Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Thanhha Lai được giải thưởng văn học Sách Quốc Gia năm 2011

Thanhha Lai được giải thưởng văn học Sách Quốc Gia năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: NTHH   
Thứ Bảy, 26 Tháng 11 Năm 2011 03:02

Quyển thơ dù được xem là viết cho thiếu nhi qua cái nhìn của cô bé mười tuổi, đã làm tôi vô cùng xao xuyến. Tôi thường chú ý đọc các tác giả gốc Việt viết tiếng Anh.

                            Thanhha Lai

Vào lúc tám giờ tối (giờ miền Đông Hoa Kỳ) ngày 16 tháng 11 năm 2011 National Book Foundation (Hội Đồng Sách Quốc Gia (Hoa Kỳ) tuyên bố Giải Thưởng Sách năm 2011 (National Book Award) được trao cho năm nhà văn với các thể loại như sau:

Truyện dài: Jesmyn Ward, Salvage the Bones. Hồi Ký Tiểu luận: Stephen Greenblatt, The Swerve: How the World Became Modern. Thơ : Nikky Finney, Head Off & Split. Văn chương dành cho thiếu nhi: Thanhha Lai, Inside Out & Back Again.

Bài viết này xin được giới hạn trong phạm vi giới thiệu tác giả Mỹ gốc việt Thanh Hà Lai. Sinh ra ở Việt Nam, Thanh Hà di tản đến Alabama năm 1975. Hiện nay Thanh Hà đang sống ở thành phố New York và là giảng viên môn viết văn ở Đại học Parsons School of Design. Inside Out & Back Again (xin tạm dịch Trong Lật Ra Ngoài và Lập Lại) là tập thơ đầu tiên của Thanh Hà.

Tập thơ này biểu hiện cái nhìn của một cô bé mười tuổi tên Kim Hà. Nhân vật chính cũng có cuộc đời tương tự với cuộc đời của tác giả. Bố của nhân vật là sĩ quan Hải Quân của Việt Nam Cộng Hòa bị mất tích trong chiến tranh. Cuối quyển thơ Trong Lật Ra Ngoài và Lập Lại, tác giả có lá thư tâm sự với bạn đọc tôi xin trích dịch một đoạn như sau:

“Bên cạnh những chi tiết có thật tôi vẫn còn nhớ, tôi cố gắng ghi lại cuộc sống và tình cảm của cô bé Hà. Sống ở một nơi bom nổ hằng đêm nhưng bánh kẹo rất nhiều ở góc nào cũng thấy xuất hiện thì như thế nào? Cái cảm giác ngồi trên tàu đi tìm hy vọng nó ra làm sao? Cái cảm tưởng của một người biết mình thông minh bỗng dưng thấy mình trở nên ngu dốt thì thế nào?

Cái khía cạnh tình cảm này rất quan trọng, vì đây là điều tôi nhận thấy ở các cháu của tôi. Các cháu có thể biết một cách tổng quát nguồn gốc bố mẹ của các cháu, nhưng các cháu không thể tưởng tượng được âm thanh và hương vị của Việt nam, những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày (của bố mẹ các cháu) khi bắt đầu cuộc sống mới ở một miền đất xa lạ. Tôi xin đưa câu hỏi này đến tất cả mọi người: Chúng ta biết gì về những người đang sống chung quanh chúng ta?

Tôi hy vọng bạn sẽ thích thú đọc về Hà cũng nhiều như tôi đã thích thú nhớ lại cái năm đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi cũng mong rằng sau khi bạn đọc xong quyển thơ này bạn sẽ ngồi gần bên những người bạn yêu mến và xin người ấy kể lại chuyện đời của họ.”

Quyển thơ dù được xem là viết cho thiếu nhi qua cái nhìn của cô bé mười tuổi, đã làm tôi vô cùng xao xuyến. Tôi thường chú ý đọc các tác giả gốc Việt viết tiếng Anh. Mục đích của tôi không phải để viết điểm sách hay phê bình, mà là tôi muốn tìm hiểu tâm tư của những người thuộc thế hệ một rưỡi hay thế hệ thứ hai và nhờ đó tôi có thể hiểu cách suy nghĩ của các con tôi. Đọc Lai Thanh Hà (có thể họ của tác giả là họ Lại nhưng vì tôi không chắc nên không dám thêm dấu vào) cũng như đọc Angie Châu với tác phẩm Quiet As They Come tôi nhận ra không phải chỉ có thế hệ di dân thứ nhất như chúng tôi gặp khó khăn khi hòa nhập cuộc sống ở xứ lạ mà thế hệ thứ một rưỡi hay thứ hai đều có những khó khăn của họ. Cũng như Angie Châu, Thanh Hà đã biểu lộ đời sống tinh thần của nhân vật với những khó khăn ban đầu bằng sự khôi hài hóm hỉnh. Qua những bài thơ tôi cũng thấy sự bất khuất của một cô bé Việt Nam.

Quyển thơ Trong Lật Ra Ngoài và Lập Lại có bốn phần. Phần I với tiểu đề Saigon gồm các bài thơ nói về cuộc sống của cô bé Kim Hà ở Sài Gòn. Cô có ba người anh hay chòng ghẹo cô và cây ăn quả đầu tiên cô trồng là cây đu đủ. Bố cô bị mất tích trong lúc thi hành nhiệm vụ lúc cô chỉ mới một tuổi. Trí nhớ của cô đã bắt đầu ghi nhận về chiến tranh. Nhà thơ Thanh Hà trong một đoạn thơ đã viết:
“… One cannot justify war
unless each side
flaunts its own
blind conviction.”

Tạm dịch
“… người ta không thể chứng minh chiến tranh là chuyện đúng đắn
ngoại trừ khi mỗi bên
đều tung ra phần của họ
những tin tưởng mù quáng”

Phần II tiểu đề At Sea tác giả viết về cuộc sống của cô bé Kim Hà với mẹ và ba người anh ở trên tàu và ở đảo Guam. Phần III tiểu đề Alabama nói về cuộc sống mới định cư của gia đình nhân vật Kim Hà ở Alabama với những khó khăn ban đầu khi tiếp xúc với người bản xứ. Phần IV có tiểu đề là From Now On. Trong phần này gia đình Kim Hà chấp nhận là người bố bị mất tích của cô bé sẽ không bao giờ về nữa. Các người anh và cô bé KIm Hà đều trưởng thành và thích ứng với đời sống mới.

Khi vào học ở Alabama, cô bé Hà bị đám học sinh chọc ghẹo, trong đó có một chú bé biệt danh Pink Boy là bắt nạt cô bé nhiều nhất. Khi chú bé trêu chọc Kim Hà có khuôn mặt bánh bao, cô bé trả đũa bằng cách bảo hắn ta có khuôn mặt giống quả đu đủ. Nghe các bạn báo trước là Pink Boy sẽ chận đường để đánh Kim Hà, anh Khôi bảo sẽ đến đón. Cô bạn Pam mặc áo khoác của Kim Hà đi con đường hằng ngày Kim Hà hay đi. Còn khổ chủ thì lén đi đường khác đến chỗ anh Khôi đón. Nhưng đến chỗ hẹn thì không thấy anh Khôi mà lại gặp Pink Boy. Hắn thoi. Cô bé né. Hắn đánh hụt. Hắn té lăn trên đường. Tôi có ghi lại mấy câu thơ đáng yêu.

I thought I would love
seeing him in pain.
But
he looks
more defeated than weak,
more helpless than scared,
like a caged puppy.

He’s getting up.

If I were to kick him,
It must be
now.

Tạm dịch là:

Tôi nghĩ tôi sẽ rất thích thú
nhìn thấy hắn bị đau.
Nhưng
hắn có vẻ
thua cuộc hơn là yếu đuối
bất lực hơn là sợ hãi
như con chó con bị nhốt trong chuồng

Hắn chồm dậy

Nếu tôi muốn đá hắn
Phải là
lúc này.

Kể chuyện là một cách ghi lại lịch sử qua cái nhìn của người tham dự cuộc sống. Người Phi châu những khi đau đớn quá độ, không có nước uống, không có thức ăn, chung quanh họ người chết không kịp chôn vì không còn sức để chôn, họ tập họp nhau lại và họ kể chuyện. Những người ngoại cuộc không hiểu ngôn ngữ của họ chỉ nghe âm thanh của họ cứ ngỡ là họ đang hát hay đọc kinh. Kể chuyện là một cách làm vơi đau khổ, một cố gắng để tồn tại, và nhận ra là mình đang sống dù có lúc cái sống còn đau khổ hơn cái chết. Lai Thanh Hà, qua những vần thơ trong sáng, giản dị đã kể lại một đoạn lịch sử của Việt Nam, khi người Việt bỏ quê hương xứ sở ra đi, vất vả xây dựng đời sống mới. Tài năng và sự thành công của tác giả là niềm hãnh diện chung cho người Việt.