Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Quán ăn nổi tiếng của 3 thế hệ người Việt ở Bangkok

Quán ăn nổi tiếng của 3 thế hệ người Việt ở Bangkok PDF Print E-mail
Tác Giả: Khánh An, phóng viên RFA, Bangkok   
Thứ Tư, 20 Tháng 4 Năm 2011 18:20

Nhờ trong gia đình bố mẹ chỉ nói tiếng Việt nên chị Tỵ vẫn sử dụng được tiếng mẹ đẻ

 Hôm nay, thưa quý vị và các bạn, chương trình Café Wifi hân hạnh được tiếp đón 3 vị khách mời đến từ một gia đình có truyền thống 3 đời nấu món ăn Việt ở Thái.

Trung tâm thương mại MBK ở Bangkok. Ảnh minh họa

Quán ăn của họ được tờ nhật báo nổi tiếng tại địa phương là tờ Bangkok Post giới thiệu cho các cư dân tại thủ đô Bangkok.

Một quán ăn nhỏ thô sơ ở biên giới Thái và Lào

Bây giờ thì Khánh An mời quý vị làm quen với chị Tỵ, là mẹ của hai cô con gái tên Dung và Pirunporn (thường gọi là Ao).
-Tên Việt chị tên Nguyễn Thị Tỵ, quê ở Quảng Bình. Gia đình qua bên Thái là (do) chiến tranh với Mỹ đấy. Để tránh nạn, bố mẹ chị phải qua Lào, ở Lào, rồi qua Thái, sinh chị ở Thái. Bây giờ chị 59 tuổi rồi.

Mặc dù được sinh ra và lớn lên ở Thái, nhưng nhờ trong gia đình bố mẹ chỉ nói tiếng Việt nên chị Tỵ vẫn sử dụng được tiếng mẹ đẻ. Chị Tỵ kể về cuộc sống gia đình lúc mới sang Thái:

-Nghe mẹ chị kể lại là hồi xưa có làm lúa làm gạo, bố làm. Còn chị hồi nhỏ cũng không biết gì, lớn lên chút xíu thì mắt chị nhìn thấy mẹ bán hàng ăn này. Mẹ mở mẹ bán lấy, cửa hàng mẹ chút xíu nhưng cửa hàng mẹ ngon. Không có ai làm được ở bên Thái này. Ở chỗ mẹ không có ai bán ngon như mẹ cả.

Quán ăn của mẹ chị Tỵ lúc đầu được mở ở Mục Đa Hán, một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan, giáp biên giới với Lào.

Vì là con út trong một gia đình có 5 người con, các anh chị đều đã lập gia đình, nên chị Tỵ từ thủa nhỏ đã là phụ bếp đắc lực của mẹ. Đi học về là chị lao vào bếp giúp mẹ làm rau, làm thịt. Công việc “trợ lý của mẹ” đã theo chị đến lớn, ngay cả khi chị đã ra trường.

Chị kể tiếp:-Lớn lên chị vẫn giúp mẹ, đi học, đi dạy và vẫn giúp mẹ.
Công việc đi dạy cũng là một cái duyên đến với chị sau khi ra trường.
-Ở Thái Lan hồi đấy họ cần dùng người biết chữ để dạy cho nhau, kẻo không thì người Việt mình không biết chữ thì mình dốt. Thành thử chị đi học, chị biết chữ, người ta thấy chị giỏi nên bảo chị đi dạy cho tụi trẻ.

Tốt nghiệp đại học thế hệ kế tiếp vẫn nối gót mẹ

Sau khi lập gia đình, có được 3 người con, thì chị Tỵ tiếp tục nối gót mẹ mở quán ăn Việt Nam ở thủ đô Bangkok. Ở quán chị, ngoài những món ăn thuần Việt như bánh bèo, bánh cuốn, bún bò Huế, chạo tôm, bánh hỏi… còn có những món mà chị bảo là “nó ở trong đầu chị ra đấy”.
-Có món chị học từ mẹ, có món thì nói cho dễ là ở bên Thái này cũng ngon, mình cũng nên (dùng) đầu óc để cải tạo thêm nữa. Họ thích lắm, Việt cũng thích mà Thái cũng thích.

Bí quyết của chị để chinh phục cả khách Việt lẫn khách Thái là gia giảm gia vị theo từng khách hàng. Chị nói:
-Chị bán đồ Việt nhưng người Việt ăn thì chị làm giống kiểu người Việt, Thái ăn, chị làm giống Thái một chút. Chị hỏi họ ăn cay không, họ bảo ăn cay thì chị thêm cho họ chút ớt. Họ không ăn cay thì chị bớt chút ớt. Thành thử khách của chị họ thích chị lắm.

Trong thời gian hơn 10 năm mở quán, hai cô con gái đầu của chị là Dung và Pirunporn (tên thường gọi là Ao) đã phụ chị nấu ăn, thậm chí các cô còn nấu ngon và nhiều sáng tạo hơn chị. Chị Tỵ cho biết:

-Con gái chị nó giỏi hơn chị nữa đấy. Nó thấy mẹ làm nó cũng làm được, nó giỏi lắm. Nó làm ngon nữa. Con chị đầu cũng giỏi mà đứa thứ hai, Ao đấy, nó giỏi làm việc trong quán ăn, nó giỏi cả tiếng, giỏi cả phía ngoài đấy.

Công việc làm bên ngoài của Ao mà chị Tỵ đề cập đến là làm đại diện cho một công ty chuyên về đồ gỗ. Ao đã làm công việc này vài năm nay, kể từ sau khi tốt nghiệp đại học. Ao kể:

-Trước đây Ao đi học, học xong là đi làm việc đằng ngoài (bên ngoài). Ao học ở University (đại học), học Economics (Kinh tế), học xong thì Ao làm việc của Ao nhưng mà ngày mô nào Ao cũng giúp việc ở nhà.

Ao kể, từ nhỏ, vì có khả năng học tốt nhất nhà nên cô được ưu tiên đi học, không phải phụ chị gái và mẹ nấu ăn. Rồi khi lên đại học, cô có nhiều cơ hội để giới thiệu món ăn Việt của gia đình với bạn bè cùng trường.

-Nấu ăn, rồi có ngày về nhà thì lấy món ăn ở nhà đưa đi university ăn. Cho bạn ăn, bạn thích xong là bạn lại ăn nơi tiệm.

Cô con gái lớn là chị Dung sau khi lập gia đình đã ra mở quán riêng, cũng bán món ăn Việt. Quán của chị Dung chẳng bao lâu đã có lượng khách còn nhiều hơn quán của mẹ. Bí quyết của chị cũng tương tự như mẹ, nhưng vì gần gũi hơn với người Thái nên chị “hiểu” khẩu vị người Thái hơn. Chị cho biết:
-Thấy mẹ cũng đã lớn tuổi, 2 cô con gái đã bàn với mẹ đóng quán và cả nhà xúm vào phụ cho quán của chị Dung.

Sở thích nấu ăn và truyền thống dân tộc

Sở thích nấu ăn không biết từ lúc nào đã “ngấm” vào 3 thế hệ tiếp nối nhau trong gia đình. Ao cho biết lớn lên là tự nhiên cô nghĩ đến chuyện mở quán ăn. Nếu không có công việc hiện tại, chắc cô sẽ lại là chủ một tiệm ăn Việt khác, bên cạnh tiệm của mẹ và chị.

-Mình to (lớn) nên là mình nghĩ mình mở quán ăn Việt Nam. Bây chừ là mình cũng làm được nhiều món. Mình thấy mẹ làm hằng ngày là mình cũng biết được vì Ao làm đồ ăn cũng nhiều năm rồi. Ao ở với chị gái, chị gái bán hàng cũng lâu rồi và Ao cũng giúp chị gái bán hàng.

Ngoài truyền thống nấu ăn, trong gia đình còn rất chú trọng đến việc giữ gìn tiếng Việt cũng như những nét văn hóa khác của người Việt Nam. Chị Tỵ cho biết:
-Lễ gì mà người Thái họ mời chị đi chị cũng mặc áo dài, áo dân tộc mình và họ thích lắm.

Còn Ao thì cho biết ngoài tiếng Thái và tiếng Anh học ở trường, chính gia đình đã giúp cho cô biết nói ngôn ngữ mẹ đẻ.
-Trong nhà nói tiếng Việt nên Ao cũng nói tiếng Việt với cha, với mẹ. Nói từ nhỏ đến to (lớn) nên Ao nói được.

Quán ăn hiện nay của gia đình mang tên “Món ăn Việt Nam” mặc dù nằm khiêm tốn trong một con hẻm nhỏ nhưng lượng khách đến đây khá đông. Chị Tỵ cho biết tiệm cũng là nơi mà sứ quán Việt Nam chọn đặt hàng để giới thiệu món Việt mỗi khi có tiệc.

Vừa rồi, quý vị và các bạn đã làm quen với 3 mẹ con trong một gia đình với 3 thế hệ nấu món ăn Việt ở Thái. Đã đến lúc chương trình Café Wifi phải tạm dừng rồi, Khánh An kính chào và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ sau.