main billboard

Rick chậm rãi nói, mắt hướng lên chiếc phi cơ đang bay tới. Phi cơ hạ thật thấp trong vòng lượn sau cùng để đáp...

co chuyen bay– Look! That’s a female one!

Rick chậm rãi nói, mắt hướng lên chiếc phi cơ đang bay tới. Phi cơ hạ thật thấp trong vòng lượn sau cùng để đáp.

Chưa dứt hẳn câu nói, tiếng ông ta hầu như bị lạc mất trong tiếng rú gầm của hai cặp động cơ phản lực; khối kim loại sải đôi cánh mang dàn bánh đáp đến 18 bánh xe trông thật đồ sộ, đã bay ngay bên trên đỉnh đầu mọi người; nó vùn vụt phóng xuống với tốc độ gần 300 kmh.

Đám nhân viên ngồi ăn trưa, nghỉ trưa đều quen thuộc với cái cách ngắm xem phi cơ ngộ nghĩnh của Rick. Nhưng James, anh chàng phụ việc mới vào làm được vài hôm, ngạc nhiên ngó Rick:

– What… female?

Hít hơi thuốc dài, Rich nói trong màn khói thuốc trắng mù:

– That airplane!

– What?!

James trố mắt, tò mò hỏi vặn.

Rick nhún vai lập lại:

– Chiếc phi cơ ấy.

– Thật à? Tôi chưa từng biết!

– Thật đó!… Tao nhìn từ xa là đã biết ngay.

James nghi ngờ với chút ngây thơ:

– Làm sao biết? Chỉ cho tôi!

Rick ngó chàng trai trẻ, rồi thãn nhiên lắc đầu:

– Không được!

James bất mãn, ậm ừ nuốt vội chữ tục tằng, lầu bầu:

– … Tại sao?…

Như con gấu già bệ vệ, Rick lừ đừ lấy gói thuốc hút, móc lấy một điếu cài lên môi mình, rồi sải cánh tay đưa sang cho James điếu thuốc:

– Hút? Chú em còn trẻ quá! không nên hỏi mấy cái chuyện người lớn đó!

James chắc chưa thoã mãn, càng bất mãn thêm với kiểu cách kiêu ngạo ấy, nhưng cầm lấy điếu thuốc:

– Cám ơn!

Tách!

Soẹt!

Rick nghiêng người đưa cho James mồi lửa, rồi đốt điếu thuốc của mình.

Cách!

Nấp hộp quẹt đóng lại nhẹ, nhẹ vừa đủ để tạo tiếng kim loại chạm khẻ thật sắt gọn.

Tiếng hộp quẹt mở đóng, nghe là biết “Zippo”; nghe thật gợi cảm, thật quen thuộc, làm mềm nhũn lòng người lính già còn ôm ấp kỷ niệm.

Rick thích dùng cái Zippo như thời mình còn trai trẻ, thời cái áo kaki màu olive của bộ binh khoát lên người lính mới chưa bạt màu. Cần lửa thì ông ta cho lửa, vậy thôi. Chưa bao giờ thấy Rick đưa cho người khác sử dụng cái hộp quẹt cũ kỹ của mình. Cái Zippo ấy trông cũ kỹ thật; lớp kim loại sáng trắng và ba hàng chữ VIET NAM – SAI GON -1972 khắc sâu trên ấy đã bị bào mòn theo tuổi đời, bây giờ chỉ còn sót lại lớp mạ trắng mỏng, loang lổ trên vỏ kim loại màu đồng đỏ.

James duỗi dài người trên ghế, thả khói rồi ngó sang Rick chừng như muốn nói, muốn hỏi chi thêm. Ánh mắt trai trẻ dừng lại nơi cái nheo mắt thân thiện của con gấu già Rick; chàng James tuổi trẻ chợt như trưởng thành để hiểu ra cái chuyện người lớn của Rick, lắc đầu cười trừ với ông “sếp” của mình.

Mùa hạ đến từ tháng Sáu, nhưng e ấp trong tiết xuân. Đến tuần cuối của tháng Sáu, mặt trời đột ngột nóng hơn hẳn. Mấy hôm nay trời nắng. Nắng chói chang suốt mấy ngày liền. Mùa hạ đến như hối hả, nóng phừng phừng. Trong gió cũng đầy hơi nóng.

Nơi đây, nhiều ngày tuyết rơi, trời lạnh; u ám mưa rơi, trời cũng lạnh. Ít ngày có nắng, nắng ấm. Có nắng, có cơ hội, người ta thích rời những căn phòng ngột ngạt hơi sưởi để ra bên ngoài với trống thoáng, để xem xe cộ vùn vụt qua lại, để ngắm nhìn những nét đẹp sinh động của tạo hóa được dịp phơi bày khi nắng ấm.

Nắng hạ nơi xứ người trông có tươi vui; dễ làm lòng người ly hương, như nhạc sĩ Nguyệt Ánh vẫn thấy luyến nhớ nắng ấm trên quê hương:

“Nắng nơi đây cũng là nắng ấm

Nhưng ấm sao bằng nắng ấm quê hương”

Ăn trưa xong, ngồi nhàn hạ, hút thuốc, nhìn quanh quẩn, người ngắm người, kẻ ngó đất nhìn trời, nhìn máy bay lên xuống tán gẫu mươi phút cho khuây khoả, để rồi quay vào với công việc cho cơm áo của gia đình.

Chỗ làm gần phi trường quốc tế, Vancouver International Aiport, phi cơ lên xuống thường xuyên, nhộn nhịp nhất là vào khoảng giờ nghỉ buổi trưa. Có lúc, tiếng động cơ rú lên để cất cánh bay đi, chưa xa hẳn thì nghe tiếng phi cơ bay tới. Phi cơ trước vừa vụt qua đáp xuống thì đã thấy chiếc khác sà sà tới để hạ cánh.

Đời người tỵ nạn, có ít nhất một chuyến bay là hạt kỷ niệm kết liền trong chuỗi đời lưu vong.

Từ những trại tỵ nạn, người may mắn đến được bến bờ, được Cao Ủy Tỵ Nạn công nhận mình là tỵ nạn chính trị; từ đấy, người ta trông chờ được gọi tên mình cho đi định cư, rồi lại chờ chuyến bay. Chờ sang ngày, chờ sang tháng, có người phải chờ sang năm, chờ nhiều năm; để được nghe tên mình trong danh sách những người may mắn được đi định cư.

“Có chuyến bay!” Biết tin, người ta reo vui.

Niềm vui tột cùng cho người ra đi, giòng nước mắt bất tận cho người còn phải ở lại; biệt ly có khi là vĩnh viễn, là “Nghìn Trùng Xa Cách” hát tiển người rời trại tỵ nạn:

“Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi

Còn lời trăn trối gửi đến cho người…

Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời

Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người.”

Niềm vui, nỗi buồn thật khó tả, chắc chỉ có những người đã một lần trên đảo mới hiểu được, thật sự thấm thía.

Chuyến bay đến để đón và đưa người đi như chờ mong. Phi cơ đầy những người tỵ nạn cộng sản may mắn bay hạ cánh trên quốc gia tự do. Lắm người lưu vong đeo cái túi hành lý con con có dấu hiệu chữ thập đỏ hay trăng lưỡi liềm đỏ, mang đôi dép cũ lẹp xẹp ngơ ngác bước xuống phi trường đầy chữ nghĩa xa lạ, lòng người đi mừng mừng tủi tủi, tưởng như trong mơ, mơ được làm người.

Như cái Zippo của Rick, có những hạt chuỗi cũ kỹ nối liền kỷ niệm, nhưng người ta nấn níu giữ gìn.

Bây giờ, lắm chuyến bay, cũng cất cánh với đầy những người rộn rã tiếng Việt; đưa người từ những quốc gia tự do, bay trở về nơi đã từng kinh hoàng trốn chạy; nơi tội ác của cộng sản vẫn còn tiếp diễn trên quê hương.

Người về thăm lại Nha Trang, “miền quê hương cát trắng len xanh êm mầu trời” của nhạc sĩ Minh Kỳ; có biết nhạc sĩ Minh Kỳ đã bị cộng sản giết chết một cách dã man, oan khuất trong trại tù cộng sản gọi là “cải tạo” An Dưỡng Biên Hòa?!

Người về thăm lại Nha Trang “hòa bình vương vương khắp lối”, của thời trước khi bị cộng sản cưỡng chiếm kể từ tháng 4 năm1975; có biết Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, một công dân Nha Trang, đã bị bạo quyền cộng sản kết án 10 năm tù vì can đảm làm người yêu nước?!

Phạm Tín An Ninh đã viết:

“Ngày 29.6.2017, bọn ác quỷ lại tạo thêm một chứng tích nhơ nhớp và hèn mạt, khi dùng thứ luật rừng rú kêu án 10 năm tù đối với một người đàn bà, mà gia tài chỉ có 2 đứa con thơ và một bà mẹ già, cùng với một tấm lòng yêu nước, hiên ngang, bất khuất: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Cả một bọn ác quỷ với đầy đủ guồng máy bạo lực, tà quyền, quân đội, công an và cả một bọn côn đồ trá hình mà lại khiếp sợ trước một người đàn bà cô thân, ốm yếu, nghèo nàn, trong tay không có một tấc sắt, chỉ duy nhất có một trái tim yêu nước. Chỉ có loài ác quỷ mới khiếp sợ trước ánh sáng. Bởi chỉ có ánh sáng chân lý mới làm cho bọn chúng hiện rõ nguyên hình là những con quái vật, những con thú hút máu người.

Bản án 10 năm dành cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, sinh sau ngày 30.4.75, con gái của một Thương Binh VNCH và một bà mẹ là cựu nữ sinh Trường Thánh Tâm thuở trước, là biểu hiện một sự khiếp sợ của loài ác quỷ trước một Thiên Thần, tỏa ánh đuốc mầu nhiệm đốt cháy bức màn che đậy cuối cùng vốn đã mục rửa, để bọn ác quỷ hiện nguyên hình, trong viễn ảnh bị tiêu diệt bởi hơn 90 triệu người dân chân chính.”

Trưa thứ Sáu, 30 tháng Sáu, nhiều chuyến bay sẽ đưa những người con của Trường mẹ trở về với ngày Hội Ngộ của Khóa. Người không về được, bồn chồn ngước mắt theo chiếc phi cơ vút cao; để rồi ngẩn ngơ khi mình vẫn còn ngồi đây, nhìn theo hai làn khói loãng tan dần trong mây trắng.

Năm nay mình không bay về đàn!

Hai năm một đoạn thời gian ngắn trong đời người, nhưng dài hơn khi mái tóc thư sinh đã bạc màu; càng dài mong đợi để được thăm chào nhau.

Hẹn nhau, chuyến bay hai năm sau và sẽ có một chuyến bay mà người chờ đợi sẽ như ngày nào đồng reo vui: “Có chuyến bay!”

Vâng!

Chuyến bay đưa người ly hương cùng về thăm lại quê hương đã sạch loài cộng sản. Người trở về sẽ rời phi trường với bước đi ngay thẳng trên đất nước mình; không còn phải chịu nhục mà lòn cúi, đút lót cho bọn quan thầy “cách mạng”. Người trở về, “mắt lệ nghẹn ngào quỳ hôn đất thân yêu”: Người trở về, “mắt lệ nghẹn ngào quỳ hôn đất thân yêu”:

“Hồi sinh rồi này mẹ này em.

Vui hôm nay qua đêm đen tìm thấy ánh mặt trời.

Ði lên. Ði lên trên hoang tàn ta xây dựng ngày mai”

Nhìn theo các chuyến bay, lòng bồi hồi, nghe như mình lẩm bẩm đếm theo bạn mình:

Một!

Hai!

Ba!

Bốn!

“Cất tiếng lên nào hòa thành bài ca vui tươi.

Nắng sớm chan hòa gieo hương khắp bốn phương trời.

Người người cùng đón gió mới.

Nụ cười đẹp tươi trên môi.

“Cư An Tư Nguy” muôn đời còn ghi.

Theo tiếng quân hành trầm hùng đoàn quân vui ca.

Nắng sớm chan hoà gieo hương khắp trên muôn nhà.

Nào “Đồi Mười Tám” tiến tới.

Kìa “Mẹ Bồng Con” chơi vơi.

“Hai Lăm” “Ba Mươi” lưu dấu ngàn đời.

Ta đoàn trai Việt hồn dâng non sông.

Gió sương không sờn lòng trai Tiên Long…”

Bùi Đức Tính