Bên bàn rượu, hai mái đầu không còn xanh như ngày cùng nhau ngồi chung ghế nhà trường...
- Ối trời, mày đi đâu lâu nay?
Đang cặm cụi chăm tỉa cho chậu mai dự định sẽ đem vào chưng trong phòng khách mấy ngày tết, bất chợt Phúc xuất hiện trước mặt, Tấn trợn tròn mắt hỏi, còn Phúc thì nở nụ cười làm sáng lên gương mặt khắc khổ nhăn nheo.
Gần ba mươi năm rồi, từ ngày hắn bỏ nơi này ra đi, nói với Tấn là trở vào trong Sài gòn hay đâu đó, tìm một cuộc sống dễ dàng hơn bởi hắn đã quá chán cái chốn rẫy nương nắng gió này.
Cả hai cùng sinh ra từ Quảng Trị, một tỉnh miền Trung giáp ranh với vĩ tuyến 17. nơi con sông ngăn chia hai miền Nam Bắc, sự kiện lịch sử này xảy ra hai năm trước khi cả hai chào đời. không phải sinh ra cùng một nơi. Tấn ở huyện Triệu Phong, một vùng lúa gần biển còn Phúc ở Cam Lộ, một huyện vùng cao.
Chiến tranh liên miên và rồi năm 1972, khi phe bên kia tấn công vào tỉnh lỵ này, họ chạy vào Huế, rồi Đà Nẵng, ở trong những trại tạm cư. Chuyện về lại chốn chôn nhau cắt rốn ngày càng xa vời, vả lại rồi cũng đạn bom tang tóc bởi chiến tranh chưa thôi, nhiều gia đình cùng nhau di dân, vào khai hoang lập cư trong vùng rừng núi này, dưới sự chăm lo của một Linh Mục.
Đoàn xe chở họ vào đây, trong số đó có hai cậu trai, đi ngang qua nhiều nơi mà chúng chỉ biết đến trong những bài học Địa Lý. Núi đồi khe suối và những bãi biển trải dài ven quốc lộ làm cả hai thích thú sôi nổi chuyện trò. Lúc này hai cậu trai vừa xong lớp chin cấp trung học.
Ba năm ngồi cùng nhau nơi ngôi trường tạm bợ bằng gỗ và tôn được dỡ từ trại lính Mỹ ở Cam ranh, rôi thi tú tài, cả hai cùng hí hững khi kết quả kỳ thi được dán nơi văn phòng trường: Phúc đổ hạng Bình, Tấn kém Phúc, chỉ hạng Thứ. Phúc vào Đại học sư phạm Sài Gòn, ngành Khoa Học. Tấn lên Viện Đại Học Đà Lạt, cũng khoa sư phạm, ban Việt- Hán.
Chưa tròn niên khóa thì biến cố 75 ập đến. Tấn không thể tiếp tục việc học hành, anh trở về với gia đình. Cha đi học tập cải tạo, là lao động chính trong nhà, anh vừa đi nghĩa vụ khai hoang, thủy lợi… vừa giúp mẹ làm rẫy. Phúc ỏ lại Sài gòn tham gia các phong trào Thanh Niên, nghe đâu là một trong những phần tử tiến bộ của đoàn Thanh Niên Thành phố, có lần được tuyên dương trên báo Sài Gòn!
Tấn không còn nhớ là bao lâu rồi, một lần đi buôn vào Sài gòn, nghe người quen nói là Phúc làm gì đó trong nhà Văn Hóa quận Một, anh tìm đến và rồi một trận cải vả xãy ra giữa hai người mà đại để là Phúc trách Tấn đi buôn như thế là tiếp tay vơi gian thương làm lũng đoạn thị trường…Còn Tấn, anh bất lực không cãi lại được trước những từ ngữ, lập luận xa lạ mà Phúc đưa ra, anh chỉ đơn giản muốn cho Phúc hiểu rằng là không đi buôn thì không có cái gì ăn, kể cả nước mắm!
Đêm đó Tấn ra ga Bình Triệu, nằm gối đầu lên ba cái bao tải đựng mỳ lát cuộn lại mà hận thằng bạn, những lý luận về kinh tế nghe thật chặt chẻ nhưng không có đếu nào phù hợp với thực tế của cuộc sống nơi Tấn ở. Phúc không chịu nhận ra là cái đói khổ hầu như đã tràn khắp nông thôn.
Một hôm, Phúc trở về sau năm sáu năm, nói là từ trại giam về, không biết sao lại lạ đời như thế! Thì ra là hắn nhiệt tình phấn đấu, nhưng lại làm việc theo cảm tính nên giải quyết một việc gì đó sai nguyên tắc phải vào trại giam một năm vì tội thiếu trách nhiệm. Giờ hắn tiếc là đã bỏ không theo cho hết đại học!
Bà mẹ già nua mừng thấy lại con, em gái hắn lấy chồng nhưng cùng ở trong nhà để hôm sớm chăm lo cho mẹ. Đã về chốn này thì phải làm nông, hắn ra sức làm rẫy nhưng thu nhập sau khi nộp cho Hợp Tác Xã còn lại quá ít, không đủ ăn, vừa làm rẫy hắn vừa theo thắng em rễ học nghề thợ mộc cũng chẳng nên cơm cháo gì, chỉ đi rừng khai thác gỗ lậu, tuy cực nhưng cũng còn có đồng vào đồng ra.
Đâu dược mấy năm, hắn lại đi, lần này hắn đi lâu quá nên ai cũng đoán già đoán non là hắn vượt biển hay bị tai nạn, bệnh hoạn, chết chốn nào rồi. Mẹ hắn mất cũng không biết nơi nao mà nhắn tin!
Thế nhưng hôm nay hắn lại về, vào những ngày cuối năm và đang đứng trước mặt Tấn!
Bên bàn rượu, hai mái đầu không còn xanh như ngày cùng nhau ngồi chung ghế nhà trường, hồi cùng nhau vào rừng khai thác gỗ, chung chia khổ cực ở tuổi thành niên. Tóc cả hai giờ đã bạc nhiều!
Tấn ngồi nghe Phúc kể lại những tháng ngày hắn bỏ nơi này ra đi, vào Sài gòn sống cùng những kẻ không nhà.
oOo
Phúc khoanh hai tay co gối, một cơn gió nhẹ làm sương đêm thêm lạnh, bình trà bằng thiếc của cái quán vỉa hè không đủ giử hơi nóng, đã lạnh ngắt từ lúc nào! Anh ao ước có một góc nhỏ nào đó, đẩy chiếc xích lô vào rồi ngã lưng kéo một giấc qua đêm. Lâu nay anh khá yên ấm dưới cầu thang của chung cư Thanh Đa. Đêm nay lại có đợt truy quét những người không hộ khẩu, làm nhốn nháo những kẻ vô gia cư trú ngụ nơi đây, thưòng thì vài hôm có khi cả tuần rồi đâu lại vào đó, nhưng lần này xem ra quyết liệt hơn, cả chục chiếc xe chở đám vô gia cư về quận ngay trong đêm.
May cho Phúc vì đêm nay có một người khách, thăm thân nhân nằm bệnh viên Chợ Rẫy, giữ anh lại để chở bà ta về sau khi thăm xong. Trở về chung cư, từ xa anh đã biết tin truy quét, anh quay lại đạp về Bình Triệu, nơi đây là nhà ga nên dễ dàng cho ai muốn lẩn tránh những cuộc kiểm tra hộ khẩu.
-Nhà cậu ở đâu?
Tiếng bà cụ bán nước hỏi, ý chừng đã khuya sao không thấy Phúc có ý ra về.
-Dạ con ở trên quận Tám, nhưng đạp xe vùng này, thỉnh thoảng mới về nhà. Mấy hôm ngủ lại bên Thanh Đa nhưng hôm nay kẹt kiểm tra hộ khẩu!
-Gần sáng rồi hay cậu cho xe vào đây, góc này, ngủ đi rồi mai tính. Tôi cũng vào ngủ một chút.
Bà cụ dẹp gọn mấy chiếc chế rồi cúi lưng lòn vào chái nhỏ, trên chiếc giường hẹp, đứa cháu ngoại ngáy say sưa, bà vén mùng nhìn vào rồi đưa tay xoa lên cái bụng bầu đã quá to, thở dài, nhẹ nhàng nắm xuống, trong lòng lo lắng nghỉ đến ngày sinh của nó!
Mười sáu tuổi, đang yên đang lành, hằng ngày bán gánh xôi trong nhà Ga lâu nay, mấy tháng trước, thấy cái nút áo chổ rốn không cài được bà mới tá hỏa, thì ra nó đã mang bầu bốn tháng. Hỏi thì nó khóc bảo là nó thương một thằng buôn gạo ở Tuy Hòa, ngủ với nó hai lần, hắn nói là sẽ đưa bà chị vào xin bà ngoại, đưa cả hai bà cháu ra ngoài ấy làm ăn, nhà hắn rất nhiều ruộng. Từ khi biết con bé có bầu, hắn còn đi buôn theo những chuyến tàu chợ, con bé cũng yên lòng. Nhưng mấy tháng nay rồi không thấy vào ra, đêm nào con bé cũng lang thang tìm ở Ga, trông từng chuyến tàu chợ. Cuối cùng, con bé hỏi đám con buôn Tuy Hòa mới biết là hắn tình nguyện đi nghĩa vu quân sự rồi!
Bà cụ đã quá quen với những chuyện muộn phiền trong cuộc dời khốn khổ, cam phận chấp nhận thêm chuyên dại dột của đứa cháu, nhưng bà lo lắm, cái bụng quá to so với vóc người ốm yếu xanh xao của nó!
Sau hôm ấy, Phúc ở lại cùng bà già, mái chái của bà vậy mà êm ấm, lại được bà lo cho những bữa ăn tươm tất, bà xem Phúc như con. Quen với những kẻ không nhà cửa, phần nhiều ăn nói tục tằn thô lỗ, thấy Phúc khác xa họ, bà mừng thầm trong lòng, dầu sao cũng có một người đàn ông giúp bà trong lúc này lúc nọ. nhất là ngày trở dạ tới đây của đứa cháu ngoại côi cút!
oOo
Phúc sửa lại mấy cái bao đồ đạc linh tinh, nhét gọn vào dưới ghế của chiếc xe đò rồi ngồi xuống bên bà Tư. hai cánh tay bà ôm gọn đứa cháu trai vừa sinh ba tháng nay, nó sẽ gọi bà bằng bà cố! Hình ảnh mẹ nó rên la rồi thét lên, trợn tròn hai mắt, tay chân buông thỏng trong cáí đêm trở dạ kinh hoàng đó làm bà rơi nước mắt. Đứa bé cất tiếng khóc khi vừa lọt ra ngoài cũng là lúc mẹ nó tắt thở.
Khi Phúc đạp cuốc xe cuối trở về thì con bé trở dạ rên rĩ, anh quên mình là đàn ông, chạy ra nơi đám đông người chờ tàu, hét loạn xạ: “ Có ai biết đỡ đẻ không vào giúp cho cháu tôi với!”. “Cô ơi, dì ơi làm phúc…”
Một bà khá tuổi ăn mặc sạch sẽ đứng lên, tất tả theo Phúc về cái chái, con bé rên la đau đớn, Phúc chỉ cho người đàn bà vào rồi thấp thòm ở ngoài. Anh chạy vào sau tiếng thét cùng lúc với tiếng khóc. Bà Tư ôm cái xác nóng hổi của cháu ngoại, còn người đàn bà thì lau cho đứa bé nhăn nheo…
Phúc cùng bà Tư chôn con bé nơi một nghĩa địa ở Bình Phước. Bà Tư không còn bán linh tinh, suốt ngày ôm thằng bé đi xin sữa ngoài ga.
Mấy ngày nay bà Tư buồn hơn, chiếu lại, khi ăn cơm, bà vừa nựng đứa bé, nói với giọng nghèn nghẹn:
-Dì tính vế dưới đó con ạ, dì già rồi, nó là con trai, ở trên này lớn lên dễ hoang tàng hư hỏng, dưới quê vậy mà không đến nỗi nào, có bà con chòm xóm…cháu cứ ở lại đây cho đến khi nào người ta đuổi…Hừm, băm mấy bốn chục năm về lại, ai còn ai mất mà cậy nhờ đây!
Phúc khó ngủ, lũ muỗi đâu đêm nay như kéo lại nhiều hơn, anh lững thững ra ga, tìm tới cái chiếu bán cà phê gọi một ly, ngồi xếp bằng trên chiếu, đốt thuốc nhìn vu vơ.
Phúc nghĩ tới bà Tư, sáu mươi mấy tuổi rồi, giờ về quê làm gì nuôi đứa cháu? Nó lớn lên với sông rạch Miền Tây có khá hơn chốn này không nếu chẳng có ai chỉ bày cho nó, hay rồi cũng bỏ lên Sài Gòn, hay đi đâu đó lang thang!
Sương xuống lành lạnh nhưng sân ga vẫn bình thường với sinh hoạt ồn ào cố hữu, Phúc trở về, nằm lên chiếc xích lô, vẫn còn nghe tiếng thở dài của bà Tư. Anh thiếp đi với ý nghỉ: Cùng bà Tư vế miền Tây, anh sẽ nuôi dạy thằng bé cho dù thể nào!
oOo
Lâu rồi, Tấn chỉ uống rượu cầm chừng, nhưng hôm nay anh uống thật tình cùng Phúc. Anh nhìn bạn, gương mặt Phúc ngồ ngộ, nhòe nhòe như qua một lớp gương:
-Mày không nghĩ dến bà già và em gái ngoài này à?
-Mấy năm sống vật vờ tao nhớ lắm, nhưng cái đêm nằm nghe tiếng thở dài của dì Tư tao thấy thương cuộc đời cô quạnh của bà và thằng bé mới chào đời. Bà già và em gái thì xa, ngay bên minh đây cũng hai phận người một bà già một trẻ thơ. Thôi thì cũng một kiếp người mà tao phải đi qua, con đường nào cũng là đường, tao chấp nhận cưu mang. Giờ thì ổn rồi. nó cứ đòi về thăm quê nội, ừ thì cho nó về, sang năm nó ra trường, lo cho nó một chỗ làm, rồi vợ, rồi con…Trong cõi vô thường, cổ thụ có khác gì phù dung!
Như sực nhớ ra đều gì, Tấn hỏi Phúc:
-À mà sao hồi ấy mày ở tù?
-Tao bán chiếc xe hơi nằm đống mấy năm trong sân phòng Văn Hóa cho tụi Chợ lớn, mua gạo chia cho anh em ăn tết!
-Mày vẫn thích gì làm đó?
-Ừ cái tính rồi, thấy thích thì làm, ít khi cân nhắc phân vân, không sao thay đổi, mà tao cũng chẳng nghĩ đến chuyện phải thay đổi. Thôi tao về kẻo thằng bé lo.
-Ở lại, ở lại với tao, tụi mình nằm chung như cái hổi trai trẻ. Qua tết là tụi mình sáu chục rồi, có chết cũng được ghi là “hưởng thọ” thay vì “hưởng dương” trên tờ cáo phó, mau thiệt!
-Ừ mau thiệt, đi ngủ, mày còn gác như hồi xưa không?
-Bỏ lâu rồi nhưng đêm nay tau kẹp cổ mày cho nó sướng.
-Ừ, cho mày kẹp.
Hai cái thân già xiêu vẹo dìu nhau đi trong bóng đêm mờ mờ hơi sương, lành lạnh buổi cuối đông.