Kể từ khi sáng chế khoảng 1947, nhiều giai thoại và huyền thoại được kể về khẩu súng này.
Ông Mikhail Kalashnikov cầm khẩu súng do ông thiết kế.
Đọc tuần báo Time số cuối năm, tôi khá ấn tượng về lời ai điếu người cha đẻ ra khẩu súng trường AK-47 của Liên xô, một vũ khí cá nhân có độ sát thương cao và đã xuất xưởng trên 100 triệu khẩu kể từ ngày có bằng sáng chế nhãn hiệu này mang chính tên ông.
Bản tin đăng trên chuyên mục dành cho các danh nhân thế giới đủ mọi lãnh vực vừa qua đời mà thân thế và sự nghiệp của họ có ảnh hưởng cả tốt (lẫn xấu) đến số phận nhiều người thậm chí chuyển đổi cả thế giới. Mới đây nhất, Võ Nguyên Giáp của Việt nam được vinh danh như ‘viên tướng chưa hề chiến bại’ nhưng cũng chỉ chiếm một khung nhỏ trong toàn chuyên mục chỉ có một trang.
Ấy vậy mà người cha đẻ AK-47 lại được trang trọng nhắc đến vừa có hình ảnh đính kèm vừa có phần tiểu sử ‘hoành tráng’ chiếm cả nửa trang, được ghi danh như ‘Người của chiến trận’ (Man of war) dù ông chỉ là một thượng tướng của Liên xô không có công trạng gì lớn, nhưng đưa đẩy thế nào lại tạo kiểu được khẩu súng trường tự động độc đáo mà trong cuốn hồi ký mới đây nhất đã lấy tựa đề ‘AK-47 làm chuyển đổi thế giới’, cuốn sách được kể như best-seller trên thị trường sách. Tôi đang tìm đọc cuốn này.
Vậy cha đẻ AK-47, ông là ai? Cứ theo dòng tiểu sử thì Mikhail Kalashnikov là một chiến sĩ tăng (thiết giáp) của Hồng quân Liên xô thời Đại chiến thứ hai, thấy đồng đội của mình là những người lính bộ binh được trang bị bởi vũ khí cá nhân quá nghèo nàn về hỏa lực, khiến cuộc chiến tranh vệ quốc tổn thất gần 20 triệu, nên nhờ có khiếu về cơ khí và tham khảo thêm sách vở, ông mày mò thế nào mà tạo ra được khẩu súng trường vừa ngắn vừa nhẹ có băng đạn cong với độ sát thương cao, vừa dễ xử dụng và bảo toàn trong chiến trận. Với tâm niệm khi chế tạo loại vũ khí sát thương này, ông chỉ muốn đồng đội ông xử dụng nó như một khí tài nhằm ‘bảo vệ đất mẹ’, nhưng không ngờ hiệu quả của nó đã nhanh chóng trở thành loại vũ khí cá nhân được phổ biến nhất trong các cuộc chiến tranh hậu bán thế kỷ 20!
Ngày nay AK-47 không còn là danh xưng của một khẩu súng, mà trở thành công cụ đồng hành với các phong trào tự phát của dân quân, của các cuộc nổi dậy, từ châu Á, châu Phi, trải dài qua châu Mỹ La-tinh, từ Việt nam đến Nicaragua, từ rừng già Mã lai đến sa mạc Trung Đông, AK-47 đã dính liền với các cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh du kích, chiến tranh phá hoại, chiến tranh khủng bố, chưa kể khởi đầu nó lại được trang bị cho lính Nga trong cuộc đàn áp cuộc nổi dậy tại Hungary năm 1956, rồi binh sĩ của lực lượng khối Warsaw của Đông Âu, rồi gậy ông đập lưng ông, lại được chính nhóm majahadin của A-phú-hãn xử dụng nó để chống sự có mặt của Nga trên đất nước này buộc Liên xô phải rút quân hồi thập niên ’80.
Nhưng theo sự đánh giá của các nhà vũ khí học thì khi AK-47 rơi vào tay các lực lượng vũ trang của Cộng sản Bắc Việt mà người ta quen gọi là Việt Cộng trong chiến tranh Việt nam khởi đi từ giữa thập niên ‘60 thì AK trở thành vũ khí cá nhân được ‘ưa chuộng’ nhất. Chẳng vậy mà thủ tướng của Do Thái Sharon trong suốt 60 năm lúc nào cũng có khẩu AK và cái xẻng cá nhân trong thùng xe, ông còn trân trọng gọi nguyên chữ ‘khẩu Kalashnikov của tôi’. Mandela người yêu hoà bình và công lý khi phải quay sang chiến tranh phá hoại đã phải nhờ các đồng chí cộng sản bài học quân sự đầu đời, cách xử dụng…AK. Từ khi có chiến tranh khủng bố thì hình ảnh được tung trên mạng là ông trùm bin Laden đang bắn AK ở một xạ trường huấn luyện cho các đàn em và khi nơi ở bị lính Mỹ đột nhập, phản ứng đầu tiên của bà vợ là với tay lấy khẩu AK treo đầu giường thảy cho ông, nhưng số phần đứt đoạn nên ông trùm không xử dụng kịp.
Kể từ khi sáng chế khoảng 1947, nhiều giai thoại và huyền thoại được kể về khẩu súng này. Không nói đâu xa, chỉ ở quê mình, AK một thời đồng nghĩa với Việt Cộng. Các lính miền Nam khi báo cáo tổn thất hay dùng ‘phía ta’ và ‘phía AK’. Cũng chẳng dấu diếm lính Cộng hòa có phần ‘ghen tị’ khi bộ đội miền Bắc được trang bị vũ khí cá nhân vừa tiện dụng lại tối tân từ khối Liên xô, trong khi Mỹ chỉ chiụ trang bị cho mình khẩu M1 vừa dài hỏa lực lại yếu hơn, cho nên các sử gia sau này khi đánh giá cuộc chiến đã nhận xét về mặt hỏa lực không phải B 52 mà thực sự ‘khẩu AK làm chuyển đổi chiến tranh Việt nam’!
Sau chiến tranh, chúng tôi nhớ một giai thoại vui hồi đi tù cải tạo tai miền Bắc. Trong một đêm thanh vắng tại một trại giam vùng Trung du Vĩnh Phú, có tiếng kêu thất thanh từ một tù nhân, ‘cán bộ ơi!cứu tôi với!’. Hỏi ra mới biết anh ta đau sạn thận. Viên cán bộ đi tuần cũng chẳng biết làm gì hơn. Cấp cứu chưa thấy, rên rỉ một hồi, không chịu nổi, anh ta đánh bạo ‘xin cán bộ cho tôi một viên…AK’. Tất nhiên chuyện nghe như đùa nhưng có thật. Nay sang đến Mỹ, cựu đại úy Dũng vẫn được anh em gọi theo cái tên ‘Dũng AK’ sau lần sống sót nhờ chữa mẹo mà đái ra được một viên sỏi thận.
Trở lại chuyện cha đẻ AK, bản thân Mikhail Kalashnikov vốn là một chiến sĩ thuần thành, về hưu với quân hàm thượng tướng và danh hiệu Anh hùng lao động ở tuổi 70, Trùng hợp với thời điểm Liên xô tan rã, từ một người vô thần, ông quay về với những giá trị tinh thần và tâm linh của một người nông dân gốc Nga (cha ông cũng là một nông dân và tín đồ ngoan đạo của đạo Chính thống Orthodox Nga). Ông đâm ra trăn trở về việc sáng chế ra khẩu AK mà lúc đầu chỉ nhằm mục đích tự vệ, nay trở thành vũ khí tấn công và hệ lụy là nhiều số phận đã phải tử vong trong nhiều cuộc chiến tranh dù các phe hữu quan có nhân danh là gì đi nữa.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông không hài lòng với hình ảnh bin Laden khi trùm khủng bố cầm khẩu AK được chiếu đi chiếu lại trên màn hình thế giới. Ông rất ghét những kẻ dùng AK để trang bị cho những đạo quân dấu mặt, cho mục tiêu phi đạo đức, cho thú chơi vũ khí của những kẻ vô trách nhiệm, cho các kẻ tâm thần, vô cảm đã xả AK vào các trường học, các trạm xe bus, các rạp hát, các nhà thờ…mà sau khi ông mất, bài aì điếu trên tờ Time phải than thở ‘ngày nay không nơi nào trên thế giới nằm ngoài tầm họng súng của Kalishnakov’!
Giai thoại mới nhất qua sự kiện thời sự ở Ukraina, tên ông lại được nhắc đến từ thủ tướng Nga, phụ tá cho Putin khi ông này hậm hực gán cho lãnh đạo phe nổi dậy được hậu thuẫn bởi ‘bọn người mang súng Kalishnakov đeo mặt nạ đen’ nhằm ám chỉ lực lượng đứng đàng sau phe thân Tây phương.
Mấy năm trước ngày ông mất, theo thói quen của người già thường lo cho ‘phần hồn’, ông có gởi cho Giáo chủ đạo Chính thống Nga một lá thư, nội dung có chỗ ông cảm thấy có trách nhiệm và là người ‘có tội’ khi sáng chế ra khẩu AK giết đi biết bao sinh mạng, vậy nếu chết đi ông có được lên thiên đàng không? Trước câu hỏi của một con chiên ngoan đạo, vị Giáo chủ không trực tiếp giải đáp (vì chuyện thiên đàng là chuyện của Chúa chẳng phải do người), chỉ ca ngợi ông có thiện ý khi làm việc này vì tinh thần yêu nước nhằm bảo vệ Tổ Quốc.
Phước thay là ông vẫn ngủ ngon, lạc quan, sống lâu, chết êm và thanh thản xa trần gian một đêm trước ngày Chúa giáng sinh ở tuổi 94.