Phải chăng các đại học tư gây lạm phát điểm trung bình? |
Tác Giả: Nguyễn Xuân | |||
Chúa Nhật, 06 Tháng 6 Năm 2010 14:31 | |||
Hiện có sự than phiền là các đại học tư ở Hoa Kỳ đang gây ra tình trạng lạm phát điểm trung bình và từ đó khiến các trường đại học công cũng phải chạy theo để sinh viên của mình không bị thiệt thòi.
Vấn đề tranh cãi về điểm số cũng trở nên gay gắt hơn khi người ta nhìn vào số sinh viên đại học tư xuất hiện quá nhiều trong các trường Y khoa, Luật khoa, Thương Mại và một số các ngành học tiến sĩ chọn lọc khác, với lời giải thích rằng “lạm phát điểm” cũng góp phần tạo ra lợi thế này. Theo một cuộc nghiên cứu của Stuart Rojstaczer và Christopher Healy, sử dụng các dữ kiện lịch sử thu thập từ 80 trường đại học bốn năm, cho thấy mức điểm trung bình GPA trên toàn quốc đã tăng từ con số 2.52 trong thập niên 50 lên đến khoảng 3.11 vào giữa thập niên 90. Trong giữa đầu thế kỷ 20, điểm số trung bình ở các đại học công và tư tăng giống nhau. Nhưng bắt đầu từ thập niên 50, việc tăng điểm ở trường tư và công bắt đầu có sự khác biệt rõ ràng. Sinh viên trường tư khởi sự có điểm cao hơn rõ rệt so với các sinh viên trường công. Theo ước tính, từ các kết quả mới nhất thu thập ở 160 trường ngày nay thì con số mức GPA trung bình ở các đại học tư hiện là 3.3 trong khi ở đại học công là 3.0. Theo Stuart Rojstaczer và Christopher Healy, điều này có thể giải thích lý do tại sao sinh viên từ các trường tư được nhận nhiều hơn vào các trường Y khoa, Luật và Thương Mại danh tiếng hàng đầu Hoa Kỳ cũng như một số chương trình tiến sĩ chọn lọc khác. Họ cho rằng các giới chức phòng tuyển nhận sinh viên đã bị đánh lừa vì điểm số bị lạm phát này. Thêm vào đó, cuộc nghiên cứu cũng cho thấy các phân khoa khoa học ngày nay có điểm số trung bình thấp hơn ngành nhân văn khoảng 0.4 điểm, và 0.2 điểm thấp hơn ngành khoa học xã hội. Sự chấm điểm gắt gao này trong ngành khoa học đã tồn tại ít nhất là 40 năm qua, hoặc còn có thể lâu hơn thế nữa. Hai tác giả cuộc nghiên cứu nói rằng điểm số thấp khiến các học sinh Mỹ không muốn vào học ngành khoa học. Các chuyên gia ngành giáo dục cho rằng lạm phát điểm là điều không tránh khỏi và khi nào các trường còn thấy rằng cho điểm cao sẽ giúp đỡ cho các sinh viên khi tốt nghiệp thì sẽ không có lý do gì để đưa ra các biện pháp chung nhằm giới hạn việc cho điểm cao.
|