Người Mỹ gốc Việt tìm cách giữ vững nghề nail |
Tác Giả: SE sưu tầm | |||||||||
Thứ Tư, 30 Tháng 11 Năm 2011 07:21 | |||||||||
Nghề làm đẹp móng tay móng chân đã trở thành con đường chắc chắn và thực sự cho hàng ngàn người nhập cư vươn lên thành tầng lớp trung lưu ở Hoa Kỳ, nhưng ngày nay ngành công nghiệp này đang phải đứng trước một giai đoạn khó khăn. Giá rẻ, một yếu tố từng giúp người Mỹ gốc Việt thống lĩnh ngành công nghiệp có giá trị ước tính khoảng 6 tỷ đôla, đang tỏ ra lung lay và buộc nhiều chủ tiệm làm móng phải đổi mới phương thức kinh doanh. Matt Hilburn Ông Trang Nguyễn đến Mỹ năm 1980, là một một ví dụ điển hình của sự thành công mà những người Mỹ gốc Việt đã đạt được trong nghề làm móng. Cũng giống như hầu hết những người Việt tị nạn, ông đến Mỹ với hai bàn tay trắng và chút vốn tiếng Anh ít ỏi. Sau một thời gian làm thợ ở một tiệm cắt tóc, ông chuyển sang làm móng, một kỹ năng mà ông học được từ người họ hàng làm chủ một tiệm móng. Giờ ông Trang là chủ của công ty Odyssey Nail Systems, một công ty đa quốc gia chuyên bán các sản phẩm làm móng và cung cấp các khóa huấn luyện cho các chủ tiệm làm móng. Ông Trang Nguyễn đã gặt hái được rất nhiều thành công, trong đó có bốn danh hiệu vô địch thế giới về thời trang móng cũng như rất nhiều giải thưởng khác.
Là một nghệ sĩ vẽ móng, ông mong muốn được thấy ngày càng có nhiều chủ tiệm làm móng người Mỹ gốc Việt có lòng đam mê nghề nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng lo lắng rằng ngành công nghiệp đã giúp ông khởi nghiệp ở một đất nước mới giờ lại đang gặp khó khăn bởi những thói quen cố hữu. “Thế hệ những người làm móng mới cần phải có niềm đam mê,” ông nói. “Họ cần thực sự tự hào về công việc của một họa sĩ vẽ móng.” Những ngày đầu Lịch sử ngành dịch vụ làm đẹp và nghề làm móng của người Mỹ gốc Việt bắt đầu từ năm 1975 khi Tippi Hedren, nữ diễn viên nổi tiếng qua vai diễn trong phim “The Birds” của Alfred Hitchcock, sắp xếp cho 20 người Việt tị nạn được học và đào tạo để trở thành những thợ làm móng. 20 phụ nữ này đã trở thành nhân tố cốt lõi của ngành công nghiệp trên khắp cả nước Mỹ, ngành giờ đây đã phát triển thành hàng chục ngàn tiệm làm móng do các chủ tiệm là người Mỹ gốc Việt điều hành. Theo Tạp chí Nails, người Mỹ gốc Việt chiếm đến 40% ngành công nghiệp làm móng ở Mỹ. Ban đầu, giá cả chính là một lợi thế cạnh tranh của các tiệm làm móng. Họ có thể lấy giá rẻ hơn vì những người thợ làm thuê cho họ cũng chấp nhận một mức lương thấp hơn. Điều này có nghĩa là với một số vốn tương đối ít, khả năng tiếng Anh cơ bản và một vài kỹ năng đào tạo về thẩm mỹ thì những người nhập cư gốc Việt có thể mở một tiệm làm móng. Với lượng khách hàng ổn định họ có thể kiếm đủ tiền mua nhà và nuôi con cái ăn học. Nhưng khi thị trường đã trở nên bão hòa, các chủ tiệm làm móng chỉ biết một cách cạnh tranh duy nhất, đó là giảm giá. Chu kỳ giảm giá liên tục đang tỏ ra không ổn định về lâu dài. Đa dạng hóa phương pháp kinh doanh Bà Duyên Hằng, người trước đây từng sở hữu 25 tiệm làm móng ở Florida, giờ dành phần lớn thời gian làm tư vấn cho các chủ tiệm. Bà cho rằng các chủ tiệm nên tìm những phương cách mới mẻ để cạnh tranh. “Họ nên tìm tòi và học hỏi nhiều hơn chứ không nên chỉ nghĩ đến việc giảm giá,” bà nói. “Bất cứ một người bình thường nào cũng có thể mở được một cửa hàng, nhưng hiện nay, có đến 50% số các cơ sở làm ăn gặp vấn đề. Nhiều nơi đang làm ăn giống như 20 hay 30 năm trước.” Ông Trang Nguyễn cũng đồng tình với quan điểm này. Ông nói: “Họ chỉ tập trung vào việc có khách ra vào tiệm. Giống như một cái máy. Họ quên mất một điều rằng đây là một nghề làm dịch vụ. Quí vị không thể làm như vậy mãi. Khách hàng có thể vào tiệm của quí vị một lần vì giá rẻ nhưng liệu họ có quay lại không? Liệu họ có giới thiệu bạn bè đến tiệm của quí vị không?” Tác động dây chuyền Sự thất bại trong việc đổi mới việc kinh doanh nghề làm móng có thể gây ra những hậu quả tiêu cực mang tính dây chuyền, ảnh hưởng đến phần lớn cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Tại một cuộc hội thảo gần đây do Phòng thương mại quốc gia của người Mỹ gốc Việt tổ chức ở thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia, có sự tham dự của cả những người thậm chí không làm ngành này. Họ là các thành viên trong cộng đồng bị ảnh hưởng bởi sự thành công hay thất bại của ngành làm móng. Thai Hung Nguyen, một người làm trong ngành bất động sản nói có 60-65% khách hàng của ông là người Mỹ gốc Việt và ngành làm móng ảnh hưởng rất nhiều đến công việc kinh doanh của ông. Ông nói tiếp “nếu họ làm ăn thua lỗ, họ không thể có khả năng vay tiền mua nhà.” Ông muốn biết liệu ngành công nghiệp này có thể khôi phục và tái phát triển, và tương lai của nó sẽ ra sao. Khách hàng là Thượng đế Theo ông Trang và bà Hằng, chìa khóa cho sự thành công là chất lượng dịch vụ khách hàng. “Giá cả cũng quan trọng nhưng không quan trọng hơn dịch vụ và chất lượng,” bà Hằng nói. Bà khuyên các tiệm làm móng nên bắt đầu một số những thay đổi nhỏ như lập ra một hệ thống tích điểm thưởng dành cho các khách hàng thường xuyên, tạo bầu không khí thu hút hơn và đảm bảo rằng tất cả nhân viên trong cửa hàng cũng phải sửa sang móng tay của họ. John Ho, chủ của tiệm Spa Yvonne’s Day ở Bắc Virginia đang nỗ lực thay đổi phương thức kinh doanh. Gia đình ông Ho mở tiệm Yvonne’s cách đây 16 năm và sau đó mở thêm hai tiệm khác. Ông đã sáng tạo phương pháp chăm sóc chân gọi là Doctor Fish. Khách hàng sử dụng dịch vụ này sẽ được ngồi trên chiếc ghế mát xa, ngâm chân trong một bể có chứa những chú cá nhỏ bơi quanh chân họ và rỉa hết các tế bào da chết. Ông được mời xuất hiện trên một loạt chương trình truyền hình nổi tiếng của Mỹ để quảng bá cho phương pháp mới này. Ông Ho thừa nhận giá ở cửa hàng của ông cao hơn các tiệm xung quanh nhưng nói rằng công việc kinh doanh của ông vẫn rất tốt bởi vì ông phục vụ khách với chất lượng tốt và đưa ra hàng loạt phương pháp mới và đặc biệt là không bao giờ làm ẩu cho khách.
“Chúng tôi có rất nhiều khách quen,” ông nói, mặc dù “quanh đây số lượng các tiệm làm móng của người Việt nhiều hơn số các cửa hàng ăn nhanh McDonald.” Một số khách hàng của ông vô cùng trung thành. Mary Miller, trước đây sống gần tiệm Yonne’s nhưng cô đã chuyển đến Tennessee, nói rằng cô đếm tiệm để chăm sóc móng bất cứ khi nào cô trở lại thành phố này. Tại đây cô cũng được khuyến mại thêm các dịch vụ khác như bấm huyệt tay, chân và thái dương. “Họ thật là tuyệt vời!” cô nói. “Tôi đến đây từ những ngày đầu họ mở cửa hàng. Tôi đến cửa hàng ở gần nhà hiện nay nhưng không giống như thế này!” Bà Hằng tin rằng sẽ có nhiều chủ tiệm người Việt, như ông Ho, có thể thích ứng được với môi trường mới. “Hầu hết người Mỹ gốc Việt làm việc rất tuyệt.” Bà nói: “Bàn tay họ thật kỳ diệu.”
|