main billboard

Lòng tôi dấy lên một cảm giác kỳ lạ, vừa sốn sang vừa đằm thắm.

Một Đời Ám Ảnh

rungthong

    Phát chi vào năm 1960 đã tăng lên gần hai trăm gia đình, cỡ bảy tám trăm người.
Khi mới thành lập trại chỉ có ba khu nay đã chia thành năm. Cha Hóa về làm cha xứ thay cha cố Thạc nghỉ hưu. Việc sinh hoạt đạo của giáo xứ vẫn rất chặt chẽ theo mô hình có trước từ Bắc.

Trẻ em lên 4, 5 tuổi bắt đầu được các bà quản dậy “bổn” (giáo lý) để chuẩn bị “xưng tội rước lễ lần đầu”. Đến 8, 9 tuổi các em tự động gia nhập đoàn Nghĩa Binh, tiếp tục học giáo lý để lãnh nhận “bí tich thêm sức” và sinh hoạt thường dưới sự hướng dẫn của một nữ tu. Khi lên 15,16 các em nam chuyển qua Thanh Niên CG, các em nữ sẽ gia nhập Hội Con Đức Mẹ. . .        

 Sau năm học đệ Thất dưới Cầu Đất, năm đệ Lục tôi về ở hẳn Phát Chi. Đợt rồi học sinh Phát Chi đi thi tiểu học (trong đó có Trung) đậu gần hết, gần hai mươi người nên cần mở lớp đệ Thất cho nhóm học sinh này.

Thật may, dòng Don Bosco mới có một chi nhánh tại Trạm Hành, hai thầy từ nhà dòng tình nguyện đến dậy. Lớp đệ Lục của tôi hơi rắc rối, trong trại chỉ có ba đứa, sau bố nhờ mấy ông ấp trưởng chung quanh rủ mãi mới có thêm hai mạng từ Trạm Hành, hai trự đến từ Trường Sơn.
Bố cũng điều đình với ông xã trưởng Xuân Trường cho người em của ông đến giúp, ông này tên Đạo từ đó tôi đặt ký hiệu cho lớp: “7 Đạo hai” (lớp có 7 học trò, thầy giáo tên Đạo và nghe đồn có vợ hai!).

Bà Chằng Oan Gia

    Lên Phát Chi tôi cũng tự động gia nhập đoàn Nghĩa Binh. Đoàn đông gần trăm đứa do soeur Triết cai quản, soeur người xinh xắn, nhanh nhẹn, có tài tổ chức, ăn nói duyên dáng, hát hay và nghiêm khắc (đặc biệt với tôi).

Đoàn chia làm hai đội nam nữ, mỗi đội lại chia ra từng toán nhỏ, mỗi toán khoảng 15 em. Trung vừa là làm đoàn trưởng vừa là đội trưởng đội nam, hắn và tôi vẫn rất thân lúc nào cũng cặp kè như hồi dưới Cầu Đất.

Soeur Triết cưng Trung như dì Chín cưng tôi, chắc vì Trung học giỏi tính tình hiền lành chân thật. Tuy học trên mà đứng cũng cao hơn Trung nhưng  soeur Triết chỉ giao tôi chức trưởng toán nhỏ xíu, ngay cả chức này tôi đoán nếu không vì nể bố tôi cũng không được giao, ít nhiều thế nào soeur chẳng biết về những “thành tích” của tôi dưới Cầu Đất.

  Bên nữ con Trinh là đoàn phó kiêm đội trưởng, nhỏ này mới gặp lần đầu tôi đã linh cảm nó sẽ gây cho tôi nhiều rắc rối. Nhỏ rất giống soeur Triết, dong dỏng cao, xinh xắn, ăn nói tự tin, hát hay và cũng như Trung, Nhỏ là gà nòi của soeur Triết, nghe đồn học cũng khá.

Tuy làm đoàn phó nhưng Nhỏ cứ lấn át thằng Trung, cái còi trên miệng Nhỏ thổi toe toe tối ngày (đoàn trưởng, đoàn phó mỗi đứa có cái còi để chỉ huy).
Mới ngày đầu sinh hoạt Nghĩa Binh Nhỏ đã muốn “kỷ luật” tôi! Nhỏ luôn mồm:
- Anh gì kia? Tuấn phải không? Ngồi xuống, sao đi lại lộn xộn vậy.
 - Anh Tuấn cho toán của anh ngồi ngay hàng thẳng lối coi.
Một lần tôi mới nhổm lên, nghe cái réc:
- Anh Tuấn! Đang sinh hoạt mà sao cứ đứng lên làm mất trật tự?

Tôi tức quá, trước giờ con trai cũng còn chưa thằng nào dám đụng đến tôi, Nhỏ này là cái gì mà bày đặt hăm he, tôi đáp cộc lốc:
- Tao… Tiếng “tao” vừa thốt ra, Nhỏ bà chằng hét lên:
 - Nghĩa binh không được mày tao, phải xưng tôi hay em, gọi các anh các chị hay các bạn.
 Tôi càng điên tiết to tiếng:
 - Đứng dậy để đi tiểu! bộ đi tiểu cũng không được hả.
 Nói xong tôi bước ra khỏi hàng. Đám con trai cười khúc khích, nhỏ Trinh tức tối đỏ mặt.

Đến giờ chơi chung, vì Nhỏ thuộc nhiều bài hát, biết nhiều trò chơi nên chỉ huy cả đoàn. Chơi một lát Nhỏ chỉ tôi:
- Anh Tuấn, đến phiên toán anh lên đặt câu đố cho cả đoàn, nếu không đặt được hay đặt dễ quá đoàn giải được cả ba câu, anh sẽ bị phạt.
Tôi miễn cưỡng đứng lên đặt câu hỏi đầu tiên:
 - Đố các bạn con gì biết bay, biết lội, biết chạy và con đực đẹp hơn con cái?
Câu hỏi quá dễ, bên dưới nhao nhao:
 - Con vịt, Con ngỗng…
 Câu đố hai, tôi nhìn “nhỏ bà chằng” diễn tả:
- Đố các bạn con nào không có đuôi, không có cánh, lông trên đầu xõa ra dài thoòng, mắt to dữ tợn.
 Đến đây nhiều đứa đã biết tôi đang tả bà chằng nên khi vừa thêm:
- Miệng to, môi mỏng và…
Một thằng buột miệng:
 - Ngậm cái còi!
Có đứa không nhịn được phì cười. Ai cũng tưởng bà chằng giận lắm nhưng không, Nhỏ tỉnh bơ nói tía lia:
- A! Như vậy là anh Tuấn nói bậy nói bạ, không biết đặt câu đố rồi. Vậy phải phạt múa. Phải không các bạn?
Có những tiếng cười và vỗ tay bên con gái phụ họa:
 - Đúng rồi, phạt! phải múa.
 Nhỏ vỗ tay:
- Nào bây giờ chúng ta hát để anh Tuấn múa nào, các bạn vỗ tay theo tôi nha.
Nhỏ vừa vỗ tay vừa bắt nhịp hát: “Con vỏi á à con voi, cái vòi là vòi đi trước…
 Thấy có cha Hóa và soeur Triết đến đứng quan sát, tôi bắt buộc phải cúi xuống làm voi, một tay đưa ra trước làm vòi, một tay vẫy sau lưng làm đuôi, dậm chân theo tiếng vỗ tay.
Bà chằng chưa cho tôi về chỗ ông ổng hát tiếp:
- Trông kìa con voi, nó đứng rung rinh… tụi con nít khoái chí vỗ tay cười ngả nghiêng. Giận ơi là giận.
Dưới Cầu Đất tôi oai hùng là vậy, nay lên đây… đúng là “hổ xuống bình nguyên bị chó lờn” Lúc đi vào nhà thờ khi đến ngang bà chằng tôi lừ mắt dọa nạt, Nhỏ hất hàm kên lại:
 - Ai bảo nói bậy!       
    Tôi và nhỏ bà chằng âm ỉ chiến tranh lạnh đã mấy tháng, trước đây tôi chơi với bé Nga thật ngoan, nhỏ Thứ rất hiền, đâu ai như bà chằng này, hở ra là kiếm sơ hở của tôi để chỉ trích.

Gần lễ Giáng Sinh, Nhỏ muốn giao việc làm sạch khuôn viên nhà thờ cho toán tôi, nhưng tôi một hai đòi đi chặt thông về làm hang đá, nói việc quét dọn là việc con gái. Bà chằng cãi không lại đến khi tôi dẫn toán đi ra Nhỏ dặn theo:
- Có dẫn toán đi chặt thông thì đi, đừng có dẫn toán đi bắt trộm chó làm thịt đó nghe.
 Tôi giật nảy người, một kỳ tích của tôi dưới Cầu Đất, xẩy ra lúc thằng Trung đã về Phát Chi sao trên này Nhỏ cũng biết?!
    Số là nhà ông chủ sở trà có con chó bẹc dê (leonberger) tên Lisa to lớn. Vì Lisa là chó cái, hằng ngày thường có vài ba chú chó đực ở gần đến ve vãn, cắn nhau ỏm tỏi. Chú An ghét lắm có lần nói với tôi:
 - Chú muốn làm sao khử bớt đi vài con.
Tôi nhanh nhẹn hưởng ứng:
- Dạ. Chú để cháu nghĩ cách giết bớt tụi nó cho

Chú nghĩ tôi nói vậy thôi chứ làm sao tôi bắt nổi con Lisa, nặng bốn năm chục ký. Nhưng chú lầm vì tôi đang nghĩ cách bắt chó thật.
Dịp đó nhóm học sinh gốc Trí Đức chia phe đá banh với nhóm Bồ Đề, phe tôi lần nào cũng thua chắc vì nhỏ hơn, lừa banh dở hơn. Tôi tức lắm, áp dụng đủ chiến lược chiến thuật mà vẫn không thắng nổi một lần.
Đúng dịp cần đuổi những con chó làm giặc, tôi nhớ đến gương các anh hùng hảo hớn Lương Sơn Bạc, phải giết chó khao quân để vừa xả xui vừa giúp phe ta lên tinh thần.

 Một kế hoạch được thành hình, tôi biết dịp này ông Martin đang về Tây, chú An và mấy người làm vườn buổi trưa ít có mặt, tôi dẫn theo 5 tên đàn em cầm gậy, giây, bao bố đến phía sau nhà ông Martin.

 Con Lisa chơi với tôi từ nhỏ nên vừa nghe gọi nó vẫy đuôi phóng đến, một chú đực si tình lẽo đẽo theo sau. Đợi chú đực vừa đi ngang cánh cổng (được khép chỉ chừa một khoảng trống đủ chó chui lọt) tôi hô: “Đóng”, hai thằng em ngồi sẵn bên cánh cổng không đợi tôi hô đã nhanh nhẹn sập cánh cổng sắt, kẹp chú đực vào giữa, bên ngoài hai tên chạy đến nắm chân sau chú đực nhấc lên cột lại.

Trục trặc là phía trước do tôi chịu trách nhiệm, tôi phải nhảy đến lấy bao bố chụp vào đầu chú đực, nhưng tuy lưng bị kẹp, hai chân sau bị nắm chú đực vẫn vùng vẫy, mõm nhe trắng xóa vừa sủa vừa táp.
Mấy lần tôi tính chụp đều phải rụt lại, chút xíu bị cắn vào tay, tôi hét mấy thằng nhóc:
 - Tụi mày giữ cho chặt, nó sút ra được là cắn chết tao đó!
Tụi nhóc thở phì phò:
- Nó mạnh quá mày ơi!
Tôi nghiến răng liều chết banh bao bố ra chụp, đúng lúc đó chân sau chó vuột ra được nó có đà phóng tới, may mắn làm sao nó phóng lọt vào bao bố, tôi mừng rỡ thắt miệng bao lại, quấn mấy vòng giây.

Trong bao chú đực vẫn vùng vẫy, con Lisa sợ hãi ngửa cổ tru thảm thiết. Tôi cột thêm hai ba sợi giây cho bao bố dính cứng vào một cây gậy rồi kéo nhau khiêng chó xuống suối.
Đến suối tôi phân công:
 - Bây giờ mình thả con chó xuống suối cho nó tập lặn rồi đi kiếm củi. Khi về mình sẽ kéo nó lên, nếu nó chết rồi mình đem thui rồi mổ bụng, nướng ăn.
Một thằng ngây thơ hỏi:
- Vậy lỡ nó chưa chết thì sao?
 - Thì nó là chó thần, mình sẽ thả nó ra.

 Nhưng khi chúng tôi mang củi về, chú đực đã chết nhăn răng, bụng phình lên to như cái trống. Chúng tôi mang chú đặt lên giàn để thiêu. Mùi lông chó khét lẹt, chú đực ban nãy chết mắt nhắm nhìn hiền khô, nay sau khi bị đốt nhìn chú thật dễ sợ, hai tai cháy nham nhở cong queo, mắt mở trợn trừng đục ngàu, hai môi bị đốt khiến hàm răng nhe ra trắng ởn, lưỡi cũng lè ra cả tấc. Thằng nào cũng ngán không muốn tới gần, đặc biệt không đứa nào dám mỗ bụng vì sợ thối.

  Mùi chó bốc ra khét quá, tôi từng ngồi rung đùi với bố nhâm nhi:
- Sống trên đời ăn miếng giồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không? và gắp những miếng “rựa mận” thơm lừng, béo ngậy. . Nhưng sao bữa nay nhìn nhợn nhợn, sực nhớ ra: Phải cạo hết lông rồi mới thui chứ đâu ai để vậy mà thiêu!

Thấy không nhóc nào dám ăn, tôi quyết định đào lỗ chôn và tuyên bố nguyên vụ giết chó cũng đủ lên tinh thần rồi. Giá mà đem chôn hết cả chú chó có thể không ai biết, nhưng vì thấy đầu chú đực nhìn ghê như đầu chúa quỷ Lu-ci-phe, tôi cắt lấy đầu cắm vào chiếc cọc đem đóng trên mộ chó. Chính vì chiếc đầu lâu dễ sợ này mà người ta dò ra tung tích thủ phạm! …

Bà Chằng Lột Xác

  Thành kiến không mấy hay ho của soeur Triết và Nhỏ đối với tôi nhẹ bớt nhờ một biến cố. Noel năm đó Đức Cha Từ về thăm giáo xứ, đoàn nghĩa binh chúng tôi đứng dàn chào trước cổng nhà thờ.
Đức Cha đi qua chỗ tôi bỗng dừng lại đến xoa đầu hỏi:
- Con có ngoan, có thuộc giáo lý không?
Tôi bước ra vòng tay:
 - Thưa ông nội, con cũng thuộc giáo lý và cũng ngoan.
 Nét mặt soeur Triết lộ vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi thân thiết với Đức Cha và gọi ngài bằng ông nội. Soeur đâu biết vài tháng trước có lần cha cố Thạc đi cùng ĐC ra nhà tôi ăn cơm, Cha cố có “ông từ” theo cha giúp việc từ mãi ngoài Bắc, ông này rất chậm chạp, làm cơm cho cha ăn thì được nhưng không thể làm cơm khách.
Có lần cha cố nói đùa: “Ông từ chỉ biết làm hai món, rau luộc và trứng luộc!”
 Mỗi lần có khách đặc biệt cha hay nhờ mẹ đi chợ làm cơm. Hôm đó sau bữa ăn, tôi đứng sớ rớ đợi sai vặt, nghe ĐC hỏi:
 - Cha cố và ông Trùm có biết tại sao vua Gia Long tuy được dòng Thừa Sai Ba Lê hết lòng giúp đỡ nhưng vua không theo Công Giáo mà con cháu ông, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều cấm đạo không?
Cha cố và bố, người thì trả lới vì ảnh hưởng của đạo Khổng đạo Phật, của phong tục tập quán, người thì cho là từ sự đố kỵ của quan lại trong triều.
 Đức Cha gật gù:
 - Cũng đúng đấy nhưng chưa hẳn.
Tôi buột miệng:
 - Thưa ông nội vì vua có nhiều vợ ạ.
 Đức Cha sửng sốt vẫy tay:
- Lại đây con.
Đến gần ĐC, tôi nhìn chằm chặp vào cặp lông mày bạc rậm phủ xuống tới mắt của ngài. Giọng Nghệ An – Hà Tĩnh của ĐC hơi khó nghe nhưng sang sảng:
- Đúng đó. Một chú bé 12, 13 cũng biết được điều này, rất hay. Trong lá thơ vua Gia Long trả lời Đức Cha Bá Đa Lộc tôi được đọc, vua viết: Đạo của cha dậy những điều tốt đẹp, nhưng chỉ cho phép có một vợ, điều đó không hợp với tôi, tuy rằng trong việc điều khiển thê thiếp tôi thấy còn khó hơn cả việc trị quốc.
Cả nhà bật cười, ĐC lại quay hỏi tôi:
- Ai dậy con gọi cha bằng ông nội?
- Dạ thưa bố mẹ con
ĐC gật gù:
- Vậy ai là ông ngoại con?
Tôi mạnh dạn:
 - Dạ thưa Đức Cha Phạm Ngọc Chi.”. (1)
ĐC ngửa mặt cười:
- Ha! Ha! Chú bé này khá đây. Dịp nào tiện cha cố cho cháu xuống thăm Châu Sơn nhá.”(2)...   
    Thấy ĐC biết và quan tâm tới tôi, soeur Triết quyết định sau lễ của ĐC tôi và nhỏ bà chằng sẽ mang hoa lên tặng ngài.
Soeur nói với mẹ:
- Bà chọn cho cháu cái áo trắng mới mới, là (ủi) đi một tí, đầu tóc cũng bôi “bri-găng-tin” lên cho sáng sủa.
Gần cuối lễ soeur ra dấu cho tôi xuống cuối nhà thờ, móc vào cổ áo tôi chiếc nơ đen (chiếc nơ là điều hiếm lạ đối với xứ này, mấy thằng nhóc suy đoán nó đã được làm từ gấu váy các soeur!)
Nhỏ bà chằng cũng xuống, Nhỏ bữa nay coi cũng rất khác, mượt mà trong chiếc áo dài trắng mới, tóc bện sau lưng, đầu đội vòng hoa thiên thần.
Lúc chị ba tôi mang bó hoa glaieul đến trao cho bà chằng, chị chăm chú ngắm chúng tôi rồi tủm tỉm cười:
 - Hai đứa nhìn đẹp đôi ghê.
Bà chằng mắc cở đỏ mặt la lên:
 - Chị Liên, chị nói cái gì vậy!

 Tôi nhìn kỹ thấy Nhỏ hôm nay cũng hay hay, mắt không còn dữ tợn, miệng cũng bớt vẻ chua ngoa, nếu lúc nào Nhỏ cũng hiền dịu như vầy chắc ít ai xinh gái bằng, hơn hẳn nhỏ Thứ con Nga.
Thấy tôi nhìn chăm chăm, Nhỏ hất hàm:
 - Nhìn cái gì. Quay lên bàn thờ kia kìa.
 Cũng kiểu nói như vậy nhưng hôm nay sao tôi không thấy tức khí nữa. Lúc chúng tôi mang hoa lên tặng ĐC, từ những hàng ghế nổi lên những tiếng xầm xì, bà chằng mất hết vẻ tự nhiên hai chân qíu vào nhau.

Giáo xứ Phát Chi quê mùa hẻo lánh, giáo dân tối ngày phơi lưng trên những luống súp-lơ (choufleur) hay bắp cải, ngày hai buổi sáng chiều họ qui tụ nơi nhà thờ, nơi đây trở thành trung tâm của mọi sinh hoạt và tin tức.
Hình ảnh dễ thương của hai đứa trẻ ôm hoa bước lên cung thánh, rất giống hình ảnh một đám cưới khiến họ bàn tán hoài. Rồi từ đó bắt đầu màn gán ghép, ở đây không chỉ con nít mà người lớn cũng chơi trò ghép đôi. Ngay cả chị Liên (lúc đó chưa đi lấy chồng) cũng nói:
- Chị thấy con Trinh được đấy.
Tôi gạt ra:
- Em không ưa nhỏ đó, nó gây sự với em tối ngày.
 Chị cười:
 - Em lầm rồi. Chị biết nó thích em.
Mẹ ở đâu xen vào:
 - Ô hay! Cô Liên này! Trẻ con mới nứt mắt mà cô nói thích với chả không thích.

   Tuần lễ trước khi chúng tôi chịu phép thêm sức có cha về giảng phòng (thuyết giảng giáo lý) ba ngày. Trong lúc cha giảng tôi tình cờ nhìn ngang bắt gặp ánh mắt của Nhỏ (hồi đó trong nhà thờ còn chia hai bên nam nữ), lúc đầu tôi tôi trừng mắt kên nhưng Nhỏ không quay đi, chúng tôi đăm đăm nhìn nhau một lúc bỗng Nhỏ mỉm cười, không biết sao tôi cũng cười theo.

Sau đó cứ một lát chúng tôi lại quay nhìn nhau... cười, có lúc Nhỏ làm như tình cờ nhìn sang, gặp ánh mắt tôi Nhỏ ngừng lại cho tới khi một trong hai đứa mắc cở quay đi. Những lúc đó lòng tôi dấy lên một cảm giác kỳ lạ, vừa sốn sang vừa đằm thắm.
Ác cảm với bà chằng từ trước tới nay biến đâu mất, giờ thấy Nhỏ sao dễ thương, duyên dáng, thánh thiện quá.

Trưa hôm sau lúc tôi đang đá banh với bạn trong sân nhà thờ, một bà già tay xách con gà chết đến xỉa vào mặt tôi:
 - Đồ phá làng phá xóm, đồ hư thân mất nết. Thiếu gì cách chơi sao mày không chơi lại bắt gà của bà cho chọi nhau, làm chết toi con gà của bà!
Tôi đứng lặng người, gồng mình chịu chửi. Số là sáng nay trong lúc rủ mấy thằng bạn xách ná đi bắn chim, khi qua vườn bà xã Hội thấy có con gà nòi rất oai phong đang gù gù muốn vào đánh nhau với con gà trống tre trong hàng rào nhà bên cạnh, con bên trong cũng không vừa xù lông xù cánh vươn cổ gáy. Tôi khoái quá nói với tụi bạn:
 - Ê bây giờ mình cho hai con đá nhau coi con nào thắng.
 Thằng Trung can:
- Đừng! Đá lỡ có con chết thì sao?
 Tôi gạt đi:
 - Gà đá nhau mà chết cái gì, con nào thua tự nhiên lo chạy đi chứ.
 Tôi đến ôm con gà nòi liệng qua hàng rào, con này chưa chạm đất chú gà tre đã nhào tới.
 Gà tre tuy nhỏ hơn trự gà nòi nhưng rất hung dữ và ... có võ, nó nhảy lên ngậm mào con nòi rồi bung hai chân đá. Mới nhấp nháy con nòi đã bị rách hai ba đường trên cổ, máu nhỉ ra.
 Tôi thấy không ổn vội đi kiếm chỗ mở cửa rào, lúc ôm được con gà nòi ra tuy nó chưa chết nhưng đầu đã quẹo một bên. Cả bọn lo lắng lủi thủi rút về, lúc đi qua nhà thờ tôi thầm khấn cho con gà nòi yên lành . . .
 Chúa chắc không nhận lời tôi nên bà xã Hội mới đến đây chửi, càng lúc càng hăng:
- Vậy mà đi nghĩa binh, vậy mà con ông trùm ông trưởng, mày làm vậy không sợ xấu hổ bố mẹ mày à!
Thấy bà chửi lan cả đến bố mẹ tôi ấp úng:
 - Cháu thấy có con gà chạy lạc ngoài vườn, cháu tưởng nó sút chuồng nên bắt bỏ vào hàng rào ... cháu đâu biết nó đá nhau như vậy.
Bà cười khẩy:
- Mày nói vậy mà nghe được?
 Nhỏ đứng nghe nãy giờ (nhà Nhỏ nằm ngay cuối nhà thờ) xen vào nói bênh:
- Cháu thấy anh Tuấn có lòng tốt nhưng chỉ vì bỏ lộn chuồng.
 Bà già chỉ Nhỏ tru tréo:
- A con Trinh này. Mày cũng là đoàn trưởng đoàn phó Nghĩa Binh mà sao ăn nói ngu như bò. Mày có muốn bênh nó thì cũng phải nói cho có lý chứ. Nếu bỏ vào thấy hai con đánh nhau thì phải biết ngay là không cùng chuồng. Đây là cái thằng nghịch ngợm kia nó muốn coi hai con gà đá nhau mới ra nông nỗi.

Thấy bà già nói đúng nhỏ Trinh lủi thủi quay vào nhà, tôi cũng len lén rút êm. (Bà xã Hội không buông tha tôi dễ dàng, buổi tối bà mang một đĩa thịt gà đến biếu “ông trưởng” nhân tiện kể lý lịch đĩa thịt. Tôi bị gọi ra xin lỗi và ăn những roi đích đáng.).

Bài Diễn Văn Đầu Đời       

Chiều hôm đó chúng tôi vẫn quay nhìn nhau, lúc đầu mặt Nhỏ cau có chắc vì vụ gà chọi buổi sáng, nhưng dịu dần và cuối cùng mỉm cười.
Nhưng sang ngày thứ ba một trục trặc xẩy ra. Trong lúc tôi và Nhỏ đang nói chuyện bằng mắt, mơ màng trao đổi những ký hiệu êm đềm nhưng thật kỳ lạ, tình cờ tôi thấy mặt thằng Trung ngồi phía trước như đang lên cơn sốt, đỏ đến tận mang tai, mắt xưng lên, môi chẩu ra.

Tôi phân vân không rõ nguyên nhân cho đến khi đang cười với nhỏ, thấy mặt Trung quay lại nhìn tôi dúm dó phát tội. Ồ! Cu cậu đang buồn vì ghen chăng? (3). Điều này tôi không muốn, tôi với Trung chơi thân từ Cầu Đất, hai thằng bắt chước anh em Lưu Bị đã cùng với thằng Toản uống máu ăn thề, nguyện “sinh không cùng ngày nhưng sẽ chết cùng giờ”.

Từ trước đến nay hai thằng làm gì cũng có nhau, ban ngày đã đi với nhau đến đêm nhiều khi còn đến nhà nhau ngủ. Đã là bạn thiết không thể vì “nữ nhi thường tình” mà “anh hùng khí đoản” được. Tôi biết trước khi tôi về ở hẳn Phát Chi, Trung và nhỏ bà chằng cùng học, cùng sinh hoạt và cùng được khen.
Trong một xứ quê mùa như Phát Chi, hình ảnh đứa con gái xinh xắn, duyên dáng, nhanh nhẹn đứng điều khiển đám thiếu nhi hát đồng ca, dân ca quả thật dễ mến, ai mà không thích.  

Tôi quyết định từ lúc ấy thay vì nhìn sang phía con gái, tôi nhìn về phía phải, qua cửa kính nhà thờ. May cho tôi, phía ngoài cảnh đẹp mê hồn, bên kia đồi một cây thông già cao vòi vọi chơ vơ giữa trời, trên ngọn nhìn kỹ thấy có tổ quạ, hai con quạ đen bay lên bay xuống.
 Bỗng từ đâu xuất hiện hai con chim chèo bẻo (theo tiếng địa phương) nhào đến rượt đánh hai con quạ.

 Tuy lớn gấp đôi nhưng quạ ta bỏ chạy. Đánh đuổi một lúc chèo bẻo chán mới bay đi để quạ về lại tổ.
Nhưng một lúc lại thấy chèo bẻo vòng lại đánh . . . Diễn tiến này lập đi lập lại, tôi say mê theo dõi mãi đến khi trời mờ tối, bài giảng cũng vừa chấm dứt. Quay sang thấy mặt nhỏ Trinh xưng lên như cái bị, không cười cợt gì nữa, nhưng thây kệ.

 Vừa ra khỏi nhà thờ, Nhỏ chặn lại nơi cửa gắt gỏng hỏi:
 - Anh Tuấn đã viết bài tóm tắt soeur Triết giao cho chưa?
(Nhỏ gọi tôi bằng anh Tuấn nhưng không bao giờ xưng là gì). Ái chà! Vụ này tôi quên khuấy mất. Mới đây Soeur Triết giao cho tôi thêm nhiệm vụ thư ký đoàn, dịp này soeur muốn tôi ghi tóm tắt nội dung cha giảng phòng nói để làm tài liệu. Thấy mặt tôi ngệt ra Nhỏ trách:
 - Đã vậy mà không chịu ngồi nghe giảng!
 Tôi cãi:
- Sao lại không nghe, ngồi nghe từ chiều đến giờ.
Sợ mấy người trong giáo xứ để ý, Nhỏ chỉ tay:
- Vào nhà nói chuyện đi.

 Tôi cũng hay đến nhà Nhỏ, Nhỏ có hai người anh, người lớn lấy chị của Trung, người anh kế cỡ 17, 18 trong hội Thanh Niên Công Giáo rất thích chơi bóng chuyền, đội bóng của anh lại thường thiếu người nên hay rủ tôi nhập bọn. Tôi nhỏ nhưng đỡ banh cũng được. Thường chơi xong chúng tôi vào nhà nhỏ rửa tay trước khi đi chầu.
    Vừa vào đến nhà Nhỏ hỏi ngay:
- Anh cứ nhìn ra cửa sổ làm gì vậy?
 - À, bên ngoài đồi bên kia có cây thông cao vòi vọi, trên có tổ quạ . . .
Và tôi say sưa kể chuyện hai con chèo bẻo đến đánh quạ, tưởng Nhỏ thích lắm ai ngờ kể xong Nhỏ phán một câu:
- Không ngồi nghe giảng mà ngồi nhìn chim đánh nhau! Lúc nào cũng chỉ thích đánh nhau!
Điệu nói của Nhỏ cỡ mẹ tôi chứ không chỉ là chị, nếu trước đây chắc tôi giận lắm nhưng bữa đó vẫn đứng im. Nhỏ lại hỏi chận đầu:
 - Bài tóm tắt chắc chưa viết chữ nào?
Tôi lúng túng:
- Ờ! Quên.
Nhỏ lấy trong ngăn kéo ra quyển tập học trò, chữ viết nắn nót:
 - Về coi chép lại đi, mai soeur Triết hỏi mà không có không được đâu.
Tôi đọc lướt qua quyển tập, hai bài tóm tắt khá chi tiết, tôi mừng rỡ vớ lấy quyển tập ôm vào lòng.

Trên đường về tôi tự hỏi không biết sao Nhỏ hay vậy, mấy ngày qua hai đứa ngồi liếc nhau, bao nhiêu điều cha nói tôi đã quên gần hết.
Hôm sau tôi ôm quyển tập đến nhà Nhỏ gãi tai:
 - Tối qua về cũng chưa chép lại được, với lại thấy có chép cũng vậy.
 Chưa nói hết câu Nhỏ đã cắt ngang:
 - Biết ngay mà! Chỉ đoán thôi mà đúng phóc.À thì ra Nhỏ cũng đoán được tôi sẽ lười không chịu chép lại. Bà chằng này ghê thật chứ không phải chơi! Nhỏ hỏi tới:
 - Vậy còn bài giảng hôm qua thì sao? Phải viết vào chung một quyển tập chứ.
Tôi đành lại gãi đầu:
 - Thì phải cùng nét chữ nên viết luôn đi.
Nhỏ lừ mắt:
- Ngồi xuống đọc đi, chép cho, lẹ lên.
 Tuy một đứa đọc một đứa viết chúng tôi cũng tới trễ, đoàn đã tập họp. Hôm nay gần nửa đoàn chịu phép thêm sức do ĐC Từ về làm, ai cũng xúng xính trong chiếc áo trắng mới.
Tôi bắt gặp khuôn mặt thất thần của Trung y như hôm qua, tự thấy áy náy quá. Lúc tôi hiên ngang mang bài tóm tắt nộp soeur Triết lòng rất tự tin, nhưng vừa liếc quyển tập soeur đã nhăn mặt hỏi:
- Ai viết bài tóm tắt này đây? Tôi chột dạ, nguy rồi! Nhỏ Trinh đã là học trò cưng của soeur mấy năm dĩ nhiên chữ viết của Nhỏ soeur nhận ra ngay. May quá Nhỏ nhanh trí trả lời:
 - Dạ con thấy anh Tuấn viết gạch sửa nhiều quá nên chép lại cho rõ đó ạ.
 Soeur nhìn tôi cảnh cáo:
- Lần sau phải tự mình viết.

Tội ngiệp Nhỏ vì bênh tôi, hai ngày qua đã nói dối mấy lần! Cũng may hôm nay soeur bận rộn nên nói qua chuyện khác:
- Sau lễ khi vào phòng hội em sẽ bắt nhịp hát những bài này và em… Soeur chỉ tôi:
 - Em sẽ đại diện đọc lời tri ân Đức Cha, soeur đã soạn sẵn, nhớ đọc đi đọc lại đến khi gần thuộc mới được.
Lúc cầm mảnh giấy của soeur về chỗ, Nhỏ nhắc:
- Đọc trước mấy lần chứ lên đó mà vấp váp xấu hổ lắm đấy.”

 Sau “lễ thêm sức” cho thiếu nhi, cả trại kéo vào phòng hội đứng chật cứng. Nhỏ Trinh vỗ tay bắt nhịp cho Nghĩa Binh hát những bài quen thuôc nhưng đã được soeur Triết chế lời: - Vui là vui là vui - chúc mừng ông nội. Vui mừng khi thấy ông - tràn đấy ơn Chúa. Vui là vui là vui - cộng đoàn xum vầy...
(Soeur Triết thấy tôi gọi Đức Cha là ông nội cũng dễ thương nên cho Nghĩa Binh gọi theo, cuối cùng cả làng Phát Chi đều gọi ĐC Từ là . . ông nội.).

Đến khi soeur giới thiệu tôi nói lời cảm tạ, thấy tôi chưa móc giấy ra Nhỏ đứng bên nhắc: “Giấy đâu?”. Nhưng tôi lờ đi. Đợi mọi người im lặng tôi dõng dạc:
 - Kính thưa ông nội, hôm qua khi ngồi trong nhà thờ nhìn qua cửa sổ.
 Vì cố tình chọc soeur Triết, tôi liếc thấy lông mày soeur nhăn tít lại. Tôi chậm rãi tiếp:
 - Con thấy một cây thông cổ thụ cao vòi vọi đứng chơ vơ giữa rừng.
Mặt soeur càng nhăn hơn, Nhỏ cào cào vào tay.
- ..trên ngọn cây cổ thụ con thấy một tổ quạ, có hai con quạ đen bay lên bay xuống.
Đến đây có tiếng xì xầm nổi lên, chắc có người sợ tôi nói bậy, tôi chẳng từng nổi tiếng nghịch phá là gì. Liếc s ang bên thấy mặt Nhỏ trắng bệch, chắc Nhỏ sợ tôi sắp kể chuyện mấy con chim đánh nhau!Tôi mỉm cười nói tiếp:
 - Hình ảnh đó làm con liên tưởng đến ông nội…!
 Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Tôi thấy bố tủm tỉm cười, tôi thừa hưởng ở bố tính khá tự tin khi nói trước đám đông… Nhỏ sau đó vui hẳn ra, lăng xăng chạy tới chạy lui.        

Cô Bé Đáng Thương

    Sau đó vài tuần, trong giáo xứ bỗng nổi lên một tin đồi quái ác: Con Dâng mới nứt mắt ra đã trai gái với thằng Tuấn! Hai đứa dẫn nhau lên mãi nhà máy trà tằng tịu để nhiều người bắt gặp.

Có người còn vào nói với soeur Triết xin đuổi hai đứa “tội lỗi” này ra khỏi Nghĩa Binh để tránh làm “gương mù gương xấu”.  
Soeur Triết cho gọi tôi, Trung, nhỏ Trinh, bé Dâng vào gặp. Hai đứa con gái đã khóc xưng mắt, mặt tôi cũng tái đi vì tức, Trung ngồi thừ ra như kẻ mất hồn.
Trong một giáo xứ nhỏ hẻo lánh, người ta không những biết tên nhau mà còn biết cả đến tên những ... con chó của nhau, mọi điều nhỏ nhặt đều được truyền đi, rồi một đồn thành mười, nhiều khi rất vô lý bậy bạ.

  Bé Dâng con chú Đản, hai năm trước di chuyển từ Trại Hầm về đây. Chú Đản cũng gốc Bùi Chu nên bố nói chúng tôi gọi bằng chú. Chú rất siêng năng, từ sáng tới tối chú lụi cụi phá rừng trồng rau.
 Vì mê công tiếc việc chú làm nhà mãi tận cuối khu V để xuống vườn cho tiện. Vườn của chú phá hình như nằm trên con đường hằng năm đàn voi vẫn đi qua (Phát Chi thời đó còn rất hoang dã). Một buổi sáng chú dậy đi lễ 5 giờ bỗng nghe tiếng đàn voi lục đục dưới suối, chú sợ voi phá vườn mình và nguy hiểm đến thím Đản, bé Dâng còn đang ngủ trong nhà nên chú gõ phèng la, đốt lửa để mong đuổi voi, ai ngờ một con voi nghe tiếng động chạy đến vật chú chết ngắc! 

Cái chết của chú quá thảm thương, bố vừa lo ma chay cho chú vừa dời nhà mẹ con bé Dâng về trong khu nhà tôi.
Vài tháng đầu sau ngày chú chết mẹ con thím Đản thường ngủ ở nhà tôi chứ không dám về nhà tuy cách có vài bước, đêm nào thím cũng nói thấy chú về người đầy máu, ngực bị dẵm nát (4).

Bé Dâng vừa bằng tuổi tôi, người bụ bẫm, hiền lành i chang bé Nga. Nhiều hôm bất chợt thấy nó đứng khóc một mình tôi thấy tội quá, phải vội quay đi chỗ khác để tránh khóc theo.Tình trạng buồn thảm của nó kéo dài cả năm.
Một hôm vừa đi học về bé Dâng đón tôi khoe:
 - Anh Tuấn ơi, em mới kiếm được việc làm rồi. Vậy là em có thể giúp được mẹ em.
Tôi ngỡ ngàng: “Sao không đi học mà phải đi làm? Mà làm cái gì?
Dâng kéo tôi ngồi xuống bậc cửa buồn rầu nói:
 - Mẹ đi hái trà nhưng từ ngày mẹ bị té có bữa đi được bữa không. Nhiều bữa em biết mẹ đau nhưng ráng đi, mẹ cũng không hái được bao nhiêu .
 Nói đến đây nó sụt sùi khóc. Tôi chỉ biết thở dài, nhà tôi cũng chỉ đủ ăn không giúp gì được. Dâng ngẹn ngào nói tiếp:
 - Lúc đầu mẹ không muốn em bỏ học (Dâng học Đệ Thất), nhưng nhà em nghèo quá mãi rồi mẹ cũng đồng ý và đi xin cho em chân lượm trà trên nhà máy.
 Tôi tò mò:
 - Lượm trà là làm gì? Sao trà lại phải lượm?
Dâng giải thích:
- Bữa nay em mới lên làm thử. Cũng dễ lắm anh, trà xấy rồi chạy ra có mấy chục người ngồi lượm… Hay anh muốn biết bữa nào lên nhà máy em chỉ cho. 

  Từ ngày bé Dâng đi làm thấy nó tươi tỉnh hẳn ra, bữa đó tôi quyết định lên coi thử nó làm gì. Đường từ Phát Chi lên nhà máy trà tuy gần hơn Cầu Đất nhưng cũng cỡ hai cây số.
Đến gần nhà máy tôi thấy có những ống khói khổng lồ của những máy sấy trà vươn lên trời, chỗ bé Dâng làm là nơi trà đã được sấy chín chạy ra. Mấy chục người toàn là đàn bà con gái phần lớn còn rất trẻ, ngồi hai bên tấm vỉ sắt đựng trà, chiếc vỉ tiếp tục chạy chầm chậm, người hai bên đưa tay thoăn thoắt lượm những cọng trà lớn bỏ qua một bên.
Thấy tôi tới đứng sớ rớ, ông cai hất hàm nói:
 - Mày con trai không làm việc này được đâu.
Tôi lễ phép đáp:
- Dạ cháu đến chờ em cháu.”. Bé Dâng thấy tôi mắt sáng lên, giọng reo vui:
- Anh chờ em nghe, sắp đến giờ nghỉ trưa rồi.

Giờ trưa tôi và Dâng kéo nhau ra ngồi dưới một gốc vông (loại cây trồng để có bóng mát cho cây trà), cô kéo cà mên cơm ra mời:
- Anh ăn với em đi.
Tôi nhìn vào khay cơm chỉ thấy chút cơm hẩm, lèo tèo vài con tép còn cả đầu. Dâng kéo mấy củ khoai trong bọc ra nói:
 - Anh ăn cơm đi, em ăn mấy củ khoai này đã.
Trong lúc ăn cô giải thích:
- Trà đi qua phên, tụi em nhặt ra những loại trà rác, chỉ để lại loại trà đen số một. Loại này chỉ có đọt và ba lá con, sau khi sấy nó rút lại chỉ lớn hơn cây tăm chút xíu. Những loại có lẫn lá phía dưới tụi em lựa ra thành loại hai loại ba. Loại chỉ có lá xấu nhất là loại trà bồm bỏ ra làm phân.
Trong khi mải nói chuyện tôi vô ý chén hết khay cơm của Dâng, nhưng bé vui vẻ nói:
 - Em ăn mấy củ khoai đã no lắm rồi.

 Tôi nghiệp bé Dâng quá, nhà tôi nghèo nhưng tôi chưa từng phải ăn loại gạo hẩm này. Giờ đây tôi mới biết vì sao Dâng đi lễ với chiếc áo dài rách khuỷu tay.
Hôm đó Nhỏ chặn bé Dâng lại cảnh cáo:
- Lần sau đi lễ mặc áo rách không được ngồi chỗ Nghĩa Binh, phải ngồi bên dưới.
Bữa đó mặt bé Dâng thật buồn . . .
    Việc đau buồn của gia đình bé Dâng (bố bị voi vật) soeur Triết đã biết nhưng chuyện Dâng phải đi làm bây giờ soeur mới hay, nghe tôi kể vì đến chỗ Dâng làm đã tạo nên những tin đồn bậy bạ, soeur thở dài:
 - Tại sao ở giáo xứ này chuyện gì cũng có thể dựng đứng lên như vậy?
Soeur cầm tay Dâng an ủi:
- Xin Chúa ban ơn lành và sức mạnh cho em…cô bé đáng thương.

Chú Chó Bất Hạnh

  Xứ Phát Chi thời đó nhà nào cũng trồng rau ngoại trừ nhà tôi trồng hoa. Việc trồng hoa của bố nhờ vào ông xã trưởng Xuân Trường, ông nói:
- Dân Trường Sơn chúng tôi trồng hoa chớ không trồng rau cực khổ như các ông. Chúng tôi sống được nhờ có giống hoa quý. Không bao giờ chúng tôi mang giống glaieul, tulip, lis của chúng tôi ra ngoài Trường Sơn nhưng vì quý ông tôi biếu ông một ít giống về trồng.

Ông cười nói tiếp:
 - Không lẽ ông trưởng ấp mà cứ phải leo lên trạm gác sở trà hay gánh cả trăm thùng nước tưới rau!
(Bố làm trưởng ấp được cấp cái xe đạp, một máy đánh chữ và vài trăm bạc – chưa đủ đóng tiền học cho tôi). Nhờ lòng tốt của ông xã trưởng tôi không vất vả như những đứa bạn, bằng tuổi tôi đứa nào sau buổi học cũng phải xuống vườn phụ bố mẹ, tưới rau, bón phân, xịt thuốc sâu.

Nhà tụi nó làm cả mấy trăm luống rau, mỗi mùa cắt cả tấn bán, nhà tôi vỏn vẹn chỉ có mấy chục luống hoa. Nhìn tới nhìn lui trong trại tôi thấy chỉ có hai đứa cứ nhong nhỏng, ít khi phải làm gì là tôi và . . . nhỏ Trinh!

Hôm đó mẹ nhờ tôi tưới cho mấy luống hoa vì bà bận làm cơm khách. Không biết sao hồi đó tôi lười ơi là lười.
 Tôi vâng dạ rồi lấy thùng tưới sơ sơ vừa đi vừa chạy, làm sao để mẹ nhìn từ trong nhà ra thấy đất đã đen đen nghĩ là tôi tưới rồi, thực sự đất bên trong còn khô nguyên. Bữa đó Nhỏ đang chơi bên nhà bé Dâng (sau ngày vào gặp soeur Triết, Nhỏ rất thân với Dâng) thấy tôi tưới nước kiểu đó Nhỏ đứng chống nạnh mỉa mai:
 - Gớm quý tử được việc ghê!
Tôi cứ lờ đi ôm quyển Anh Hùng Xạ Điêu ra gốc đào ngồi đọc. Hai chị em thấy nói gì với nhau rồi nghe loảng xoảng, thì ra hai nàng xách thùng ra tưới lại mấy luống hoa. Tôi khoái quá nhưng vẫn đang mê đọc truyện nên làm bộ không thấy.

 Tưới xong Nhỏ đến trước mặt tôi, trán lấm mồ hôi hất hàm nói với con chó tên Quít đang nằm gác mõm lên chân tôi:
- Ê Quít! Sao mà lười quá vậy hả? Tối ngày cứ nhong nhỏng đi chơi rồi nằm ườn ra đọc chuyện!
Đến lúc tôi phải lên tiếng, vuốt đầu con Quít tôi nói:
 - Con Quít nãy giờ cám ơn từ trong bụng cám ơn ra rồi còn gì.

   Quít là con của Lisa, chú An cho tôi năm tôi đậu tiểu học. Lúc mới về nó mới có 2 tháng và tên Lê-Ôn chỉ nhỏ bằng nửa con chó nhà đang có tên Cam.
Về nhà tôi nó được đổi tên thành Quít cho hợp với con kia. Quít giống bẹc-dê nên rất mau lớn, chỉ vài tháng sau nó lớn vượt con Cam và cuối cùng lớn gấp đôi con này, có lẽ còn lớn hơn Lisa vì nó là chó đực. Không những Quít khỏe nó còn nhanh và rất khôn.

   Hình như vùng Yên Mô tỉnh Ninh Bình ngoài Bắc cũng có rừng nên dân Phát Chi rất thích tổ chức đi săn.
 Mỗi lần săn họ cử bốn năm người đi trước mắc lưới ở một phía, từ phía kia mấy chục người và chó lùa ngược lại. Tuy ít khi bắt được nai nhưng lần nào cũng có mấy con “hoãng”, “đỏ”, “cheo cheo” những loại này nhìn cũng giống như nai nhưng nhỏ cỡ con dê.

Mỗi lần được đi săn Quít mừng lắm, đến bìa rừng hai chân trước cào cào chờ đợi, tôi vừa hô: “Xịt! Xịt!..Hậy! Hậy!”là nó phóng đi như một mũi tên.
Ra đồng hoang nó luôn dẫn đầu, có điều Quít không kỷ luật bằng những con chó săn chuyên nghiệp kia, đang dẫn đầu có khi Quít chạy ngược lại, thì ra nó đang rượt theo con thỏ, con sóc, con nhím, chỉ sau vài cái nhảy Quít tớp được con mồi, nó cắn chết tha đến để dưới chân tôi rồi chạy tiếp, chỉ một thoáng lại thấy Quít dẫn đầu đoàn chó.

Mỗi lần đi săn như vậy lúc về được chia phần, người hai phần chó một phần nhưng riêng Quít người ta chia phần nó bằng người.
Tôi khoái dẫn Quít chạy nhong nhong từ đầu trại đến cuối trại, liên tưởng đến hình ảnh Tặc Dăng chạy với con báo gấm, đi đến đâu chó hai bên đường sủa “ngâu, ngâu” điếc tai đến đó nhưng không con nào dám thò mặt ra, lúc đó nếu tôi “Xịt! Xịt” vài tiếng Quít sẽ nhào đến cắn con kia chết liền, chuyện này đã xẩy ra, may mà chủ chó nạn nhân không bắt thường vì ông là … ấp phó.

   Bữa đó đang sinh hoạt Nghĩa Binh, Tùng (lúc đó lên 5, thua tôi 8 tuổi) hốt hoảng chạy vào la:
- Anh Tuấn! Con Quít bị xe cán gần chết rồi.

 Tôi hốt hoảng chạy về, thằng Trung vất sách chạy theo, bé Dâng nắm tay Nhỏ lót tót chạy sau cùng. Về đến nhà thấy Quít đang nằm trong bao bố, vì quá dài hai chân sau và đuôi vẫn lòi ra ngoài.

Tôi kéo bao bố ra thấy miệng Quít trào đầy máu và bọt rãi, mắt lạc thần trắng dã, tôi nhào đến ôm đầu nó gọi: “Quít! Quít!”
Tuy sắp chết Quít không cất đầu lên được nữa nhưng đuôi nó vẫy lia lịa. Nhìn cảnh tượng đó đám con nít chúng tôi òa khóc.

 Mẹ cũng mếu máo kể:
 - Mẹ đi chợ Cầu Đất nó đòi đi theo, mẹ không chịu đã đuổi nó về mấy lần, nó cứ đợi mẹ đi xa xa rồi lại chạy theo. Ra đến đường cái nó đang bên kia đường, thấy có xe tải đến nó chạy ngược về hướng mẹ nên bị cán. Người tài xế xe tải bỏ nó vào bao bố và chở mẹ với nó về nhà…

Tôi vẫn ôm khư khư con Quít, mấy người thanh niên đến nói với bố:
- Ông trưởng cho mang đi cắt tiết thôi, sợ lát nữa chó chết tiết không còn đỏ, món tiết canh sẽ không còn ngon.
Tôi la lên:
- Không! Không cắt tiết chó tôi.

 Hôm đó anh Hãn từ Giáo Hoàng Học Viện về nhà chơi, tôi năn nỉ:
- Anh xức dầu cho Quít đi anh.
Anh lúng túng: “Chó không ... xức dầu”, nhưng thấy tôi năn nỉ quá ông đưa tay làm dấu lẩm bẩm mấy câu không ai nghe rõ.

 Sau khi người ta mang chó đi, tôi và Trung dẫn nhau ra ngồi dưới gốc đào sụt sùi, mới hôm qua hai thằng còn vật nhau với Quít trên đồi thông. Nhỏ cũng nắm tay bé Dâng đứng gần đó, nước mắt lưng tròng.
Từ đó tôi không dám đụng đến món thịt chó, sau này mỗi lần gắp miếng thịt cày tôi lại nhớ đến hình ảnh con Quít hấp hối, ăn không còn thấy ngon.    

  -----------------------------
(1)    Thời tự trị ĐC Từ thuộc Phát Diệm, ĐC Chi thuộc Bùi Chu
(2)    Cha cố Thạc giữ lời hứa, một lần đưa tôi xuống Châu Sơn. Tôi không bao giờ quên hình ảnh cả trăm giọng nam trầm trầm cùng hát “Kinh Thương Xót” bằng Latin: “Kýrie eléison”, giữa rừng núi hoang vu, mặt trời đỏ đang lặn sau những chùm tigôn cũng mầu đỏ rực. Tuy lòng lâng lâng nhưng tôi nói với cha: “Con mà vào dòng này chắc chỉ chịu được một ngày rồi trốn về.”.   
(3)    Xin lỗi Trung, nếu mày có tình cờ đọc những chữ này vì lúc đó tao nghĩ vậy.
(4)    Truyền thuyết cho rằng khi con voi giết người oan hồn người đó bắt con voi phải luẩn quẩn nơi hiện trường. Con voi này sau vài tuần bị bắn hạ ngay trong vườn chú Đản.