“Họ có thể chê quần áo của tôi, không muốn tôi mặc chúng vì họ không thích, chứ không quan tâm là tôi có thích hay không.”
Yến Price, 37 tuổi, sống tại thành phố Laguna Hill, kết hôn vào năm 2000 với một người đàn ông Mỹ hơn cô 2 tuổi.
Yến kể, từ lúc cô mới quen với người này, cô đã gặp phải những lời “dọ hỏi” từ bạn bè, bà con thân tộc, như: “Hai người có thực sự hiểu nhau không? Ba má có ngăn cấm không? Người Mỹ có nice hơn người Việt không?” Thậm chí cả những lời nhắc nhở như “Mỹ họ quen vậy thôi chứ không có cưới đâu!”
Yến Price cùng chồng và 3 đứa con của mình. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) Trong khi đó, Jonathan Bùi, 41 tuổi, cư dân thành phố Santa Ana, lập gia đình năm 2005 với một cô gái người gốc Mỹ La Tinh. Với cuộc hôn nhân ngoài chủng tộc này, lúc đầu, người có ý không tán thành chính là từ phía gia đình cô gái. “Vợ tôi lớn lên ở Los Angeles, tại một thành phố có đến 99% là người Hispanic, nên ba mẹ vợ tôi lúc đầu có vẻ phản đối khi thấy tôi xuất hiện với tư cách là người yêu của con gái họ. Họ không thèm nói chuyện với tôi trong lần đầu gặp gỡ ở một tiệm ăn.” Jonathan nhớ lại. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới nhất của trung tâm thăm dò Pew Research Center, số vụ hôn nhân dị chủng tại Mỹ, như trường hợp của Yến Price hay Jonathan Bùi, đang ngày càng tăng, và số người dân Mỹ chấp nhận sự kết hợp các cuộc hôn phối giữa những người khác sắc tộc, khác chủng tộc với nhau, cũng tăng theo. Số hôn nhân dị chủng cao nhất Báo cáo của trung tâm thăm dò Pew, công bố hôm thứ Năm, có tên là “Sự Gia Tăng của Hôn Nhân Dị Chủng.” Khi phân tích đặc tính của những người lấy vợ hay chồng khác chủng tộc hay sắc tộc, báo cáo này nhận thấy, ở năm 2010, có 15% trong tổng số các cuộc hôn nhân diễn ra tại Mỹ là giữa hai người khác chủng tộc hoặc sắc tộc. Con số này tăng gấp đôi so với năm 1980. Trong số các cặp mới cưới ở năm 2010, số người Á Châu lấy người “khác màu da mái tóc” với mình chiếm 28%, gốc Mỹ La Tinh ở mức 26% và kế đến là gốc Châu Phi 17%. Trong khi đó, người da trắng có khuynh hướng ít lấy người ngoài chủng tộc hay sắc tộc hơn. Con số hôn nhân dị chủng trong năm 2010 của người da trắng chỉ chiếm 9%. Báo cáo này cũng ghi nhận thêm rằng, da trắng là nhóm chủng tộc lớn nhất ở Hoa Kỳ, cho nên dù mức hôn nhân dị chủng của họ thấp hơn nhưng việc kết hôn giữa họ với các nhóm thiểu số lại trông có vẻ nhiều hơn. Trong số những người da trắng lấy vợ chồng không trắng thì 43.3% trong số đó lấy người gốc Mỹ La Tinh, 30.4% lấy người Á Châu, 11.9% lấy người gốc Châu Phi, và 11.4% lấy người thuộc nhiều chủng tộc, sắc tộc khác. Dễ chấp nhận hơn trước Dữ kiện còn cho thấy, người Mỹ khoan dung và dễ chấp nhận hôn nhân dị chủng hơn trước. Gần hai phần ba người Mỹ, tức 63% chấp nhận trong gia đình có người lấy người thuộc chủng tộc hay sắc tộc khác. Ðiều này khác với trước đây; so với năm 1986, chỉ có 33% tán đồng và 28% người Mỹ không chấp nhận hôn nhân dị chủng. Yến Price, đang làm công việc mua bán trên mạng, nhớ lại, “Tôi không biết là anh ấy có nói gì trước với gia đình anh hay không, nhưng ngay lần đầu tôi ra mắt gia đình anh thì họ cư xử với tôi theo đúng kiểu tôi là người yêu của con trai họ, nghĩa là họ chấp nhận tôi như một lẽ thường tình chứ không có chuyện ngại ngần về chủng tộc gì hết.” Với Jonathan, đang làm nhân viên mua bán nhà ở Orange County, trong khi gia đình phía cô gái tỏ vẻ “không chịu” anh trong những tháng đầu tiên, thì ba mẹ anh lại không phản đối hay có ý kiến gì về chuyện sẽ có một cô con dâu người gốc Mỹ La Tinh. Lý do, theo Jonathan là vì họ “đã quen nhau 3 năm trước khi cưới.” Thêm vào đó, “Có lẽ từ nhỏ tôi đã sống ở những tiểu bang toàn là người Mỹ như ở Maryland, Indiana, không có Việt Nam. Tôi cũng có quen với vài cô gái Mỹ và một cô Việt Nam trước khi cưới người vợ hiện nay.” Jonathan cho biết. Trả lời câu hỏi của phóng viên Người Việt “có gì khác biệt trong việc cưới vợ không cùng chủng tộc với mình?” Jonathan vui vẻ nói: “Có khác nhiều.” “Vì từ nhỏ vợ tôi lớn lên trong một thành phố toàn là người gốc Mỹ La Tinh, không có Mỹ, không có Việt, không có cái gì khác hết, ngoài Mexico,” anh nói. “Thế cho nên khi tổ chức tiệc sinh nhật đầu cho đứa con, vợ chồng tôi phải dọn thức ăn một bên toàn theo kiểu Mexico, một bên toàn theo kiểu Việt. Hai họ ngồi hai bên, không bên nào nói chuyện với nhau.” Nội ngoại khác ngôn ngữ Nguyên nhân hai họ không trò chuyện được là bởi “bất đồng ngôn ngữ.” Chỉ có đôi khi mẹ ruột Jonathan ngồi hỏi thăm vài câu với mẹ vợ anh bằng tiếng Anh, “chứ không có chuyện ngồi tỉ tê hàng tiếng đồng hồ đâu.” Trong khi đó, nói về mối tình của mình và người chồng Mỹ, Yến chia sẻ: “Tôi có quen với hai người Việt Nam trước khi quen với người chồng hiện nay. Mỗi người mỗi khác, Việt cũng vậy mà Mỹ cũng vậy. Tôi không thể đánh giá hết được. Nhưng với riêng tôi thì hai người đàn ông Việt mà tôi từng quen không cho tôi cảm giác mình được tôn trọng, dù họ vẫn thương yêu, chiều chuộng mình.” Yến cho rằng nếu như người chồng hiện tại cho cô được quyền làm những điều cô thích, và anh yêu cô vì “đó là cô,” thì những người quen biết trước kia của cô lại có vẻ luôn muốn cô phải làm theo ý thích của họ. “Họ có thể chê quần áo của tôi, không muốn tôi mặc chúng vì họ không thích, chứ không quan tâm là tôi có thích hay không.” Yến đưa ví dụ. Lấy người ngoài chủng tộc, Yến cũng “đụng” phải những vấn đề thuộc về văn hóa “rất khó xử.” “Chỉ riêng chuyện in thiệp cưới thôi cũng đã xảy ra chuyện rồi. Với người Á Ðông thì tên cha mẹ luôn phải xuất hiện trên tấm thiệp bởi vì cha mẹ là người sinh ra cô dâu hay chú rể. Trong khi với người Mỹ thì người nào bỏ tiền ra để tổ chức lễ cưới đó thì họ mới xuất hiện tên trên tấm thiệp này.” Yến nhớ lại một trong những chuyện “đau đầu” lúc cô mới lấy chồng “người ngoại quốc.” Hòa nhập khó và dễ Yến kể thêm, gia đình cô toàn là người Việt Nam, dù trong đó có những người nói tiếng Anh giỏi, nhưng mỗi khi họp mặt, chồng cô có vẻ rất cô đơn, bởi “ai cũng nói tiếng Việt hết, chỉ thỉnh thoảng mới có một ai đó nói vài câu tiếng Anh với anh ấy.” Thời gian đầu Yến luôn cảm thấy “rất ái ngại” cho chồng mình, nhưng anh nói với cô rằng, “Anh muốn tham gia vào những sinh hoạt gia đình như vậy vì đó là gia đình tôi, dù anh không hiểu, nhưng anh muốn nhìn thấy tôi vui vẻ cười nói ở đó. Ðiều đó lại khiến anh vui và không cảm thấy lạc lõng, cô độc.” Yến cho biết. Theo báo cáo “Sự Gia Tăng của Hôn Nhân Dị Chủng,” trong khi 44% người Mỹ nói là không có gì thay đổi trong việc kết hôn dị chủng, và 11% cho là tệ hại hơn, thì hơn 4 trong 10 người Mỹ, tức 43% cho rằng, càng có nhiều người khác chủng tộc hay sắc tộc lấy nhau, xã hội càng tốt đẹp hơn. Jonathan Bùi kể: “Hồi đó vợ tôi chỉ biết đồ ăn Mexico thôi, nhưng mà giờ thì cổ thích đồ ăn Việt Nam lắm, nước mắm gì cổ cũng ăn được hết. Mà cổ lại tin vào phong thủy nữa, trong khi tôi là người Á Ðông thì lại không mấy tin.” Vợ Jonathan tin phong thủy, kéo theo “má vợ tôi cũng bắt đầu tin. Ở nhà cứ sắp đặt cái này phải ở đây, cái kia phải ở chỗ nọ thì mới tốt. Rồi hai người còn theo học những lớp tìm hiểu về phong thủy nữa chứ!” Jonathan cười kể tiếp. Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện với phóng viên Người Việt, Yến đưa thêm một nhận xét, “Tôi vừa mới đọc bài 'Em quyết định bỏ chồng' đăng trên báo Người Việt. Tôi muốn nói thêm rằng, khi lấy chồng Mỹ, tôi không phải 'deal' với những chuyện như cô gái trong bài viết đó trải qua để dẫn đến quyết định phải bỏ chồng.” Yến nói một cách tự tin và mãn nguyện.
|