main billboard

Đời là vô thường. Cuộc đời chỉ như một cơn gió thoảng, như một thoáng mây bay…

mua xuanÔng cụ nằm kia, khuôn mặt trắng mịn, hiền hòa, đôi mắt khép lại nhẹ nhàng như người đang nằm ngủ. Khuôn mặt kia, hình hài kia rồi sẽ biến đi, sẽ tan vào hư vô, chúng tôi không bao giờ còn trông thấy nữa. Ai cũng biết ngày này rồi sẽ tới, ai cũng biết đến lúc phải chia ly nhưng trong sâu thẳm của tâm hồn vẫn có những nỗi đau vò xé. Trong cái mênh mang, êm lặng tột cùng vẫn có những nỗi xót xa… Hơn tám mươi năm, một khoảng thời gian dài cho cả một đời người cũng chỉ như một thoáng mây bay. Bố tôi nằm đó, bình an như đang say ngủ, những hình ảnh xưa về Bố chợt ẩn chợt hiện, chợt gần chợt xa…

Trước 54, gia đình chúng tôi sống hạnh phúc trong căn nhà nhỏ trên đường Mai Hắc Đế, Hà Nội. Những ngày tháng êm đềm, có Bà, có Mẹ, có cô Nga em của Bố và cậu Thắng em của Mẹ. Bố tôi chưa đầy ba mươi tuổi và chúng tôi từ em Tuấn còn bế ngửa, anh Dũng chưa lên chín, ở giữa là ba bé gái, Tí Bun, Tí Xíu và Ông Lý Hạnh (Hồi nhỏ Hạnh hay đội cái mũ thóp giống như khăn xếp của ông lý nên Bố yêu gọi là Ông Lý Hạnh). Phòng khách nhà tôi kê bộ ghế với tràng kỷ kiểu Tàu, bộ sập gụ và tủ chè khảm xà cừ óng ánh sự tích Bát Tiên. Buổi tối sau khi ăn cơm, chúng tôi quây quần, cha ngồi xem báo, mẹ ngồi đan áo ở bộ sa lông và chúng tôi bò trên sập để học bài như cảnh Phạm Duy mô tả trong “Kỷ Niệm”, chỉ khác là không có cây đèn dầu hao nhưng căn phòng sáng ấm nhờ bóng đèn vàng từ trên trần toả xuống.

Buổi chiều mấy con bé đợi Bố đi làm về để bám vào cánh tay rắn chắc của Bố đang cong lại đưa ra, mấy đứa nhún chân lên đu đưa rồi cười như nắc nẻ. Ngày mùng một ta, Mẹ tôi hay cúng Thổ Công cái chân giò luộc để cạnh ba chén rượu trắng và một đĩa muối. Khi cúng xong Bố lấy con dao nhỏ từ từ xẻo từng miếng thịt chân giò, chấm muối tiêu rồi cứ Bố một miếng lại cho mỗi đứa con một miếng.

Thời buổi nhiễu nhương tranh tối, tranh sáng sau hiệp định Geneve vì an ninh nên gia đình chúng tôi phải dọn vào nhà thương Võ Tánh. Bà tôi ngày nào cũng khóc vì không muốn rời quê cha đất tổ, mồ mả tổ tiên. Bà muốn cả nhà ở lại hoặc để Bà ở lại với cô Nga, ngày đó mới lập gia đình và nhà chồng cô quyết định không di cư. Một hôm Bà cũng đang sụt sùi nài nỉ, bố tôi rút cây súng lục để ra bàn nói: “Cụ muốn ở lại để con bắn hết các cháu, con bắn chết con luôn để Cụ ở lại một mình được không?” Bà tôi sợ quá, cuống quýt: “Thôi tôi xin cậu, tôi xin cậu, tôi đi, tôi đi!” Thế là từ đó Bà chỉ thút thít khóc thầm chứ không dám khóc trước mặt Bố tôi nữa. Về sau Bố nói phải dọa già thế Bà mới chịu đi chứ ở lại thì chết cả đám.

Vào đến Sài Gòn, gia đình gồm chín người, ngơ ngác nơi vùng đất lạ, tất cả phải làm lại từ đầu, Bà tôi ngán ngẩm cố nén tiếng thở dài. Chúng tôi định cư tại căn nhà 336 Thành Thái, một căn nhà gỗ nhỏ, một tầng, xung quanh còn cây cối xum xuê. Mặc dù rất bận rộn trong sở làm, ưu tư về nơi ăn, chốn ở mới, ngày nào đi làm về Bố tôi cũng tắm rửa cho chúng tôi. Ông yêu các con và đó cũng là cái thú của ông, mặc dù nhà có người làm, có Bà, có Mẹ chúng tôi. Tôi còn nhớ cứ vào cuối tuần ông hay đem chúng tôi ra cắt tóc, cạo mặt, ngoáy tai, cứ từng đứa, từng đứa. Đứa nào nhúc nhích không chịu ngồi yên, tóc không đều, ông cắt lại, cắt nữa, đôi khi tóc chỉ còn như cái “mủng dzùa” úp lên đầu. Khi vào Nam tôi mới bảy tuổi nhưng có ba em nên coi như đã lớn, năm 55 mẹ tôi đi sanh Phương Nam. Rồi cứ cách một năm Mẹ cho ra đời thêm một đứa, tôi đưa Mẹ đi sanh và mỗi buổi sáng trước khi đi làm và buổi chiều trước khi về nhà Bố đều vào thăm Mẹ và em bé mới.

Nhân số gia tăng, nhà cũng được xây cất thêm, từ một căn nhà gỗ lụp xụp thành một căn nhà gạch bốn tầng, hai dãy. Bố tôi phải lập ra những luật lệ như nhà binh để cai trị bầy con của Bố. Nhà gắn một cái chuông điện to như chuông trường học ngay phòng khách. Mỗi người có một tín hiệu riêng, chuông bấm hiệu ai người đó phải có mặt. Riêng giờ ăn là ba tiếng chuông dài đến nỗi hàng xóm cứ nghe ba hồi chuông lanh lảnh là biết ngay nhà chúng tôi đến giờ cơm. Phòng ngủ là một trại nữ binh với một dãy giường và một dãy bàn học. Tuy là nhà binh nhưng Bố tôi rất nghệ sĩ và tâm hồn ướt át, lãng mạn. Chúng tôi cũng ít nhiều ảnh hưởng tính nết đó. Thuở còn bé Bố đã cho chúng tôi nghe những bản nhạc êm đềm, trữ tình như Suối mơ, Con Thuyền Không Bến, Thiên Thai, Biệt Ly… Có một thời Bố tôi làm chủ bút tuần san Kiến Quốc, Bác Nguyễn Xuân Đăng giữ việc trình bày. Bố viết văn, làm thơ… Ngày tôi học Trưng Vương, khi phải lên trần thuyết, nếu tôi về òn ỉ là Bố soạn ngay cho một bài, vào lớp chỉ việc đọc.

Nhà có ba người lớn, Bà bảo ban người làm và trông nom các cháu; Mẹ lo cái ăn, cái mặc, còn Bố lo chuyện học hành. Tối nào Bố cũng giảng dạy và khảo bài chúng tôi. Bố và tôi rất thân, khi tôi mới mười hai, mười ba đã được Bố tôi đối xử như người lớn, việc gì Bố cũng cho tôi góp ý, chọn màn cửa, chọn kiểu bàn ghế, và ngay cả việc bày biện đồ đạc trong nhà. Bầy con mười hai đứa của Bố lớn dần, lại là một bầy nhiều con gái. Trong cái vui vẫn có cái nghiêm, trong sự thân mật vẫn có những uy lực của ông Bố để hướng dẫn đàn con. Tôi là con gái lớn được hưởng những sự yêu thương, săn sóc đặc biệt của ông Bố trẻ nhưng ngược lại cũng bị những ngăn cấm khắt khe của Bố dành cho con chim đầu đàn. Hồi còn bé tôi được Bố tôi dắt vào nhà thương Võ Tánh xem những buổi tập duyệt binh, được diện quần áo đẹp để Bố đưa vào xem những buổi văn nghệ có Thanh Hằng, Thanh Hiếu đến hát ủy lạo chiến sĩ… Khi lớn lên, dù tôi đã vào đại học Bố vẫn đưa đón… Cho đến ngày tôi lập gia đình, Bố tôi đã khóc rất nhiều khi dặn dò con trước ngày vu quy và sụt sùi khi tiễn con về nhà chồng. Hai đứa con lớn của chúng tôi ra đời trong tình yêu thương đầy ắp của Ông Bà. Các cháu sang chơi, Ông nằm xuống vạch bụng cho cháu bắn bi vào lỗ rốn, ông bò xuống làm ngựa cho cháu phi nhong nhong…

Tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi, Bố tâm sự với chúng tôi về những ước vọng của Bố. Chín đứa con gái của Bố đều học hành giỏi giang, đều là nữ sinh ưu tú. Bố đợi ngày Út Thùy tốt nghiệp Trưng Vương, Bố sẽ đặt tiệc lớn ăn mừng, Bố sẽ mời toàn ban Giám Hiệu và Giáo Sư Trưng Vương để tỏ lòng tri ân những người đã góp công lớn trong việc dạy dỗ các con của Bố. Rồi Bố Mẹ tôi ao ước có một ĐỖ GIA TRANG tại Đà Lạt, một dãy nhà hình chữ U gồm có mười ba phòng lớn, Ông Bà một phòng còn cho mỗi gia đình con một giang sơn nhỏ. Ngày giỗ tết, hội hè con cháu về tụ hội, Bố sẽ cầm cái gậy chỉ huy của Bố để chỉ huy lũ cháu, chắt… Cả một gia trang sẽ rộn rã tiếng cười… Bố Mẹ chúng tôi đã mua mấy mẫu đất trên sườn đồi khu Mê Linh, Đà Lạt, trông ngay ra mặt hồ, phong cảnh thật hữu tình, nên thơ để thực hiện mơ ước đó…
Nhưng ai có ngờ đến cái ngày 30 tháng tư oan nghiệt! Tất cả các mộng ước nhỏ bé, giản dị của Bố tôi đều tan tành. Bố đã già sộc hẳn đi khi nhìn thấy tương lai mờ mịt của một lũ con bé bỏng, thương yêu. Bố đã bạc đầu vì tinh thần trách nhiệm quá cao đối với Tổ quốc, với nhân viên thuộc cấp, với gia đình. Bố đã không bỏ chạy khi quân đội chưa rã ngũ…

Tất cả là định mệnh! Một tháng sau chồng tôi chở Bố tôi đến nơi tập trung và một tuần sau đó tôi cũng đưa nhà tôi vào đúng địa điểm ấy… để đi cải tạo không biết ngày về… Tôi đã khóc thật nhiều khi đọc những lời trong di bút của Bố: “Vì yêu Tổ quốc, mến quê hương nên tôi đã ở lại Việt Nam cho tròn trách nhiệm của sĩ quan cấp tá độc nhất của trường quân y còn ở lại. Chịu đựng cảnh tù đày suốt gần mười năm trong các trại lao tù ở Bắc Việt do Cộng Sản lập ra để trả thù những chiến sĩ quốc gia còn kẹt lại. Với bao cơ cực, đói khát của thời gian gọi là khổ sai cải tạo, tôi cố gắng giữ tinh thần bất khuất và nhân cách của một chiến sĩ khi thất thế, sa cơ.”

Và… ngày 20/4/90 chúng tôi, một bầy con cháu của Bố đã kéo nhau ra phi trường San Francisco để mừng rỡ đón Ông Bà và Dì Út. Bố đã già đi nhiều. Mười năm, từ năm mươi đến sáu mươi vẫn còn là tuổi sung sức của một đời người thì Bố tôi bị trong vòng khổ ải…

Năm 1992 Bố tôi bị một cơn bạo bệnh tưởng khó vượt qua. Sau khi thoát khỏi hiểm nghèo Bố Mẹ tôi được em Tuấn đưa đi du lịch vòng quanh thế giới, để giải trí và cũng để phục hồi năng lực về thể chất cũng như tinh thần cho Bố và đồng thời cũng để Bố đạt được những ước mơ của Bố thời niên thiếu… Sau đó Bố tôi sống lặng lẽ như một cái bóng, chỉ vui với con cháu trong những dịp tụ họp đại gia đình, lâu lâu đi thăm con cháu ở xa… Bố không màng đến thế sự, không tham gia hội đoàn hay bất cứ một tổ chức nào. Thì giờ rảnh Bố tôi đọc sách và soạn lại quyển Gia phả, Bố ngồi viết hồi ký về cuộc đời mình, kể lại cuộc đời truân chuyên của Bố… Từ khi còn là một thanh niên mắt sáng ngời ngời, theo kháng chiến lưu lạc khắp vùng núi đồi Việt Bắc, sang tận Trung Hoa rồi mới quay về. Nhìn vợ dại, con thơ, nhìn lại lý lịch bản thân, thành phần Tiểu tư sản thành thị… Bố đã ngao ngán quyết định đưa gia đình hồi cư… Rồi cả một cuộc đời binh nghiệp, tận tụy với Tổ Quốc, với lý tưởng mình đã chọn lựa… Cho ra đời một bầy con… Đến ngày đổi đời… Đến ngày lạc lõng, cô đơn nơi xứ người mặc dù con đàn, cháu đống… Bố tôi đã viết với hy vọng con cháu sau này biết được dòng dõi cha ông, giữ được những truyền thống tốt đẹp của dòng họ ĐỖ và cũng biết được một mảnh đời của một người Việt Nam trong thời tao loạn.

Một đoạn trong tập hồi ký Bố tôi đã viết:
“…….tôi đang được sống quanh con cháu, tôi mong có ngày mà Phật Trời để cho tôi còn sống trên thế gian này, được thấy quê nhà thoát cảnh bị họa Cộng Sản ngự trị, được về sống tại quê cha đất tổ, bên cạnh phần mộ tổ tiên với họ hàng ruột thịt gần xa…” Và tôi nhớ một ngày trong quá khứ đã xa, khi Bố tôi còn tại chức, Bố đã nói … Cả một đời mặc áo nhà binh, lúc chết đi Bố muốn được an táng như một người lính, theo lễ nghi quân cách.

Bây giờ Bố tôi nằm đây… không lễ nghi quân cách, không được yên nghỉ trên mảnh đất quê hương. Sau lễ hoả táng chỉ còn là tro, là bụi và tro bụi rồi cũng sẽ tan vào đại dương… Đời là vô thường. Cuộc đời chỉ như một cơn gió thoảng, như một thoáng mây bay…