'Occupy Bolsa' PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương/Người Việt   
Thứ Hai, 28 Tháng 11 Năm 2011 19:06

Chỗ đậu xe không đủ cho khách hàng cũng là điều khổ tâm cho chủ nhân các dịch vụ

Vào thời điểm này khắp nước Mỹ có phong trào Occupy Wall Street, lan tràn đến các tiểu bang khác, nhưng ở Little Saigon cũng có phong trào “Occupy Bolsa” lấn chiếm parking lot từ lâu bằng cách chủ nhân đem những chiếc ghế ra trước cửa tiệm để dành chỗ cho khách hàng của mình.

Những ngày Lễ Tết hay cuối tuần, đi phố Bolsa khổ nhất là chỗ đậu xe. Thành phố phát triển nhanh chóng, nhưng chỉ hạn chế đóng khung trong khu vực bởi 4 con đường chính Westminster-Harbor-Mac Fadden-Beach, ra khỏi vùng tứ giác này là khách lười lui tới, vì điều quan trọng cho ngành nghề dịch vụ, buôn bán vẫn là location, location và location.

Chỗ đậu xe không đủ cho khách hàng cũng là điều khổ tâm cho chủ nhân các dịch vụ, nhất là các cửa tiệm ở chung khu phố với các tiệm ăn đông khách như tiệm phở, tiệm hủ tiếu, mì... với số khách tấp nập ra vào mỗi ngày.
 

  
Chiếm... chỗ đậu xe. (Hình: Huy Phương/Người Việt)
 

Ðem ghế ra làm chướng ngại vật choán chỗ parking có hợp pháp hay không?
 
Bực mình nhất cho người lái xe chạy loanh quanh kiếm một chỗ đậu xe, thấy một vài chỗ còn trống, nhưng đến gần mới thấy chủ tiệm đã đặt ở đó một cái ghế hay tảng đá để ngăn không cho người khác vào đậu xe.
 
Hỏi về chuyện đem chướng ngại vật choán parking này có hợp pháp hay không, Trung Úy Tim Nguyễn thuộc Sở Cảnh Sát thành phố Westminster đã cho biết: “Parking thuộc thẩm quyền của chủ phố, cảnh sát không can thiệp. Chủ tiệm buôn muốn dành chỗ nên xin phép chủ phố và kẻ bảng để trước cửa tiệm chứ đừng nên đem ghế ra choán chỗ. Khách lái xe nếu thấy những chiếc ghế choán chỗ này có quyền dẹp ghế và lái xe vào đậu.”
 
Chuyện parking là một chuyện đau đầu của Bolsa nhưng không có cách giải quyết.
 
Cô Hương, chủ tiệm băng nhạc Hương Music, tiệm đối diện với hai tiệm vải trong khu Well Fargo trên đường Bolsa thì cho rằng: “Nên thông cảm với các chủ tiệm, nhiều khi đem hàng về chạy loanh quanh một hồi mà không có chỗ đậu để đem hàng vào tiệm, nhưng nếu để một cái ghế để choán chỗ suốt ngày thì cũng không nên.”
 
Một chủ tiệm bán nước lọc thì cho rằng, nếu tiệm không có chỗ cho khách hàng đậu xe sát vào cửa tiệm để đem nước lên xe thì rất bất tiện vì nước nặng và phải dùng xe đẩy, nên họ rất cần một “reserved parking.”
 
Nhà sách Văn Bút nằm sát thương xá Phước Lộc Thọ than phiền vào những ngày “long-weekend” hay vào dịp Tết, khách lái xe tấp nập, nếu không để bảng “reserved” thì không còn chỗ cho khách vào, ngày ấy chỉ còn nước đóng cửa tiệm nằm nhà mà thôi.

Một bà chủ tiệm phở trên đường Brookhurt cho chúng tôi biết, như các tiệm buôn khác ở Mỹ, bà đã dặn nhân viên đậu xe xa tiệm để dành chỗ cho khách, nhưng ở Bolsa này, đất chật người đông, rất khó giải quyết, nếu tránh chỗ cho khách thì lại phải đậu qua tiệm khác, rất mất lòng hàng xóm.
 
Ý kiến của một khách hàng vừa mới đậu xe xong, bước vào tiệm bán điện thoại là: “Cộng đồng nên đối xử tốt, tương nhượng với nhau. Tôi có thể đậu xe trước tiệm bán hoa mà đi mua tờ báo, thì anh cũng có thể đậu xe trước nhà sách nhưng qua bên kia đường ăn phở. Nếu tiệm nào cũng dành chỗ riêng cho mình thì rất khó khăn cho khách hàng.”
 
Nên nghĩ đến vẻ mỹ quan của thành phố
 
Tình trạng “lấn chiếm” này chúng tôi vẫn thường thấy ở các vùng “down town” ở một vài thành phố lớn, nơi cuộc sống xô bồ, phố xá chật hẹp mà dân trí thì không cao cũng như ở Philadelphia.

Trong những hàng parking xe cộ bóng loáng đậu ngay ngắn, lại có một hai cái ghế hay tảng đá giành chỗ, thật không có chút mỹ quan nào.

 Nói chuyện parking chúng ta không quên chuyện giành giật mà một vài lần tôi đã là nạn nhân, khi mình đang chớp đèn để chờ vào thì một cái xe khác ở đâu bỗng tuôn vào, mà bản mặt của người lái xe thì dương dương tự đắc như vừa đạt được một kỳ tích gì ghê gớm lắm. Quay kính xe xuống để gây gổ hay đậu xe xuống, để “đôi co” chỉ thêm làm trò cười cho người qua lại, nên đành “một sự nhịn chín sự lành.”
 
Mặt khác nhiều người đậu ngay chính giữa đường cho người thân xuống xe, bất kể thiên hạ đang kẹt xe ở đằng sau, coi như đây là sân nhà của họ.
 
Làm sao để Bolsa này đẹp hơn về quang cảnh cũng như về con người, để đồng bào ở các tiểu bang khác hay người bản xứ ghé qua có cảm tình với người và việc ở đây để, Little Saigon thành một nơi dễ thương, tử tế làm người ta lưu luyến.