main billboard

Một nhà biên khảo ở Toronto, Canada có viết một bài dài và rất công phu về quê hương của ông, tựa là: Mỹ Tho miền ký ức.

“Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, tui tâm phục, khẩu phục ông. Vì chuyện tư, chuyện riêng, người ta giấu gần chết mà ổng học gồng, dám phun tùm lum, tà la trên mạng mà hổng sợ chúng nó la?

Ngoài cái tánh cực kỳ can đảm, dám ngồi xổm trên luật bảo vệ đời tư; ổng đúng là một thổ địa của xã Ðiều Hòa (sau là tỉnh lỵ rồi tới thị xã trước khi chúng ta bị sập tiệm. Danh xưng đổi tùm lum cho vui. Chớ tên gì thì nó cũng dùng để chỉ một vùng đất nằm dọc theo bờ sông Mỹ Tho đó thôi. “Chẻ tre bện sáo cho dày. Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp em”)

                                                                                              o O o

Bà con Miền Tây mình, chắc ai cũng hiểu “thày lay” là xen vào việc của người khác, không dính dáng gì đến mình. Nhưng trường hợp nầy là khác. Bài viết của ổng có dính chặt như keo super glue vào đường xưa, nhà cũ của tui! Nên tui rành sáu câu, tui mới dám “thày lay” chút chơi; để đỡ buồn như dế kêu thời ôn dịch, bị cô lập, bị giới nghiêm buộc phải ngồi chong ngóc trong nhà!

Tác giả viết về đường Gia Long, Mỹ Tho (sau 75, là đường Ba mươi tháng Tư) là: “Nếu có ai hỏi tôi con đường nào đẹp nhất Mỹ Tho, thì tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng đó là con đường Gia Long. Phải, chỉ mỗi việc con đường chạy dọc theo sông Tiền Giang đã nói lên được điều nầy rồi”.

Ổng gọi “sông Tiền Giang”, nghe hơi ngứa hai cái lỗ tai trâu của tui; nên tui xin “thày lay” là: “Hồi những năm 60s, con sông Tiền Giang (theo ông viết) nầy tui thường nghe bà con gọi là sông Mỹ Tho. Chỉ sau 75, mới gọi là “sông Tiền Giang” (giang là sông rồi mà gọi như vậy dư một chữ sông).

Ông bà mình xưa giờ thường lấy tên đất đặt tên sông. Vi-xi thì làm ngược lại, lấy tên sông mà đặt tên đất. Há mấy cha không biết chữ “đất nước” hay sao? Ðất trước rồi mới tới nước. Chớ không ai nói “nước đất” bao giờ! Cách đặt tên ngược ngạo như vậy đã là sai. Mà chọn cái tên sông cũng hổng giống ai.

Vĩnh Long chỉ nằm trên bờ sông Tiền mà dám lấy tên Cửu Long (sông cái, sông mẹ của sông Tiền và sông Hậu) đặt tên ên cho mình!

Còn vùng đất mang tên tỉnh Hậu Giang (Chương Thiện ngày xưa) thì cách sông Hậu tới gần 60 cây số. Nó nằm ở bìa rừng U Minh Thượng, trên bờ Kinh Xáng Xà No. Thì phải đặt tên là tỉnh U Minh Thượng hay tỉnh Xà No mới đúng chớ!
duong xua

Rồi còn có một cái tên quái đản nữa, sau 75, là: tỉnh Sông Bé. Chắc tại tên “Bé” nên nó teo, rồi biến mất tiêu luôn. Sau năm 1996, không còn ai nghe tới tên nó nữa.

Sau đó mấy chả còn đổi tên tỉnh Ðịnh Tường thành tỉnh Tiền Giang.

Tui hổng hiểu tại sao những gì thuộc Chúa Nguyễn, rồi thời Gia Long những người đã đưa lưu dân vào khai phá lập nghiệp ở cái đất nầy, dù chết đã lâu mà vẫn còn bị thù dai cho đến thế! “Ê, ăn cháo đá bát, vong ơn bội nghĩa như vậy coi kỳ lắm đa!”.

Rồi tác giả viết tiếp như vầy: “Ðối diện Vườn Hoa Lạc Hồng là dãy phố lầu. Cuối dãy phố lầu nầy là Ty Ngân Khố; đối diện bên kia đường Lê Lợi là Ty Bưu Ðiện.

Tui xin “thày lay”, thôi nói trần trắng trợn ra, là ổng nói trật lất! Tính theo số nhà từ nhỏ tới lớn, Ty Ngân Khố không phải cuối mà phải nói đầu dãy phố mới chánh xác. Ðối diện bên kia đường không phải là Ty Bưu Ðiện mà là tư dinh của Tham Mưu Trưởng Sư đoàn 7, cấp bậc phải là Ðại tá. Tui nhớ đâu khoảng năm 1968 Mậu Thân là Ðại tá Tuệ. Tui thấy ổng đi đánh quần vợt sân gần nhà tui hoài.

Kế tư dinh nầy mới là Ty Bưu Ðiện, số 33 đường Gia Long. Còn số 31 là tư thất dành cho ông Trưởng Ty. Có tới hai số nhà nhưng chỉ có một tòa nhà liền lạc mà thôi. Tui ở số 31 vì bà Trưởng Ty Bưu Ðiện kêu tui bằng thằng. Dám kêu tui bằng thằng vì bả dám đẻ ra tui. Tức bả là má của tui! Hi hi!)

Sau chót, khi kể về con đường Gia Long, tác giả viết tiếp là: “Nhắc tới Ty Bưu Ðiện là tôi nhớ ngay tới anh Phạm Phú Lộc ở cùng xóm Trịnh Hoài Ðức với tôi làm Trưởng Ty Bưu Ðiện Mỹ Tho. Anh ở nhà vợ khu Chợ Cũ gần Bến Tắm Ngựa, thế nên mỗi ngày anh đón đò máy dưới Bình Ðại lên để đi tới Vườn Hoa Lạc Hồng rồi đi bộ tới Ty Bưu Ðiện làm việc, cả hai lượt đi về nên bạn bè gọi anh là ông Trưởng Ty đò máy”.

Nên tui e rằng cái giai thoại ông “Trưởng Ty đò máy” nầy chắc tác giả kể nghe cho vui rồi bỏ! Chớ người trong cuộc, biết đầu đuôi gốc ngọn, nghe nó tức anh ách hè.

Tui xin “thày lay”, sửa lưng tác giả là: “Bất cứ ông nào nhậm chức Trưởng Ty Bưu Ðiện Mỹ Tho thì được quyền ở số 31 đường Gia Long, tư thất dành cho gia đình ông Trưởng.

Sáng 8 giờ, chỉ cần mở cửa từ bên này là bước vô văn phòng liền. Cả đời, tui chưa hề thấy ai tới sở làm mà mất chưa tới 5 giây. 12 giờ mở cửa về nhà ăn cơm. 2 giờ mở cửa qua làm tiếp tới 6 giờ tan sở.

Sở dĩ tui rành 6 câu vọng cổ như vậy là vì tía tui đã từng làm Trưởng ty Bưu Ðiện Mỹ Tho từ năm 1966 tới năm 1970. Mà không phải riêng Ty Bưu Ðiện Mỹ Tho, Ty Bưu Ðiện Cái Bè, Ty Bưu Ðiện Rạch Giá, Ty Bưu Ðiện Ban Mê Thuột những nơi tía tui đã từng tùng sự đều y như thế cả.

Hồi còn ở Ty Bưu Ðiện Mỹ Tho, lâu lâu buồn buồn, hổng có việc gì làm, tui bèn kiếm chuyện chọc cho chúng chửi chơi. Tui chọc quê mấy em trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân. Ðến cổng trường của em nằm trên đường Ngô Quyền, đối diện chùa Phật Ân để ngày ấy cây si anh trồng ngay lối đi hay sao? Tui đâu có khờ đến thế. Tui hằng biết câu thành ngữ: “Cọp xuống đồng bằng…”. Léo hánh tới cái “đồng bằng” có hai cái nháy nháy đó, lỡ xui gặp một em “Này này chị bảo cho mà biết, Chốn ấy hang hùm chớ mó tay” thì tui biết giấu cái mặt mẹt quê xệ của mình vô chỗ nào khi nghe em nói trúng ngay chóc cái tim đen?

Chi bằng chó cậy gần nhà, dê mấy em mướn hộp thơ lưu trữ của Bưu Ðiện. Ðầu tiên em móc xỉa tháng 5 đồng, mướn một hộp thư ở Bưu Ðiện Mỹ Tho. Kế đó, chọn cái tên nào nghe hoàng gia, đọc lên cứ tưởng tiếng Tây như: Tôn nữ Mộng Sâu (đừng quên bỏ dấu nặng dưới chữ Mông). Sau đó viết vài hàng gởi anh trìu mến, rồi nhờ tuần san Phụ nữ Diễn đàn đăng miễn phí vào mục “Tìm bạn bốn phương”.

Chỉ một tuần sau là thư viết từ chiến trường sẽ bay về hộp thơ của em tới tấp. Em sẽ bận túi bụi để trả lời. Và thằng Tèo em cũng bận túi bụi bóc tem từ bì thơ ra để sưu tầm.

Thấy em “mi nhon” chiều thứ Sáu tuần nào cũng tới; tui biết tỏng là em đang nối dòng lá thắm với non chục người tình không chân dung.

Tui đang ngồi tòng teng trên cây nhãn trước bực tam cấp vào Bưu Ðiện như Tôn Ngộ Không thì thấy em yểu điệu thục nữ bước vô. “Tui méc má đó nhe! He he!”. Nghe vậy, em bĩu cái môi cong cong, “xí” một tiếng. Hơi em dài cũng cỡ kép Giang Châu, vai Trùm Sò, xuống sáu câu vọng cổ vậy.

Có bữa, tui cắc cớ núp sau dãy hộp thơ lưu trữ chờ em tới để nhát ma em. Khi em mở khoá, thò bàn tay búp măng, trắng như bông bưởi, tính lấy thơ thì đụng cái bản mặt đen sì như Bao Công của tui phía sau dãy hộp thơ lưu trữ trống hoác (để bưu tá bỏ thơ vô). Em tưởng là đụng phải con rắn nên thiếu điều em chết giấc!

Vâng đường xưa, nhà cũ, quê hương thương nhớ của tui là vậy đó. Ai nói trật chìa tui hổng chịu đâu nhe!

                                                                                                                                                                               ĐXT