới.

        Sau khi được đưa đi một vòng quan sát các phòng ốc và tham dự những sinh hoạt của cư trú viên, tôi đã quyết đinh . . . nộp đơn trước với ban giám đốc.

        Qúy vị nào chưa nộp đơn, hãy nhanh tay kẻo lỡ.