Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Thông dịch viên tiếng Việt ở Hoa Kỳ

Thông dịch viên tiếng Việt ở Hoa Kỳ PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ Hiếu, phóng viên RFA   
Thứ Tư, 20 Tháng 10 Năm 2010 11:14

Vấn đề đọc thông, nói thạo một ngôn ngữ không phải là chuyện đơn giản.

 Vấn đề trở nên khó khăn hơn khi người ta phải sinh sống tại một nơi mà tiếng ‘mẹ đẻ’ không được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Tổng thư ký Đảng Cộng sản Ấn Độ Prakash Karat (trái) trong một cuộc họp tại New Delhi hôm 06/7/2007. Người ngồi giữa là thông dịch viên. / AFP PHOTO / RAVEENDRAN

Khó khăn trong vấn đề thông hiểu ngôn ngữ điạ phương là tình trạng chung của khá nhiều người Việt khi đến định cư tại một quốc gia Âu Mỹ khác.

 Trong một hoàn cảnh nào đó, khi cần phải trình bày về một sự việc cụ thể, rõ ràng trên nhiều lãnh vực khác nhau, họ phải nhờ đến một ngươì, thường là đồng hương, nói năng lưu loát ngôn ngữ của quốc gia nơi họ đang sinh sống.

Người giúp cho hai đối tượng không nói cùng ngôn ngữ hiểu được nhau đó được gọi tên là ‘phiên dịch hay thông dịch viên’; trước đây có lúc còn gọi là ‘thông ngôn’.

Tạp chí Câu Chuyện Hàng Tuần hôm nay xin giới thiệu đến quý vị đôi nét về công việc của người phiên dịch viên trên đất Mỹ.

Là chiếc cầu nối
Yêu cầu chính của công tác phiên dịch, thông ngôn hay biên dịch là chuyển lời nói, câu viết … từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà không làm thay đổi ý nghĩa của lời nói hay câu văn đó.

Người thông dịch, phiên dịch có nhiệm vụ chuyển văn bản hay lời đối thoại từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác một cách trung thực, chính xác, đầy đủ, giúp cho những người không sử dụng cùng một ngôn ngữ thông hiểu nhau.

Nhiệm vụ chính của người thông ngôn và phiên dịch viên được tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Ủy Ban Cứu người Vượt Biển, một tổ chức lâu nay chuyên giúp đỡ người Việt tại Hoa Kỳ khi họ cần đến dịch vụ cần thiết này, trình bày:

“Vấn đề thông ngôn và phiên dịch là một khâu rất quan trọng để nối kết những người có nhu cầu. Văn phòng chúng tôi có hai lãnh vực cung ứng các dịch vụ giúp giải quyết các nhu cầu này.

Hàng ngày đồng bào có những người cần đi bác sĩ, khám sức khỏe, khi tiếp xúc với một số dịch vụ, mà không rành Anh ngữ thì chúng tôi có những nhân viên quản lý hồ sơ, hướng dẫn những người cao niên, phụ huynh học sinh hoặc nạn nhân bạo hành, để tiếp cận với các dịch vụ cần thiết hàng ngày như sức khỏe, sức khỏe tâm thần, tài chánh, xã hội, giáo dục.”

Tổ chức này cũng có một đội ngũ thông dịch chuyên môn để phục vụ cho những công tác của tập thể hay cộng đồng khi cần tiếp xúc, liên lạc, gặp gỡ với các cơ quan công quyền: lập pháp hay hành pháp Hoa Kỳ:

“Chúng tôi có một đội ngũ với những người được sự chứng thực có khả năng về thông dịch, tức là certified interpretor, translator, để giúp khi cần làm việc với cơ quan chính quyền, bộ phủ, như giúp thông dịch tại những buổi điều trần tại quốc hội Hoa Kỳ, hoặc những buổi họp lớn giữa chính quyền như Tòa Bạch Ốc, Bộ Lao động với người dân vùng bị ảnh hưởng bởi dầu tràn, ở Vùng Vịnh.”

Thông dịch viên tại Mỹ có thể phục vụ hay giúp đỡ cho các đồng hương không nói hay viết rành rẽ tiếng Anh trong nhiều lãnh vực khác nhau qua các sinh hoạt đa dạng của đời sống hàng ngày; một thông dịch viên, bà Thu Ân chia sẻ:

“Điều tất yếu của người thông ngôn hay phiên dịch là cần có khiếu về ngoại ngữ. Hiểu, nói, viết thông thạo, nhuần nhuyễn tiếng mẹ đẻ của mình là tiếng Việt và ngôn ngữ chính của đất nước Hoa Kỳ là tiếng Anh, nơi mình đang sinh sống. Khi đi vào vấn đề chuyên môn nào, mình phải học hỏi, trao dồi những từ chuyên môn của ngành đó, như ở tòa án, bệnh viện, văn phòng bác sĩ gia đình hay chuyên khoa.

Nên chọn những từ ngữ một cách khéo léo, khi thông dịch khỏi va chạm về vấn đề văn hóa, sắc tộc.

Phải biết sắp xếp, tổ chức, luôn phải thật đúng giờ, khi làm việc chỉ dịch sát nghĩa, rành mạch lời nói của đôi bên, không thêm hay bớt. Ngoài ra cũng cần sự mềm dịu và kiên nhẫn với những bệnh nhân khó tính, vì bị đau đớn nhiều trong tai nạn xảy ra cho họ. Có những ca dịch, phải theo bệnh nhân hơn một năm trời, tùy theo mức độ phục hồi, cho đến khi bác sĩ không làm gì giúp thêm cho họ được nữa. Riêng tôi thì được thêm những người bạn qúy trong đời.”

Công việc thông dịch cho các đồng hương về những sinh hoạt trong cuộc sống là phổ biến. Tuy vậy, có những ngươì được chọn để làm công tác này cho những dịp quan trọng như các cuộc gặp giữa những vị lãnh đạo quốc gia, một hội nghị quốc tế lớn... Chắc hẳn khi đảm nhận công tác đó, người phiên dịch cần phải có thêm nhiều chuẩn bị đặc biệt khác nữa.

Chia sẻ kinh nghiệm

 Thông dịch viên tiếng Việt trong buổi hội thảo 15 năm quan hệ Việt - Mỹ hôm 14/9/2010. RFA photo

Ông Vương Thanh là người thông ngôn chính thức trong các phiên họp thượng đỉnh Mỹ-Việt , kể lại hoàn cảnh và cơ hội đưa ông đến với công việc thông ngôn, phiên dịch đặc biệt này:

 “Đó là do công tác của Phòng Ngôn ngữ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đây là lý do tại sao tôi đã có những cơ hội đó.”

Dịp này ông đã kể lại về những nguyên thủ và cấp lãnh đạo quốc gia Mỹ-Việt mà ông được dịp làm người thông ngôn:

“Tôi làm công việc này khá lâu rồi và được rất nhiều cơ hội làm việc với họ, phía bên Hoa Kỳ thì có tổng thống Bill Clinton, tổng thống George Bush, tổng thống Barack Obama. Còn bên phía Việt Nam thì tính đến ngày hôm nay, tôi đã làm việc với chủ tịch nước Lương, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, ông Phiêu, rồi ông Mạnh, cựu thủ tướng Khải, hiện thời bây giờ là thủ tướng Dũng.

Rất nhiều cấp lãnh đạo, nhất là trong thời gian mà lãnh tụ cấp cao của hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ gặp nhau trong vòng 10 năm qua, tôi đã có cơ hội làm việc trong những hội nghị ấy.”  

Làm công việc thông dịch cho cấp lãnh đạo quốc gia, đó có phải là một trọng trách, một thử thách quá lớn, một kỳ thi gay go hay không? Ông Thanh tâm sự:

“Tôi cũng không biết phải nói làm sao, tại vì những lần mà tôi làm việc đó, cũng may mắn là chưa có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Theo cá nhân thì mình cứ phải cố gắng, tập trung, trau dồi, cải tiến nghề nghiệp của mình, làm như  vậy để tránh chuyện đáng tiếc có thể xảy ra.”

Trong trường hợp nếu để chuyện đáng tiếc xảy ra một khi người có trách nhiệm mà dịch sai, không nói đúng hay diễn đạt một ý hoàn toàn trái ngược thì hậu quả sẽ ra sao?

Luật sư Phan Quốc Cường, chuyên làm công tác thông dịch phục vụ người Việt trong vùng Washington DC giải thích:

“Cái lỗi hay cái tai nạn có thể xảy ra thường xuyên, tùy theo môi trường làm việc, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều áp lực như trước tòa án.

Một khi nhận ra là mình dịch sai thì nên sửa đổi ngay lập tức, nên báo cho thân chủ hay các bên liên quan, biết được lỗi đó và mình xin lỗi một cách trực tiếp, rồi xin dịch lại. Tùy theo hoàn cảnh mà mức độ của hậu quả khác biệt nhau. Trong phiên tòa mà anh dịch sai thì dữ kiện đó sẽ được đưa vào hồ sơ chính thức của tòa án, là anh đã nói như vậy.

Nếu không có những người phiên dịch viên khác trong tòa hay không có sự khám phá ra sau này thì những lời khai của nhân chứng hay bị cáo người Việt có thể trở thành dữ kiện chính trong vụ án đó, ảnh hưởng đến quyết định của quan tòa, nếu luật sư hai bên không khám phá ra.

Còn ở bệnh viện, việc chẩn đóan bệnh của một người, nếu thông dịch viên không hiểu rõ những lời bệnh nhân muốn nói gì, mình diễn đạt sai ý của anh ta nói về tình trạng bệnh tật, thì củng ảnh hưởng đến kết qủa chẩn đoán và điều trị bệnh.”

Khi tìm hiểu thêm về nghề thông ngôn, phiên dịch, có một thắc mắc được nêu lên, một câu nói vui là nếu sau khi dịch mà chiến tranh giữa hai nước xảy ra thì đó có phải là lỗi của người thông dịch không?

Luật sư Cường giải đáp:  Người thông dịch viên cũng có một phần lỗi trong đó, nhưng lỗi anh ta có thể nhỏ hơn, nếu chiến tranh giữa hai nước mà dễ dàng xảy ra như vậy, chỉ vì một lời nói thông dịch, hai vị nguyên thủ quốc gia không biết, không có những kỹ thuật, những bước kiểm tra, mức độ chính xác về phía bên kia thì  đó là lỗi của cấp lãnh đạo hơn là của người thông dịch. Họ chỉ có thể làm tận tụy công việc của mình trong một hoàn cảnh nào đó.”

Nhiều người cho rằng, công việc phiên dịch tuy được hưởng thu nhập cao, lãnh lương hậu, nhưng lại khá vất vả, áp lực nặng nề, đôi khi phải chịu cảnh nhịn ăn, chịu khát, đợi đến khi xong việc mới có gì cho vào bụng, ông Chu Huy góp ý về điều này:

“Tôi công nhận là có vất vả, vì phải chạy theo sự suy nghĩ của người khác để mình có thể dịch ra được, chuyển ý nghĩ của một người theo một cách dễ hiểu cho người nói thứ tiếng khác. Dĩ nhiên là có áp lực, vì trong trường hợp “dịch đuổi” (vừa nghe là dịch ngay tức khắc câu nói đó) phải làm sao bắt kịp theo thời gian, khi người ta nói xong thì mình cũng phải nói xong, chứ người ta dứt lời mà mình vẫn cứ tiếp tục dịch thì nhiều khi mình không kịp dịch cho người khác.

Có chuyện buồn cười là khi đi ăn chung với người mình phải dịch dùm, thí dụ được dọn ăn món thịt bò, phải ráng cắt miếng thịt cho nhỏ, chứ cắt miếng thịt lớn mà bỏ vô miệng  rồi, người đang nói và bắt dịch thì mình chưa nuốt xong mà phải dịch liền thì qủa thật là chuyện tếu.”

Vui buồn nghề nghiệp

 Cựu Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải (trái) lắng nghe thông dịch viên (giữa) trong cuộc họp với Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Carlos Gutierrez (phải) tại Washington, DC hôm 21/6/2005. AFP photo

Về những chuyện vui buồn khi làm nghề phiên dịch được đi tới nhiều nước, ông Huy kể lại:

“Toàn vui chứ không thấy buồn, nếu nói về nỗi buồn nghề nghiệp thì phải nói là vui nhiều buồn ít nếu mình thích cái nghề này.

Chuyện buồn tôi gặp là khi đi dịch cho người Mỹ, họ xem và đối xử với mình là một người bạn, một phụ tá, trong công việc. Còn bên Việt Nam thì khi anh là một thông dịch viên, đi dịch cho một quan lớn người Việt, ông đó đối xử với thông dịch viên như là tay sai, hay một thư ký. Ông hết sai cái này đến sai cái khác, những chuyện không liên quan gì đến công việc phiên dịch, đến nghề nghiệp.

Qua những kinh nghiệm đi dịch chung với các thông dịch viên từ Việt Nam qua, lúc đi cùng với mấy ông lớn , thì tôi thấy cách đối xử đó là chuyện buồn trong nghề này.”

Bên cạnh công việc thông ngôn sử dụng lời nói, ngôn ngữ, còn có nghề  biên dịch dùng chữ viết chuyển từ tiếng nước này sang tiếng nước khác, một dịch giả lâu năm, giáo sư Tâm Việt, phân tích thêm về kỹ năng này:

“Dịch nói gọi là thông ngôn, dịch viết là phiên dịch, vấn đề phiên dịch có nhiều giai tần, nhiều cấp, từ những chuyện đơn sơ như bài báo đến việc dịch như chúng tôi đã làm với quyển “Một ngàn năm thi ca Việt Nam” hay “Hoa Địa Ngục” của Nguyễn Chí Thiện, đòi hỏi phải có kỹ năng cao cấp hơn là người dịch bình thường.

Trong tiếng Tây Phương có câu “dịch là phản” theo như câu nói của người Ý. Có thể nói có rất nhiều tác phẩm của nhân loại như là Thánh kinh, Kinh Phật đều được thế giới biết đến qua những bản dịch, chứ chúng ta không thể đọc được các thứ tiếng gốc, như tiếng Araméen hay tiếng Do Thái cổ.

Nghề phiên dịch rất quan trọng, nếu muốn đem tri thức của thế giới về với người đọc Việt Nam hay là cái đẹp, cái hay của Việt Nam ra văn hóa thế giới.”

Ông kể lại về đoạn đường dài đã trải qua khi tìm đến với các bậc thầy quốc tế trong ngành dịch thuật, hầu hoàn thành những công trình phục vụ cho nền văn hóa:

“Cách đây hơn 30 năm, tôi đã có dịp đến với quý thầy về dịch như ông Donald Keene hay Ivan Morris dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh, lần đó tôi có phát biểu rằng, dịch là một nghệ thuật đòi hỏi không những năng khiếu về ngôn ngữ mà còn cần cả niềm tin, là từ ngôn ngữ gốc, chúng ta có những cái đáng để đem ra khoe với thế giới.

“Chuyện buồn tôi gặp là khi đi dịch cho người Mỹ, họ xem và đối xử với mình là một người bạn. Còn khi dịch cho một quan lớn người Việt, ông đó đối xử với thông dịch viên như là tay sai, hay một thư ký. / Ô. Chu Huy - thông dịch viên

Niềm tin là chúng ta nắm được đủ về cái ngôn ngữ đối tượng, mà chúng ta dịch sang, có đủ chữ, đủ sự phong phú, biểu hiện được những điều chúng ta muốn nói, từ tiếng gốc, thế nên không có bao nhiêu người đi vào lãnh vực dịch thuật văn học Việt Nam.”

Cha của một nạn nhân bị tàn phế trong tai nạn lao động, nay không còn sức làm việc nữa, nói về sự giúp đỡ của người thông ngôn, phiên dịch viên và kết quả mà anh đạt được sau nhiều tháng tranh cãi gay go giữa nhiều bên liên hệ, ông Phát cho biết:

“Người thông ngôn đó rất tốt, hiểu được hoàn cảnh của tôi, nhờ kinh nghiệm chuyên môn trong khi làm việc với bên bệnh viện của người Mỹ. Thông ngôn rất lưu loát, rành rẽ về nhiệm vụ của mình. Coi như ước nguyện của chúng tôi chừng 70% mà nhờ họ giúp nên đạt được gần 100%.”