main billboard

Ba thanh niên nước Nam thế kỷ hai mốt, ba thằng ngốc lao vào tình trường hăng hái như ba chàng lính ngự lâm lên đường tìm chuỗi ngọc trai cho hoàng hậu Anne.

mh co kim oi Lần đầu tiên Kim xuất hiện bằng xương bằng thịt trước Tân, Quý và Nghi là trong dịp Tết thầy cô ở nhà thầy Tám, giáo viên toán về hưu. Ấn tượng đầu tiên về Kim là em có nước da tối màu hơn khá nhiều so với những cô nghiện đắp mặt nạ để dành tiền chỉ chờ ngày tắm trắng. Kim không có đường cong thể thao của những cô bước ra từ phòng gym cũng không có xương quai xanh của những cô ăn kiêng trường kỳ. Nhưng nếu dừng mắt ở Kim lâu hơn hai phút sẽ nhận ra em là cô gái lai. Ở em có sự đằm thắm Việt Nam pha với một ít năng động Âu Tây hoà cùng rạng ngời Nam Mỹ. Kim có ông ngoại người Pháp, bà nội người Brazil và cha dượng người Hàn. Không biết Kim là một cái tên Tây giống như Kim Kardashian hay đó là họ của người cha dượng, tên em có thể đại loại như Kim Tae Hee, Kim Hee Sun, Kim So Yeon, Kim Sun Ah. Hoặc mộc mạc thôi, Kim biết đâu chỉ là kim trong bắc kim thang cà lang bí rợ. Với Tân, Quý và Nghi, bất cứ thứ gì đến từ ngoài biên giới đều hấp dẫn, huống hồ Kim còn có gốc gác đa văn hoá pha trộn đông tây. Làn gió mới tên Kim thổi vào tâm hồn vọng ngoại của ba chàng trai trẻ bao xao động. Ngày hôm đó, Tân, Quý và Nghi nếu không trúng tiếng sét ái tình thì cũng vỡ tim vì mũi tên của thần tình ái. Ba thanh niên nước Nam thế kỷ hai mốt, ba thằng ngốc lao vào tình trường hăng hái như ba chàng lính ngự lâm lên đường tìm chuỗi ngọc trai cho hoàng hậu Anne.

Tân có cơ sáu múi, Quý cao gần mét tám, Nghi tuy nhỏ người nhưng khuôn mặt điển trai. Tân có tài lẻ chụp hình, Quý làm thơ, Nghi từng sinh hoạt trong đội văn nghệ. Trên tình trường ba thằng cạnh tranh lành mạnh, không cần nhường nhau kiểu quân tử Tàu.

Trong ba thằng, Tân tự tin nhất. Hắn không ngạo mạn, sự tự tin là có cơ sở. Tân đẹp trai, hào phóng, là thành viên hăng hái của các câu lạc bộ khởi nghiệp, tối đi phòng gym, trưa ăn Mac Donald, chiều uống Starbucks, thần tượng Mark Zuckerberg và biết cách bỡn cợt không vô duyên. Cuối tuần nào hắn cũng đều đặn đến các buổi toạ đàm nghe doanh nhân thành công diễn thuyết những chuyện truyền cảm hứng. Hắn có chí ra biển lớn, sống đam mê, khinh bọn học vẹt, chúa ghét bọn lý thuyết suông, ghê sợ kiếp bạc nhược. Trong mắt bạn bè, hắn là chuyên gia kinh tế học cơ bản với các từ khoá cung, cầu, giá cả, kế toán thực hành. Trong mắt chính mình, hắn tự coi bản thân là nhà truyền giáo cho giáo phái khởi nghiệp với châm ngôn “phi thương bất phú”. Tân sôi động trong cuộc sống nhiệt tình rối rít, đã đẹp trai khéo miệng còn hướng ngoại, ấp ủ nuôi mộng viễn du. Làn gió phương xa tên Kim với lai lịch đa sắc tộc chắc chắn hớp hồn hắn, một kẻ chán ngấy khuôn sáo luôn tìm kiếm điều mới mẻ. Trước mặt Kim có lẽ hắn sẽ không ngượng ngùng mà mượn lời cố nhạc sĩ Y Vũ hát rống lên Kim ơi ! Ai thương em hơn anh mà tìm? Cớ sao hoài này Kim. Có biết cho lòng anh. Ðã mơ từng phút vui buồn cùng Kim

Trong mắt hai thằng bạn, Quý là tình địch nguy hiểm, một ẩn số hứa hẹn bùng nổ. Quý có ngoại hình lãng tử, tâm hồn lãng mạn. Hắn là một nhà thơ sa-lông đa sầu, cảm thấy tội lỗi khi sinh ra trong gia đình giàu có phất lên nhờ buôn bán bất động sản kiểu lướt sóng. Ðã vậy, hắn còn rất rầu con đường quan lộ thuận buồm thăng tiến của ba hắn, dù nhờ cơ nghiệp vững chãi của ba mà hắn mới thừa sung túc để sống thủng thỉnh đời triết gia như hiện tại. Tóm lại, trong mắt mọi người Quý là một dạng nhà thơ thiếu gia mang gót son từ thuở lọt lòng nhưng trong mắt chính mình, hắn tự nhận là kẻ sinh ra đã mang nghiệp chướng. Ở cương vị nhà thơ, hắn đồng thời là nhà dân tộc chủ nghĩa trẻ tuổi hoài cổ chuyên đào mộ từ ngữ xa xưa của các cụ như nghi thể nghiêm lệ, chỉnh túc nghi dung, thanh tân não chúng để không chỉ múa chữ trong văn thơ mà còn phun châu nhả ngọc vào những bàn nhậu bỗ bã chỗ mà thiên hạ với tri kiến thực dụng của thời đại này bỗng thấy mình dốt đặc. Hắn tự xem mình là kẻ sĩ có sứ mệnh thức tỉnh ý thức dân tộc bị ngủ quên trong thời đại giới trẻ ưa cái gì phải mốt. Hắn khinh bọn thất phu chỉ sống để kiếm tiền nuông chiều đời sống phàm tục. Trái tim đa cảm bằng thuỷ tinh của Quý rung động trước thiệt thòi tình cảm của đứa trẻ mồ côi cha như Kim và ngửi thấy ước mong tìm thấy mối dây gắn bó của em với quê cha đất tổ. Có vẻ hắn linh cảm thấy em sẽ bị hút vào vũ trụ tâm hồn sầu bi vô lý của hắn để rồi không cách nào rút chân ra được.

Kim là cô gái từ phương Tây hoàn toàn hiện đại sẽ ngả vào lối sống sôi động tích cực của Tân hay là cô gái phương Ðông lãng mạn đi tìm nguồn cội bị hút về phía tinh thần dân tộc của Quý? Nghi dò xét, nhưng không dự đoán được gì. Kim là một ẩn số. Còn Nghi? Trong mắt chính mình Nghi không tìm được cho bản thân một chân dung đặc sắc sống động như hai người bạn. Hắn tự coi mình là “Tazaki Tsukuru không màu”. Nhưng Nghi vẫn đủ tự tin rằng trong cuộc đua tình ái này, một kẻ không màu như hắn cũng có nhiều phần trăm cơ hội. Biết đâu Kim cũng như Nghi, là một Kim không màu?

Lần đầu về thăm Việt Nam, Kim ngạc nhiên thích thú trước sự lổn nhổn của một đô thị bừa bộn, nơi mà mỗi ngôi nhà có thể tuỳ ý cao hay thấp, thò ra hay thụt vào, sơn xanh hay sơn tím, cổ điển hay hiện đại. Những ngôi nhà cổ từ thời Pháp duyên dáng với vườn xung quanh, những chung cư thấp tầng xuống cấp, những công trình nhà nước còn dấu ấn kiến trúc bao cấp, những quán cà-phê và trà sữa đẹp hiện đại, tất cả chen lấn nhau như các thí sinh cá tính đua tranh trong một cuộc thi hoa hậu tự phát vô tổ chức. Những con đường thỉnh thoảng bị đào xới. Thời gian và luật giao thông là những khái niệm linh hoạt đầy tính co dãn. Ðáng ngạc nhiên hơn cả là tình yêu âm nhạc của những cây văn nghệ quần chúng. Từ ba giờ chiều tới chín giờ tối mỗi ngày, ngôi nhà ngoại ô của thầy Tám bị bao vây bởi thiên la địa võng các loa thùng di động và đủ giọng kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ với kỹ năng karaoke thượng thặng. Ðủ các thể loại âm nhạc từ các trường phái khác nhau mạnh ai nấy ca, không cần khán giả.

Tuần đầu tiên Tân đưa Kim đi leo núi trong nhà, sau đó đi bơi. Tân bị hút về phía Kim, cô gái nhiều năng lượng yêu thể thao thích hoạt động ngoài trời. Chơi trò vận động cũng là cách thông minh để bắt đầu một tình bạn mới khi cả hai chưa biết nhau đủ nhiều để nói quá sâu về bản thân. Sau cùng Tân rủ Kim tản bộ trên phố Tây, hoà vào không khí lúc nào cũng sôi động ở đó. Ðến phiên mình Quý dẫn Kim đến những xưởng học làm gốm ở ngoại ô, nơi người ta không chỉ hướng dẫn cách làm gốm mà còn giải thích tường tận lịch sử các làng nghề gốm ở Việt Nam. Làm gốm là tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, nó đòi hỏi kiên nhẫn, và mang đầy dấu ấn cá nhân. Tối đó em mang về một cái ly nung quá lửa méo mó mà em tự tay làm, rồi đặt nó ở vị trí em cho là trang trọng. Trở về từ làng gốm, Quý đưa Kim đến một quán cà phê nhỏ ấm cúng có ca sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn. Ðến lượt Nghi, nó cảm thấy cần mang lại cho Kim một trải nghiệm hoàn toàn khác. Nó dẫn Kim lên sân thượng chung cư nhà mình ngắm hoàng hôn. Vào lúc ngày tàn, người ta dễ có cảm giác lòng thanh thản, bởi những gì cần làm trong ngày đã xong và ngày mai thì chưa tới. Nghi thích tách mình khỏi đám đông, đóng vai một kẻ quan sát lặng lẽ từ trên cao, như “nam tước trên cây” của Italo Calvino. Từ trên sân thượng có thể nhìn thấy đời sống thường nhật của một cộng đồng dân cư, những bà mẹ đón con từ trường mẫu giáo, những gánh rau hay gánh trái cây bày tạm bợ trên vỉa hè, những chào hỏi hay cãi vã tủn mủn quanh những người hàng xóm. Kim nói em thích vị trí này, vị trí của “nam tước trên cây”.

Tuần thứ hai Tân đưa Kim tới những quán ăn đường phố bán thịt xiên, gỏi cuốn, phô-mai que. Không chỉ là đôi bạn thể thao, họ còn có vẻ là đôi bạn ăn uống tâm đầu ý hợp. Rồi Tân dẫn Kim đi xem các chợ địa phương, sà vào sạp bán áo quần, ghé vào tiệm nữ trang, tạt vào tiệm giày dép. Không chỉ mua sắm, Tân còn tranh thủ giải thích về hoạt động buôn bán ở các chợ, hàng thường nhập từ đâu, nguồn gốc thế nào, làm sao để mua được giá tốt. Sau đó Tân đưa Kim đến những con hẻm đầy tranh vẽ graffiti, nơi tụ tập của giới trẻ. Ở đây có cửa hàng của những thương hiệu nội địa mới, thuộc về những doanh nhân khởi nghiệp trẻ tuổi mà hầu hết Tân đều biết mặt quen tên. Trong con hẻm cũ mang không khí thời đại mới đó, Tân chụp cho Kim nhiều kiểu ảnh với nhiều tư thế khác nhau, Kim vừa khít với khung hình và hoà hợp với khung cảnh, một khung cảnh thật tân cổ giao duyên. Ðến phiên mình, Quý đưa Kim lên một chiếc xuồng lá màu xanh dương chèo dọc theo dòng sông để nhìn ngắm cuộc sống thôn dã hai bên bờ, nơi có những ngôi nhà mọc tạm bợ lênh đênh trên sông nước. Từ những ngôi nhà, đám trẻ con đen nhẻm nhếch nhác thỉnh thoảng thò đầu ra nhìn họ bằng những cặp mắt thô lố tò mò. Cảnh sắc đó làm họ thấy vừa bình yên vừa bùi ngùi cảm xúc.

Sau đó Quý dẫn em tới những làng nghề sản xuất gạch hay mây tre lá thủ công, nhìn đôi tay những người thợ cần mẫn đan cói và cần mẫn dệt ước mơ khiêm nhường cho tương lai. Kim gần như mê mẩn hồn dân tộc phảng phất trong những sản phẩm thủ công làm từ những đôi tay lam lũ đó. Ðến lượt mình, Nghi muốn đem tới cho Kim một chứng nghiệm khác, đơn điệu như chính Nghi hay tự nói về mình. Hắn rủ Kim đi xe bus. Hai đứa leo lên hết tuyến xe bus này chuyển sang tuyến xe bus khác cho tới chuyến xe cuối cùng trong ngày. Trên xe bus, Nghi và Kim chọn băng ghế cuối cùng, tự xem mình như hai kẻ vô hình chìm trong dòng người lên xuống. Nghi nói hắn thích làm người vô hình trong đám đông nên thường tự làm mình mờ nhạt để không ai thèm chú ý tới. Có chuyến xe vắng vẻ, có chuyến đông đặc người. Bà cụ già được cô con gái đưa đi khám bệnh. Bà ôm khư khư cái giỏ trong lòng, thậm chí không đổi tư thế, chắc trong giỏ có tiền. Một cô bé học sinh còn mặc nguyên đồng phục nhưng lại không mang cặp, có vẻ cô bé trốn nhà đi chơi. Một người đàn ông bán đồ chơi ngồi trầm tư ở cửa lên xuống, những món đồ chơi anh bán bọn con nít thời nay chẳng đứa nào buồn ngó tới. Xe bus chạy qua những tuyến đường khác nhau, những tuyến đường bình thường chật ních người, những cảnh sống bình thường ồn ã, những nơi không có danh lam cũng chẳng có thắng cảnh.

Tuần thứ ba Tân đưa Kim tới các khu phố đi bộ, nơi thanh thiếu niên trượt pa-tin, chơi nhạc đường phố hoặc nhảy hip-hop, các nhóm thiện nguyện kêu gọi quyên góp, các nhóm bảo vệ môi trường giăng khẩu hiệu, những nam thanh nữ tú tạo dáng chụp hình cho nhau hay tự mình selfie. Tân cũng đưa Kim đi ngắm dòng sông, nhưng là dòng sông nhìn từ trên đại lộ và trên những cây cầu mới xây rực rỡ ánh đèn. Khác với dòng sông của Quý chảy về quá khứ, dòng sông của Tân chảy tới tương lai. Ðến phiên mình Quý đưa Kim thăm một vòng quanh các bảo tàng sau đó đi xem một vở rối nước có vé đắt hơn vé vào tất cả các bảo tàng cộng lại. Món giải trí dân gian đã được dọn lên bàn tiệc sang trọng mang tên văn hoá. Vở diễn hôm đó là “Huyền thoại tiên rồng”. Không rõ Kim có cảm thấy chút máu rồng tiên nào trong mình không, nhưng em tỏ ra đặc biệt tán thưởng vở diễn. Ðến lượt mình Nghi như thường lệ dẫn Kim đến một chốn tầm thường, những quán cà-phê vỉa hè, nơi người ta ngồi xổm trên những chiếc ghế đẩu bằng nhựa. Nghi và Kim tự xem mình là hai kẻ vô hình tan vào đám khách ồn ào. Khách cà phê gồm nhiều kiểu người, từ thương lái đến sinh viên, từ công chức phục vụ nhà nước tới dân văn phòng phục vụ các công ty tư nhân. Họ nói về đủ chủ đề, từ bán hàng trên mạng tới digital marketing, từ tập gym tới chạy bộ, từ kỹ năng nội trợ tới nữ quyền. Âm thanh từ tứ phía đôi khi va chan chát vào nhau và nội dung những cuộc nói chuyện cứ trôi lung tung vào tai người nghe bởi âm lượng bất thường của nó. Những câu chuyện nghe lỏm đan cài xiêu vẹo vào nhau đủ để lượm lặt chất liệu hiện thực cho một tiểu thuyết hư cấu đậm đà.

Trong suốt bốn tuần, không đứa nào dám quên, dù chỉ trong một phút, rằng Kim là cháu gái của thầy Tám. Với tất cả tinh thần tôn sư trọng đạo truyền thống và tinh thần tôn trọng phụ nữ hiện đại, không đứa nào dám chạm vào một cọng tóc mai hay đụng vào một cọng lông tơ của Kim. Dù vậy, cả ba có lẽ đều mong ước được em dành cho một chút ưu ái nhiều hơn mức thông thường của một tình bạn đơn thuần. Và còn lúc nào để lời tỏ tình có trọng lượng hơn là vào lúc sắp chia xa.

Tuần thứ tư, Tân dẫn Kim đi một vòng quanh các trung tâm thương mại mới mở, ngắm các thương hiệu xa xỉ và cuối cùng mua tặng em một chai nước hoa đang giảm giá, một món quà không quá đắt tiền để em không thấy ngại. Buổi đi chơi cuối cùng, Tân đặt chỗ cho bữa tối tại một quán bar rất đẹp, thuộc một trong số những toà nhà cao nhất thành phố. Từ đó có thể nhìn toàn cảnh những chung cư cao tầng mọc lên san sát, những nhà hàng nhộn nhịp sáng đèn, những hộp đêm mở tới khuya. Quán bar có khoảng sân vườn được chăm sóc tỉ mỉ, đèn LED dây được chăng trên những cành cây và giấu bên dưới những bậc thềm bước qua thảm cỏ. Ðây không phải là không gian xanh miễn phí của tự nhiên, đây là không gian xanh đắt đỏ của con người. Chính giữa quán bar sân thượng có một hồ bơi nhỏ. Xung quanh các bàn ăn hầu hết đã kín người, tất cả thực khách trông đều thanh lịch. Tất cả không gian toả ra không khí vô cùng sang trọng. Một hơi thở cũng sang trọng, một nụ cười cũng sang trọng, một cái liếc mắt đưa tình cũng sang trọng không kém. Trên mỗi bàn ăn thắp một ngọn nến nhỏ. Tân gọi hai ly vang đỏ. Cả hai cùng ăn cùng chuyện trò. Trong không gian lãng mạn, Tân đã nói gì đó với ý nghĩa của một lời tỏ tình thỏ thẻ.

Tuần thứ tư, Quý nhận thấy cơ hội trong cuộc đua tình ái không ngả hẳn về phía hắn, nhưng cũng không hoàn toàn đóng lại. Là một người theo chủ nghĩa dân tộc cả trong tình yêu, Quý mong Kim nếu không phải lòng vũ trụ cô đơn của hắn thì cũng nhận lời một trong hai thằng còn lại. Ðối với hắn, Kim chọn ai trong số những chàng trai nước Nam thời hiện đại cũng tốt vạn lần so với việc bông hồng lạ rơi vào tay một tên ngoại quốc. Quý dẫn Kim tới tuần lễ phim tài liệu về Việt Nam, nơi chiếu những bộ phim như Regret to inform, Daugther from Danang, Hearts and Minds. Nếu Kim nhận mình là một người Việt Nam, em sẽ luôn nhớ rằng Việt Nam từng là tên một cuộc chiến. Trong buổi đi chơi cuối cùng, Quý tặng Kim một bộ áo dài và đưa em tới một phòng trà trình diễn các ca khúc tiền chiến của Văn cao, Lê Thương, Ðặng Thế Phong. Trong không khí lãng mạn đầy hoài cổ ấy, Quý nắm tay Kim thay cho câu tỏ tình.

Tuần cuối cùng Nghi mời Kim đến nhà ăn cơm cùng ba mẹ và em gái. Ðó là một bữa ăn thường ngày như bao bữa ăn khác với một món xào, một món mặn và một món canh. Mẹ Nghi nói về giá cả thức ăn, thời tiết thay đổi. Ba Nghi nói về dưỡng sinh, cách phòng bệnh tuổi già và về hai ông bạn thân vừa về bên kia thế giới bởi ung thư. Nhỏ em Nghi nói về thầy cô, học hành, áp lực học bồi dưỡng học phụ đạo, Kim không hiểu những khái niệm này. Cuối cùng cả nhà nói về Nghi, học sinh giỏi toán, sinh viên ưu tú, tay guitar của đội văn nghệ. Lời tâng bốc quá đà của gia đình làm Nghi có phần ngượng ngùng. Cuối cùng trên ban công phòng mình, Nghi tự đệm guitar và hát tặng Kim bài Thời thanh xuân sẽ qua.

Ngày Kim rời khỏi Việt Nam, cả ba học trò cũ của thầy Tám đều có mặt tiễn em ra sân bay. Kim cảm ơn chân thành và luôn xem cả ba như những người anh trai gặp lại sau nhiều năm thất lạc. Ðây có thể xem là lời từ chối chính thức, cho cả ba lời tỏ tình được thể hiện bằng cách này hay cách khác. Rồi, em hẹn sẽ gặp lại vào năm sau. Ðây được xem là một niềm hy vọng nhen nhóm, cho cả ba kẻ si tình khờ dại.

Kim không liên lạc thường xuyên nhưng gởi thư và bưu thiếp cho Tân, Quý và Nghi vào những thời điểm khác nhau. Tân nhận được quà của Kim vào Tết dương lịch, một tạp chí du lịch có đăng bài viết của Kim về con hẻm Tân từng đưa em tới. Con hẻm cũ gồm những ngôi nhà hẹp với ban công khiêm tốn được thổi hồn thành khu phố sôi động bởi những bức tranh graffiti rực rỡ, những bảng hiệu của các thương hiệu nội địa chen nhau xuất hiện, một nơi giao thoa mới cũ tấp nập tràn trề sinh khí.

Quý nhận được ảnh chụp Kim mặc áo dài trong dịp Tết âm lịch. Em mặc bộ áo dài màu vàng hắn tặng, nhưng thay vì diện nguyên bộ với quần lụa thì em mặc áo dài với quần jeans. Ðây là áo dài truyền thống chứ không phải áo dài cách tân nên sự phối hợp hơi buồn cười nhưng dễ thương. Lần đầu tiên Quý thừa nhận, phá cách đôi khi cũng đẹp.

Nghi nhận được bưu thiếp của Kim vào Giáng sinh. Giáng sinh miền nhiệt đới cũng rộn ràng với mô hình người tuyết trước các trung tâm mua sắm, hình ảnh ông già Noel cưỡi tuần lộc trên các tấm áp-phích, những quả chuông treo đầy những cây thông giả trưng ở các quảng trường. Sau mùa Giáng sinh, tất cả chúng có thể được cất vào kho để đến năm sau lại được làm sạch đem ra trưng tiếp. Giáng sinh nhiệt đới năm nay không có lấy một ngọn gió mang hơi nước, không khí đông đặc hừng hực nóng. Cửa sổ kính của các hãng thời trang đều đồng loạt trưng ra những chiếc áo len cổ lọ màu đỏ như thể có một mùa lạnh giá thực sự tồn tại nơi chốn này. Bưu thiếp của Kim không có hình tháp Eiffel, không có tháp nghiêng Pisa hay cung điện Alhambra. Ðó là cảnh một góc phố nhỏ có những ngôi nhà cửa chớp sơn xanh, ban công phủ kín cây ẩn mình nơi góc phố của một con đường lát đá. Ðó có thể là khung cảnh của bất kỳ góc phố nào tại châu Âu, không có dấu chỉ nào trong bức ảnh cho thấy chính xác nơi em đang ở.

Ðến lễ tình nhân cả ba chàng trai nhận được thư của Kim. Nhưng lá thư được gởi đi từ trước đó một tuần nên sự xuất hiện vào lễ tình nhân chỉ là trùng hợp. Không nhớ đã bao lâu rồi cả ba mới lại có cảm giác xúc động khi đọc một lá thư tay. Tất cả quá quen với những lá thư điện tử bắt đầu bằng Dear và kết thúc bằng regards, đã quá quen với sự tương tác chat chit người này nói một câu người kia đáp lại một câu. Thư tay là một thứ hoàn toàn khác. Trong thư em nói mình nhớ tới những ngày ở Việt Nam và nhớ tới cả ba. Kèm theo thư tay còn có nhiều bức ảnh em chụp, một thằng bé mặc áo người nhện đang ngoáy mũi, một bà mẹ nghiêm mặt với đứa bé gái khóc nhè, một người vô gia cư có khuôn mặt vô cảm. Những tấm ảnh không thống nhất một chủ đề nào, không rõ Kim muốn nói gì với các chàng trai qua những tác phẩm này, chỉ biết tất cả các bức ảnh đều sống động, có lẽ nó được nhìn bởi ống kính của một kẻ vô hình tan vào đám đông, một kẻ tìm thấy niềm vui trong những thứ nhỏ nhặt của một cuộc sống rất đỗi đời thường.

Tân, Quý và Nghi, ba chàng trai nước Nam thế kỷ hai mốt, ba thằng ngốc lao vào tình trường hăng hái như ba chàng lính ngự lâm đi tìm chiếc vòng ngọc trai cho hoàng hậu Anne. Cả ba cùng chờ em trở lại vào năm sau, với một lịch trình và địa điểm đã được chuẩn bị sẵn.