main billboard

Cuối cùng thì cái thơ gởi về nhà cũng đã viết xong. Khi đọc lại, tôi thấy những câu văn trên tờ giấy trắng khác hẳn những gì đã nghĩ ngợi trong đầu...

phong thu dao xaTôi ngó quanh ngó quất, tìm một khúc cây nhỏ định để xới đất. Rải rác xung quanh toàn là lá dừa với những trái dừa khô quắt nhăn nheo nằm lăn lóc. Bữa nay cần phải làm một cái bếp để nấu nướng. Cả ngày hôm qua đủ thứ chuyện nên ăn quơ ăn quào, sáng sớm thức dậy vợ chồng con cái đói meo. Ba cục đá được lượm từ dưới bờ nước, loại đá vôi, bở rệu màu xám đục. Nhưng kệ nó, chừng nào đốt cháy tới mục rã thì kiếm cục khác chớ ở đây làm gì có đá xanh cứng rắn. Cái bếp được đào dưới gốc dừa. Thân dừa chắn gió, tàn dừa che mát. Duyên đã lấy ra cái gàu mên làm bằng nhôm trắng, dùng cát biển chùi rửa thiệt sạch. Cái gàu mên nầy ban đầu đem theo để đựng thức ăn, sau dùng làm nồi nấu nướng. Thiệt là tiện lợi đôi bề. Đất chỗ gốc dừa nầy đào dễ quá chỉ toàn là cát trắng, bở rệu. Chỉ xới qua xới lại vài lần, tôi đã khoét được một cái lỗ khá sâu. Ba cục đá được đặt ở ba góc đều đặn. Vì gạo ít nên hà tiện, vợ chồng định dùng số lượng có được dành để nấu cháo ăn dần. Mỗi lần nấu, lấy một bụm gạo nhỏ. Củi dùng để chụm thì thiếu gì, hằng hà sa số. Tàu dừa khô đó, chỗ nào cũng có, rớt nằm la liệt ngổn ngang đầy đất. Quơ tay ra là lượm cả đống, chụm đến bao giờ cho hết được. Buổi sáng, đảo thức dậy với những ngọn lửa bập bùng, những làn khói trắng uốn éo vươn lên cao, tỏa ra trong nắng sớm. Các lều kế cận, người ta cũng đều nổi lửa nấu ăn.

Cái sinh hoạt cũng khá rộn ràng. Tiếng nói chuyện đã trở nên ồn ào. Trên đọt cây có con chim hót, tiếng hót dài mà trong. Chim màu xám đen, cái mỏ vàng ửng, lớn giống như chim sáo. Cái bếp đã làm rồi. Tôi bèn túm lấy một mớ lá dừa chạy qua bếp Tư Trần Hưng Đạo kế bên để mồi lửa. Là dừa khô bắt lửa thiệt lẹ, cháy phừng phừng. Ngọn lửa bốc lên cao nóng hực. Trong phút chốc, cái nồi nhôm sáng trắng bị khói ám đen thui. Các tàu dừa cháy nổ kêu lách tách, tiếng nổ nhỏ vang vang khơi động buổi sáng. Sóng xa nhấp nhô, trời trong xanh ngăn ngắt.

Tôi lẩn thẩn nhìn cái tàu dừa trước mặt, cái sống dừa nổi cao chạy tới cuối bẹ u tròn. A, thì ra người ta thường ví von cái sống mũi đẹp có hình giống cái dọc dừa.... -cái mũi dọc dừa. Phải rồi, người đẹp có cái sống mũi cao cao thanh tú, đầu mũi nở nang... Cũng không biết tại sao tôi cứ nghĩ tới nàng hoài!

Đến khi nồi cháo gần chín, tôi ngửng đầu lên nhìn ra xa thì cũng thấy một cái mũi. Nhưng thiệt đáng tiếc. Không phải là cái mũi ước mơ. Mũi dọc dừa đâu không thấy, chỉ thấy một cái mũi két khoằm khoằm. Một người đàn ông Mã Lai cỡ trên năm mươi tuổi, ốm nhách, cao như cây tre, da dẻ nâu đen, để ria mép thành ra gương mặt láo liêng, quần áo đẹp đẽ, đang đứng ở sau gốc dừa nhìn xoi mói vào khu lều mới dựng. Ông ta là ai, tại sao lại đứng ở đó dòm dòm? Cái áo thun thể thao trắng tinh cụt tay có in hình chữ xanh Adidas nổi bật trong đám cây lá hoang dại. Một mẫu người thành thị chải chuốt đúng mức. Tôi ngạc nhiên hết sức. Ở đảo nầy, ai cũng tưởng chỉ có mấy người lính với anh chàng Tăn Ku, nhè đâu lại có thêm ông già Adidas! Ừ, mà không biết ổng là ai, thì gọi đại cái hàng chữ trên ngực áo cho dễ nhớ. Dầu sao thì cái hiệu Adidas cũng gợi cảm hơn một cái tên Mã Lai dài ngoằn nào đó. Ông xăm xăm đi tới, tôi chợt thấy đôi giày da, đen bóng loáng như da cá trê. Bóng quá, dám soi mặt mà cạo râu được! Ông nhìn thấy tôi rồi tới Tư Trần Hưng Đạo. Tôi chuẩn bị đứng dậy làm quen, nhè đâu ổng đổi hướng xẹt qua bên lều chị Kiều. Ừ, đi đâu đi phứt cho rồi, qua lều mấy bà gợi chuyện dầu sao cũng hấp dẫn hơn tôi với Tư máy cày! Vả lại ở cái xứ Mã Lai nầy, người dân đều nói tiếng Anh, tôi lại bù trất. Nếu phải nói chuyện nhiều chắc là mỏi tay lắm! Cháo đã chín nhừ rồi, vợ chồng con cái ăn cho no bụng trước đã, chuyện gì thì cũng thủng thẳng tính sau...

Bây giờ bên lều chị Kiều đông như cái nhà hội. Đàn ông, đàn bà đứng chùm nhum bao quanh Adidas vào giữa. Con Xuân Lan, thằng Chí Ròm thì chạy lăng quăng cười giỡn la hét om xòm. Thằng Lĩnh mập lớn nhứt đứng xen vô giữa, vừa móc cứt mũi vừa há hốc miệng nghe người lớn nói chuyện. Tuy nó không hiểu gì hết vì người ta nói bằng thứ tiếng lạ... Không biết rán giành cái chỗ thiệt tốt đó để làm chi! Tôi đứng ở vòng ngoài vì tới quá trễ. Câu chuyện cũng kết thúc. Adidas cũng vừa dợm bước ra, tuy nhiên ông ta còn quay lại, nói câu chót:
-Tối nay độ chín giờ tôi trở lại để lấy thơ!
Tôi nghe được chữ ‘lấy thơ’ trong bụng hồi hộp. À, ông già nầy có thể chuyển thơ liên lạc dùm cho mình. Mừng quá, hỏi chị Kiều:
-Ông đó là ai vậy chị?
Chị Kiều mặt tươi rói, nói một hơi:
-Ông tự xưng là chúa đảo nầy. Ông nói hôm kia tình cờ nhìn bằng ống dòm thấy ghe của mình bị đuổi khỏi Marang, nên có kêu chiếc tàu đen chỉ hướng cho biết đường ra đảo. Đảo Dừa nầy tên là Pulau Kapas, thuộc tiểu bang Kuala Trengganu của West Malaysia.
-Tại sao lại là West Malaysia?
-Vì xứ Mã lai có hai phần. Một phần gọi là Tây Mã Lai, thuộc phía cực nam của bán đảo Đông Dương, bắc là Thái Lan, nam là eo biển Malacca. Một phần của đảo Bornéo, gồm hai tiểu bang Sarawak với Sabah, gọi là Đông Mã Lai. Ghe của mình đã tấp vô Marang, thuộc bờ phía đông của Tây Mã Lai. Vùng đất Marang nầy, thuộc Kuala Trengganu. Tôi có hỏi chừng nào đám tỵ nạn mình được chuyển sang Bidong, ổng nói không biết. Ổng có hứa là sẽ gởi dùm thơ và mua dùm một ít đồ ăn cần thiết. Tối nay ổng sẽ trở lại...

Vậy là quá đủ. Tôi nghe qua mùng húm. Được gởi thơ về nhà. Trời ơi, đã quá! Mới rời khỏi Việt Nam có bốn năm ngày tôi có cảm tưởng như là lâu lắm, như năm mười năm hoặc lâu hơn nữa kìa! Tôi lẩm nhẩm tính, năm ngày qua cộng với mười ngày nữa, tất cả là mười lăm ngày. Mười ngày là để thư từ Mã Lai đi về tới Việt Nam. Nửa tháng trời chờ đợi để được tin con, ba má tôi chắc héo mòn thương nhớ. Nửa tháng trời hồi hộp, lo âu, sợ hãi. Cầu trời cho thơ đừng lạc! Tôi tưởng tượng ra hình ảnh chú hai phát thơ dựng cái xe đạp cũ xì trước cửa nhà ở Bình Dương, đứng lục lọi trong cái bao máng trên xe, đưa cho Ba tôi cái phong thơ viết từ đảo Dừa nầy. Con tem Mã Lai lạ hoắc là một niềm vui lớn vô vàn. Mười lăm ngày sẽ qua, chắc mỗi sáng ông đứng trước cửa mà nhìn về phía công sở Phú Cường, chờ đợi chú hai phát thơ hiện ra ở góc phố, chỗ tiệm xe đạp Nguyễn Văn Nên. Đã bao nhiêu lần hy vọng rồi thất vọng, rồi tiếp tục chờ đợi... Cuối cùng cũng sẽ có một ngày ông sẽ run rẩy đưa tay lấy cái bao thơ của tôi, sờ soạng đeo lên mắt cặp kiếng già, lẩy bẩy xé bao thơ và đọc láng quáng hàng chữ viết quen thuộc. Đứng bên cạnh là má tôi, chắc bà còn hồi hộp và run hơn nữa. Trời Bình Dương đối với bà, buổi hôm đó chắc là đẹp lắm. Bà sẽ giấu kín cái thơ nầy trong túi áo rồi len lén báo tin mừng cho những người thân thuộc, bà Hiệp Thành, cô Hai Hiệu, chú Tư Chờ, chú Tư Vũ Lư, rồi chờ đến sớm mai đi chợ bà sẽ ghé thăm bà Tám Liên, bà Năm Chi ở dưới mé sông...

Tôi quay về lều, nghe cát lột xột dưới chưn. Dưới bãi, con nít ùa ra đông nghẹt, chạy giỡn la hét chói lói. Tôi khoan khoái nhìn thấy mẹ con Bi ngồi bên mé nước. Thằng nhỏ đang moi cát. Hai cánh tay tròn mũm mĩm giống khúc khoai mì. Mới có mấy ngày phơi nắng gió sao mà người nào người nấy rám đen. Trời cao xanh lồng lộng. Tôi nghĩ đến cái thơ sắp viết. Bên cạnh Tư Trần Hưng Đạo ở trần mặc áo thun ba lỗ nằm bò càng trên tấm đệm mỏng, cũng đang viết lia viết lịa, dáng dấp như mấy cụ đồ đang gò quản bút để viết liễn khi Tết đến. Tôi sửa soạn giấy bút. Câu đầu dòng tôi sẽ viết hàng chữ ‘Ba má thương yêu của con’ sau đó tôi sẽ tha hồ tả cảnh vượt sóng gió trùng dương...


Đang nghĩ miên man bỗng dưng tôi nghe một tiếng hét hãi hùng...’Rắn’... Cụ đồ già nằm còng lưng như con tôm là Tư Trần Hưng Đạo, vụt nhảy dựng lên theo kiểu con tôm búng ngược, mặt mày tái mét. Tôi hoảng hốt, mắt dáo dác nhìn quanh, không thấy gì, chỉ nghe tiếng la của ông bạn còn vang rền tới cuối vách đá. Đám con nít đang chơi, vội chạy ùa lên, ngơ ngác. Mọi người từ khắp chốn, túa ra tìm kiếm. Tư Trần Hưng Đạo tay chỉ theo hướng đám cỏ tranh, miệng lập cập nói không ra tiếng. Xung quanh, mấy thanh niên trang bị gậy gộc vừa khua, vừa đập trong các bụi lùm. Quách Linh Hoạt tìm ở đâu được một cây sào tre dài xông pha đẫn đầu, coi bộ hăng hái dữ. Tôi lo cho anh ta, ở giữa đảo vắng như vầy, rủi bị rắn cắn thì sao!
-Coi chừng rắn độc đó nghe, chun vô bụi mà chưn cẳng không mang giày, rủi ro nguy hiểm lắm!
Anh nhăn răng cười hì hì, đập đập cây sào vô gốc dừa nghe lộp cộp nói:
-Rắn mà cắn tôi đó hả, đừng có lo...
-Bộ có đem theo thuốc rắn sao?
-Cần gì tới thuốc, rắn mà cắn tôi thì nó chết chớ đâu phải tôi!
Tôi trợn mắt:
-Tại sao vậy?

Anh nghinh lại tôi:
-Bộ anh tưởng máu tôi không độc hơn máu rắn sao!
Tôi bật cười nhớ lại nhớ lại bài học ngụ ngôn hấp dẫn từ nhỏ, cười ngất:
-Ừa, ừa, rắn của La Fontaine là rắn ở bên Tây, hiền khô. Còn ở đây là rắn Mã Lai, chưa biết ai độc hơn ai à...
Tôi vừa nói tới đó, thì nghe một người đứng bên cạnh la lên:
-Nó luồn trong đám cỏ khô kìa, con rắn lớn quá.
Quách Linh Hoạt thuận tay đập xuống một sào. May quá, cây sào trúng ngay sống lưng rắn, khúc thân đầy vẩy xám đen, rằn ri lăn lộn. Đám đông bu lại, mạnh ai nấy đập tứ tung, cả vùng cỏ tranh cao ngang ngực ngã rạp, biến một khoảng lớn như đám ruộng bị trâu quần. Quách Linh Hoạt vít rắn lên đầu gậy, nó đã chết rũ ra như sợi dây lưng, cái đầu nát bấy. Anh đem về lều, hứa hẹn sẽ nấu cháo rắn chiều nay... Đám con nít bu theo chỉ chỏ, hít hà. Đứa nào đứa nấy mắt mở thao láo...

Tôi lững thững về. Tập giấy vẫn còn bỏ trên tấm ny lông. Tôi nằm thử kiểu con tôm Tư Trần Hưng Đạo nhưng thấy vướng víu, đành ngồi dậy, lưng dựa vào gốc dừa, tập giấy kê trên đầu gối. Giờ nầy đã khá trưa, nắng bắt đầu nóng hừng hực. Cạnh tôi Tư máy cày đã le lưỡi thấm nước miếng để dán kín cái bao thơ. Không biết trong đó có tả cảnh con rắn bò sát bên mí lều, khiến anh rụng tim? Chừng như không chịu nổi cơn nóng nhiệt đới Mã Lai, anh cởi luôn cáo áo thun đang mặc. Làn da ngực rám đỏ còn hằn cái dấu của hai quai áo dọc trên vai. Tôi cũng bắt chước cởi cái áo máng đại lên sợi dây giăng mùng. Vẫn còn nóng quá. Đâu còn gì để cởi nữa,... đành thôi!

Cuối cùng thì cái thơ gởi về nhà cũng đã viết xong. Khi đọc lại, tôi thấy những câu văn trên tờ giấy trắng khác hẳn những gì đã nghĩ ngợi trong đầu. Bức thư chứa cả một cõi lòng xôn xao, hăm hở vui mừng, y như những lần tôi thi đậu ngày xưa, chạy về nhà báo tin, nói lấp vấp không đầu không đuôi. Mà cần gì phải gẫy gọn, khúc chiết, miễn sao ở nhà biết được cả đám tới nơi bình yên là đủ. Tôi tin rằng ba tôi khi đọc thơ sẽ thấy được niềm vui sướng rạt rào ở ngoài những câu loạn xạ. Bỡi vì trong đó, câu nầy không ăn nhập gì với câu kia, ý kia đang viết vụt bắt sang ý nọ. Có câu chưa hết dòng vụt chấm nhảy sang câu khác. Lung tung, rối nùi. Cái thơ lạ lùng hơn tất cả những bức thư từ trước, cũng khác hẳn cái thói quen chừng mực hàng ngày...
Tiếng anh Tư nói lớn:
-Ngồi đó mà mơ mộng, coi chừng dừa khô rớt bể đầu, nguyên một quài dừa đầy trái treo lủng lẳng ở trên cao kia kìa. Bộ muốn làm Lục Vân Tiên hả?
Tôi nhìn lên tận trên đọt cao. Một chùm dừa cở hàng chục trái chi chít ngay trên đầu. Trời, nếu nó rớt thì chắc chết. Như trời giáng. Tôi giựt mình sợ hãi. Sao mà ngu quá, không chịu để ý gì hết. Tôi bèn đứng dậy, ngắm hướng một hồi, rồi kéo xê tấm ny lông trệch qua một bên.
Tư Trần Hưng Đạo đứng chống nạnh, nhìn tôi dọn dẹp, chọc quê:
-Gì đâu mà sợ dữ vậy. Dời làm chi cho mất công, mỗi lần viết thư ngồi dưới gốc dừa thì lấy cái nồi đội lên đầu là an toàn trên xa lộ.

Vân Tiên ngồi dựa gốc dừa,
Dừa khô rụng xuống, bể đầu Vân Tiên!

-Ừa, ừa, đứng đó mà ngâm thơ. Bộ bên chỗ anh không có quài nào hả. Rắn còn có nữa, nói chi đến dừa khô!


Lúc đó thì Quách Linh Hoạt đã trở lại, chỉ huy một đám thanh niên dọn dẹp bãi cỏ tranh cạnh khu cắm lều. Xong rồi anh bật quẹt đốt cho quang đãng. Cây lá còn tươi, cháy nổ lốp bốp như tiếng pháo chuột. Tuy vậy nhờ có mớ cỏ khô phía dưới làm mồi, ngọn lửa vẫn bốc lên cao có ngọn. Ừ, làm vậy được quá, rắn rít phải trốn hết vô trong rừng sâu nhường chỗ cho người ta dựng lều. Chớ um tùm như vậy, đương ngon giấc nửa đêm rủi có con rắn cô đơn thơ thẩn buồn tình chen vô ngủ chung cho ấm thì đâu có được.

Tôi đứng ngó mông về phía con đường mòn, chỉ thấy những nóc lều lợp bằng lá dừa thấp thoáng trong đám cây cối rậm rạp. Khoảng cách từ đây tới đó khá xa. Tôi muốn đi tới đó để coi cho biết. Bọn lính ở đảo lại không cho người tỵ nạn liên lạc nhau. Cái lằn ranh giới hạn khu vực là gốc dừa mọc gie ra bãi cát, thẳng hàng với chiếc ghe MH 4517. Sáng nay tụi lính Mã Lai đâu mất hết, tôi ngó tới ngó lui rồi bước tới. Những gốc dừa sần sùi. Trên đường mòn đầy cát, những tàu dừa khô nằm lăn lóc. Những loại dây leo chằng chịt bò lan. Mới bước đi được một đoạn ngắn, tôi chợt thấy thằng Zăm Bri đen thui, y như con khỉ đột, ngồi trên một tảng đá lớn, tay mân mê cái đồng hồ. Dám cái Seiko Five của Út Trung lắm à! Tôi núp lẹ vô một gốc dừa, len mình trong đám lá um tùm, đi ngược về chỗ cũ. Cũng đoạn đường nầy, người đẹp đảo Dừa từng đi qua. Mới hôm qua nàng tay xách một thùng nước, tay cầm cái ca nhôm. Bàn tay xinh xắn rót từng ca nước... Tự nhiên tôi nghe cổ họng khát khô. Nóng quá, cả người mồ hôi tuôn ra nhơm nhớp. Dưới bãi, người ta đã rủ nhau xuống nước bơi lội, tiếng cười nói vang rền bãi vắng.

Duyên dắt Bi thong dong đi đến, thấy tôi đứng tần ngần, nàng nói:
-Trời nóng quá, cả người anh đầy mồ hôi. Thôi anh bồng Bi xuống tắm cho mát!
Tôi ẵm lấy Bi, đi từ từ xuống nước. Làn nước mát trong, lóng lánh ánh nắng ban trưa. Bi sợ nước, hai tay hai chưn quíu lấy tôi chặt cứng. Da thịt Bi còn non mịn màng như cục bột. Ở dưới mí nước nhìn lên, tôi chỉ thấy những thân dừa suông đuột, những tàn dừa xen lẫn bóng nắng chang chang...