Bằng đại học ngày càng cần thiết hơn |
Tác Giả: Lê Tâm/Người Việt Trẻ | |||
Thứ Hai, 27 Tháng 9 Năm 2010 09:42 | |||
Tốn nhưng đáng đồng tiền Dù học phí gia tăng, dù mức nợ tiền học đại học lên cao kỷ lục, nhưng giá trị của cấp bằng đại học ngày càng trở nên quan trọng hơn, nhất là trong tương lai lâu dài của người trẻ, theo một bản báo cáo do College Board đưa ra mới đây. Bản báo cáo mang tên “Hữu Ích Của Giáo Dục: Những Lợi Lộc Giáo Dục Ðại Học Mang Lại Cho Cá Nhân Và Xã Hội - Education Pays: the Benefits of Higher Education for Individuals and Society”, cho hay những người có bằng đại học thường kiếm nhiều tiền hơn và ít bị cho nghỉ việc hơn người chỉ có bằng trung học. Theo bản báo cáo này, mức lương trung bình của những người có bằng cử nhân trong năm 2008 là $55,700 -khoảng $21,900 cao hơn mức trung bình của những người chỉ hoàn tất bậc trung học. Và khoảng cách giữa mức lương trả cho những người có bằng cử nhân so với những người không có bằng cũng đang ngày càng xa hơn. Trong nữ giới ở hạn tuổi từ 25 đến 34 và có bằng cử nhân, mức lương của họ nhiều hơn gấp 79% so với với những người chỉ có bằng trung học; trong khi đó phía nam giới, con số này là 74%. Một thập niên trước đây, phụ nữ có bằng đại học lãnh lương nhiều hơn khoảng 60% và nam giới là 54%. Bản báo cáo cho hay sau khoảng 11 năm làm việc, lợi tức của những người có bằng đại học coi như lấy lại được bốn năm đi học (thay vì đi làm kiếm tiền trong bốn năm đó) cũng như tiền học phí, tiền trả nợ tiền học (với mức lời vào khoảng 6.8%) cho phí tổn đi học ở một trường công lập. Ngay cả trong thời buổi kinh tế suy thoái, bằng đại học giúp che chở phần nào để không bị mất việc. Mức thất nghiệp năm 2009 của những người có bằng đại học, từ 25 tuổi trở lên, là 4.6%, so với con số 9.7% những người chỉ tốt nghiệp trung học. Bản báo cáo cho thấy một điều rõ rệt là trên đường dài, số người có bằng đại học bị thất nghiệp chỉ bằng một nửa số người không có bằng. Trong giới kinh tế gia nghiên cứu về giá trị của bằng cấp đại học, ngay cả trong số những người cho rằng cần phải có những giải pháp khác để phát triển khả năng cá nhân bên cạnh việc đi học đại học, cũng đồng ý rằng trên đường dài, bằng cấp đại học sẽ chứng tỏ được giá trị của nó. Một giáo sư kinh tế tại đại học American University, ông Robert Lerman, nói rằng “Nói chung, đại học là giải pháp đầu tư tốt, nhưng cũng có nhiều sự khác biệt trong kết quả. Cũng có một thiểu số tốt nghiệp đại học không kiếm tiền nhiều bằng những người không học đại học. Và cũng không lấy gì phải lo buồn nếu bạn không vào được đại học. Cũng có những cách khác để cải thiện mức lợi tức của mình. Thí dụ như chứng chỉ cho thấy có khả năng trong một ngành nghề nào đó, ngành sửa ống nước chẳng hạn.”
|