Bằng cách nào ông bà, cha mẹ tôi đến xứ này? Những đớn đau, tủi nhục nào đã xảy ra với họ trong cuộc ra đi tìm tự do?
Thưa Quý Vị,
Người Việt Nam chúng ta tại Hải ngoại đang bước sang năm thứ 37 của cuộc đời tị nạn, phải sống xa quê hương
|
Những người trẻ được sanh ra sau cuộc chiến 1975 hoặc rời Việt Nam khi còn tấm bé bây giờ đã gần 40 tuổi rồi, họ đang làm cha, làm mẹ cho thế hệ thứ ba trên đất Hoa Kỳ. Chắc chắn với màu da, với gương mặt Việt Nam, những người con sanh sau chiến tranh của chúng ta đã bị hỏi và sẽ có lúc tự hỏi về nguồn gốc của họ, như: Bằng cách nào ông bà, cha mẹ tôi đến xứ này? Những đớn đau, tủi nhục nào đã xảy ra với họ trong cuộc ra đi tìm tự do? Ông bà, cha mẹ tôi đã phải trải qua những gì để thích ứng với đời sống mới và họ đã và đang làm gì để đóng góp cho xứ sở này? Chính trong niềm suy tư đó mà hội Bảo Tồn Văn Hóa Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation) đã ra đời năm 2004.
Hội đã sưu tầm những hình ảnh đau thương của người tị nạn, đã ghi lại những tủi nhục của người vượt biển. Hội đã đi nhiều nơi, đến gặp nhiều người ghi nhận lại những khó khăn lúc ban đầu, những thành quả tốt đẹp của người Việt sau 35 năm tại Mỹ. Sau 7 năm hoạt động, Hội đã đưa một phần lịch sử của người tị nạn Việt Nam vào học đường Hoa kỳ qua ba đại học danh tiếng là Đại học Texas tại Austin, Đại Học California tại Irvine, và Đại học Texas Tech. Từ đó, những trang sử này cũng còn giúp người Mỹ và các dân tộc bạn trên đất nước này hiểu, thông cảm và ngưỡng mộ sự có mặt của người Mỹ gốc Việt của chúng ta tại Hoa kỳ. Từ chương sử này, mọi người sẽ hiểu đuợc nguyên do chính của cuộc ra đi sau năm 1975 là vì hai chữ Tự Do; và vì Tự Do mà cả triệu người Việt Nam đã phải đau đớn trốn bỏ Việt Nam và chịu nhiều gian nan khổ cực để đưa con cháu đến bến bờ tự do. Chính bản thân tôi cũng trải qua 15 ngày lênh đênh trên biển vật vã với sóng gió, đói khát khi tôi mới được 13 tuổi. Nhưng tôi đã may mắn tìm được bến bờ tự do trong khi hàng nhiều trăm ngàn đồng bào của chúng ta đã chết thảm tại biển Đông. Nếu những câu truyện thương tâm của họ không được đưa vào sử sách thì cái chết của họ là một sự uổng phí vì không một ai biết đến!
Để hỗ trợ Hội, cha Nguyễn Văn Nghiêm (chánh xứ Gx Maria Nữ Vương VN), cha Phạm văn Tuệ (chánh xứ Gx Thánh Lê Thị Thành), cha Đồng Quang Minh từ Las Vegas nhận lời về làm MC, Thượng tọa Thích Nguyên Tâm trụ trì chùa Liên Hoa, Đại đức Thích Thông Đức trụ trì chùa Bồ Đề, hội Cao Niên, Liên Hội Sinh Viên vùng New Orleans, Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức, hội Lãnh Đạo Thanh Thiếu Niên đã cùng đồng ý tổ chức bữa cơm gây quỹ để giúp cho Hội Bảo Toàn Văn Hoá Lịch Sử có ngân quỹ để thực hiện viết Chương Sử Của Người Việt Nam tại Hoa Kỳ, gồm có thư viện điện tử, một bộ sách giáo khoa cho các trường đại học, và một phim tài liệu với tiêu đề Viet Story.
Tôi tha thiết mong mỏi quý ông bà và anh chị em vì giới trẻ, vì tương lai của cộng đồng người Việt và nhất là vì đời con, đời cháu của chúng ta mãi mãi sau này, mà tiếp tay với chúng tôi trong công việc này. Buổi tiệc gây quỹ sẽ được tổ chức vào chủ nhật ngày 26 tháng 2 năm 2012, tại nhà hàng Panda King ở khu chợ Hồng Kông.
Nếu ai hỏi tôi: “ tại sao cha lại dấn thân làm công việc này?” thì tôi xin thưa rằng: “Nếu chúng ta không viết lên một chương sử của người tị nạn chúng ta, để cho con cháu chúng ta và người Ngoại quốc, biết được những đớn đau, những khổ nhục mà ông bà, cha mẹ họ đã phải trải qua, và hiểu được nguyên do nào đã thúc giục họ ra đi, thì người khác sẽ viết, và họ sẽ viết khác đi, viết theo chiều hướng và thuận lợi của họ.” Tôi xin đưa ra đây một bằng chứng.
Trong cuốn hồi ký của bà Margaret Thatcher, cựu thủ tướng của nước Anh, bà đã ghi lại là năm 1979, trên đường đi dự buổi họp Thương Đỉnh ở Tokyo, bà đã ghé sang Nga Sô. Khi đó, bà nhận được một cú điện thoại gọi từ Hồng Kông, xin bà cho phép được nhận thêm người Việt tị nạn. Lúc đó, bà hỏi ông thủ tướng Nga sô là nhà nước Việt Nam, đã làm gì mà hàng trăm ngàn người Việt Nam đã phải liều mình bỏ nước ra đi như vậy. Ông thủ tướng Alexei Kosygin đã trả lời là “Theo lời của nhà nước Việt Nam thì những người vượt biển, những người bỏ nước ra đi là những thành phần xì-ke, ma-tuý, đĩ điếm và là côn đồ, tội ác.” Bà Margeret Thatcher đã hỏi lại là “Cộng sản các anh đã làm gì mà đã biến hàng triệu người trở thành tội ác, nghiện xì-ke ma-túy như vậy?”
Qua sự kiện đó, chúng ta thấy rằng nếu chúng ta không viết lên trang Chính sử bi-hùng của những người Việt Nam tị nạn Cộng sản thì người khác viết. Cộng sản Việt Nam đã và đang tích cực bôi đen trang sử tị nạn của chúng ta. Nếu chúng ta không làm thì con cháu chúng ta sẽ không biết đâu là sự thật vì các em không có trang sử nào khác ngoài những chương sử sai sự thật đó để học. Nếu quý vị thấy sự thật về người tị nạn ra đi vì chính nghĩa tự do cần được ghi lại một cách trung thực và chính xác, thì xin hãy cùng chúng tôi tiếp tay với Hội Bảo Toàn Văn Hoá Lịch Sử để hoàn tất tập tài liệu được dùng để dạy tại các trường đại học.
Để biết thêm chi tiết, xin quý vị liên lạc với tôi, điện thoại số 504-908-9421, ông Nguyễn Anh Toàn, số 615-8822, ông Trùm Đoài (Versailles) số 504-287-2728, hoặc anh John-Hòa, số 583-5294.
Tôi xin gửi đến quý vị 4 câu thơ nói lên sự trở tráo của Cộng sản Việt Nam với người tị nạn chúng ta.
Ngày đi đảng gọi Việt gian Ngày về thì đảng chuyển sang Việt kiều Chưa đi phản động trăm chiều Đi rồi thành khúc ruột yêu ngàn trùng.
Xin chúc quý vị một mùa Xuân đầy ý nghĩa, một Năm Mới an khang thịnh vượng, Và rất mong được gặp lại qúi vị trong buổi gây quỹ, chủ nhật ngày 26 tháng 2 tại nhà hàng Panda King, lúc 5 PM.
T.M. Ban Tổ Chức. Lm. Michael Nguyễn Hoàng Nam
|