10 bí quyết giúp sinh viên giảm stress |
Tác Giả: Vann Phan | |||
Thứ Tư, 09 Tháng 6 Năm 2010 17:49 | |||
Vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống sách đèn, hầu hết các sinh viên đều cảm thấy mình bị stress vì một chuyện gì đó, và điều này cũng chỉ là một phần trong đời sống sinh viên mà thôi. Stress dứt khoát là một trạng thái tinh thần mà người ta có thể kiểm soát được. Các bạn sinh viên hãy thử áp dụng 10 bí quyết sau để có thể kềm chế được stress và tìm kiếm được sự thư thái trong tâm hồn. Hình minh họa. (Hình: Getty Images) 1. Ðừng thấy mình bị stress mà đâm ra sợ hãi Ðiều này mới nghe thật phi lý, nhưng nhiều sinh viên lại lâm vào tình huống trong đó người sinh viên biết mình đang bị stress rồi lại đâm ra lo sợ khiến cho mức độ stress đang có đã không giảm mà lại càng tăng. Hãy cứ coi chuyện stress là bình thường, và cách tốt nhất là khi bị stress rồi thì đừng có hoảng sợ. Cứ chấp nhận mình bị stress để rồi nghĩ ra cách làm giảm stress là bí quyết đầu tiên và cũng là bí quyết đơn giản nhất. 2. Ngủ nghê một chút Ðang là sinh viên thì chuyện ngủ nghỉ vẫn được coi như là một trò xa xỉ. Tuy nhiên, ngủ thêm đôi chút có thể giúp cho trí óc người sinh viên dễ tập trung hơn, giúp cho năng lực trong bộ não được tái tạo và giúp cơ thể lấy lại được sự thăng bằng. Ngủ nghỉ đây có thể là một giấc ngủ ngắn thật tự nhiên, hoặc một giấc ngủ sớm -nhưng không dài quá thời lượng cho phép- vào một trong những đêm người sinh viên cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường. Thỉnh thoảng, thử hoạch định thời biểu để có thể ngủ một đêm thật thoải mái, bởi vì làm như thế cũng có thể giúp các bạn sinh viên thoát khỏi vòng vây của stress. 3. Ăn một thứ gì đó Tương tự như giấc ngủ, chuyện ăn uống cũng bị dẹp qua một bên lúc sinh viên đã vào sâu trong niên khóa. Cho dù stress là một trạng thái tinh thần, việc đổ đầy nhiên liệu vào cơ thể cũng là một cách để tạo hiệu quả tâm lý thoải mái và từ đó làm giảm stress. Như vậy, khi cảm thấy mình đang bị stress, các bạn cứ đi ăn uống thứ gì thật bổ dưỡng nhưng lành mạnh, tỷ như trái cây hay rau đậu, các thứ ngũ cốc và chất protein. 4. Tập thể dục đôi chút Nhiều sinh viên cứ nghĩ là mình đã không có thì giờ ngủ nghỉ và ăn uống thì làm gì lại có thì giờ để tập thể dục. Nhưng nếu bạn bị stress thì bạn lại càng cần tới những hoạt động thể xác kiểu này. Thể dục không nhất thiết phải kéo dài cả tiếng hoặc vài ba tiếng đồng hồ, cũng như không nhất thiết phải làm cho bạn chảy mồ hôi nhễ nhại mới là thể dục. (Loại thể dục đòi hỏi phải chảy mồ hôi chỉ là để cho các bạn quá nặng cân “chảy mỡ” bớt đi chứ không áp dụng trong trường hợp này.) Trên thực tế, các bạn sinh viên có thể kết hợp các bước sau đây: 1. đi bộ 15 phút tới tiệm ăn mà mình thích, 2. ăn một bữa ăn nhẹ mà bổ dưỡng, 3. đi bộ trở về, và 4. ngủ một chút... tất cả chỉ độ hơn 1 tiếng đồng hồ là vừa đủ. 5. Tìm chút thời gian yên tĩnh Không gian cá nhân của sinh viên tại khuôn viên đại học thật là một cái gì hiếm hoi. Tuy nhiên, bạn cần phải tìm ra một khoảng thời gian nào đó, dù ngắn ngủi, để có được những phút giây riêng tư cho mình. Ðó là lúc không có tiếng điện thoại cầm tay reo vang, không có người bạn cùng phòng lải nhải hay réo gọi ơi ới, và dĩ nhiên là không thể có đám đông phiền nhiễu. Bạn hãy bước ra khỏi khung cảnh quay cuồng của cuộc sống học đường và tìm kiếm một ít phút giây “thanh bình riêng biệt” (“separate peace”) để rồi tự nhiên các stress sẽ lùi xa. 6. Phải dành ra thì giờ giao tiếp Sau 3 ngày liên tiếp hì hục soạn một bài thuyết trình tiếng Anh hay phải mất cả một ngày liên tục ngồi trong phòng lab với các hóa chất, bạn có thể cảm thấy như bị tê liệt với mức độ stress dâng cao vì bạn đã phải chú ý tập trung trí não thật nhiều và liên tục. Hãy tóm lấy vài ba người bạn rồi kéo nhau đi lả lướt trên sàn nhảy một chút. Hoặc cùng rủ nhau đi xem một bộ phim ở một rạp hát bên ngoài khuôn viên đại học. Hoặc âm thầm nhảy lẹ lên một chiếc xe bus để “theo em xuống phố trưa nay...” Những phút giây giao tiếp ngắn ngủi như thế này coi vậy chứ giúp nhiều cho việc giảm stress lắm. Thật ra, càng bị stress nhiều chừng nào thì các bạn sinh viên lại càng cần tới các loại giao tiếp như kể trên. 7. Vui đùa một chút Các bạn sinh viên có thể bị stress vì một hoạt động học tập nào đó: một bài thi cuối khóa đến kỳ phải nộp vào Thứ Hai, một cuộc thuyết trình trong lớp vào Thứ Năm... Ðơn giản là bạn phải nghiêm chỉnh ngồi xuống và “cày” suốt cho tới khi nào xong việc. Ðiều cần thiết trong trường hợp này là phải làm sao đem cái vui, cái tếu vào những hoạt động khổ nhọc kia. Các bạn thử hẹn nhau cùng vào một chỗ công cộng -như thư viện- để làm việc cật lực suốt 2 tiếng đồng hồ rồi sau đó kéo nhau đi ăn pizza. Cái này thì cũng giống y như dân lao động thuở xa xưa “hò kéo gỗ” vậy đó: càng đông người dấn thân vào chỗ “hành xác” thì công cuộc hành xác này lại đâm ra dễ chịu, vì mình vừa “hò” vừa kéo với nhau như vậy dễ làm vui lây cho nhau lắm, để rồi từ đó stress sẽ tự động biến đi. 8. Biết tách mình ra khỏi các nghĩa vụ khi cần Ðang còn là sinh viên, các bạn đừng vừa giải quyết chuyện của mình mà cũng vừa giải quyết chuyện của người khác. Trong khi chuyện giúp kẻ khác có thể là điều tốt, hãy lương thiện với chính mình bằng cách tự hỏi liệu mình còn có thì giờ và thiện chí sót lại sau khi học hỏi hay không. Nếu vì chuyện học hành cần kíp mà bạn phải tháo lui vài bước trong hoạt động giúp đỡ người khác thì cũng chẳng sao cả, miễn là việc học hành của bạn không bị lâm nguy là được. Cuối cùng, còn có điều này: nếu mình không tự giúp mình trước thì lấy đâu cơ hội để giúp cho người khác? Giảm bớt một nghĩa vụ hoặc một gánh nặng thì tức là bạn đã “quẳng gánh lo đi,” tức là giảm stress cho chính mình rồi đó. 9. Xin bạn bè giúp đỡ trong học vấn Ðây là chuyện hơi khó thực hiện, trừ phi bạn học của mình là một nhà tâm lý, bởi vì nếu không thì coi như ai cũng lu bu trong công việc, với bài vở ngập đầu, ngập cổ. Nhưng các bạn cũng có thể dành ra chừng 30 phút mời một người bạn đi uống cà-phê, rồi nhân đó hỏi một vài điểm mà mình chưa thấu hiểu trong bài giảng của giáo sư vào chiều hôm kia. Chuyện này có thể giúp bạn xúc tiến được công việc và làm giảm thiểu những stress gây ra do tình trạng mức học tập của bạn bị khựng lại chỉ vì một vài chướng ngại nhỏ. 10. Phải có tầm nhìn thoáng hơn Ðời sống sinh viên có thể làm cho các bạn bị tràn ngập vì bài vở hoặc vì những cam kết chưa thực hiện được. Bạn có thể sẽ phải đi theo bước chân của một số sinh viên đồng lớp mà tham gia vào các hội chuyên ngành riêng tư trong trường, tham gia viết cho tờ báo nhà trường, hoặc tham gia các hoạt động xã hội bên ngoài học đường. Dù đời sống sinh viên khiến các bạn có cảm tưởng là mình không sao có thì giờ làm chuyện khác, việc tham gia các hoạt động như vừa kể tạo cho sinh viên cơ hội vượt ra khỏi bốn bức tường của khuôn viên đại học. Rồi chính cái tầm nhìn xa này sẽ làm cho mức độ stress trong công việc giảm bớt đi khi người sinh viên cảm nhận được một chân trời mới bên kia món nợ sách đèn. (Viết theo Kelci Lynn, About.com)
|