Cách đọc và dùng bảng xếp hạng các đại học |
Tác Giả: Katherine Cohen / Vann Phan chuyển ngữ | |||
Chúa Nhật, 19 Tháng 9 Năm 2010 19:31 | |||
Ðối với các vị cố vấn học đường ở trung học cũng như đối với các thiếu niên chuẩn bị lên đại học và các bậc phụ huynh, những bản xếp hạng hàng năm các trường đại học là một đề tài sôi nổi trong các cuộc chuyện trò. Các bản xếp hạng vẫn được dùng làm kim chỉ nam của Newsweek/Kaplan College Guide, U.S. News & World Report, Princeton Review và Forbes đề cập tới “các đại học tốt nhất” mà sinh viên, học sinh dùng để hướng dẫn họ tìm kiếm các trường đại học mong muốn. Những bảng xếp hạn các trường đại học này thật sự có ý nghĩa gì, và các bạn nên đặt bao nhiêu tin tưởng vào các bảng xếp hạng đó khi chọn cho mình một trường đại học để theo học?
Chuyện thứ nhất: Chúng tôi là Số 1! Ðại Học Harvard đứng đầu bản danh sách các trường đại học ưu hạng Việc hiểu rõ các tiêu chuẩn và phương pháp dùng để lập nên bản danh sách là điều then chốt. Tiêu chuẩn mà mỗi cơ quan xếp hạng (ranking organization) sử dụng đều khác nhau. Tỉ dụ, U.S. News & World Report cứu xét tới yếu tố tuyển chọn sinh viên và cựu sinh viên đóng góp cho trường cũ, trong khi đó thì Forbes nhấn mạnh tới thành công của các sinh viên khi ra trường, mức độ hài lòng của sinh viên và số nợ nần sinh viên mang theo lúc rời ghế nhà trường. Việc xếp hạng các trường cũng khác nhau tùy theo danh sách các trường được xếp đặt như thế nào. Một số cơ quan xếp hạng những trường tốt nhất theo tiêu chuẩn nhìn chung, trong khi các cơ quan khác thì phân loại các trường theo địa lý, nêu bật các trường tốt nhất trên toàn quốc hay trong vùng, trong khi đó có nhiều cơ quan xếp hạng khác lại phân chia theo từng lãnh vực nghiên cứu và ngay cả theo các tiện nghi phục vụ sinh viên. Princeton Review xếp hạng các trường theo 62 loại - từ yếu tố giảng huấn cho tới yếu tố bảo mật, với các loại như “Ðại Học Có Ðài Phát Thanh Hay Nhất” (Số 1: DePauw University ở Indiana) hoặc “Ký Túc Xá Giống Như Lâu Ðài” (Số 1: Bryn Mawr College ở Pennsylvania). Chuyện thứ hai: Sự phức tạp trong tiến trình xếp hạng các đại học Cố gắng so sánh trường này với trường kia có khi rất khó. Tỉ dụ, Ðại Học Srah Lawrence College ở New York được xếp hạng 13 trên danh sách “Giáo Sư Ðược Ðiểm Cao” của Princeton Review và được xếp hạng 170 trên danh sách “Các Trường Tốt Nhất của Mỹ” của Forbes, nhưng lại không được U.S. News & World Report xếp vào hạng nào cả. Các trường khác có thể xuất hiện ở trên chót trên một số danh sách, nhưng theo các loại khác nhau. Ðại Học Williams College ở Massachusetts được xếp hạng 1 trên U.S. News & World Report như là một trường đại học nhân văn quốc gia, trong khi đó Forbes xếp hạng trường này là số 1 nhìn chung và Princeton Review xếp hạng trường này Số 7 về những gì sinh viên thu nhận được trong lớp học. Còn rắc rối hơn nữa là sự thể các tiêu chuẩn xếp hạng lại có thể thay đổi từ năm này sang năm khác, khiến cho vị thứ của một trường đại học bị ảnh hưởng tùy từng năm. Mặc dù từ năm này sang năm khác một trường đại học cứ lên hạng rồi xuống hạng trên danh sách, điều này không có nghĩa là trường này đã trở nên thật sự khá hơn hay bị xuống dốc. Forbes xếp hạng Ðại Học Duke University ở North Carolina Số 104 vào năm 2009. Năm nay (2010), trường này được xếp hạng Số 41, tức là khác nhau tới 63 bậc. Lý do tại sao lại xếp hạng khá hơn? Có lẽ Forbes đã thêm vào các tiêu chuẩn mới và loại bỏ tiêu chuẩn căn cứ trên số tiền cựu sinh viên hiến tặng cho trường trong các tiêu chuẩn xếp hạng của họ. Nhìn chung, đối với các trường đại học thì việc xếp hạng chỉ là chuyện hễ trường này lên cao thì trường kia phải xuống thấp. Trong mỗi danh sách, chỉ có một trường đại học là giành được hạng Số 1 mà thôi. Ngoài ra, việc xếp hạng có tính chủ quan và có nhiều yếu tố đã không được đem ra đánh giá, tỷ như các cơ hội nghiên cứu dành cho sinh viên, như ban giảng huấn dùng bao nhiêu thời gian để cố vấn cho sinh viên ngoài giờ giảng bài trong lớp, như sinh viên thân thiện và giúp đỡ nhau tới mức nào, như liệu trường có đóng góp vào sự phát triển cá nhân của sinh viên hay không hoặc mức độ hiệu quả của chương trình tìm kiếm việc làm của trường ra sao. Loại thông tin này được phản ảnh qua kinh nghiệm của sinh viên tại một trường đại học nào đó hơn là xuyên qua bảng xếp hạng của các cơ quan. Chỉ có kinh nghiệm cá nhân có thể quyết định liệu một trường đại học có thích hợp cho người sinh viên, học sinh hay không. Nhưng việc xếp loại các trường đại học tỏ ra hữu ích nếu sinh viên và phụ huynh biết cách dùng sự xếp hạng đó một cách thích hợp - tỉ như dùng làm một công cụ vào lúc khởi đầu việc tìm kiếm trường đại học. Xin đề nghị các bạn sinh viên, học sinh đừng coi trường mình ưa thích nằm ở vị trí nào trên bản xếp hạng mà thay vào đó hãy nhìn vào các tiêu chuẩn dùng để xếp hạng trường đại học đó. Các bạn hãy tự lập lấy bảng xếp hạng các trường bằng cách chọn lựa các yếu tố quan trọng nhất đối với bạn, và rồi chọn các trường bằng cách dùng những yếu tố này làm thước đo. Dựa vào tiêu chuẩn cá nhân của bạn thì các trường được xếp hạng như thế nào? Sinh viên, học sinh phải tìm kiếm và làm quen với những trường thích hợp với tiêu chuẩn riêng của mình. Lý tưởng nhất là người sinh viên, học sinh dùng tiêu chuẩn của mình để tạo lập một bản danh sách riêng cho mình gồm chừng 10 trường mình cho là có ưu tiên cao nhất. Phụ huynh và sinh viên, học sinh phải biết đặt sự đánh giá của mình vượt lên trên bảng xếp hạng các trường đại học và tự mình tìm hiểu các trường đại học. Hãy đến thăm khuôn viên đại học của trường, đích thân mình hoặc qua kinh nghiệm thực tế, nhìn vào các học khóa do trường cung ứng và các giáo sư dạy các môn học, tìm xem các tài nguyên nào có sẵn trong khuôn viên đại học và các hoạt động nào mà sinh viên, học sinh có thể tham dự bên trong và bên ngoài khuôn viên đại học, và rồi tìm hiểu về các chương trình thực tập và hướng nghiệp của trường. Bạn cũng có thể nghiên cứu về một trường đại học qua kinh nghiệm của người khác bằng cách nói chuyện với các sinh viên hoặc các cựu học sinh hiện đang theo học tại trường này, hoặc nói chuyện với các cựu sinh viên sinh sống trong khu vực của bạn. Khi chọn một trường đại học cho mình thì không thế có chuyện “một cỡ vừa hết mọi người.” Ðây là một quyết định có tính cách cá nhân và phải dựa trên yếu tố nào có ý nghĩa nhất đối với người sinh viên, học sinh. Một khi bạn đã tìm hiểu một trường đại học qua các cuộc điều nghiên thấu đáo, qua các chuyến thăm viếng và qua các kinh nghiệm khác, lúc đó bạn mới có thể quyết định liệu trường đại học này có phải là trường tốt nhất về khía cạnh giảng huấn, xã hội và tài chính hay không, chứ không cần phải dựa trên thứ hạng của trường do các cơ quan xếp hạng đưa ra. (Nguồn: “Decoding and using college ranking lists” của Katherine Cohen, Ivywise)
|