main billboard

Có một ông thiếu tá ngoại quốc đi với chúng ta sao?

du xuanLúc đầu tôi đổ thừa tại cái số của mình. Số tôi đi đường luôn luôn gặp trở ngại, đi gần, đi xa, đi công tác, hoặc chỉ là đi chơi đều gặp phải những chuyuến đi đầy vất vả, thường thì xe bị hỏng hóc, đường xấu. Đi tàu hoả thì chậm trễ cả giờ là chuyện thường. Chuyến tàu nào vô phúc có tôi trên ấy thường chịu cảnh âm thầm đứng trong đêm, nhường quyền ưu tiên cho tàu khác. Nhường một chuyến, được thể nhường luôn hai ba chuyến. Vì thường gặp cảnh khó khăn như thế nên tôi cũng quen dần, không thấy khó chịu, nóng ruột nữa.Vợ tôi vốn mê tín, đi đâu cũng mở lịch xem ngày xuất hành. Mỗi lần tôi xách gói ra khỏi nhà dù đi công tác, không phải đi thi, đi buôn hay đi đánh bạc, nghĩa là những chuyến đi dựa nhiều vào việc rủi may, vợ tôi cũng sợ cảnh ra đường gặp gái, sợ nhất là gặp đàn bà chửa. Cô ra ngỏ đứng canh, khi nào gặp đàn ông đi ngược về hướng tôi xuất hành, vợ tôi mới bật đèn xanh cho tôi xách cặp lên đường. Vợ tôi còn dặn nhiều thứ:
- Xe chở chó không đi, chở mèo không đi. Chở rắn lươn ếch cũng không, còn chở hài cốt thì vái mà tránh xa!
Tôi hỏi:
- Làm sao biết trên xe có hài cốt?.
Vợ tôi nói:
- Biết ngay! Nó trục trặc hư hỏng đủ thứ, chữa xong lại hư, công an thổi, thuế vụ chận, du kích bắt…Tóm lại đủ thứ rắc rối. Gặp những chuyến xe như thế, không cần khám xét cũng biết trên xe có chở hài cốt!
Kĩ lưỡng là thế song chuyến đi vừa rồi tôi cũng gặp đủ thứ khó khăn. Thời trước họ” Phạm Ngọc” ở Diên Khánh Nha trang là một dòng họ lớn, rất danh giá. Tôi theo chú tôi vào Saigon, hỏi đi có chuyện gì ông chú tôi một người họ Phạm Ngọc cứ úp úp mở mở, hỏi nữa thì thím tôi, một phụ nữ rất duyên dáng, nói có việc xuất cảnh định cư ở Mỹ. Thím nhờ tôi đi hỗ trợ với ông chú tôi. Đối với tôi, thực thì đây là cơ hội cho tôi đi chơi, chứ người như tôi mà hỗ trợ cái chi? Hình như chuyến đi này đối với gia đình chú tôi rất quan trọng. Buổi sáng ngày lên đường, tuy tôi đến sớm hơn giờ hẹn song tôi đã thấy hai ông bà chuẩn bị mọi việc rất chu đáo. Cả Hai đang thắp hương khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, từ đó suy ra chuyến đi hẳn mang sứ mệnh đặc biệt to tác.
Chu cháu tôi lên xe xích lô đến bến, tiền xe hai bên đã thống nhất, đến nơi thằng xích lô đòi thêm. Lấy lí do gần tết vật giá đều tăng. Chú tôi , một người rất nguyên tắc, nhất định không chịu. Hai bên cãi vẫ. Tôi vốn theo phe chủ hoà rút túi đưa thêm mấy ngàn. Thời kì này mua vé xe phải xếp hàng. Chúng tôi nhích lần từng bước, gần đến cái lỗ tròn tròn bao nhiêu cánh tay thò vào thì xảy ra sự cố. Có mấy người nóng lòng chen ngang, người đứng sau không chịu, hàng ngũ rối loạn, thế là phải xếp lại từ đầu. Sau lần ”cải tổ” này thứ bậc chúng tôi thối lui lại mấy bậc. Cuối cũng cũng có vé. Sau đó lên xe, nhầm xe, vào ghế ngồi, nhầm ghế. Việc nhầm lẫn này hoàn toàn do nhà xe và người chỉ dẫn.
Khi bốn bánh xe quay vòng đầu tiên tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi nghĩ dù sao xe đã lăn bánh, Giờ đây chỉ còn cách đối phó với đường dài. Tôi đã có cách, tôi ngủ. Tôi ngủ không biết bao lâu, giật mình thức dậy thấy xe đậu lại giữa đồng. Mọi hành khách đã leo xuống xe, chỉ còn nghe tíếng lách cách dưới gầm xe, người ta thay bánh mới. Mọi người xuống xe vươn vai hít thở không khí trong lành buổi ban mai thôn quê. Chú tôi đứng riêng ra một chỗ, mặt thể hiện nỗi bất bình. Ông rất bực mình, ông chửi. Ông chửi bằng tiếng Tây, nghe nó văn hoa và sang trọng hơn. Ông nói sự chậm chạp là thói xấu cố hữu của người châu Á. Người châu Au không bao giờ thế. Để bớt nóng lòng chờ đợi, tôi có cách khác. Tôi cũng xuống xe, ngồi xỗm, ngó vu vơ, đưa mắt một vòng ngắm mấy tà áo xanh áo đỏ, rón rén bước lên đồi cỏ may. Tìm một bụi cây rậm rạp, ngó trước ngó sau, ngồi thụp xuống. Để dịu bớt nỗi bực dọc, tôi mở cửa lồng thả cho con chim tưởng tượng cất mình tung bay, tự hỏi: Những lá cỏ sắc như kim trong buổi ban mai lạnh lẽo có châm chích quí cô nương khó chịu không?
Từ đó về sau chúng tôi còn gặp nhiều trục trặc. Thêm một lần thay bánh xe, đổ nước mui, thằng lơ cầm cái mũ cối bộ đội chạy xuống ruộng múc nước đổ vào thùng nứoc bộ tản nhiệt, tài xế sợ máy nóng quá,” láp-pê”. Một lần dừng trước trạm thuế, hành khách xuống xe, chủ hàng xuống hàng chịu thuế, lại có xin xỏ cãi vã. Một lần dùng cái là con đội đội xe lên thay lá nhíp. Một lần vào quán cơm, có vị hành khách ói mửa, phải xứt dầu, cạo gió. Một lần công an thổi phạt về tội chở quá số người. Thêm một lần công an thổi lại phạt xe không có đèn sau không an toàn giao thông. Theo thông báo ở bến xe thì xe sẽ đến nơi năm giờ chiều. Thực tế là mười hai giờ khuya, như thế trễ 7 tiếng đồng hồ, đối với tôi đó cũng là sự thường.
Chú tôi thì khác, tính ông nóng như Trương Phi, ông không chịu nổi cảnh làm ăn bê bối luộm thuộm nhà xe. Thế nhưng đang nóng nảy bực dọc bỗng nhiên ông thay đổi hẳn thái độ, ông cam chịu, ông ngoan ngoãn chờ đợi, không tỏ vẻ bực bội nữa. Tôi cho rằng phải có cái gì to tác ghê lắm mới làm cho người bảo thủ này thay đổi thái độ.
Xe vào bến, ông là người hoan hỉ nhất. Ông xuống xe, hăm hở bắt tay tài xế, nói lời tạm biệt, hẹn ngày tái ngộ. Hỏi xem ngày nào xe anh ra miền trung để đi. Cử chỉ ông thân thiện nồng nhiệt quá mức làm cho anh tài xế suốt ngày nghe lời than phiền vô cùng ngỡ ngàng. Chắc từ ngày cầm vô-lăng đến giờ anh chưa gặp vị hành hành khách nào lịch sự đến thế. Anh ta đâu có biết mới đây anh bị chửi là đồ con heo !(cô-son!)
Chúng tôi tìm nhà trọ. Chúng tôi không dám đến nhà người quen vì sợ làm phiền, giờ này đã quá khuya. Tới phòng trọ tôi không ngủ được nữa vì đã ngủ no mắt ở trên xe, chú cũng không ngủ, hai chú cháu ra hàng cà phê lề đường chờ sáng.Chú hỏi:
- Sau giải phóng chú chẳng đi đâu, chỉ nghe người ta than phiền chuyện xe cộ. Cháu thấy chuyến xe vừa rồi thế nào?
- Cũng thường thôi, xe xấu đường hư, chật như nêm, nóng như lò lửa, chậm như rùa, xe hư, xuất phát trễ, trên đường bị hành đủ thứ, tới nơi rất muộn, là chuyện thường.
Chú trầm ngâm một lúc, nói như nói với chính mình:
- Thế mà cả ngày hôm nay chú đổ thừa cho “ ngài thiếu tá”
Tôi kinh ngạc, không biết ông muốn nói ngài thiếu tá nào ? Viên sĩ quan khả kính nào lại phải chịu trách nhiệm trong chuyến xe cơ khổ này? Tôi hỏi:
- Chú nói tới ông thiếu tá nào?
- Ông Giôn Sun-li-văng ấy mà !
Tôi lại càng ngạc nhiên. Tại sao có ông thiếu tá ngoại quốc nào ở đây ? Tôi hỏi:
- Có một ông thiếu tá ngoại quốc đi với chúng ta sao?
- Ừ !
- Sao cháu không thấy. Trên xe làm gì có người ngoại quốc nào?
- Thấy sao được…
Nói xong ông lục túi lấy cái gói giấy nhỏ, cẩn thận mở ra rất nhiều lớp giấy gói, lấy ra một vật trăng trắng, cầm lên xem, dưới ngọn đèn đường vàng vọt, tôi thấy cái đó là một mẫu xương nhỏ. Ay là đốt xương ngón tay hay một đoạn xương ngắn và cái thẻ bài bằng kim khí có dập hàng chữ chìm, đưa lên đọc nhưng vì ánh sáng đèn đường quá kém tôi không nhận ra tên, chức vụ, đơn vị của chủ nhân chiếc thẻ bài. Tôi tin đây là đốt xương vì thấy nó giống như xuơng heo mỗi khi ăn bún giò, chạm phải, lừa ra. Về sau bọn con tôi nghe chuyện thường hài hước, mỗi khi chúng gặp mẫu xương lớn chũng gọi đùa la ”ông thiếu tá”, đứa khác nói, cái này to hơn , phải kêu là “ ngài đại tá” ! Lớn hơn nữa thì gọi là “ ngài tướng quân”! Tôi kinh ngạc về cách nói phóng đại, cường điệu, khoa trương, nhân cách hoá, và còn nhiểm tính chất hài hước của chú tôi khi gọi mẫu xương là ” Ngài thiếu tá”

Không biết ông nhờ ai mua vật này, nghe nói mấy lượng vàng và cả nhà đặt cả hy vọng đổi đời vào vị thiếu tá này… Thời kì đó ở thành phố Nha Trang có phong trào tìm mua hài cốt để làm hồ sơ xuất cảnh. Thuở đó một lượng vàng là cả một gia tài lớn, thế nhưng thiên hạ vẫn sẳn sàng bỏ ra để mua một vật vớ vẫn, không lấy gì làm chắc, có phải xương người không? Có phải xương lính Mỹ không, có chắc được chấp nhận cho xuất cảnh định cự ở Mỹ không? Tất cả đều mơ hồ, phi phỏng. Thế mà người ta vẫn theo đuổi và hy vọng. Hơn ai hết, chú tôi là người rất khôn lanh, từng trải, làm bất cứ chuyện gì cũng suy nghĩ cẩn thận. Đồng bạc của ông rất lớn, không bao giờ ông phí phạm, làm chuyện mạo hiểm , thế mà ông dám bỏ ra mấy cây vàng để lao vào cuộc phiêu lưu đầy rủi ro này. Hóa ra khi con người đã mê, đã ham muốn, ai cũng hoá thành khờ khạo rất dễ lừa bịp. Tôi giận thằng bất nhân nào dám đem một vị sĩ quan khả kính ra bán sỉ bán lẻ, thật là một lũ bất nhân với người chết dám lừa bịp người sống. Chú tôi xưa nay vốn thích chơi trội, hơn mọi người. Tôi hỏi giá, ông kiêu hãnh nói:

- Đủ giá, đủ hạng, binh nhì, binh nhất, hạ sĩ quan, sĩ quan cấp uý, cấp tá đều có giá khác. Chú mua được một ”ông thiếu tá” không dễ, giá đắc gấp mấy lần tên lính trơn.
- Ông tá có hơn lính trơn không?
- Có chứ, ông tá phải hơn thằng kính, hồ sơ mình được ưu tiên hơn nhiều…
Xem xong tôi đưa trả lại, chú tôi lại gói nhiều lớp, cột dây ràng rịt cẩn thận, nhét túi quần sau. Tôi dặn.
- Cái đất Saigon này bọn móc túi nhiều như như rươi. Chú phải hết sưc cẩn thận. Chúng mà xuất chiêu hai ngón móc” ông thiếu tá” thì nguy to! Chú lên xe xuống xe phải cảnh giác, đừng đi vào chỗ đám đông và tay thì phải đặt sẳn trên túi quần. Nghe thế chú tôi lấy kim găm lại, ông thiếu tá nổi cồm cộm túi quần sau.

***

Sau này nhiều năm, thấy gia đình chú vẫn chưa đi được. Tôi biết kế hoạch “ông thiếu tá” bất thành. Không biết giờ đây số phận” Ngài thiếu tá ra sao? Tội nghiệp, dù sao thì ông và tôi cũng đã cùng chung số phận đi chung một chuyến xe lịch sử định mệnh cơ khổ .dài lâu./.