main billboard

Tôi tới phòng phòng tập thể dục có thể nói là hằng ngày. Mỗi ngày không tới là tôi cảm thấy bức rức, khó chịu...

gym-phongtaptheducTôi tới phòng phòng tập thể dục có thể nói là hằng ngày. Mỗi ngày không tới là tôi cảm thấy bức rức, khó chịu. Đó là một thói quen từ mười năm nay. Tới để chạy bộ trên máy ba mươi phút, vừa chạy vừa đọc sách hay xem TV, hay ngằm mấy em Mỹ, Mễ, Việt, Đại Hàn...khoe thân thể. Các bà các cô vào phòng tập thể dục cũng là dịp để khoe thân thể một cách hợp pháp. Trong phòng tập có hồ bơi, có phòng spa, phòng tắm hơi, phòng xông hơi. Các bà, các cô mặc sức khoe thân hình, xấu đẹp «tùy người đối diện». Nào áo tắm hai mảnh khoe bờ vai tròn lẵng và cả tấm thân trần mượt mà. Có bà tuổi cũng gần năm, sáu bó, nhưng cũng bikini hai mảnh, nhìn đến rợn người. Hãy tưởng tượng cái thân hình béo phì bị co thắt bởi bộ áo quần tắm chật chội, trông như đòn bánh tét bị bó quá chặt. Những cũng có những em mười tám đôi mươi, thân hình thon thả gợi cảm không chê vào đâu được. Tuy nhiên, dù xấu, dù đẹp, thế nào đi nữa thì tôi cũng cám ơn những vóc dáng đó. Nhờ nó, tôi đi tập khá đều đặn.
Nơi đây là nơi tập trung đủ hạng người trong xã hội, từ luật sư, bác sĩ, học giả, nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ, học sinh, du học sinh, thợ neo, sinh viên, sư ông, linh mục, mục sư, giáo sư...đủ cả, nên câu chuyện cũng «tả pín lù». Vào đây con người thật bình đẳng, không còn nghèo, giàu, sang, hèn. Ai khi đi tắm cũng ở truồng, hay khi vào xông hơi, chỉ còn trơ cái quần xà lỏn hay cái «sịp», thì cái hào nhoáng, cái bảnh choẹ, hãnh tiến, từ nghề nghiệp ngoài đời cũng trở thành vô nghĩa...
Buổi chiều khoảng từ 4 giờ, thường là đông người tập nhất, tại vì lúc này các hãng, xưởng tan tầm, nên công nhân tấp vào đây, trước khi về nhà. Vào «xã xú bắp» trên máy chạy bộ, trong hồ bơi, trong phòng spa, cho khoẻ thêm được chút nào tốt chút đó, để đối diện với cuộc sống bù đầu trong công việc. Công nhân vào tập, bơi, spa, xông hơi thì huyên thuyên đủ mọi chuyện, nào là thằng supervor Hùng hồi hôm vợ cho ra ngủ sofa hay sao mà hôm nay vào hãng trông mặt ngầu dữ, sắc thái sát khí đằng đằng. Thằng lit đơ «Sáu bọ chét» la hét tùm lum, nó la lối, hãy làm nhanh tay lên, phải làm đủ chỉ tiêu...như là đang sống trong trại tù cải tạo cộng sản. Tổ cha nó chớ, toàn người Việt «đì» người Việt thôi, chứ mấy thằng Mỹ cũng đàng hoàng lắm.» Đó là ý kiến của bà Hiền , một công nhân làm assembly trong một hãng điện tử.


Đám HO sồn sồn thì thường ngồi chung quanh phòng spa hay quanh hồ nước nóng. Mấy ông ngồi ngâm chưn hay ngâm thân thể, cho vòi nước đấm vào lưng, vào bụng, cũng mê tơi. Chuyện mấy ông HO sồn sồn cũng chỉ xoay quanh ba chuyện quốc gia, cộng sản, chuyện đánh giặc hồi còn chiến tranh và chuyện tù cải tạo. Chuyện tù cải tạo của mấy ông là chuyện dài, kể hoài cũng không bao giờ dứt.
Nhờ thế, tôi là người chỉ đi tù trong Nam, không đi tù ở Bắc, mà tôi cũng thấy được cảnh khổ của tù nhân ngoài bắc ra sao. Nhất là các tù nhân ờ trại Hoàng Liên Sơn hay trại Vĩnh Phú. Cuộc tù tội trâu ngựa làm những người tù ghi ở quả tim mình những vết hằn rướm máu, không thể nào quên. Cho nên gọi đây là pho truyện dài hay là truyện sử ca ngàn người viết cũng không ngoa, không sai chạy chút nào.

Một hôm tôi vô tập sớm, buổi trưa, sau khi đã chạy bộ ba mươi phút, tôi vô xông hơi và ngồi trên hồ nước nóng, thả chân xuống nước cho nước đánh vào chân cũng nghe khoái tỉ. Độ này tôi thấy hay đau nhức đôi chân, hay tê tê dưới lườn bàn chân nên tôi hay đến ngồi đây để cho nước ấm dội vào.
Buổi trưa nên khu spa hơi vắng, chỉ có đối diện tôi một người đàn ông không quen mặt. Có lẽ ông này mới vào phòng tập thể dục hay sao? Nơi đây biết bao người đã đến rồi đi. Hệ thống tập thể dục này có cả toàn thế giới, ghi danh ở đây nhưng có thể tập ở bất cứ chi nhánh nào. Còn chuyện đến rồi «đi» của mấy ông sồn sồn, ông già, cũng là chuyện thường, họ có thể ngã quỵ ở nhà hoặc ở đâu đó, rồi được gia đình an táng, mà người quen ở khu thể dục này không thấy mặt nhiều tháng, là biết có thể là họ đã «đi đong».
Ông sồn sồn ngồi đàng kia cũng đang thả chân xuống hồ nước nóng ngâm chân. Mắt ông lim dim như thả hết tâm hồn vào cái khoái cảm, khi những tia nước nóng bắn mạnh vào chân. Tôi tôn trọng ông dù buồn miệng nhưng không dám hỏi. Tôi cũng đang ngồi lan man, lim dim như ông.
Tự dưng ông mở mắt ra, rồi hỏi tôi:
- Anh tập ở đây lâu chưa?
- Cũng mười năm rổi.
- Lâu dữ hén.
- Ừ, thì lâu, từ ngày khu tập thể dục này còn ở bên kia, sau này đổi sang bên đây, mới có hồ bơi, hồ nước nóng...
- Thế à, tôi vào đây mấy ngày, hồi trước tôi tập bên Balỳ.
- Sao anh không tập bên đó nữa?
- Bên đó 11 giờ đêm đã đóng cửa nên tôi thấy không tiện, nhiều đêm ngủ không được tôi muốn vào đây, có khi mười hai, một giờ sáng, tôi cũng vào.
Tôi thấy ông sồn sồn này nói cũng là chuyện lạ, nhìn kỷ ông, dáng dấp ông còn khoẻ mạnh, chỉ mái tóc hơi bạc lác đác, thân hình tương đối còn cứng cáp, tuy nhiên nét mệt mỏi như đọng lại trên khuôn mặt.
Tôi nghĩ có lẽ ông sồn sồn này có tâm sự buồn sao đây mà muốn vô tập thể dục những lúc vắng người, nhất là đêm hôm khuya khoắc khi mọi người đều an giấc. Như để phá vỡ suy nghĩ của tôi, ông tiếp:
- Tôi độ rày sao khó ngủ dữ, mà ban đêm khó ngủ là một nổi khổ, nên tôi thường vào đây, tắm hơi, xông hơi, ngồi spa này, về là nằm xuống ngủ êm đến sáng, khỏi nghĩ ngợi viễn vông.
Tôi trả lời ông:
- Tôi rất may là không mất ngủ, có lẽ cũng nhờ hằng ngày đi tập thể dục nên tôi đến lên giường là ngủ ngay.
Ông sồn sồn lại nhắm mắt, cả thân hình ông chìm trong nước chỉ chừa lại cái đầu. Bọt nước bắn vào mặt ông, ông cũng mặc. Ông ngồi im như tận hưởng những cảm giác êm dịu, nhẹ nhàng từ nước dội vào người. Tôi cũng thường thích những cảm giác như thế.

Ngày hôm sau tôi cũng đi vào giờ trưa. Tự nhiên tôi thích ông sồn sồn này. Ông có cái gì đó rất riêng tỏa ra mà tôi không hiểu được, có lẽ là một nỗi u uất nào đó, mà ông giữ kín trong lòng.
Buổi trưa khu tập thể dục thường vắng. Tôi đến thì ông sồn sồn đã ngâm nước xong, ông đứng lên ra chiếc ghế dài kê gần đó ngồi.
Tôi mon men lại hỏi:
- Hôm nay anh đi sớm?
- À, sớm chút, tôi thích đi giờ này vì vắng.
- Tôi cũng vậy.
Tôi bước xuống hồ nước, nước nóng khiến tôi rùng mình. Tôi rà chân đến chỗ có vòi nước dội mạnh nhất và ngồi xuống.
Ông sồn sồn đột nhiên hỏi:
- Hồi trước anh có đi lính không?
Tôi đáp ngay:
- Có chứ, lớp tuổi mình sao tránh khỏi. Đi sĩ quan, sau đi tù cũng sáu năm mới qua được đây đó chứ.
- Thế à, anh ở trại nào, có ra Bắc không?
- Không, tôi ở trong Nam. Anh có đi tù không?
- Có chớ, tôi “bọ tam” nên gần mười niên. Ra tận bắc.
- Ồ, vậy anh cũng đi HO.
- Không, tôi đi Ô Đi Ghe.
- Anh vượt biên?
- Vượt biên thừa sống thiếu chết. May mà đến nơi chứ không cũng bỏ mạng ngoài biển khơi cho cá ăn rồi.
Chỉ như vậy mà tôi khoái ông sồn sồn. Ông Thịnh. Có lúc tôi thấy ông cô đơn quá đổi, có lúc ông vui vẻ không cùng. Thế nên tôi hay la cà nói chuyện với ông riết rồi thành thân.

*
Khi toán tụi tôi lên tàu đi Bắc, gồm những tay có máu mặt, dân Võ Bị, dân CTCT chiếm đa số, phần đông nắm đại đội trưởng trở lên, hay an ninh quân đội, cảnh sát, Phượng Hoàng.
Phải nói là cái tàu chở chúng tôi đi bắc là tàu chở súc vật. Đám tù nằm ngồi la liệt lúc nhúc như những thây ma, sống dỡ chết dỡ. Thật là khốn nạn không thể tưởng tượng được. Nhưng sự sinh tồn của con người cũng thật lạ lùng, có những cái tưởng mình không vượt qua được mà mình cũng vượt qua. Cuối cùng rồi chúng tôi cũng cập bến và lên bờ. Những chiếc molotova củ kỹ ì ạch chở tôi đến trại Hoàng Liên Sơn.
Khi vào trại, bọn tôi có 4 đứa họp làm một toán, chúng tôi ăn cơm chung với nhau, thề quyết không bỏ nhau, dù có chuyện gì xảy ra, thằng Cường, nhảy dù, Chiến, Thủy Quân Lục Chiến, Thịnh là tôi, Biệt động quân, và Tuấn, sư đoàn bộ binh. Trước đó ở trong Nam, chúng tôi đã nằm gần nhau, “ca cóng” cùng nhau, ăn uống cùng nhau nên trở nên thân thiết. Khi chuyển ra bắc vào trại Hoàng Liên Sơn, may mắn là chúng tôi lại cùng ở chung đội, ba thằng kia nằm đầu dãy lán, tôi nằm đàng phía trong, nhưng chúng tôi vẫn ăn cơm chung, dù lúc đó cơm tù chẳng có gì, nhưng ngồi nhai mấy miếng cơm hẩm với nước muối, mà có những thằng bạn cùng mình nói chuyện thì cũng đỡ buồn. Khi vào trại Hoàng Liên Sơn, tôi thấy đời mình đến đây đã là ngày tàn, không biết bao giờ thoát khỏi khu rừng núi thâm sơn cùng cốc này. Nơi khỉ ho cò gáy mà ngày còn ngồi học lớp nhất bậc tiểu học, tôi đã biết rặng Hoàng Liên Sơn là núi cao nhất VN và ngọn Păng Xi Păng cũng là ngọn núi cao nhất nước. Bọn CS đem chúng tôi nhốt vào nơi đây chắc chắn là chúng tôi sẽ phơi xương nơi chốn này, không có một ngày về với gia đình.
Chúng tôi vào rừng đón tre, đón gỗ lập thành lán trại. Tù tự lập nhà tù nhốt mình là thượng sách, thằng nào lên cai trị cũng lấy phương châm này là kim chỉ nam, tù cai quản tù, mà CS dùng một danh từ là “hệ thống tự quản”, trên có Ban Thi Đua, do một tên tù tổ sư, có nghề “cong lưng”, làm tay sai, la hét anh em, dưới sự chỉ bảo của bọn quản giáo. Những tên Trưởng Ban Thi Đua qua các trại tôi biết, những tên này hồi trước cũng một thời hò hét với lính lác, cấp bậc có thể là trung tá, thiếu tá, đại uý, đủ cả. Bọn cai tù cũng có nghề coi tướng, thấy tay nào có tính lăng xăng, nịnh bợ, kiếm điểm, là bọn nó nối kết ngay, trước là cho làm ăn teng, báo cáo vài chuyện vặt vãnh, sau nâng lên cho làm trong tổ tự quản, khỏi đi lao động tại hiện trường, được ăn cơm no, thỉnh thoảng lại được bọn cai tù cho vài cọng rau, củ khoai, gọi là bồi dưỡng, là bọn nó mừng húm lên, quyết chí làm tay sai, ra sức đàn áp anh em tù bên dưới.
Bọn tôi bốn người, cùng ăn cơm chung, ai đi lao động tại hiện trường kiếm được nắm lá giang, hay cải tau bay thì mang về nấu lên cho có chút rau tươi, chia nhau mà húp nước. Cũng có thể đó là những ngày hạnh phúc của bọn tù chúng tôi.
Một hôm, bốn chúng tôi đang ngồi nhai mấy miếng bo bo, vừa nói chuyện, thì ở đâu, tay Biển cùng lán, xăm xăm lại:
- Mấy “toa” nói chuyện gì mà vui quá vậy, cho tôi mượn ống điếu hút ké một điếu thuốc lào thử coi.
Thuốc lào là môn giải trí độc nhất vô nhị ở đây, một năm qua, không có thuốc lá, thuốc rê, vì chúng tôi chưa được gia đình thăm và tiếp tế lần nào, nên chỉ một số ít người còn chút tiền đem theo, nhờ mấy tay vệ binh mua cho thuốc lào, nên thuốc lào còn quý hơn vàng. Tay Biển sà tới, xởi lởi lấy trong túi áo bọc ny lông có chứa một bịch thuốc lào. Chúng tôi ai cũng sáng mắt lên, trước tiên Biển làm một điếu, hít đầy buồng phổi và thở ra một cách khoái trá, đến các bạn tôi, rồi tôi, ai cũng được hít “chùa” đến phê, một bi thuốc lào cở bự, thiệt khoái không sao kể siết.
Biển vừa nằm lim dim đôi mắt, vừa kể lễ:
- Tôi là Navy lieutenent colonel, hồi tháng 4 bảy lăm, tôi chỉ huy chiếc tàu đi từ Nha Trang ra Đà Nẵng để yểm trợ cho quân đoàn 1 tái chiếm Đà Nẵng, không ngờ theo lệnh Mỹ, “tông tông” nhà ta bỏ Ban Mê Thuột, rồi bỏ vùng 2, lúc đó tôi ra đi dễ dàng, nhưng mình là sĩ quan chỉ huy, mình không thể bỏ chiến hữu của mình lại được, cuối cùng tôi lên bờ nên bị kẹt lại, mẹ kiếp!.
Thật ra chuyện Biển nói với chúng tôi, tôi cũng nghe nhiều lần rồi, đi đâu, tay này cũng oang oang cái lỗ miệng về cái back round của mình, cái back round đó thì mỗi người mỗi vẻ, dĩ nhiên khi còn quyền hành trong tay, tôi cầm quân trong binh chủng “cọp ba đầu rằn”, tôi cũng hách xì xằng lắm chớ bộ, nếu mà quân đội một mực chiến đấu thì chưa chắc ai thắng ai. Chúng tôi bỏ súng là do lệnh trên, điều này ai cũng biết vậy, nên nay đành phải “ngậm một mối căm hờn bên củi sắt.”
Biển đổi giọng, nói tiếp:
- Mấy “toi” cho tớ ngồi ăn cơm chung với nhé, đàng kia, bọn nó hổn quá, tớ chịu không nỗi. Ăn chung trò chuyện cho vui cửa vui nhà mà. Có gì đâu.
Thiệt ra, chúng tôi nghĩ, bọn tôi bốn tên là vừa, nhiều quá gây ồn ào, mà tên Biển này nghe anh em tù cũng lao xao bàn tán là một tay hay bốc phét, lại mỗi khi gặp “quản giáo” hay “vệ binh” thì y một điều “thưa cán bộ”, hai điều “thưa cán bộ”, nên đám tù không ưa. Nhưng mà chúng tôi đã mắc quai “mấy bi thuốc lào” của tên Biển, nên biết ăn làm sao nói làm sao bây giờ. Chúng tôi đành ậm ự cho qua.
Thế là từ đó, cứ mỗi lần chia cơm xong, thì tên Biển mang qua ngồi với chúng tôi, chúng tôi cũng chỉ coi gã như một bạn đồng tù.

*
Qua mùa đông u ám của năm bảy sáu, mùa xuân hé mở với chúng tôi một mùa xuân tươi rói của đất trời, nhưng khi nhìn đi nhìn lại, chúng tôi vẫn thấy không có một hứa hẹn của ngày về. Điều mà trên thông cáo, ai cũng nghĩ là chúng tôi đi học tập chỉ một tháng thôi. Chuyện “thăm thẳm chiều trôi” này làm nãn lòng anh em chiến hữu đồng tù không ít. Ai cũng có hoàn cảnh riêng, ai cũng lo cho ngày về của mình xa tít vời vợi, còn vợ dai con thơ ở nhà ra sao đây?
Một hôm, Cường “dù” nói nhỏ với tôi:
- Tau phải dọt thôi, không thể chôn vùi đời trai mãi ở đây được, trước sau gì tau cũng tìm cách dọt, mày có tính “đi” cùng tau không?
Thật ra, nhìn quang cảnh trại tù với rừng núi mênh mông bạt ngàn tôi quá ngại, nên tôi nói nhỏ với Cường “dù”.
- Tau thấy bọn nó nhốt mình ở đây thâm sơn cùng cốc quá, biết đường đâu mà đi.
Cường cương quyết:
- Bắt đầu từ bây giờ, tau quyết chí phải dọt khỏi nơi này. Vợ con tau đang đói ở nhà, tau chịu không nỗi nữa. Chuyện này tau chỉ nói riêng với nhóm mình thôi, tụi bay đừng hé môi cho ai biết nhé.
Tôi gật đầu.
Có lẽ, trong bốn đứa còn lại, Cường “dù” cũng nói riêng cho từng đứa, nên tôi thấy sau đó thằng nào cũng tỏ ra nhấp nhỏm, ăn miếng cơm hẩm trong miệng cũng cố nhai cho thật lâu để khỏi phải nhìn thằng kia. Chúng tôi im lặng sống trong lúc Cường “dù” cũng im lặng lo cho cuộc vượt thoát của mình.
Thằng Biển, sau đó một tháng, nó rời bỏ nhóm, về lại bên kia, nó nói, bây giờ nó muốn ăn một mình để ngẫm nghĩ sự đời. Nó đi rồi, tụi tôi lại thong thả hơn, vui vẻ hơn, nói năng khỏi phải giữ mồm, giữ miệng. Có tin đồn râm rang, nó hay lên nhà của mấy tay quản giáo một mình. Nó lên làm gì ai mà biết, tuy nhiên anh em cũng chỉ bàn ra bàn vào, vậy thôi.
Hôm Cường “dọt” là một đêm khuya, khu trại tù Hoàng Liên Sơn sương mù phủ dày đặc, đưa bàn tay sát mắt mà không thấy. Hôm đó tình cờ sao buổi chiều có thằng Biển qua ngồi hút thuốc lào. Cường thì thầm vào tai bốn đứa:
- Tối nay tau dọt, một chết, một tự do. Tau có chết bọn mày có về nhớ báo cho vợ con tau biết.
Biển rít xong điếu thuốc lào rồi đứng dậy ra về.
Đêm xuống mịt mùng tối đen bao quanh khu trại tù Hoàng Liên Sơn.
Tôi nằm lơ mơ cầu nguyện cho bạn mình vướt thoát, rồi ngủ quên đi lúc nào không hay, đến khi đâu nửa khuya, nghe ầm vang lên tiếng nổ của những lọat đạn AK, chúng tôi mới giựt mình tỉnh giấc.
Chúng tôi bị đánh thức cả lán trại. Cường dù bị bắn gục ngay khi vướt qua hàng rào. Cường dù là một sĩ quan chỉ huy, một đại đội trưởng dù nỗi tiếng, tại sao anh bị bắn ngay từ phút đầu vượt trại. Tôi nghĩ, có bị bắt, hay bị bắn, ít ra cũng ra khỏi nơi này, ngoài kia núi rừng thâm u, chứ ở đây, đã biết giờ giấc lịch trình của vệ binh canh gác, Cường dù đâu có dại để bị bắn ngay từ đầu như vậy.
Tụi tôi sau cái chết của Cường dù, đã bị bọn quản giáo kêu lên kêu xuống biết bao nhiêu lần. Tuy nhiên, riết rồi chúng tôi cũng thoát. Thằng Biển sau đó được anh em chuyền tai là một tên “ăn teng hạng nặng”, nó đã báo cho quản giáo biết bao nhiêu chuyện của anh em trong lán. Sau vụ Cường dù bị bắn, Biển được chuyển lên trên khung gác nhà máy điện, nên sau cái tên Biển “hói”, Biển “an teng”, nó còn có tên Biển “điện”.
*
Chúng tôi trở về sau gần mười năm ở tù, quyết chí trả thù cho Cường dù, một chiến sĩ quân lực VNCH xuất sắc và kiên cường đã bị thằng “ăn teng mạt hạng” Biển “hói” báo cáo khi vượt trại. Nhưng tin tức của thằng Biển ra trại ở đâu vẫn biệt vô âm tín.
Qua đây chúng tôi lần mò tìm tin tức thằng Biển, nhưng nó cũng vô tăm vô tích. Chúng tôi ba thằng bạn đồng tù cũ đã lên lịch, thông báo với những anh em khác cố tìm cho ra tung tích thằng chó đẻ. Khi nghe thoáng đâu nó cũng được qua Mỹ, không giám ở khu người Việt đông, có anh em H.O đông, nó trốn như chạch ở đâu bên PA, rồi cũng thay đổi hình tích nhân dạng liên tiếp.
Nghĩ đến Cường dù gục ngã trước làn đạn đạn của thằng vệ binh Việt cộng, do thằng Biển báo cáo, chúng tôi tức sôi gan lên, muốn băm vằm nó ra từng mảnh.
Sau cái chết của Cường dù một tháng, thằng sáu Đờn, quản giáo, lên giọng dạy bảo, lên lớp đám tù: Các anh muốn về sớm không. Các anh còn tinh thần phản động quá lắm mà, các anh đừng hòng vượt thoát ra khỏi nơi này, cái chết của thằng Cường là một tấm gương tày líp, các anh hãy phản tỉnh lại đi, về đoàn tụ với gia đình sớm hay muộn là tự các anh thôi. Như anh Biển, cấp bực hơn các anh một bực, vậy mà ảnh là người gương mẫu, học tập tốt lao động tốt, các anh hãy lấy anh Biển làm gương.
Thế đó, thằng Biển chó đẻ, nó đã giết thằng Cường dù, bạn thân nhất của tôi, của Chiến, của Tuấn, những thằng ăn cơm chung suốt mấy năm, làm sao không đau lòng và uất hận cho được. Khi ở tù, nói sợ thì ai cũng sợ cái uy lực của bọn Việt cộng đè xuống đầu mình, gia đình mình, nhưng khi nỗi căm phẫn đã lên đến đến tột đỉnh, nói “lên gân” một chút là chúng tôi sẽ “biến đau thương thành hành động”. Sau khi qua Mỹ, chúng tôi đã mua mỗi đứa một khẩu súng, thủ sẳn trên xe, hễ gặp mặt “thằng chó đẻ” đó bất cứ ở đâu, bất cứ nơi nào là chúng tôi sẽ “bùm” ngay. Thằng Chiến, thằng Tuấn và tôi đồng lòng như vậy. Tôi biết luật pháp nước Mỹ này không chấp nhận điều này, chúng tôi có thể bị tử hình hoặc chung thân, gia đình chúng tôi sẽ khổ sở trăm bề, nhưng tôi nghĩ đến đôi mắt trợn trừng không khép đươc của thằng Cường “dù” khi bị bọn cai tù bắn gục, tôi không thể nhẫn nhục được. Thằng Chiến thủy quân lục chiến, trong một cuộc nhậu, nó đã cầm khẩu súng lên rồi tuyên bố một câu xanh rờn: “Tìm được thằng cho đẻ, tau sẽ xử nó thế này, kê khẩu súng này vào ngay cái trán hói của nó, cái trán hói chứa chất bên trong cái não bộ, vận hành toan tính cách hãm hại anh em tù, tạo phải “đoành” một phát vào trúng trung tâm não bộ của nó, cho văng tung toé óc não của nó ra, thì tau mới hả giận. Thằng Tuấn đại đội trưởng bộ binh thì nói, “Tau dùng khầu súng này nhắm vào cái miệng tham ăn, tham nói, tham báo cáo hãm hại anh em, viên đạn sẽ xé toạt cái miệng nó ra, cho nó hết thời ăn cứt.” Còn tôi thì trong lúc ngà ngà say, cơn giận thằng chó đẻ hãm hại bạn tù này cũng lên cực độ, tôi nói: “Tau sẽ kê súng ngay hạ bộ thằng cho đẻ, bắn tanh bành nó ra, để nó về chầu diêm vương hết thời làm điếm đực, làm chỉ điểm.”
Thế mà thằng Biển chó đẻ vẫn biệt vô âm tín.

*
Nghe chuyện kể của ông sồn sồn tôi cũng nổi da gà, chuyện “ăn teng” trong tù cũng là chuyện dài nhiều tập, tôi cũng nghe nói nhiều người có tiếng tăm của chế độ cũ, khi vào tù cũng cam tâm làm “ăn teng” mạt hạng cho bọn quản giáo, vệ binh, để được chút ưu tiên. Tuy nhiên chuyện báo cáo cho bọn cai tù biết ngày giờ của người bạn mình vượt trại, để bạn mình bị bắn chết gục ngay dưới hàng rào kẽm gai, cũng là một điều không thể tha thứ. Nợ máu phải trả bằng máu là chuyện đương nhiên, là đúng. Nghĩ vậy, tôi hỏi tiếp ông Thịnh:
- Vậy cuối cùng, đến nay nhóm bọn anh có tìm ra tông tích thằng “ăn teng chó đẻ” đó không?
Ông Thịnh mỉm cười, nụ cười ông trở nên hiền hòa vô kể:
- Được. Suốt mười mấy năm tụi tôi mai phục, tìm kiếm tông tích nó, đến độ cây súng tôi bỏ trong thùng xe bị hoen rỉ đi. Thằng chó đẻ vẫn biệt vô âm tín. Sau nhiều năm cư ngụ ở vùng tây bắc, tôi quyết chí đưa gia đình về CA, vì tôi nghe thằng chó đẻ đã dời về ở đây.
Bỗng một hôm, vào buổi sáng, tôi đọc trên một tờ báo Việt ngữ, thấy ở Las Vegas, tiểu bang Nevada, có tin một tai nạn xe hơi khủng khiếp, làm chết một người đàn ông và một người đàn bà. Xem kỹ tin này thì biết, chính người đàn ông chết đó là thằng Biển “ăn teng”, Biển “điện”. Nó từ PA về Cali, vì sợ quá nên trốn chui trốn nhũi, vợ bỏ nên nó tấp vào con mẹ chủ chợ cá ở Bolsa, con mẹ này hay lên đài ban đêm chữi bới đủ thứ. Thằng Biển “cặp” con mẹ này nhắm vào cái chợ con mẹ có hùn hạp làm ăn, nào ngờ cái chợ đang đà phá sản. Hai tên này buồn tình hay sao mà sa vào trò đỏ đen ở Las Vegas. Không biết làm sao, có phải là oan hồn của Cường “dù” nhập vào, để trả thù món nợ chết oan năm xưa hay không, mà thằng Biển lái xe chạy quá tốc độ, khiến xe đâm phải vào cột đèn, làm 2 đứa chết không toàn thây.
“Thằng chó đẻ” chết đã hai năm rồi. Ba tụi tôi họp nhau lại nhậu một bữa đã đời, để ăn mừng chiến thắng, cũng là may mắn tay chúng tôi chưa nhúng vào máu. Sau đó chúng tôi quẳng súng xuống biển, coi như ông trời đã thay tụi tôi tính sổ thằng cho đẻ. Suy cho cùng, cái gì cũng có nhân quả của nó hết, phải không ông?